Doanh nghiệp vận tải tăng giá vé xe khách dịp Tết

Thứ Bảy, 27/01/2024, 07:37

Chiều 26/1, thông tin từ Công ty cổ phần quản lý bến xe Hà Nội cho biết, cho đến thời điểm này, đơn vị đã nhận được một số thông báo tăng giá vé xe dịp Tết Nguyên đán của doanh nghiệp vận tải gửi tới. Giá vé tăng thêm từ 17%-67%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá vé xe cũng đã được thông báo tăng trên nhiều tuyến.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, vận tải đường bộ bằng xe tuyến, xe khách cố định dự kiến sẽ đón lượng khách tăng cao so với thời điểm trong năm. Do đó, để chuẩn bị phục vụ hành khách dịp cao điểm, thời điểm này, các bến xe, nhà xe đã sẵn sàng phương án chủ động phục vụ khách. Trao đổi nhanh với phóng viên, lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, lượt khách bình quân dịp Tết tăng khoảng 200% so với ngày thường. Dịp cao điểm, có thể tăng nhiều hơn. Do đó, lượt xe ra vào bến trong thời điểm Tết cũng vì thế tăng, chủ yếu ở các tuyến như Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… Trước nhu cầu người dân tăng cao, một số doanh nghiệp đã thông báo tăng giá vé.

4-0.jpg -0
Nhiều doanh nghiệp tăng giá vé xe khách từ 17%-67% dịp Tết 2024.

Tại Bến xe Mỹ Đình thì Công ty TNHH Xưởng Anh chạy tuyến Hà Nội-Cao Bằng sẽ tăng giá vé xe khách thêm 67%, từ 60.000đ lên 100.000đ/ vé/ khách/ chiều. Hợp tác xã Hợp Thành chạy xe giường nằm tuyến Hà Nội-Cao Bằng cũng tăng giá từ 200.000đ lên 300.000đ (50%) với xe giường nằm không phân phòng. Cùng tuyến này, với xe loại 22 giường có chia phòng thì giá tăng từ 300.000đ lên 350.000đ (tăng 17%).

Tại Bến xe Giáp Bát, cũng có tới 4 đơn vị thông báo tăng giá trên 5 tuyến khách dịp Tết. Cụ thể, Hợp tác xã vận tải Đồng Tâm chạy tuyến Hà Nội-Hà Nam và ngược lại đã tăng giá từ 50.000đ lên 80.000đ (tăng 60%); Với tuyến Hà Nội-Ninh Bình tăng từ 50.000đ lên 70.000đ (40%).  Công ty TNHH TM&DVVT Anh Nguyên chạy tuyến Hà Nội-Nho Quan (Ninh Bình) sẽ tăng giá vé từ  79.000đ lên 103.000đ (tương đương 30,38%). Công ty TNHH TM&DVVT Hoàng Phương chạy tuyến Hà Nội-Quan Hoà sẽ nâng giá từ 166.909đ lên 196.364đ (tương đương 17,65%).

Bên cạnh đó, ở Bến xe Nước Ngầm, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết: "Chúng tôi chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải nào đăng ký tăng giá vé xe dịp Tết Nguyên đán 2024". Tuy nhiên, theo ông Lập, từ nay đến Tết Giáp Thìn 2024, các chuyến xe bắt đầu nhận đặt chỗ, các hành khách bắt đầu đặt trước chỗ di chuyển dịp cận Tết Nguyên đán 2024. "Chúng tôi cũng chuẩn bị gần 100 xe tăng cường cho các tuyến có nhu cầu cao để sẵn sàng phục vụ hành khách dịp Tết, với phương châm, không để ai phải ở lại bến xe vào ngày cuối cùng của năm", ông Lập cho hay.

Không chỉ ở ngoài Bắc, tại phía Nam, nhiều nhà xe cũng đã nêu rõ quan điểm tăng giá vé dịp Tết. Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Bến xe miền Đông cho hay: Tết Nguyên đán, Bến xe Miền Đông dự kiến phục vụ trong 20 ngày (10 ngày trước Tết và 10 ngày sau Tết. Cụ thể, từ ngày 21 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày Mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức từ ngày 31/1/2024 đến hết ngày 19/2/2024). Tuy thời gian nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp (Dương lịch vào ngày 8/2/2024). Nhưng theo tập quán, người dân thường có nhu cầu về quê sum họp gia đình trong dịp Tết Nguyên đán sớm hơn so với ngày nghỉ theo quy định. Do vậy, Bến xe Miền Đông dự báo lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng vào ngày 23, 24, 25, 26, 27 và 28 tháng Chạp (Dương lịch là các ngày 2/2/2024 đến ngày 7/2/2024).

Trên cơ sở phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và tình hình hành khách đi lại hiện nay, Bến xe miền Đông dự báo sản lượng hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 lượng xe tăng khoảng 10% và lượng khách tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2023. Liên quan đến kế hoạch bán vé và giá vé phục vụ hành khách, đến nay Bến xe miền Đông đã tiếp nhận 13/75 đơn vị kê khai tăng giá cước.

Cụ thể, các tuyến thuộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai điều chỉnh giá cước tăng không quá 40% từ ngày 16/12 đến hết ngày 18/12 âm lịch (Dương lịch từ ngày 26/1/2024 đến hết ngày 28/1/2024); điều chỉnh giá cước tăng không quá 60% từ ngày 19/12 đến hết ngày 3/1 (Mùng 3 Tết) âm lịch (Dương lịch từ ngày 29/1/2024 đến ngày 12/2/2024). Với các tuyến thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông điều chỉnh giá cước không quá 40% từ ngày 19/12 đến hết ngày 22/12 âm lịch (Dương lịch từ ngày 29/1/2024 đến hết ngày 1/2/2024); và điều chỉnh giá cước không quá 60% từ ngày 23/12 đến hết ngày 4/1 (Mùng 4 Tết) âm lịch (Dương lịch từ ngày 2/2/2024 đến ngày 13/2/2024).

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh giá cước không quá 40% từ ngày 25/12 đến hết ngày 6/1 (mùng 6 Tết) âm lịch (Dương lịch từ ngày 4/2/2024 đến hết ngày 15/2/2024).

4-1.jpg -0
Nhiều doanh nghiệp tăng giá vé xe khách từ 17%-67% dịp Tết 2024.

Trước việc tăng giá vé từ phía doanh nghiệp, không ít người dân đặt câu hỏi liệu họ có làm sai quy định? Theo tìm hiểu của phóng viên, tại  Khoản 12 Điều 3 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/05/2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ: "Quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển".

Còn tại Khoản 5 Điều 14 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách: "Quyết định giá cước vận tải đối với hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị". Theo quy định này, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách được quyền quyết định giá vé xe (giá cước vận tải) của đơn vị mình, bao gồm việc quyết định tăng, giảm giá vé xe vào dịp Tết 2024. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải tuân thủ quy định về niêm yết thông tin giá vé theo quy định của pháp luật.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải về xử lý vi phạm

Nhiều kiến nghị về xử lý vi phạm thông qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình và xử lý phạt nguội vừa được Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh kiến nghị đến Bộ GTVT, Cục đường bộ và Sở GTVT TP Hồ Chí Minh gỡ khó.

Hiệp hội này cho rằng theo quy định Điều 22, Nghị định 10/2020, khi trích xuất dữ liệu giám sát hành trình của phương tiện trong 1 tháng cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy, phương tiện sẽ bị thu hồi phù hiệu, không thể hoạt động, trong khi đối tượng thực hiện hành vi là tài xế thì không có chế tài xử lý nào. Chưa kể, biên bản xử lý thường gửi về trễ sau 2-3 tháng, tài xế đã nghỉ việc khiến doanh nghiệp không thể xử lý và phải chịu phạt thay cho tài xế. Hiện nay chưa có hệ thống tra cứu tổng hợp các vi phạm liên quan đến giao thông đường bộ, như về phù hiệu, giấy phép lái xe, xử lý phạt nguội qua hình ảnh dẫn đến thông tin về xử phạt gửi rời rạc nhiều hình thức, doanh nghiệp không kịp thời tiếp nhận và đối chiếu.

Ngoài ra, khi tra cứu về tình trạng phù hiệu phương tiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT, có doanh nghiệp phản ánh trạng thái phù hiệu hiển thị "bị thu hồi" hàng chục chiếc nhưng không cập nhật bị vi phạm lỗi gì, quyết định thu hồi nào, ngày thu hồi… Từ những bất cập trên, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh kiến nghị xử lý vi phạm đúng người, đúng việc. Đối với tài xế thực hiện hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm nhằm răn đe, cảnh báo. Nếu có xử lý doanh nghiệp vận tải thì chỉ nên xử phạt vi phạm hành chính vì lý do không quản lý tốt tài xế của đơn vị.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ GTVT xem xét thời gian tổng hợp dữ liệu vi phạm và gửi thông báo xử phạt từ cơ quan có thẩm quyền xử phạt đến doanh nghiệp cũng như cập nhật dữ liệu phạt nguội lên các trang web tra cứu, theo chu kỳ trả lương là 15 ngày hoặc chậm nhất 30 ngày kể từ ngày xảy ra vi phạm. Nếu quá thời hạn trên, kiến nghị vô hiệu quyết định xử phạt. Song song đó kiến nghị tăng tính năng, hiện đại hóa các website tra cứu vi phạm, phát hành phần mềm tra cứu tổng hợp các hành vi vi phạm hoặc có cách gửi dữ liệu vi phạm và quyết định xử phạt hành chính kịp thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo dõi, kịp thời cảnh báo tài xế vi phạm.

***

Các bến xe ở địa bàn có đông công nhân vẫn thấp thỏm chờ khách

Với hơn 1 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN, trong đó phần lớn là lao động ở các tỉnh xa đến làm việc nên vấn đề đi lại những ngày giáp Tết ở Đồng Nai cũng hết sức căng thẳng. Dù vậy đến thời điểm này, các bến xe khách liên tỉnh tại Đồng Nai vẫn đang phải thấp thỏm chờ khách, trong khi chỉ còn không đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.  Dù bến xe này có đến có 9 đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký bán trước vé Tết, nhưng mỗi ngày cũng chỉ bán được 20-30 vé cho khách đặt mua về trong ngày hoặc các ngày cận Tết.

4-2.jpg -0
Xe đậu chờ khách ở Bến xe Biên Hòa.

Từ ngày 1/12 đến 25/1, tổng số vé xe Tết các doanh nghiệp vận tải bán ra chỉ đạt hơn 500 vé, giảm nhiều so với dịp Tết năm ngoái. Trong khi bến xe đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều ngày nay từ phương tiện, bến bãi, bố trí nhân viên trực bán vé 24/24h, công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác PCCC, ANTT... thì lượng vé bán ra vẫn quá ít.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công ty CP bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai cho biết, lượng vé xe Tết năm nay bán ra giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Theo ông Tiến, nhiều lao động tự do đã về quê sớm cách đây khoảng 1 tháng nên vào dịp giáp Tết này, lượng khách cũng giảm theo. Trong đó các tuyến đi miền Trung và miền Bắc giảm rất mạnh, chỉ có các tuyến xe về các tỉnh miền Tây mới giữ ở mức bằng hoặc cao hơn năm ngoái nhưng không đáng kể. Ngoài ra, do kinh tế khó khăn nên không ít công nhân, người lao động chọn phương án ở lại Đồng Nai đón Tết nhằm tiết kiệm tiền.

Tương tự, tại Bến xe Biên Hòa ở phường Quang Vinh cũng có 5 doanh nghiệp xe khách đường dài đăng ký bán trước vé Tết, song những ngày qua cũng chịu chung cảnh đìu hiu vì không có khách đặt vé. Có những đơn vị mỗi ngày chỉ bán được 5 - 10 vé cho khách về quê đón Tết. Khách thưa thớt, nhưng giá vé các tuyến xe năm nay tại Bến xe Biên Hòa về các tỉnh Miền Tây và Tây Nguyên lại tăng từ 20 - 30%. Nguyên nhân chính là do giá xăng, dầu vẫn ở mức cao trong khi chi phí cho một chuyến xe Tết đều tăng so với ngày thường.

Ông Hồ Đắc Phúc, Phó Giám đốc Bến xe Biên Hòa cho biết, bến đã chuẩn bị chu đáo về điều kiện bến bãi, đảm bảo an toàn và xe cũng đã được tăng cường, nhưng hiện các nhà xe vẫn đang thấp thỏm đợi khách. Nhất là khi lượng khách tới bến mua trước vé Tết quá ít. Nắm tình hình đặt vé qua mạng của các nhà xe, dịp Tết năm nay, lượng vé bán ra đã giảm khoảng 30% so với các năm trước.

Đại diện một nhà xe chạy tuyến miền Trung cho rằng, những doanh nghiệp ít việc hoặc không bị sức ép về thời gian giao hàng nên cho công nhân của những bộ phận thong thả về công việc được nghỉ Tết sớm hơn. Làm vậy sẽ tránh được cảnh công nhân ở xa nghỉ Tết đồng loạt, dồn ra bến xe vật vã, cực nhọc chờ tàu xe trong một vài ngày cao điểm giáp Tết.

Bảo Sơn

Đặng Nhật
.
.
.