Đối tượng, nhóm xe nào có thể bị thu phí vào nội đô?

Thứ Bảy, 22/10/2022, 07:45

Tại Dự thảo Đề án thu phí vào nội đô do Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội đệ trình Sở Giao thông Vận tải (GTVT), các đối tượng thu phí, miễn phí đã được thông tin khá cụ thể.

Nhóm xe nào được miễn giảm phí?

Đề án xác định chỉ thu phí ôtô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nhóm xe được miễn phí, gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng...

Nhóm xe được giảm phí gồm: Ôtô của các doanh nghiệp công ích, ôtô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe vận tải trung chuyển hành khách); vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe); ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa (xe taxi tải, xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp); ôtô từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả lái xe) của hộ gia đình trong khu vực thu phí, ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.

Về thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.

Đối tượng, nhóm xe nào có thể bị thu phí vào nội đô? -0
Đề án xác định chỉ thu phí ôtô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Để xác định được khoảng phí tối thiểu - tối đa, các kết quả về giảm lưu lượng giao thông và tổng tiền phí thu được dự báo lần lượt theo các mức phí 25.000đ - 60.000đ/lượt nhằm xác định hiệu quả giảm ùn tắc giao thông tương ứng từng mức phí. Dựa trên các nguyên tắc và căn cứ xác định mức thu nói trên, mức phí đề xuất dự kiến: Giờ cao điểm ngày thường (các ngày làm việc trong tuần): Đối với các ôtô là đối tượng thu phí, mức thu đề xuất 50.000đ/lượt.

Mức phí giờ cao điểm, ngày thường đối với các xe ôtô được giảm phí sẽ là 10.000đ/ lượt; tỷ lệ xe taxi dưới 9 chỗ trở xuống được giảm phí là 10%, xe ôtô cá nhân được miễn phí 15%. Đáng chú ý, mức thu linh hoạt thay đổi theo các khung giờ (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho các phương tiện.

Giờ cao điểm sáng được quy định từ 6h00 - 9h00 và cao điểm chiều từ 16h00 - 19h30. Không thu các giờ từ 21h00 - 5h00. Các giờ còn lại mức phí bằng 50% giờ cao điểm. Không thu ngày cuối tuần, ngày lễ. Tổng tiền thu phí hàng năm được xác định trên cơ sở phi lợi nhuận trong giai đoạn khấu hao thiết bị hệ thống thu phí khoảng 5 năm (trên thế giới thời gian khấu hao thiết bị hệ thống thu phí khoảng 3 - 5 năm).

Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 (thí điểm 15 cổng) thu được khoảng hơn 483 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2 (thêm 59 cổng), thu được khoảng hơn 714 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 3 (thêm 13 cổng) đạt khoảng hơn 785 tỷ đồng/năm. Số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hàng năm. Sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của thành phố.

Hơn 2.600 tỷ đồng đầu tư 87 trạm thu phí tự động

Cũng trong bản Dự thảo Đề án thu phí vào nội đô do Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội đệ trình Sở GTVT, tổng mức đầu tư cho 87 cổng thu phí tại 68 vị trí khoảng hơn 2.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng và thiết bị trung tâm điều hành, chi phí đầu tư thiết bị và lắp đặt các cổng thu phí. Đơn vị tư vấn đề xuất thành phố đầu tư hoặc hình thức đối tác công tư PPP. Cụ thể, giai đoạn thí điểm sẽ sử dụng nguồn đầu tư công lắp đặt một số cổng thu phí tại các nút giao thông trọng điểm, thường xuyên ùn tắc giao thông. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ thực hiện nguồn đầu tư công hoặc một trong những hình thức như BTL (xây dựng, chuyển giao, thuê dịch vụ), hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ, chuyển giao), hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành). Việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3. Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ôtô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính.

Cụ thể bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài vành đai 3. Về công nghệ thu phí, Đề án đề xuất áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Hình thức thu phí này được kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.

Mặc dù Đề án đã đưa ra nhiều thông tin chi tiết, tuy nhiên một số chuyên gia vẫn cho rằng, việc lập trạm thu phí để giảm ôtô chỉ là một trong những giải pháp. Hà Nội sẽ cònphải nghiên cứu rất nhiều mới có thể triển khai vào thực tế.

Nếu mục đích thu phí để giảm lượng xe ôtô thì điều kiện quan trọng và tiên quyết nhất là Hà Nội phải xây dựng được một hệ thống vận tải công cộng tương đối phát triển, khuyến khích và thu hút người dân sử dụng thì lúc đó mới có thể nghĩ đến việc thu phí để giảm xe ôtô đi vào nội đô. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cũng cho biết, giao thông Thủ đô thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết và thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này. Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay thế, nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được.

Đặng Nhật
.
.
.