Háo hức chờ ngày được đi lại bằng Metro

Thứ Bảy, 21/08/2021, 10:36

Thời điểm dịch bệnh đang diễn biến nhanh, phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, các nhà thầu và đơn vị thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) vẫn đang nỗ lực duy trì đội ngũ nhân sự để gấp rút hoàn thành những hạng mục còn lại. Đây là sự bảo đảm chắc chắn để tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn - một trong những công trình trọng điểm Quốc gia và là biểu tượng của TP Hồ Chí Minh sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2022…

Thời điểm TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, trên các công trường xây dựng tuyến Metro số 1 mỗi ngày vẫn có hơn 2.000 kỹ sư, công nhân, cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm việc nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Để có thể duy trì được sự có mặt của đội ngũ nhân lực này, công tác phòng, chống dịch trên công trường được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) và các nhà thầu đặt ra nghiêm ngặt. Cán bộ, kỹ sư, công nhân chỉ được phép ra vào công trường qua các cổng được kiểm soát, được bảo vệ kiểm tra việc tuân thủ nghiêm ngặt 5K. Nhất là việc kiểm tra thân nhiệt và công nhân các đội trực tiếp thi công phải bảo đảm giãn cách tối thiểu 2m.

“Dịch bệnh kéo dài hơn 1,5 năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hoàn thành tuyến Metro số 1. Ngoài việc nhập máy móc, thiết bị bị ách tắc, việc kiểm tra nghiệm thu máy móc, thiết bị tại nhà máy ở nước ngoài trước khi cho sản xuất hàng loạt cũng không thể thực hiện như bình thường. Ngay cả việc đưa chuyên gia của Nhật Bản sang làm việc tại dự án cũng bị gián đoạn”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc MAUR bày tỏ.

Trang 17: Háo hức chờ ngày được đi lại bằng Metro -0
 Lắp đặt đoàn tàu lên đường ray trong khu vực depot.

Khó khăn chồng chất trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, nhưng MAUR luôn sát cánh với nhà thầu, đơn vị thi công để cùng tìm hướng tháo gỡ để bảo đảm tiến độ hoàn thành các công trình, hạng mục quan trọng của dự án. Gần đây nhất, ngày 13/7/2021, MAUR đã cùng nhà thầu Hitachi cho đóng điện thành công trạm biến áp Bình Thái, đây là một trong hai “trái tim” của hệ thống điện tuyến Metro số 1.

Bình Thái là 1 trong 2 trạm biến áp 110 kV cung cấp công suất lên đến 50 MVA cho toàn tuyến Metro số 1 khi các đoàn tàu của tuyến Metro số 1 được thiết kế chạy hoàn toàn bằng điện thông qua hệ thống tiếp điện trên cao  với cần lấy điện được gắn trên nóc đoàn tàu. Nói về sự kiện này, ông Hoàng Mai Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 của MAUR cho hay, việc đóng điện trạm Bình Thái là bước chuyển giai đoạn từ sử dụng điện tạm sang sử dụng điện vĩnh cửu, chuẩn bị cho các hoạt động kiểm tra và vận hành thử. Sau khi đóng điện, các đơn vị sẽ tiến hành thử nghiệm máy móc, thiết bị tại khu vực depot và các nhà ga. Thời điểm này, MAUR và nhà thầu cũng đang quyết tâm để trạm biến áp Tân Cảng đóng điện vào cuối năm nay để có đủ nguồn điện cung cấp cho việc chạy tàu và vận hành tuyến.

Ngày 13/7, các đoàn tàu số 6 và số 7 của tuyến Metro số 1 đã cập cảng Khánh Hội và tiếp tục được tổ chức xếp dỡ, vận chuyển về dự án an toàn. Với sự kiện này, hiện đã có 7/17 đoàn tàu của dự án được nhà thầu Hitachi của Nhật Bản chuyển cho dự án.

Ông Bùi Xuân Cường chia sẻ: “Sự kiện đoàn tàu đầu tiên được nhập khẩu, đưa vào thử nghiệm, vận hành thành công và tiếp tục triển khai đưa toàn bộ 17 đoàn tàu về phục vụ dự án là minh chứng cho sự nỗ lực hợp tác, phối hợp hiệu quả giữa các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản để thực hiện một dự án giao thông rất quan trọng; mang tính tiên phong trong lĩnh vực đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Việt Nam”.

Về kế hoạch chạy thử, ông Hoàng Mai Tùng khẳng định, việc chạy thử trên tuyến phải đáp ứng từ yêu cầu đơn giản đến phức tạp; đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong vận hành. Việc chạy thử các đoàn tàu dự kiến thực hiện vào cuối năm 2021 sau khi các hệ thống liên quan đến chạy tàu được lắp đặt và thử nghiệm phối hợp với nhau thành công. Giai đoạn đầu sẽ vận hành thử nghiệm trong depot, tiếp đó là vận hành thử nghiệm đoạn trên cao từ depot đến Bình Thái, vận hành thử nghiệm từ depot đến Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến. Cùng lúc dự án sẽ thử nghiệm vận hành các hệ thống khác như hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu, đường ray…

Cùng với việc hoàn thành các phương án về nhân sự vận hành các đoàn tàu và dự án, để chuẩn bị cho việc khai thác tuyến Metro số 1, từ cuối năm ngoái Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng đã trình UBND thành phố các phương án giá vé trong giai đoạn đầu. Với phương án 1, giá vé được tính theo phương án tài chính của dự án. Trong đó giá vé mở cửa là 8 nghìn đồng/lượt, vé cho mỗi kilomet tiếp theo là 800 đồng. Đây là giá vé cơ sở áp dụng cho năm đầu tiên vận hành tuyến đã được UBND thành phố thông qua. Phương án còn lại do MAUR đề xuất có giá vé từ 7 - 12 nghìn đồng/lượt, tùy cự ly chuyến đi. Hành khách đi bằng vé điện tử sẽ được hưởng mức giá thấp hơn 1 nghìn đồng/lượt.

Ngoài ra, còn có thêm loại vé đi trong 1 ngày với giá 22 nghìn đồng; vé đi trong 3 ngày với giá 60 nghìn đồng. Đưa ra các mức giá vé rất bình dân trên trong khi tổng mức đầu tư rất lớn, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút đông đảo người dân đi lại hằng ngày bằng metro. Hiện tại, cùng với việc hoàn thành tuyến Metro số 1, nhiều khu chung cư, khu đô thị quy mô lớn cũng đã được xây dựng và quy hoạch dọc hành lang tuyến metro này.

Ngoài hạ tầng sẵn có như Làng đại học, Khu Công nghệ cao, Bến xe liên tỉnh Miền Đông mới… thì kế hoạch đầu tư, phát triển nhanh về hạ tầng, về kinh tế - xã hội cho TP Thủ Đức trong những năm sắp tới sẽ là sự bảo đảm chắc chắn để tuyến Metro số 1 trở thành tuyến vận chuyển hành khách đông đúc bậc nhất TP Hồ Chí Minh.  

Bày tỏ sự háo hức, đếm từng ngày chờ tuyến Metro số 1 vận hành, anh Việt - một người dân ở TP Thủ Đức khẳng định sẽ bỏ xe máy để chuyển sang đi làm bằng metro ngay từ ngày đầu tiên chạy tàu để khỏi vất vả, lại được tận hưởng cảm giác được đi lại trên cao và chui ngầm dưới lòng đất.

Anh Việt tâm sự: “Vợ chồng tôi mua chung cư, sinh sống ở TP Thủ Đức. Do đặc thù công việc khác nhau, hai vợ chồng phải tự chạy xe máy riêng đi làm hằng ngày chứ không thể đi chung một xe nên khá tốn kém, vất vả, nhất là những lúc gặp cảnh ngập nước, kẹt xe…”. 

Nhận xét về các mức giá vé metro, anh Quân, một người dân ở quận 3 hiện làm việc tại Khu Công nghệ cao tại TP Thủ Đức cho rằng, chi phí từ 500 - 600 nghìn đồng mỗi tháng cho việc đi làm bằng metro là mức chấp nhận được của số đông người dân. Thậm chí mức này còn rẻ hơn chi phí đi lại hằng ngày bằng xe máy.

Cũng như anh Quân, nhiều người lao động, sinh viên ở các quận trung tâm thành phố đang làm việc, học tập ở khu vực TP Thủ Đức và ngược lại đều đang háo hức chờ đợi ngày sẽ được hưởng cảm giác đi lại trên các đoàn tàu metro, một loại phương tiện di chuyển hiện đại. Song điều khiến nhiều người còn băn khoăn là chỗ gửi xe máy thuận tiện xung quanh các nhà ga metro. Còn để người dân bỏ hẳn xe máy để đi metro, thì việc di chuyển từ chỗ ở đến các nhà ga phải thuận tiện, nhanh chóng.

Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, chiều dài tuyến 19,7 km, với 14 nhà ga, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Hiện dự án đã hoàn thành hơn 87% tổng khối lượng. Trong đó, đoạn đi ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố đã đạt 91,7%; đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son đạt 98,3%; đoạn trên cao và depot cũng đạt 93,63%; gói mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng về thiết bị cũng đã đạt trên 72%... TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2022.

Trang 17: Háo hức chờ ngày được đi lại bằng Metro -0
 
Đức Thắng
.
.
.