Hệ lụy từ việc thành lập ồ ạt trung tâm đăng kiểm tư nhân

Thứ Tư, 04/01/2023, 08:50

Vụ án những sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐK) trên cả nước đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Điều tra đã cho thấy hành vi sai phạm của các đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng, nhiều thủ đoạn tinh vi trong các TTĐK. Đáng nói, việc thành lập ồ ạt các TTĐK tư nhân đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần được xem xét kỹ càng.

Sau khi Công an TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành công bố thông tin về vụ án này, một thông tin rất đáng lưu ý là đứng sau hàng loạt TTĐK tư nhân sai phạm có liên quan đến một “ông trùm” tên Trần Lập Nghĩa (47 tuổi, quê Sóc Trăng). Một mình cá nhân Trần Lập Nghĩa là Giám đốc tới 5 TTĐK, gồm: TTĐK 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-03D (tỉnh Tiền Giang). Tại sao lại có chuyện lạ như vậy?

Theo tìm hiểu, từ năm 2019, quy định về phát triển các TTĐK theo quy hoạch vùng, địa phương đã được gỡ bỏ. Kể từ đó, các TTĐK đã phát triển rầm rộ. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ trong vòng 4 năm khi thực hiện chủ trương xã hội hóa và bỏ quy hoạch TTĐK theo vùng và địa phương, đã có tới 117 TTĐK được xây mới, tăng khoảng 80%. Hiện nay trong 280 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động thì số doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 2/3.

Hệ lụy  từ việc thành lập ồ ạt trung tâm đăng kiểm tư nhân -0
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam gần 50 người trong vụ tiêu cực xảy ra tại các TTĐK ở các tỉnh, thành phía Nam.

Cần phải khẳng định việc xã hội hóa hoạt động đăng kiểm là chủ trương đúng, giúp giảm tình trạng quá tải tại các TTĐK ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự gia tăng quá nhanh số lượng các TTĐK đã làm xuất hiện tình trạng cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng… Và qua đó cũng phải đặt ra nhiều vấn đề: Công tác cấp phép đã chặt chẽ, nghiêm túc hay chưa? Việc giám sát hoạt động của các TTĐK tư nhân như thế nào?...

Đến nay, Cơ quan Công an đã chứng minh được, tại hàng loạt TTĐK tư nhân, lãnh đạo trung tâm đã “bật đèn xanh” cho nhân viên cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm của xe đến đăng kiểm. Thủ đoạn là bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng để thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…

Ông Trần Lập Nghĩa từng làm việc tại TTĐK của Nhà nước, sau đó tự đứng ra thành lập và đứng sau điều hành một loạt TTĐK tư nhân. Các TTĐK này đã nảy sinh nhiều hoạt động sai phạm nghiêm trọng. Tại các TTĐK của Trần Lập Nghĩa, lực lượng chức năng đã phát hiện hành vi giả mạo trong công tác với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động của trung tâm, Trần Lập Nghĩa đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các Đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, qua đó đã cấp khoảng 52.291 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ôtô đến đăng kiểm trái với quy định, thu lợi ước tính trên 10 tỷ đồng.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, với những xe không đủ điều kiện về khói khí thải thì nhân viên tại các TTĐK đã dùng giấy trắng để che lại một cảm biến của thiết bị đo. Với các phương tiện có phanh xe không đạt tiêu chuẩn thì các đối tượng đạp từng lần một, để hợp thức hóa đạt tiêu chuẩn từng lần một, rồi in ra giấy kiểm định…

Về thủ đoạn gian dối trong kiểm định, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, theo Khoản 1, Điều 7, Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đề cập rõ: “Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao”.

Tuy nhiên, tại các TTĐK, Trần Lập Nghĩa đã cho lập danh sách Đăng kiểm viên nhưng thực chất những người này không làm việc. Các trung tâm sử dụng các nhân viên không có giấy chứng nhận đăng kiểm viên, mặc quần áo đồng phục để vận hành dây chuyển kiểm định, thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới. Chính các nhân viên này sau đó đã giả chữ ký đăng kiểm viên ký vào vào hồ sơ kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ.

Theo nhận định của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hoạt động kiểm định xe cơ giới lưu hành là lĩnh vực có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp, do đó vẫn tồn tại những bất cập, kẽ hở mà các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định. Các doanh nghiệp, chủ đầu tưđều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận nên chỉ quan tâm đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại những khu vực đô thị các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều phương tiện hoạt động.

Phú Lữ
.
.
.