Giao thông Hà Nội “chới với” vì cả trăm dự án quây tôn:

Người dân bức bối vì các dự án chậm tiến độ (bài 1)

Thứ Bảy, 16/12/2023, 09:37

Năm 2022, Hà Nội có 34 điểm ùn tắc giao thông. Nhưng sang đến năm 2023, dù áp dụng nhiều biện pháp, số điểm ùn tắc không những không giảm lại còn tăng lên con số 37 điểm. Đặc biệt vào những ngày cuối năm, tình trạng ùn tắc dường như khó kiểm soát. Và một trong những nguyên nhân được cho là gây ra tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng xuất phát từ việc Hà Nội hiện đang có khoảng 100 dự án đang quây tôn trên lòng đường.

Sáng, trưa, chiều tối, hễ ra đường là nhiều người dân Hà Nội đã cảm thấy ngay áp lực ùn tắc. Những con đường trước kia vốn rộng 3-4 làn xe đi bình thường đã cảm thấy chật, nay thêm phần bức bối bởi các lô cốt từ các công trình dang dở dựng chen ngang, chiếm dụng lòng đường. Ngày nắng lưu thông qua các tuyến đường này khó một thì ngày mưa, sự khó chịu, bức bối nhân lên gấp 10 lần…

Vượt đoạn đường quay tôn như vượt…cửa ải

Nhà ở Đông Anh nhưng làm việc tại trung tâm Hà Nội, nên ngày nào chị Lê Hoà cũng phải đi qua tuyến đường Quảng An, Âu Cơ. Tuyến đường vốn không rộng, nhưng nhiều năm qua nếu biết lựa giờ đi thì cũng không đến nỗi quá khó. Tuy nhiên, gần 1 năm trở lại đây, mỗi lần nghĩ đến đoạn đường đi làm là chị Hoà không khỏi ngao ngán bởi sau khoảng 4 tháng tạm dừng thi công để phòng, chống lũ, Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm (quận Tây Hồ) bắt đầu được thi công trở lại.

Chị Lê Hoà bày tỏ: “Công trình giải quyết ùn tắc giao thông nhưng lại khiến ùn ứ nặng nề hơn vì thi công ì ạch nhiều năm rồi chưa xong. Ngày nào tôi cũng phải chứng kiến dòng xe máy, ôtô nhích từng chút một, người dân rất vất vả trong việc đi lại”.

Bài 1: Người dân bức bối vì các dự án chậm tiến độ -0
Đường Âu Cơ bị thu hẹp bởi hàng rào quây tôn.

Trong lúc người đi đường vật lộn với ùn tắc, những hộ dân sinh sống quanh khu vực cũng phải sống chung với cảnh ô nhiễm, bụi bẩn khi dự án thi công kéo dài. "Chiều hôm trước quét dọn thì ngay sáng hôm sau, bụi đã bám kín trước cửa. Nhà tôi luôn phải đóng kín 2 lớp cửa để hạn chế bụi bẩn nhưng không thấm vào đâu", anh Hồ Văn Mạnh (nhà trên đường Âu Cơ) cho hay. Ngoài ô nhiễm môi trường, nơi đây còn ô nhiễm tiếng ồn, ban đêm thì xe đổ bêtông, máy xúc, cần cẩu... thi công rầm rầm qua lại liên tục.

Theo anh Mạnh kể, có nhiều hôm anh thức đến 1-2h sáng mới ngủ được vì quá ồn ào, nhưng vì mưu sinh, anh và người dân quanh đây đành chấp nhận sống chung với ùn tắc, ô nhiễm, chỉ mong dự án sớm hoàn thành để người dân đỡ khổ.

Tình cảnh của chị Lê Hoà, anh Hồ Văn Mạnh cũng tương tự như chị Nhật Hạ ở Thanh Xuân, Hà Nội khi mà dự án cấp thoát nước phía Tây nhiều năm làm chưa xong. Nhà ở khu vực Thanh Xuân Bắc, nhưng làm việc tại Bờ Hồ, ngót 10km nên đoạn đường đi làm của chị Nhật Hạ như “cửa ải” cần vượt qua mỗi ngày. Hai ba năm trước, đường Lương Thế Vinh quây tôn đi đã khốn khổ, đầu năm nay được tháo ra, người dân chưa kịp mừng thì nay lại đến đường Nguyễn Xiển, giao với đường Nguyễn Trãi, “lô cốt” giữa đường mọc lên, rất bất cập. Phương tiện lưu thông mỗi ngày một đông, trong khi đường vừa hẹp, vừa bụi, vừa bẩn. Cùng đó, nhiều tuyến buýt phải điều chỉnh lộ trình, khiến hành trình của nhiều người dân đi phương tiện công cộng cũng phải thay đổi theo.

Chị Nhật Hạ bức xúc: “Trước đây, tôi chỉ cần đi bộ chừng 200m là ra điểm đón buýt, và chỉ cần đi một tuyến là đến gần chỗ làm. Nay phải đi bộ tới hơn 600m, và từ đấy phải đi hai tuyến buýt mới đến được cơ quan”.

Vẫn biết là cơ quan chức năng làm đường giao thông để phục vụ người dân đi lại thuận lợi hơn, nhưng hiện tại thuận đâu chưa thấy, người dân chỉ thấy dự án chậm tiến độ, đường phố nhem nhuốc, bụi bẩn. Thậm chí nhiều hôm ngó vào trong khu vực quây tôn còn không thấy bóng dáng công nhân làm việc. “Chỉ mong cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, chuyên tâm làm dự án nào xong dự án đó, để người dân ra đường không còn cảm giác “vượt ải khổ” nữa”, chị Nhật Hạ bày tỏ.

Dự án chậm là do yêu cầu về kỹ thuật?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm (từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân) có chiều dài 3,7km với tổng mức đầu tư 815 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư. Công trình nâng cấp kết cấu đê đất Hữu Hồng, phối hợp mở rộng và hạ thấp mặt đường đê thành bốn làn xe, cải tạo làn đường dân sinh hai bên, khởi công cuối năm 2019, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay mới đạt hơn 70% tiến độ.

Cụ thể, dự án mới chỉ hoàn thành khoảng một nửa gồm: Đoạn 1 từ khách sạn Thắng Lợi đến đoạn giao với phố Xuân Diệu; đoạn 2 từ Xuân Diệu đến ngõ 123 Âu Cơ; đoạn 3, từ ngõ 123 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân và đoạn 4 từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân vẫn đang thi công. Đoạn này có chiều dài hơn 700 mét, nền đê sông Hồng được hạ cốt để mở rộng lòng đường. Để phòng, chống lũ, một đoạn tường chắn bê tông sẽ được xây dựng với chiều cao từ 3 đến 4 mét. Hiện tại, đoạn công trình có chiều dài hơn 700 mét này đã được hạ thấp mặt đê. Dự án đang tiến hành dựng khung sắt để đổ móng và tường chắn. Từ số nhà 376 đến số nhà 404 nhiều đoạn đã đổ xong tường chắn và chờ dỡ giàn giáo. Tuy nhiên, giữa tháng 6 vừa qua, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị TP Hà Nội cho dừng thi công để đảm bảo phòng, chống mưa lũ năm 2023. Đặc biệt với các đoạn mặt đê đã bị hạ thấp nhưng chưa được thi công tường bê tông, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu chủ đầu tư phải đắp hoàn trả tường đất có độ cao như ban đầu để phòng, chống lũ.

Tương tự, sau gần 8 năm thi công, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng) vẫn chưa hoàn thành. Công trình qua đường Ngô Quyền, quận Hà Đông, Hà Nội ngổn ngang đất đá, bừa bộn vật liệu xây dựng nhưng không có biện pháp đảm bảo an toàn, tiềm ẩn tai nạn giao thông cho người dân khi lưu thông. Ghi nhận của phóng viên vào đầu tháng 12, đoạn kênh dẫn La Khê đi qua địa bàn quận Hà Đông hiện tại vẫn còn thi công dang dở, đường đi ngổn ngang đất đá. Nhiều cống sâu 4-5m án ngữ sát mặt đường nhưng biện pháp an toàn thực hiện rất sơ sài, gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt vào ban đêm.

Ngoài các dự án nói trên, trên địa bàn Hà Nội còn hàng loạt dự án đang được quây tôn, ít nhiều ảnh hưởng đến giao thông Hà Nội như Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội; dự án tổ hợp ga Ngọc Hồi; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ G6A Thành Công-chung cư được kiểm định ở cấp độ D trên địa bàn Hà Nội thuộc diện phải di dời người dân để cải tạo, xây dựng lại, hiện bị quây kín bằng hàng rào tôn; dự án Khu phức hợp Giảng Võ do Công ty TNHH Pacific Thăng Long làm chủ đầu tư được cấp phép cao 18 tầng nhưng vẫn nằm "đắp chiếu" nhiều năm bên hồ Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội). Sau gần 2 thập kỷ, bãi đất 35ha dự kiến xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện vẫn quây tôn để không…

Với mục tiêu không để xảy ra ùn tắc kéo dài dịp cuối năm, nhất là trong những khung giờ cao điểm, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Phòng Cảnh sát giao thông đã yêu cầu các đơn vị nắm bắt tình hình địa bàn, đặc biệt là những địa bàn có các công trình giao thông đang thi công, các địa bàn có tình hình giao thông phức tạp, để chủ động lên phương án, bố trí lực lượng. Phòng Cảnh sát giao thông đề nghị người dân chủ động tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo: "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội", số điện thoại đường dây nóng: 0243.942.4451.

Đặng Nhật - Chi Linh
.
.
.