Đường sắt Việt Nam: Đánh thức tiềm năng, nỗ lực cởi bỏ “tấm áo” cũ

Những chuyển động ý nghĩa (bài cuối)

Chủ Nhật, 07/04/2024, 08:49

Tạm gác lại những tháng ngày thua lỗ triền miên, vắng khách, thời gian gần đây Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có những bước chuyển mình, thay đổi về tư duy nhằm có được kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, đồng thời thu hút khách đi tàu tăng trở lại.

Chấm dứt tình trạng thua lỗ

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được Nhà nước giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt với 15 tuyến đường sắt dài hơn 3.000km kết nối 34 tỉnh, thành phố. Hệ thống đường sắt Việt Nam được người Pháp đầu tư xây dựng rất sớm, từ những năm cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên trong thời gian qua số vốn đầu tư cho đường sắt còn thấp nên năng lực vận tải đường sắt chưa được cải thiện so với trước đó. Bên cạnh đó, các ưu thế của đường sắt còn bị ảnh hưởng do thiếu sự kết nối với các loại hình vận tải khác cũng như cơ sở hạ tầng xuống cấp làm gia tăng các chi phí để trung chuyển hàng hóa, hành khách, tăng thời gian vận chuyển và chưa thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt.

Kinh nghiệm tại các nước có hệ thống giao thông phát triển thì đường sắt được coi là trục chính, kết nối với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường biển, hàng không, đường thủy nội địa để tạo nên một hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Đây là lý do các nước có hệ thống giao thông phát triển thì chi phí cho Logistics thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Trong các năm gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành dành nguồn lực thích đáng cho việc cải tạo nâng cấp hạ tầng đường sắt thông qua các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sắt trên tuyến Bắc - Nam, giải quyết các điểm nghẽn vận tải, đầu tư cải tạo và mở rộng một số kho - bãi... Các địa phương cũng đang rất quan tâm đến việc kết nối vận tải đường sắt với các trung tâm Logistics. Các hoạt động này sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn vận tải, tăng tính kết nối của đường sắt. 

Đường sắt Việt Nam: Đánh thức tiềm năng, nỗ lực cởi bỏ “tấm áo” cũ -0
Hành khách nước ngoài trải nghiệm trên chuyến tàu du lịch chặng Hà Nội - Lào Cai.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR thông tin, vận tải đường sắt sau đại dịch COVID-19 đã có sự phục hồi khá ấn tượng, đặc biệt là vận tải hành khách. Năm 2023, lượng khách đi tàu đạt xấp xỉ 6 triệu lượt hành khách, tăng 37% so với cùng kỳ. Điều rất mừng là các công ty vận tải đường sắt ngay từ năm 2022 đã chấm dứt được tình trạng thua lỗ. Năm 2023, các công ty tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, kinh doanh có lãi. Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt đã thực hiện một loạt biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu với phương châm lấy hành khách làm trung tâm, mọi hoạt động đều hướng tới phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Đường sắt đã áp dụng triệt để ứng dụng KHCN vào công tác bán vé, công tác phục vụ khách đi tàu, liên tục cập nhật các công nghệ mới nhất vào hệ thống bán vé điện tử để khách hàng có thể mua vé mọi nơi, mọi lúc với tất cả các hình thức thanh toán hiện có. Mới đây nhất là cuối tháng 11/2023, đường sắt đã đưa vào ứng dụng “Cây bán vé tự động” giúp khách hàng tự mua vé tại các điểm công cộng, các khu dân cư, những nơi tập trung đông người. Công tác phục vụ khách đi tàu tập trung vào xử lý vệ sinh trên tàu, nâng cao ý thức và chất lượng phục vụ của nhân viên, cải tạo và nâng cấp chỉnh trang các phòng đợi tàu tại các nhà ga...

“Một bước thay đổi cơ bản nữa là chúng tôi đã bắt đầu cho đầu tư các phòng đợi VIP tại các nhà ga để phục vụ khách hàng VIP, khách có nhu cầu không gian đợi tàu riêng tư, cao cấp. Trong tháng 10/2023, chúng tôi đã đưa vào vận hành đoàn tàu chất lượng cao SE19-20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng với nhiều dịch vụ vượt trội và đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Gần đây, chúng tôi rất vinh dự được tạp chí Lonely Planet, một tạp chí du lịch hàng đầu thế giới bình chọn tuyến đường sắt Thống Nhất là một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Bứt phá triệt để

Lần đầu tiên VNR được Thủ tướng Chính phủ đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 vào đầu năm nay. Tại đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh, ngành đường sắt đang thay đổi tích cực khi thời gian qua VNR đã cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại cán bộ, cơ cấu lại cách làm và 3 năm nay đã khác hẳn. Những thay đổi của ngành Đường sắt cho thấy, điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng… VNR cũng đã bắt tay với các đối tác như Công ty Belmond để nghiên cứu chạy tàu hạng sang trên đường sắt Việt Nam; xúc tiến hợp tác với Vietravel triển khai Dự án tàu hỏa 5 sao Xuyên Việt.

Là một lãnh đạo hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel nhìn nhận, du lịch bằng tàu hỏa đang trở thành một xu hướng mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách với những trải nghiệm độc đáo, vừa thư giãn vừa khám phá văn hóa. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2023, lượng khách du lịch nội địa đi tàu hỏa đạt 10 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2022; lượng khách du lịch quốc tế đi tàu hỏa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2022. Ông Kỳ cho rằng, thời gian vừa qua, ngành Đường sắt ngày càng biết gìn giữ, chăm chút, làm đẹp những nhà ga, cung đường và đã có chủ trương khai thác thị trường phục vụ du lịch…

Đi lên từ khó khăn, đường sắt Việt Nam đang gia nhập cuộc đua tàu liên vận với các nước trong khu vực bằng một quyết tâm cao. Trong 5 năm qua, VNR đã duy trì được hoạt động liên vận hàng hóa và bước đầu khẳng định được lợi thế, tiềm năng phát triển hoạt động vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tới Trung Quốc, các nước Trung Á, châu Âu. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng thị trường như tàu container đông lạnh, tàu container chuyên tuyến đi Trung Quốc và quá cảnh nước này sang các nước thứ ba ở châu Âu, Nga, Mông Cổ, Trung Á… Lãnh đạo VNR khẳng định, thay đổi lớn nhất của ngành Đường sắt vài năm qua là thay đổi tư duy, từ lãnh đạo lan tỏa đến người lao động. Trước đây, đường sắt thường tự ti, nghĩ mình nghèo khó và chỉ kêu, than thở nhưng hiện nay đã thay đổi tư duy, thẳng thắn nhận diện những khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm những tồn đọng.

Để thị phần vận tải đường sắt nâng lên, theo ông Mạnh, VNR đã nỗ lực tạo sức hút gần, sức hút xa như tàu chất lượng cao, cải cách chất lượng dịch vụ trên tàu, dưới ga; tàu hàng đưa cửa khẩu vào sâu với nội địa… đồng thời đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng như nâng cấp hạ tầng đường sắt, mở mới một số khu ga khách, cải tạo một số khu ga hàng; kết nối với khu công nghiệp, cảng biển…

Thời gian tới, VNR sẽ tập trung phát triển các tàu khách khu đoạn (đường ngắn), đầu tư chất lượng phương tiện, nâng cao các dịch vụ phục vụ, có sự gắn kết trên tàu với dưới ga; tăng cường liên kết với các công ty du lịch; tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics; nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến.

VNR đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so với năm trước giai đoạn 2024-2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023-2025 là 327 tỷ đồng (so với lợi nhuận giai đoạn 2021-2022 là -1.194 tỷ đồng).

Phạm Huyền
.
.
.