Sông Lò đang bị “bức tử” bởi dự án đường cứu hộ

Thứ Hai, 11/07/2022, 09:08

Trong quá trình triển khai dự án làm đường cứu hộ vào xã Trung Thượng, Trung Tiến (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), các đơn vị thi công bạt núi tạo mặt bằng nhưng không vận chuyển đất, đá thải đến nơi tập kết mà gạt ngay xuống bờ sông Lò.

Những ngày gần đây, khi đi qua quốc lộ 217, thuộc địa bàn huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa sẽ dễ dàng nhận thấy phía bên kia sông Lò là một dự án làm đường kéo dài hàng chục Km đang thi công rầm rộ. Theo quan sát, đơn vị thi công dự án đã bạt núi, xén tầng chống sạt lở, tạo mặt bằng tuyến đường và đồng thời gạt luôn đất, đá thải xuống bờ sông Lò, gây ô nhiễm nguồn nước, ách tắc, biến dạng dòng chảy tự nhiên...

20220707_153217.jpg -0
Khối lượng đất, đá thải dư thừa từ dự án làm đường đang bóp nghẹt sông Lò.

Tìm hiểu được biết, dự án làm đường nói trên có tổng vốn đầu tư hơn 270 tỷ đồng, tổng chiều dài gần 14km. Dự án tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi, với 3 tuyến: Tuyến 1 có chiều dài 1.873m, tuyến 2 có chiều dài 10.362m, tuyến 3 có chiều dài 1.667m. UBND huyện Quan Sơn là đơn vị làm chủ đầu tư dự án. Đơn vị trúng thầu thi công là liên danh ba nhà thầu: Tổng Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường; Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Phát triển hạ tầng Vạn Cường. Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 2/2010, tuy nhiên, đến tháng 4/2012, phải tạm dừng do chưa bố trí được nguồn vốn... Nay đang được các đơn vị thi công tiếp tục triển khai.

Dự án là đường giao thông phục vụ công tác cứu hộ cho các xã Trung Thượng và Trung Tiến (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá), với mục đích xây dựng đường giao thông nối các xã vùng cao chịu nhiều ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, phục vụ việc đi lại, giao lưu văn hóa, kinh tế của đồng bào được thuận lợi. Ngoài ra, dự án còn phục vụ công tác cứu hộ, di dời người, tài sản khi có bão lũ xảy ra, đảm bảo việc đi lại thông suốt cho các xã Trung Tiến, Trung Thượng không bị lũ chia cắt…

20220707_152418.jpg -0

Tuy nhiên, quá trình thi công tuyến đường nói trên, đơn vị thi công đã san gạt một khối lượng khổng lồ đất, đá thải xuống bờ sông Lò, gây ô nhiễm, ách tắc dòng chảy... Tại thời điểm phóng viên có mặt, qua quan sát, trên công trường còn nhiều máy móc đang tập kết, một số đoạn đường đã được đơn vị thi công làm rọ đá chắn sạt lở núi... Phía ta luy âm của sông Lò là cơ man đất, đá ngổn ngang kéo dài xuống tận mép sông.

Một người dân địa phương cho hay, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án cách đây hàng chục năm, các đơn vị thi công đã gạt đất, đá xuống lòng sông Lò chứ không phải bây giờ mới làm. Địa hình miền núi hiểm trở, cứ mưa to là có lũ ống nếu dòng chảy sông Lò bị bóp nghẽn như thế này thì hệ quả sẽ khó lường khi mùa mưa bão đến. Cũng có nhiều thông tin phản ánh trước đây nhưng gần như không được xử lý triệt để, người này cho biết thêm.

Trả lời báo chí, ông Phạm Phú Đạt - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hoá) xác nhận, việc đơn vị thi công để đất, đá thải xuống lòng sông Lò là có. Ông Đạt lý giải nguyên nhân là do, các điểm thi công có độ dốc cao nhiều điểm phải nổ mìn nên không thể tránh khỏi việc đất đá tràn xuống sông. "Về vấn đề này, Ban đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu đơn vị thi công phải nạo vét và vận chuyển hết đất, đá dưới lòng sông đến bãi thải tập kết theo đúng quy định", ông Phạm Phú Đạt, cho biết thêm.

Cụ thể, trước đó ngày 27/10/2016, chủ đầu tư dự án đã lập biên bản vi phạm đơn vị thi công: “Tại vị trí km5+252, đơn vị thi công Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa - CTCP thi công, trong quá trình đào nền cống thoát nước đã đổ 50m3 đất đá thải tràn ra bờ sông Lò, vượt phạm vi thi công, không đảm bảo về bảo vệ môi trường trên công trường thi công, chưa trang bị đảm bảo hộ lao động, không có đèn tín hiệu, biển báo an toàn…”.

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng ban Quản lý dự án huyện Quan Sơn cho biết, mới đây Công an tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra dự án và xử phạt 100 triệu đồng đối với đơn vị thi công.

Việc vi phạm của đơn vị thi công đã kéo dài nhiều năm nay và việc xử lý chưa triệt để, thể hiện ở khối lượng khổng lồ đất, đá thải vẫn nằm lại ở bờ sông Lò chưa được di chuyển đi.

Trần Thắng
.
.
.