Tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông trong trường học

Thứ Sáu, 15/12/2023, 04:56

Thời gian vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, trong đó có nhiều vụ liên quan đến các em ở lứa tuổi còn đi học. Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra như gióng một hồi chuông cảnh tỉnh về sự thiếu ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận học sinh hiện nay.

Không khó để nhận ra rằng ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận các em học sinh đang ở mức đáng báo động. Trên những tuyến đường xung quanh trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông trở nên nóng hơn rất nhiều, đặc biệt vào mỗi khung giờ đi học hay tan lớp.

Ghi nhận tình hình thực tế tại trước cổng một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội vào ngày 8/12, khu vực gần trường THPT Văn Hiến (quận Đống Đa), một bộ phận không nhỏ các em điều khiển xe máy phân khối lớn hơn so với quy định như Vision, SH, SH mode... Hầu hết các em đều chưa đủ tuổi để điều khiển những loại xe đó. Có nhiều em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, kẹp ba, đi ngược chiều trên đoạn phố Nguyễn Khuyến.

tt.jpg -0
CSGT tuyên truyền an toàn giao thông trong trường học trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Việc vi phạm giao thông không chỉ được bắt gặp với các em tự đi học mà còn xảy ra với trường hợp các em học sinh được bố mẹ chở tới trường. Một số em được bố mẹ chở đến trường trong tình trạng đầu không mũ bảo hiểm. Thậm chí có trường hợp chính phụ huynh các em cũng không đội mũ. Cũng có vô vàn các lý do để biện minh cho các hành vi vi phạm như do nhà gần nên không nghĩ là cần đội mũ, con sắp muộn học, đi vội nên quên, hay thậm chí là sợ đội mũ bảo hiểm nặng đầu, ảnh hưởng đến chiều cao của con sau này.

Nhà trường đã có rất nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông của học sinh. Giờ vào học và tan lớp, trước cổng trường luôn túc trực nhân viên bảo vệ, giám thị hay giáo viên đứng trực cổng để nhắc nhở, ghi lại các vi phạm và gửi danh sách về từng lớp để giáo viên chủ nhiệm có thể dễ dàng quản lý. Đồng thời mỗi một năm học mới, nhà trường luôn yêu cầu phụ huynh và học sinh ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông. Các vi phạm của học sinh khi được lực lượng chức năng lập biên bản sẽ được gửi về nhà trường để đánh giá hạnh kiểm.

Mặc dù vậy, các em vẫn có nhiều cách để “lách luật” như gửi xe ở những khu vực lân cận của trường trong trường hợp các em đi xe phân khối lớn hơn so với quy định, hay nếu không đội mũ bảo hiểm, các em sẽ dừng ở cách trường ở một khoảng cách khá xa để đi bộ, đi vào những ngõ, ngách để tránh lực lượng chức năng,...

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh vào ngày 2/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, trong 10 tháng năm 2023, các lực lượng Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 2.374 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ 1.031 trường hợp xe mô tô. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn thành phố xảy ra 46 vụ TNGT liên quan đến người có độ tuổi từ 6 - 18 tuổi, làm 19 người chết, 59 người bị thương.

Những con số trên nói lên rằng học sinh vi phạm luật giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng không chỉ cho chính bản thân các em mà còn cho người khác. Ngày 19/11 vừa qua, tại chốt kiểm tra của Tổ công tác 141 nút giao phố Trần Nhân Tông - Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), một nữ sinh 16 tuổi điều khiển xe máy do lo sợ bị phạt vì chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện đã phóng qua chốt và đâm trúng một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ khiến đồng chí này phải nhập viện.

Ngày 23/11, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 2 ôtô và 1 xe máy khiến 1 người tử vong ngay tại hiện trường, trong đó người điều khiển xe máy chỉ mới 14 tuổi. Trước đó, tại huyện Mê Linh, Hà Nội cũng xảy ra vụ va chạm thương tâm giữa xe tải và một xe máy di chuyển với tốc độ cao khiến 2 người ngồi trên xe máy tử vong. Hai nạn nhân mới chỉ 17 tuổi. Hầu hết trong các vụ việc tai nạn trên, các nạn nhân đều không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, không đạt chuẩn.

tt.jpg -0
Tuyên truyền an toàn giao thông tại các trường THPT cụm Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Về vấn đề học sinh vi phạm an toàn giao thông vẫn xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng, nhiều người cho rằng có nhiều yếu tố khiến cho tình trạng này chưa thể được giải quyết tận gốc.

Trước hết, bản thân các em học sinh ở lứa tuổi này về cả thể chất lẫn tâm lý đều chưa phát triển toàn diện, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, dễ bị lôi kéo, kích động nên dẫn đến các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông. Một phần cũng có thể do luật pháp đã quy định trách nhiệm hình sự, dân sự đối với những hành vi vi phạm an toàn giao thông, nhưng có thể do mức chế tài xử lý hiện nay còn chưa đủ sức răn đe nên nhiều người có tâm lý coi nhẹ.

Bên cạnh đó, nhiều người lớn cũng không có ý thức chấp hành luật pháp, có tâm lý nuông chiều con cái, nhận thức chưa đầy đủ về tác động của hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông với con trẻ, cộng thêm với tâm lý của tuổi mới lớn nên gián tiếp gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông ở lứa tuổi này.

Nhận thấy tình hình học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông đang có những diễn biến phức tạp, Công an TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Song song với đó cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, cụ thể là các quy định về an toàn giao thông trong học đường.

Điển hình như vào ngày 27/11, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo và Ban Giám hiệu trường Việt Đức tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến cho học sinh của 13 trường THPT cụm Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng về Luật Giao thông đường bộ. Những hoạt động tương tự cũng được các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội triển khai một cách tích cực như Công an quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa, huyện Chương Mỹ, huyện Thạch Thất... Mỗi một buổi tuyên truyền đều được phía lực lượng chức năng xây dựng một cách kỹ lưỡng, phù hợp với đối tượng là các em học sinh từng cấp học nhưng cũng không cứng nhắc, dễ tiếp thu cho các em.

TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông khu vực trường học. Đồng thời, lực lượng Công an thành phố cũng nỗ lực ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh với mục tiêu nâng cao mức độ an toàn, giảm thiểu tử vong và thương tích liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là mỗi phụ huynh và bản thân các em học sinh phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình về vấn đề đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho chính bản thân mình và cho toàn cộng đồng.

Thanh Trúc
.
.
.