Xây cầu 65 tỉ đồng nhưng không có người đi

Thứ Hai, 10/07/2023, 07:21

Cây cầu vòm thép dành riêng cho xe máy đi qua hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) có tổng mức đầu tư 65 tỉ đồng. Cây cầu này được thông xe dịp 2/9/2022 với mục tiêu giảm tải giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm. Tuy nhiên, đã hơn 7 tháng đi vào khai thác, điều kỳ lạ là rất ít xe máy đi lại trên cây cầu này.

Mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về hiệu quả của cây cầu này, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, với bất kỳ dự án nào trước khi đưa vào xây dựng đều có sự đánh giá rất kỹ của liên ngành, bắt đầu từ công tác khảo sát, lưu lượng giao thông. Đối với các công trình giao thông, Sở đều đặt ra mục tiêu khai thác hiệu quả lâu dài. “Việc đầu tư xây cầu được "dự báo theo nhu cầu của tương lai", đặc biệt là khu vực Hoàng Mai, Linh Đàm với dự báo phát triển dân số rất lớn trong thời gian tới. Do đó, việc "đi trước đón đầu" để xây dựng cầu vòm sắt là cần thiết", ông Hải thông tin.

cau-vuot-ho-linh-dam-thanh-noi-do-rac-8-16284356.jpg -0
Cầu vòm sắt 65 tỷ đồng “không một bóng người”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, lý giải “xây cầu để phục vụ tương lai” của đại diện Sở GTVT xem ra chưa hợp lý và thiếu thuyết phục. Theo quan sát của chúng tôi, cây cầu vượt này trong nhiều giờ đồng hồ không có một bóng xe máy qua lại. Với những người mới đi qua đây sẽ thấy ngạc nhiên, nhưng với những người dân thường xuyên lưu thông qua lại và cả những người dân sống gần cây cầu này thì đã quá quen thuộc với cảnh tượng cầu đã xây mà không ai đi.

Cầu vòm sắt dành riêng cho xe máy đi dưới gầm đường vành đai 3 trên cao có mặt cắt ngang cầu rộng 7,5m, bề rộng phần xe chạy 6m. Kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép, tổng chiều dài cầu 297,2m. Ông Nguyễn Văn Bình sống ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, hằng ngày phải đi lại trên tuyến đường có cây cầu vòm sắt này cho biết, bản thân ông và nhiều người khác không muốn đi lên cầu vòm sắt.

“Tôi không hiểu sao lại xuất hiện thêm một cây cầu trong khi đường song song bên này chúng tôi đi lại khá thoải mái, không hề ùn tắc. Đó là còn chưa kể, tổ chức giao thông để đi lên cầu vòm sắt khá bất tiện. Đường nối để đi vào hai bên đầu cầu vừa ở ngã ba, ngã tư kèm thêm đèn giao thông. Vì bất tiện nên cứ đường thẳng chúng tôi đi”.

Với những người dân sống xung quanh khu vực thì cây cầu này chỉ có tác dụng để thi thoảng đi lên tập thể dục. Và cùng với thời gian, do cầu vắng người qua lại nên dưới gầm cầu đã trở thành nơi đổ rác và chỗ đỗ xe ôtô. Nhiều người dân bày tỏ, nói cầu xây cho tương lai thì lãng phí quá vì đến tương lai cầu đã bị xuống cấp rồi.

Chiều 9/7, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, việc Sở GTVT Hà Nội trả lời xây cầu vòm thép chỉ để "dự báo theo nhu cầu của tương lai" là chưa hợp lý. Bởi không ai làm một cây cầu tiêu tốn 65 tỷ đồng mà chỉ để khi tắc đường thì người dân mới sử dụng.

“Đây là sự lãng phí hết sức lớn. Bộ phận quy hoạch và làm cây cầu vòm này thiếu nhạy cảm về giao thông gây lãng phí. Việc xây cây cầu xuất phát từ tầm nhìn quá xa và tầm nhìn đó không thực tế. Cứ nói đường đi đâu kinh tế phát triển đến đó, nhưng đường phải phục vụ trực tiếp và sớm nhất cho lưu thông thì đường mới hiệu quả. Nếu cho tôi khảo sát trực tiếp thì ý kiến của tôi sẽ là không làm cây cầu này. Bởi nó không phải điểm nối, không phải nút để người dân phải đi qua và người ta đi chỗ khác gần hơn, thuận lợi hơn”, ông Thuỷ phân tích.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, xây dựng cầu vượt để giảm ùn tắc giao thông cần phải đáp ứng những yếu tố sau: Trước hết là tính toán dòng người và dòng phương tiện phải đảm bảo bao nhiêu trong một giờ. Thứ 2, thời điểm làm phải trong lúc kinh tế đang sôi động. Thứ 3, phải tính toán làm với chi phí thấp nhất. Thứ 4 là làm đúng tiến độ và cuối cùng, phải đảm bảo chất lượng tốt, hiệu quả cao. Việc xây dựng một cây cầu mà tính hiệu quả kém như cầu vòm 65 tỷ qua hồ Linh Đàm trách nhiệm chính thuộc về Sở GTVT Hà Nội và cơ quan thiết kế, quy hoạch cầu.

C.Linh – T.Huyền
.
.
.