Ám ảnh một tội ác

Thứ Hai, 02/06/2014, 14:00

Từ khi làm vợ, Linh không có gì có thể chê trách. Cô chu đáo, chăm sóc tôi và rất thuỷ chung, tận tụy. Chúng tôi có một con trai. Linh dạy tiếng Anh ở một trường đại học. Cô có vẻ viên mãn với cuộc sống hiện tại. Cuộc sống êm đềm của chúng tôi cứ thế trôi đi, tưởng chẳng có gì khác được. Nhưng...

Tôi không ngờ cuộc hôn nhân với Linh lại có thể diễn ra nhanh chóng đến như vậy. Cô kém tôi hơn 20 tuổi, có học, nhan sắc vượt trội khiến bất cứ người đàn ông nào tiếp xúc cũng phải thèm muốn. Người như cô có thể lấy bất cứ kẻ danh giá nào. Sự thật là đã có rất nhiều người con nhà quyền quý, giàu sang ngỏ lời, nhưng cô đã chấp nhận làm vợ tôi - một bác sĩ bình thường. Chức chủ nhiệm khoa ngoại ở một bệnh viện có thể không đến nỗi nào trong mắt nhiều người, nhưng chắc chắn với Linh chẳng có ý nghĩa gì, vì tôi biết rõ cô đã từ chối rất nhiều chàng trai cùng trang lứa có học vị cao, bố mẹ là VIP.

Từ khi làm vợ, Linh không có gì có thể chê trách. Cô chu đáo, chăm sóc tôi và rất thuỷ chung, tận tụy. Chúng tôi có một con trai. Linh dạy tiếng Anh ở một trường đại học. Cô có vẻ viên mãn với cuộc sống hiện tại.

Cuộc sống êm đềm của chúng tôi cứ thế trôi đi, tưởng chẳng có gì khác được. Nhưng...

20 năm trước, tôi theo đuổi một người đàn bà tên Quyên, hơn tôi 2 tuổi. Khi ấy cô goá chồng, đang nuôi đứa con gái 5 tuổi. Ở tuổi 30 nhưng cô có vẻ đẹp mê hồn và sức hấp dẫn đàn ông kỳ lạ. Tiếp xúc với cô, tôi luôn cảm thấy như bị bỏ bùa mê. Nhiều người cũng săn đuổi Quyên, trong số đó có Khánh - người được cô để ý hơn cả. Vì là “tình địch” đáng gờm nên tôi buộc phải “tìm hiểu” anh ta thì được biết đó là người có tài năng, đang là giám đốc một cơ quan khi mới ở tuổi 35. Anh ta có uy tín, được mọi người quý trọng. Tôi hoàn toàn cho rằng người như anh ta được những phụ nữ có nhan sắc ngưỡng mộ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tôi là người “đến trước” và biết rõ không phải không được Quyên “để ý”, mà là cô rất ngại cái hoàn cảnh “trai tân” của tôi. Cô nói không muốn tôi bị thiệt thòi khi đến với cô.

Mặc dù Quyên nói rất chân thành nhưng tôi vẫn cảm thấy lý do cô từ chối không hoàn toàn như vậy. Rõ ràng Khánh chính là nguyên nhân trực tiếp khiến tôi không thể có được cô. Một cảm giác ghen trỗi dậy trong tôi.

Đang tìm mọi cách giành bằng được người đàn bà giàu sức cám dỗ đó thì Khánh đổ bệnh, vào cấp cứu ở bệnh viện của tôi. Anh ta làm việc ở cơ quan đúng tuyến vào đây. Quyên đã gặp, chính thức đặt vấn đề nhờ tôi trực tiếp mổ và điều trị. Cô nói dẫu sao cũng không thể thờ ơ với một người thân mặc dù đến phút đó chỉ coi Khánh là bạn mà không có ý định đi bước nữa với bất cứ ai. Quý trọng và tin ở khả năng chuyên môn của tôi, cô đã nhờ, gửi gắm. Nhưng tôi biết là giữa cô và Khánh vẫn rất nặng tình, khó lòng có thể chỉ coi nhau là bạn. Có lẽ cô nói vậy để cho tế nhị, để tôi nhẹ nhõm, không nảy lòng ghen khi chữa cho Khánh.

Trước mặt tôi lúc này là hình hài kẻ tình địch. Anh ta nằm đó, dúm dó, mặt xanh nhợt, thiểu não. Một cảm giác căm thù xuất hiện trong tôi. Biết như vậy là vô lý, biết người đàn ông kia hoàn toàn có quyền hưởng hạnh phúc từ Quyên. Nhưng không hiểu sao tôi cứ sôi lên lòng ghen tức. Chứng kiến Quyên ngược xuôi lo cho anh ta mọi việc, tôi càng thấy cô thật là thảo hiền, nhân hậu. Và trong sự tất tưởi vất vả ấy, cô lại càng đẹp bội phần.

Tiếc và ghen, buồn cho thân phận mình và máu hiếu thắng muốn giành giật bằng được người đàn bà kia là những cảm giác rất phức tạp đan dệt trong tôi lúc ấy. Thế là tôi nảy ra một ý định khủng khiếp... Và tôi đã thực hiện thành công ý định ấy.

Ảnh minh họa.

Ca mổ lần đó, vì giỏi chuyên môn nên chỉ cần mình tôi là bác sĩ, còn lại toàn các sinh viên thực tập và vài y tá phụ giúp. Mọi quyết định của tôi được mọi người trong kíp mổ răm rắp tuân thủ. Bệnh trạng của Khánh khi đó rất nặng. Ai cũng thấy là khả năng chữa khỏi chỉ 50%. Nhưng nếu không phải là Khánh, tôi hoàn toàn có cách xử lý để có thể cứu sống bệnh nhân. Và trong tích tắc, tôi đã quyết định không cứu anh ta, để rơi vào 50% còn lại dành cho cái chết của người bệnh. Không ai trong kíp mổ có thể phát hiện. Những trường hợp như ca cấp cứu này không sống được là rất bình thường, phổ biến. Thế là Khánh đã được đưa xuống nhà xác.

Khi ấy, tôi không mảy may hối hận, chỉ thấy đắc ý về hành vi gọn nhẹ, “tuyệt mật” của mình. Tôi nghĩ trong những ngày tới, khi không còn Khánh trên đời, Quyên sẽ đến với tôi. Cô cũng biết rõ tôi đã hết lòng trong ca mổ như thế nào. (Điều bịp bợm này tôi đã khéo chứng tỏ cho cả kíp mổ tin. Họ sẽ nói đến tai Quyên). Nhưng tôi đã dự tính nhầm: Trước cái chết của Khánh, cô tỏ ra rất đau buồn. Sau đó, tôi đã khéo léo rủ thêm hai bạn sinh viên trẻ đang thực tập có mặt trong kíp mổ đến thăm Quyên, để động viên, an ủi. Qua cách nói của hai sinh viên, Quyên hoàn toàn tin là Khánh không thể cứu được và còn cảm ơn công sức của chúng tôi. Tiếp theo, thỉnh thoảng tôi tìm đến Quyên, nhưng đều thấy cô không có tình cảm gì với tôi ngoài sự quý trọng bình thường. Có đến nửa năm sau sự kiện trên, nghĩ rằng cô đã vơi nỗi buồn về cái chết của Khánh, tôi đặt lại vấn đề muốn cầu hôn thì cô vẫn khước từ.

Tôi hoàn toàn vô vọng. Dần dần, chúng tôi không gặp nhau nữa. Nghe nói sau đó rất lâu, do cuộc sống quá khó khăn bởi một lí do nào đó, cô lấy một người đàn ông tương đối giàu có nhưng cuộc sống cũng chẳng mấy tốt đẹp. Bằng chứng là đứa con riêng của cô đã phải ở với ông bà ngoại. Đứa trẻ lớn lên, dần dần quên rằng mình có mẹ. Lại có tin nói Quyên đã cùng chồng đi làm ăn ở nước ngoài. Điều đó cũng chẳng khiến cô con gái bận tâm vì được ông bà quá yêu thương, lo cho ăn học đầy đủ. Cô bé đó sau này là một cô sinh viên trường đại học ngoại ngữ rồi trở thành giảng viên tiếng Anh ở một trường đại học. Đó chính là Linh, vợ tôi. Một lần trong tuần trăng mật, nàng đã kể với tôi về cuộc đời mình, bị mồ côi cha từ nhỏ, khái niệm về cha chỉ rất lờ mờ, về người mẹ trẻ đẹp lúc đầu đầy tình thương con nhưng sau chạy theo tiếng gọi của một người đàn ông giàu có, rồi sang sống ở nước ngoài. Giờ thì cô cũng chẳng biết bà ta ra sao. Đám cưới chúng tôi không có sự xuất hiện của mẹ vợ mà hoàn toàn là do ông bà ngoại Linh lo liệu. Các cụ cũng coi như không có đứa con gái đó...

Nghe Linh kể, tôi đã rùng mình và bàng hoàng trước sự thật trớ trêu: cuộc đời xô đẩy để tôi trở thành con rể người đàn bà mấy chục năm trước mình đam mê, theo đuổi. Và cái tội ác do tôi gây ra với tình địch, những mong giành giật được người đẹp mà bao năm nay tôi cố chôn vùi cùng bí mật không có ai biết nay lại trỗi dậy giày vò tôi.

Có những đêm nằm mơ thấy quá khứ, mơ sống lại cái lần thực hiện ca mổ cho Khánh, tôi đã kêu ré lên khiến Linh tỉnh giấc, hốt hoảng phải lay cho tôi tỉnh. Và tôi luôn bị ám ảnh bởi tội lỗi năm xưa. Nhưng tất nhiên là tất cả vẫn được giấu kín. Linh - vợ tôi - vẫn không hay biết gì “tung tích” của tôi. Nàng không thể ngờ người chồng rất yêu chiều mình lại chính là kẻ năm xưa theo đuổi mẹ mình, và đã gây nên cái chết cho một người đàn ông vô tội lẽ ra là dượng mình.

Nhưng vừa rồi, Linh bỗng nhận được điện thoại của mẹ cô gọi từ Mỹ. Quyên tỏ sự mừng tủi và ân hận khi liên hệ được với con gái. Chị ta nói sẽ về nước một ngày gần nhất. Chắc chắn khi ấy Linh không thể từ chối mẹ; con trai chúng tôi không thể không nhận bà ngoại. Và Quyên không thể không biết rõ về tôi. Vô cùng hoang mang và bối rối, tôi nên hành xử thế nào với vợ và với Quyên lúc “bà nhạc” về nước? Tôi có nên kể rõ ngọn ngành với Linh?

Tiến sĩ Nguyễn Đình San:

Anh đã làm một việc chẳng những ác mà còn vi phạm pháp luật (mục 1 điều 107 Bộ luật Hình sự về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”). Nhưng dẫu sao thì chuyện cũng đã lui vào quá khứ lâu và chắc anh cũng đã thấy hối hận, day dứt. Sự thể đã như vậy thì anh rất nên kể rõ với vợ, tất nhiên là không nói đến tội lỗi năm xưa, rồi cùng bàn bạc cách ứng xử với Quyên khi “bà nhạc” về nước. Hãy để vợ anh chủ động đưa ra phương án ứng xử. Dẫu sao thì cũng không thể bưng bít mãi được. Nếu cố giấu, sẽ đến một lúc nào đó sự thật phát lộ. Anh hãy hình dung khi ấy tình hình sẽ ra sao?

Lộc Nhuận, họa sỹ thiết kế:

Tôi nghĩ điều gì cũng có nguyên nhân và rồi chúng ta sẽ phải nhận những kết quả tương ứng. Tôi không dám phán xét những câu chuyện của người lớn nhưng tôi cho rằng, bác cần chấp nhận những điều có thể sẽ rất tồi tệ. Đối diện với quá khứ sẽ rất khó, nhưng nó như vết thương, không chấp nhận nó cũng thi thoảng sẽ chồi lên. Với điều đó, bác cũng sẽ khó lòng yên ổn. Bác thử tập đối diện với nó, nói thẳng với người thân và cùng tìm cách tháo gỡ. Chuyện quá lâu rồi, có lẽ cũng không ai trách mắng bác đâu. Hi vọng mọi chuyện sẽ êm xuôi…

Quang Chiến
.
.
.