Bi kịch từ rượu

Thứ Năm, 08/10/2020, 07:37
Ở một số làng quê, bia rượu trở thành tệ nạn đáng báo động, để lại hệ lụy điêu tàn trong mỗi gia đình, cho cả cộng đồng và xã hội...

Họ đến với rượu vì nhiều lý do. Lạc lối vào “ma men” không đơn giản là cuộc dạo chơi, rất nhiều người đã quên lối về, đánh mất lý trí, sức khỏe, hạnh phúc gia đình. Ở một số làng quê, bia rượu trở thành tệ nạn đáng báo động, để lại hệ lụy điêu tàn trong mỗi gia đình, cho cả cộng đồng và xã hội...

Lạc lối vào "ma men"

Ở đôi bờ con rạch Tân Lập (Long Hưng, Mỹ Tú, Sóc Trăng), bà con đã quá quen thuộc với hình ảnh của “ma men thần sầu” Ngô Tấn Mãi. 60 tuổi đời thì ông Mãi có tới 28 năm “ngập” trong rượu. Thời trai trẻ, ông từng có một gia đình êm ấm với 4 đứa con đủ “nếp, tẻ”. Rồi bệnh tật, 2 đứa con qua đời, vợ ông chia tay chồng.

Còn một mình, ông Mãi chán đời tìm đến men rượu. Những cơn say triền miên khiến tinh thần ông lơ lửng, ngất ngưởng chẳng còn suy tính được gì nữa.

Ít năm sau, ông tìm được một người phụ nữ mới. Vì trót lỡ với rượu, bị rượu quật cho tan nát, tơi tả thân xác nên ông không giữ nổi chân của người đàn bà quá lứa. Người này lại dứt áo ra đi, ông Mãi lại chìm ngập trong rượu. Năm tháng qua đi, rượu làm ông bệnh tật, ốm yếu, chân tay run rẩy, nhức buốt. Anh em họ hàng mang ông tới bệnh viện. Bác sĩ lắc đầu, nói đưa về nhà vì ông bị trăm thứ bệnh rồi. 

Xác định đời chẳng còn gì lưu luyến nữa, ông Mãi ngấu nghiến uống rượu cho thỏa mãn những ngày cuối đời. Một ngày ông có thể uống cả lít rượu. Cơn say này chưa tỉnh thì cơn say khác chồng lên. Chính vì say sưa chất ngất như thế mà ông không còn cảm giác đau đớn thân thể, cũng không cần ăn cơm.

Đặng Văn Cư tại tòa.

Ông lang thang chán thì mò về nhà vợ đầu tá túc, nhưng bị bà đuổi đi vì không chịu nổi hơi rượu. Ông ra ngoài gầm cầu ở một thời gian thì chuyển lên mé kênh dựng căn lều để ở. “Nhà” của “ma men” Ngô Tấn Mãi xiêu vẹo, rách rưới không bằng cái chòi vịt. Ở đó, thứ quý nhất với ông Mãi chính là mấy chai rượu ngâm rắn, rết... hầm bà lằng chẳng khác nào thuốc độc. 

Uống quá nhiều rượu suốt một thời gian dài nên thần trí của ông Mãi không được bình thường, ông nói chuyện như người ở thế giới khác. Trẻ con thấy bộ dạng của ông thì sợ phát khiếp. Ông mà nhe hai cái răng cửa thều thào nhọn hoắm ra cười ai cũng phải xách dép bỏ chạy. Dân làng không ai muốn đụng chạm tới ông, vì sợ “con ma rượu” đưa đường chỉ lối, ông lên cơn cầm dao đi chém hoặc lao vào nhà phá phách.

Những giờ phút tỉnh táo hiếm hoi, ông Mãi nhớ tới hai đứa con và các cháu nội, ngoại. Con cái không chăm sóc, nuôi dưỡng cha, ông Mãi không hề trách chúng, bởi lỗi lầm đều tại ông. Chính ông đã đánh mất danh dự, nhân cách của một người cha.

Ở một số làng quê, những “thần sầu” như ông Mãi không hề hiếm. 50 tuổi, ông Dũng Cuội (Mỹ Tú, Sóc Trăng) lụ khụ, già nua như một ông lão 80. Người ông lúc nào cũng mềm lả như cọng rau muống luộc, mắt đờ đẫn, trắng bệch, da mặt mốc thếch, bủng beo. Ngồi ngất ngưởng trên chiếc ghế đá xám ngắt, cùng với chai rượu thỉnh thoảng lại làm một ngụm như người ta uống nước.

Ông Cuội uống rượu với mồi nhậu là… ớt, cốc, ổi… Ông uống đến mức, miệng, lưỡi, bao tử không còn cảm giác của cay, nóng, uống như một bản năng và hoàn toàn mất kiểm soát ý thức.

Cách đây ngót chục năm, ông Cuội là một ngư dân chịu thương chịu khó trên khắp các nhánh sông Cửu Long. Nghề “bà cậu” cho ông các mối quan hệ giao thương, sau đó ông chuyển sang làm nghề lái buôn. Thời điểm “buôn may bán đắt”, ông nuôi được 3 đứa con khôn lớn.

Nhưng khi thất bại, ông đã mất tất cả. Lên bờ, gia đình tan vỡ. Không vượt qua được cú sốc tinh thần, ông Cuội tìm đến rượu. Ông say suốt, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Từ một ngư dân hiền lành chất phác, “ma men” đã lấy đi của ông Dũng Cuội tất cả. Ông chẳng còn gì ngoài cơ thể nhuộm đặc mùi rượu. Người đời xa lánh, coi khinh.

Ông Mãi bên túp lều ven sông.

"Nồi da xáo thịt" vì rượu

Tháng 11-2019, hai anh em Đặng Văn Cư (SN 1985) và Đặng Văn Tuấn (SN 1987) rủ nhau uống rượu tại nhà cha mẹ ruột ở ấp Trảng Táo (xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).

Đánh chén say sưa xong, ai về nhà nấy. Chân trước đá chân sau bước vào nhà, Tuấn thấy vợ là chị Đặng Thị Danh đang ngồi chơi mà chưa nấu cơm liền nổi cơn, sừng sổ lao tới đánh tới tấp vào người vợ. Chị Danh bỏ chạy sang nhà mẹ ruột nên Tuấn không làm gì được. Cư thấy em dâu khóc lóc, hỏi thăm thì biết do Tuấn đuổi đánh.

Máu anh hùng nổi lên, Cư hùng hổ vác điếu cày sang nhà Tuấn định dạy cho em trai một bài học. Tuấn cũng không vừa, gân cổ lên quát: “Không phải chuyện nhà ông”. Quá bực tức vì thái độ nghênh ngang của Tuấn, Cư vung điếu cày vụt một cái trời giáng vào phía sau gáy khiến Tuấn bất tỉnh.

Tuấn được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi do chấn thương sọ não nặng, xuất huyết não, tụ máu…

Cái chết của Tuấn gây bàng hoàng, chua xót trong gia đình và chòm xóm láng giếng. Đứa con gái mới 6 tháng tuổi mồ côi cha, vợ Tuấn còn quá trẻ để gánh vác lo toan việc gia đình.

Cư do một phút nông nổi, bồng bột, vì rượu mà gây ra cái chết cho người em trai của mình. Cư chưa lập gia đình, nay phải đi tù, bỏ lại cha mẹ già yếu không người chăm sóc. Sau biến cố đau thương trong gia đình, dù thời gian có làm dịu đi vết thương lòng thì nỗi đau mất mát lúc nào cũng hiện hữu trong lòng ông Đặng Văn Sử.

Ngôi nhà hai ông bà vốn đã lạnh lẽo, nay trống vắng, hoang vu khi vắng bóng con trai. Mỗi ngày, ông Sử cặm cụi đi làm kiếm tiền sinh sống. Ông cố gắng làm thật nhiều, đi thật nhiều để quên đi những gì không đáng nhớ.

"Thần sầu" Dũng Cuội uống rượu như uống nước.

Ông Sử cho biết, hai anh em trước giờ yêu thương nhau, chưa hề xảy ra mâu thuẫn gì. Hôm đó vì rượu mà ra, trong cơn nóng giận, sẵn ống điếu trên tay nên Cư mới thiếu kiềm chế. Thực ra, Cư không cố ý hại em nó. Có lẽ đau khổ tột cùng chính là người mẹ già. 

Từ ngày con chết, con đi tù, bà cứ lầm lũi, lặng thinh trong gian bếp. Bà ít đi ra ngoài, không dám tiếp xúc với mọi người, vì sợ người ta hỏi đến chuyện gia đình: “Huynh đệ tương tàn vì chén rượu thì hay ho cái gì mà trả lời. Chỉ đau lòng hơn mà thôi”, người mẹ già nghẹn ngào.

Đối diện bên kia là nhà của con dâu, cháu nội của bà. Từ ngày con trai mất, bà không dám nhìn thẳng về nơi ấy. Nó ám ảnh bà trong từng giây phút.

Cũng vì chén rượu mà những đứa con của ông Nguyễn Văn Cao (63 tuổi, ngụ ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) người chết, kẻ tù tội. Chuyện xảy ra vào 3 năm trước. Hôm ấy, Nguyễn Tấn Nhàn (42 tuổi) và em trai Nguyễn Tấn Tịnh (21 tuổi) “chén chú chén anh” ngay tại nhà mồ của ông nội nằm phía sau vườn nhà.

Cuộc nhậu đã tàn thì Nguyễn Tấn Yên (24 tuổi, em kế anh Nhàn) xuất hiện trong tình trạng ngà ngà say. Lời qua tiếng lại, Yên rút dao đâm giữa ngực của anh trai khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Yên bị Công an bắt giữ. Sau đó, TAND tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Yên 18 năm tù về tội giết người.

Đau khổ nhất có lẽ là ông Nguyễn Văn Cao. Người cha này đã không còn nước mắt để khóc cho những đứa con dại dột, nông nổi. Từ ngày Yên đi tù, ông bà chưa một lần vào thăm con, vì ốm đau bệnh tật hoài và cũng chẳng có tiền mà đi. Nhàn là con cả, ngoài 40 tuổi mà chưa chịu lấy vợ. Nhàn ra đi, để lại cái nghèo khó bủa vây lấy bậc sinh thành.

Sau biến cố thương tâm, những đứa con của ông Cao tỏa đi khắp nơi mưu sinh, có khi cả năm không quay về nhà thăm cha mẹ. Cũng từ chén rượu “tử thần” ngày đó mà rất lâu rồi, gia đình ông Cao không quây quần bên mâm cơm, không đứa nào ngồi uống rượu cùng nhau nữa.

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Viện trưởng Viện khoa học Lao động Sáng tạo nhận định, việc lạm dụng rượu bia đã và đang gây ra những hệ lụy khủng khiếp cho xã hội. Nhiều người vì rượu bia mà đánh mất nhân tính, phẩm giá, hủy hoại sức khỏe, tương lai. Chưa kể, đã xảy ra không ít vụ việc đau lòng, máu chảy đầu rơi vì chén rượu. Bản lĩnh của người đàn ông chắc chắn không phải được xây dựng từ một khuôn mặt đỏ phừng, miệng nồng nặc mùi bia rượu, áo quần xộc xệch và hành vi lệch chuẩn.

Từ 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là vi phạm pháp luật. Trong đó, cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Và cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.


Ng. Thiện-Cát Tường
.
.
.