Bỏ vào viện dưỡng lão để con gái được lấy chồng!

Thứ Hai, 26/05/2014, 09:31

Chứng kiến hoàn cảnh của tôi, ai cũng nói: "Ông con giai nào cũng làm to, vậy mà chẳng chịu ở với đứa nào, lại sống với cô con gái nghèo ở quê". Nhưng họ đâu có biết, sự thực không như thế.

Thưa các anh chị!

Tôi năm nay đã 80 tuổi, sức khoẻ rất yếu. Vừa bị đau khớp, đi lại rất khó khăn, lại bị loà mắt, nhìn mọi vật chỉ lờ mờ gần như mù nên muốn di chuyển phải dò dẫm, lần mò. Tôi thấy đã rất gần đất xa trời. Cảnh ngộ của tôi vô cùng bi đát, trớ trêu, lắm lúc nghĩ tự vẫn quách cho xong. Nhưng lại không biết thực hiện bằng cách gì cho trót lọt. Kể về hoàn cảnh của mình cho các anh chị nghe tôi biết là đã vạch áo cho người xem lưng một việc chẳng hay ho gì. Nhưng thấy sẽ vơi đi nhiều nỗi u uất nếu được các anh chị cảm thông. Vả lại cũng chẳng thể giấu được mãi vì xung quanh cũng đã có nhiều người biết. Vậy nên tôi đành nhờ một đứa cháu giúp viết thư này gửi đến các anh, chị.

Tôi sinh được 4 đứa con, 3 trai, 1 gái. Sau khi sinh đứa út (con gái) được mấy tháng, chồng tôi qua đời. Khi ấy đứa con đầu 12 tuổi. Các em nó lần lượt 9 và 5 tuổi. Như vậy chỉ 2 đứa con đầu là nhớ rõ bố. Tôi làm dâu một gia đình rất nghèo, nên khi chồng mất, hầu như tôi không nhận được sự giúp đỡ nào từ gia đình nhà chồng. Bố mẹ tôi khi ấy tuy chưa già, nhưng nghèo, lại nuôi mấy đứa em còn đi học nên cũng chẳng bao bọc gì được cho tôi. Một mình nuôi 4 con, tôi phải phấn đấu cật lực mới có thể kiếm được cho chúng đủ miếng ăn hàng ngày. Hồi ấy học ở trường không phải đóng học phí nên không đứa nào phải bỏ học. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, tôi đã làm bất cứ việc gì miễn kiếm ra tiền, từ đan len, móc áo, đến làm bánh, bỏ mối hàng... Thấy hoàn cảnh tôi quá khó khăn, thỉnh thoảng công đoàn cơ quan trợ cấp thêm ít nhiều. Năm tháng lần hồi, tôi cũng nuôi được các con trưởng thành; 3 đứa con trai đều tốt nghiệp đại học, đứa con gái học trung cấp kế toán.

Hiện tại, 3 con trai tôi đều rất thành đạt, có vị trí vững chắc trong xã hội. Thằng cả làm giám đốc một cơ quan ở Sài Gòn. Vợ nó cũng đứng đầu một công ty kinh doanh. Thằng thứ hai đứng đầu một tổng công ty lớn ở Hà Nội. Đứa thứ ba cũng chẳng thua kém hai anh: nghe nói có vai vế đáng kể ở một bộ. Vợ nó cũng là hiệu phó một trường phổ thông trung học ở thủ đô. Chỉ đứa con út là không may mắn bằng các anh, với tấm bằng trung cấp kế toán, nó xin vào được một cơ quan. Nhưng người thủ trưởng đã có những biểu hiện không đàng hoàng nên nó đã phải rời bỏ rồi sau đó làm mỗi nơi một thời gian ngắn, chẳng đâu vào đâu. Cuối cùng nó quyết định bỏ việc, ở nhà mở một cửa hàng nhỏ, kinh doanh lặt vặt để có thời gian chăm sóc tôi.

Chứng kiến hoàn cảnh của tôi, ai cũng nói: "Ông con giai nào cũng làm to, vậy mà chẳng chịu ở với đứa nào, lại sống với cô con gái nghèo ở quê". Nhưng họ đâu có biết, sự thực không như thế.

Khi các con trai tôi mới sinh con nhỏ, chúng vẫn chưa có chức quyền gì, tôi lần lượt đến ở, trông cháu để chúng không phải thuê người giúp việc. 6 đứa cháu nội đều do tôi chăm sóc để bố mẹ chúng yên tâm công tác, có điều kiện phấn đấu, thăng quan tiến chức. Nhưng thật đau lòng, đến khi chúng lớn, không cần bà phải quan tâm nữa, thì cả ba đứa đều không có ý định giữ tôi ở lại với chúng. Số tôi vô phúc có ba đứa con dâu đều vô tâm, ích kỉ. Chúng đều gợi ý xa xôi để tôi trở về quê. Trước khi tôi lên tàu, chúng không quên dặn: " - Bà không phải ra, có tuổi đi lại vất vả, có gì chúng con sẽ đưa các cháu về chơi với bà khi được nghỉ hoặc đón bà lên".

 Ảnh minh họa.

Tôi nhớ các cháu cồn cào ruột gan. Chúng hồn nhiên, vô tư nhưng có lẽ mỗi ngày một khôn lớn, đã ảnh hưởng bố mẹ nên dần dần không có nhu cầu gặp bà nội. Rồi bẵng đi, suốt ba năm, ba đứa con trai đều không hỏi han gì đến tôi. Mỗi dịp Tết đến, chúng sai cấp dưới về quê đưa đồ lễ cho phải phép. Thầy nào tớ nấy, người lái xe của chúng cũng hỏi han tôi chiếu lệ rồi vội đi ngay. Những năm trước, có ba người lái xe của cả ba thằng con về. Nhưng đã mấy năm gần đây, chúng đã thống nhất là tập trung quà chỉ để một người về. Trong mỗi túi quà, chúng ghi rõ họ tên từng đứa, cốt để con gái tôi biết rõ ông anh nào cũng lo tết mẹ chu đáo. Em gái chúng bất bình trước xử sự dở của các anh, biên thư nói thẳng thì chúng chỉ một giọng thanh minh: "Phải ở địa vị các anh, cô mới hiểu. Các anh công việc ngập đầu, tối mắt tối mũi lo cuộc sống cho bao người trong cơ quan, không thể có thời gian về chăm bà. Có cô chăm sóc, các anh yên tâm rồi".

Con gái tôi - tên Hiền - năm nay đã ngoài 40 tuổi. Nó chẳng đến nỗi nào, hồi con gái ai cũng khen là xinh đẹp, được cả nết lẫn người. Nhưng vẫn chưa chồng. Tôi ngày đêm canh cánh trong lòng. Có lẽ vì qúa chăm lo cho mẹ mà nó đã không để ý gì chuyện chồng con. Nay đã quá lứa nhỡ thì, càng khó khăn hơn. Buồn vì mấy đứa con trai làm nên nhưng ăn ở bạc tình, lại lo thêm cho cuộc đời của đứa con gái út, tôi tàn héo rất nhanh. Ở tuổi 80, tôi chỉ nặng hơn ba chục cân. Mắt loà, chân chậm, ăn mỗi bữa không nổi lưng cơm. Vậy mà trời đã đầy, không cho tôi được chết. Đã rất nhiều lần ốm nặng, tưởng đã thoát cõi trần, vậy mà cũng qua. Tôi thực sự ngao ngán.

Gần đây, một người em họ của tôi là Việt kiều ở Mỹ về nước. Ông ấy đã ngoài 70 tuổi. Mẹ của chúng tôi là hai chị em ruột. Thấy tình cảnh của tôi, ông đã gặp từng đứa con trai của tôi để yêu cầu rước mẹ về ở. Ông nói rằng hoàn cảnh cháu Hiền khó khăn, tôi về ở với con trai thuận lợi hơn. Và điều quan trọng là nếu tôi ở với con gái, không ai dám lấy nó vì vướng mẹ già yếu. Chính vì lí do này mà tuy chẳng hi vọng gì ở sự tử tế của con trai, tôi vẫn quyết định sẽ nghe theo lời của người em họ để ở với một đứa nào đó. Nhưng thật đau lòng cho tôi: Cả ba đứa đều khước từ việc tôi ở với chúng. Đứa nào cũng đưa ra những lí do rất "chính đáng": Suốt ngày bận công việc cơ quan, hai vợ chồng luôn phải đi công tác xa, không có người chăm sóc mẹ. Chúng nói tôi ở với con gái là hợp lí, thuận tiện nhất vì Hiền không làm việc ở cơ quan nhà nước, có điều kiện lo cho mẹ. Chúng còn nói là sẵn sàng góp tiền hậu hĩnh cho em gái để nuôi tôi. Nhưng sự thật thì chúng chưa bao giờ đưa cho con gái tôi được đồng nào.

Một năm nay, có một người đàn ông goá vợ, có đứa con gái đã lấy chồng, để ý đến Hiền. Anh ta đứng đắn, chững chạc. Tôi thấy con gái có vẻ ưng người này. Tôi nói với Hiền là ở tuổi đã về già, gặp được người phù hợp thì chẳng nên kéo dài thời gian, hãy bàn nhau tổ chức lễ cưới. Còn trẻ trung gì đâu mà phải thử thách, dền dứ, nhất là anh ta cũng tử tế, lại tha thiết với mình.

Thời gian trôi đi, Hiền và người đàn ông vẫn cứ quan hệ bình thường như trước. Nhưng tôi không thấy chúng nói gì đến chuyện cưới treo.Tôi hỏi thì Hiền chỉ nói: "Mẹ cứ yên tâm, chúng con còn thu xếp". Tôi linh cảm nhận ra hình như người đàn ông kia không khác gì những người trước, rất chú ý đến con gái tôi nhưng thấy còn người mẹ già yếu bên cạnh đã ngần ngại, không muốn cưới.

Tôi nghĩ phải mọi cách rời xa con gái để nó có cơ hội kiếm chồng. Cứ thế này con tôi sẽ bất hạnh suốt đời. Là mẹ, làm sao tôi có thể yên tâm? Tôi biết có những trung tâm của Nhà nước thu nhận người già cô đơn. Tôi sẽ vào đó sống nốt những ngày tàn còn lại của cuộc đời khi mà ước muốn tự nhiên về cõi vĩnh hằng không đạt được. Tôi biết nếu làm việc này, 3 người con trai bất hiếu của tôi sẽ rất "ủng hộ". Nhưng chắc chắn đứa con gái sẽ không đồng ý. Tôi phải làm sao để thuyết phục được nó? Rất mong nhận được ở các anh chị lời khuyên.

TS Nguyễn Đình San:

Chắc chắn là con gái cụ không chấp nhận ý định của cụ rồi, bởi chị hiếu thảo, tử tế. Cụ chẳng nên theo đuổi ý định đó và hãy yên tâm sống với chị ấy. Cụ cũng chẳng nên quá bận tâm đến việc mình là "chướng ngại vật" cho hạnh phúc của con. Vì nếu gặp ai đó sẵn sàng lấy chị ấy làm vợ với điều kiện không vướng mẹ già yếu thì con gái cụ cũng chẳng thể hạnh phúc bên người ích kỉ, thiếu nhân hậu như thế. Và hẳn con gái cụ không thể chấp nhận người đó rồi.

Trọng Chương, họa sĩ thiết kê:

Câu chuyện cụ vừa kể thật trớ trêu nhưng tôi không hiểu có phải ở tuổi của cụ mọi thứ đều được phóng đại lên theo chiều hướng tiêu cực không? Chứ làm tới ông nọ bà kia và có ích kỷ tới cỡ nào đi chăng nữa, thì các con trai của cụ cũng sợ miệng tiếng của đời. Bây giờ chỉ cần một bài báo thôi thì những chức vị của họ cũng sẽ bị lung lay và sẽ bị cư dân mạng ném đá liền. Họ là người quen phải giải quyết mọi việc lớn nhỏ, hẳn hiểu hơn ai hết cách mình nên làm, nhất là với mẹ mình. Thêm vào đó, cụ cũng tự đưa ra những tình huống rất giống phim truyền hình, là bỏ vào viện dưỡng lão để cho con gái đi lấy chồng, vì sợ con bị ế. Điều này cũng không thực tế cho lắm... Nhưng dẫu sao thì tôi hiểu được, nỗi ám ảnh về sự cô đơn của cụ, khi con gái sắp lấy chồng còn các con trai thì lại chưa có động tĩnh nào về chuyện đón mẹ về chăm sóc. Cụ nên nói con gái út họp mặt gia đình một lần và nói rõ mọi chuyện. Tôi tin các anh con trai sẽ có được một quyết định sáng suốt. Không có đứa con nào lại lạnh lùng trước sự sống chết của người mẹ mình dứt ruột đẻ ra, cho dù họ có là những kẻ ích kỷ đi chăng nữa. Chúc cụ bình tâm!

Vũ Thị Liễu
.
.
.