Bóng ma phía sau một đội bóng

Thứ Hai, 16/12/2013, 15:56

Bóng đá đang trở thành một món hàng đắt giá. Nó có thể bị mua đi bán lại, bị biến thành công cụ làm giàu cho một cá nhân hoặc tổ chức. Và tồi tệ hơn, không quá khó khăn để biến một đội bóng trở thành tấm lá chắn cho một nhóm tội phạm lũng đoạn cả một nền bóng đá, được che bọc bởi cái gọi là… "tình yêu"!

1. Quá trình tội phạm xâm nhập vào bóng đá diễn ra đầu tiên ở Anh, và phát triển rất sớm và rất khác so với phần còn lại của thế giới. Nhưng có vẻ như ở Anh vẫn còn có sự kiểm soát với những quy tắc rất rõ ràng: ẩn mặt, không lộ diện, không bao giờ nắm giữ một vị trí nào trong CLB và tránh xa khỏi ánh đèn sân khấu. Tại Đông Âu, Nam Mỹ, hay châu Á, sự xuất hiện của những tổ chức tội phạm hoàn toàn khác. Chúng thâu tóm toàn bộ đội bóng, kiểm soát mọi hoạt động và biến nó thành một thứ quyền lực có thể làm thay đổi cả một nền bóng đá. Và đương nhiên, những bảng xếp hạng, thành tích một giải đấu hoàn toàn bị khống chế.

Ở Nga, Đông Âu, Italia… mafia chia cắt đội bóng trong một thế giới hào nhoáng, với mục đích rửa tiền, tạo ra niềm tự hào với khối lượng tài sản từ ảo thành thật. Ở Colombia, các nhóm buôn bán ma túy sở hữu, trao đổi và lũng đoạn CLB. Các quốc gia Nam Mỹ khác, việc mua một CLB tạo ra sự phục tùng tuyệt đối với một tổ chức. Sự hào nhoáng đó, cùng các ngôi sao tạo ra một hành lang thương mại ghê gớm, có sức hút lớn cho những loại tội phạm xuyên quốc gia. Hay ở châu Á, Trung Quốc trở thành điểm trung chuyển cá độ với những hệ thống dàn xếp tỷ số ảnh hưởng đến cả giải Ngoại hạng Anh. Nhưng có lẽ, chẳng mấy nơi nào tồn tại một mô hình thống trị bóng đá khét tiếng như ở Đông Âu, khi nó trở thành một trận chiến đẫm máu mà không ai có thể tưởng tượng được.

2. Nền bóng đá Bulgaria nhiều năm qua lụn bại. các ngôi sao có tiếng hầu hết bỏ xứ ra nước ngoài thi đấu, tránh cái không khí ngột ngạt, u ám mùi thuốc súng và cả máu. Nổi bật trong cuộc thôn tính bóng đá là cái tên quyền lực hàng đầu trong thế giới ngầm: Georgi Iliev. Tỷ phú, kiêm ông trùm này xâm nhập vào CLB Lokomotiv Plovdiv và nhanh chóng điều hành đời sống bóng đá bằng những quy luật bàn tay sắt, cho đến khi hắn bị bắn chết bởi duy nhất 1 viên đạn vào ngực. Trớ trêu thay, cái chết định mệnh của Iliev đến đúng vào buổi lễ ăn mừng, sau khi Lokomotiv Plovdiv vượt qua vòng sơ loại tại UEFA Cup vào tháng 8-2005. Hôm đó, Ilive mở tiệc mời toàn đội bóng tại khu resort siêu sang trọng Sunny Beach. Viên đạn găm trúng tim Iliev đến từ một tay súng bắn tỉa, được nghi ngờ là thuộc nhóm gangster kình địch, có thể cũng chính là nhóm đã giết anh trai Iliev (Vasil Iliev) hồi năm 1995. Câu cuối cùng mà Iliev nói trước khi gục xuống trong vũng máu: "Cho thêm champagne!".

Andres Escobar và bàn phản lưới định mệnh ở World Cup 1994.

Iliev vốn là một cựu vô địch wrestling, nhiều lần ngồi tù và sau khi tự do trở thành ông trùm của một băng đảng khét tiếng, gần như là một đế chế với những hoạt động tàn nhẫn, từ giết người, bắt cóc, tống tiền, buôn lậu… Khi mua được Lokomotiv Plovdiv, Iliev thường xuyên gửi đe dọa đến các ông chủ ở những CLB đối thủ, dùng các trận đấu để kinh doanh, rửa tiền. Và Iliev trở thành hình mẫu cho một ông trùm xã hội đen biến bóng đá trở thành một vương quốc, với mục tiêu tạo sức mạnh để xâm nhập vào chính trị đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại. Đúng vào lúc quyền lực của Iliev đang dần trở thành bất khả xâm phạm, cùng với sức mạnh của Lokomotiv Plovdiv thì một viên đạn đã kết thúc tất cả.

Có nhiều hướng khả nghi xung quanh cái chết của Iliev, trong đó thủ phạm là tổ chức đối thủ chỉ là một hướng nghi vấn. Bởi lẽ ở Bulgaria, việc một cá nhân đứng ra thâu tóm một CLB để che giấu những hoạt động phạm pháp không hề ít. Chính vì thế mà nếu Iliev đừng dính vào bóng đá, chưa chắc hắn đã chết thảm như vậy. Song, nếu như xếp tầm cỡ so với cái tên Arkan ở Serbia, thì Iliev chưa đáng để so sánh.

Từng là một CĐV trung thành của CLV Sao đỏ Belgrade, Arkan (tên thật là Zeljko Raznatovic) từng đi theo cổ vũ CLB này ở khắp nơi khi còn tuổi teen. Đi đến đâu, hắn trộm cướp đến đó và tiếp tục hành trình cùng Sao Đỏ Belgrade. Khi Nam Tư nổ ra nội chiến, Arkan thành lập lực lượng vũ trang nổi tiếng có tên: Những con hổ Arkan và trở thành nhà lãnh đạo bán quân sự, xuất hiện trong mọi chiến trường Serbia. Khi hết chiến tranh, Arkan trở thành lãnh đạo một tổ chức lớn và tiếp quản CLB Obilic, và đội bóng này nhanh chóng thống trị Serbia, giành quyền chơi tại Champions League, giải đấu lớn nhất châu Âu. Cái cách Arkan đưa Obilic trở thành CLB lớn cũng chẳng khác Iliev là mấy. Nhà báo nổi tiếng Franklin Foer từng có bài viết với nhiều nhân chứng cho rằng, Arkan đe dọa các đối thủ nếu họ ghi bàn vào lưới Obilic. Tất cả các trận đấu của Obilic trên sân nhà đều tràn ngập quân đội của Arkan, cầm súng bên đường pitch. Thậm chí, các cầu thủ trụ cột của đối thủ còn bị bắt cóc, nhốt trong thời gian diễn ra trận đấu. Khi giành quyền chơi ở Champions League năm 1998, Obilic bị UEFA cấm vì CLB này có kết nối với thế giới ngầm, Arkan chuyển quyền Chủ tịch cho vợ mình là Svetlana Raznatovic. Hai năm sau, Arkan bị giết trong một khách sạn ở Belgrade và Obilic trở lại là CLB tầm thường, gần như biến mất khỏi cuộc đua ở giải VĐQG Serbia. Sau đó là hàng loạt câu chuyện liên quan đến vợ của Arkan, được biết đến với biệt danh Ceca, trong đó có hoạt động mua các CLB Anh, và thâu tóm quyền sở hữu với các ngôi sao lớn của Anh.

Maradona từng bị mafia "đầu độc".

3. Những nhóm tội phạm ở Nam Mỹ lại biến bóng đá giống như một "nhà máy xuất khẩu" cầu thủ đi khắp thế giới. Và những cuộc chuyển nhượng đều nằm dưới quyền kiểm soát của những tổ chức này. Năm 2005, một ông trùm ma túy theo dõi kế hoạch bán ngôi sao John Viafara từ Once Caldas sang CLB Portsmouth của Anh. Một lời đe dọa sẽ giết chết vị chủ tịch của Once Caldas, ông Jose Manuel Lopez, đã được gửi đi khi thương vụ này tiến hành. Họ cho rằng ông này đã khai khống số tiền chuyển nhượng, khi Portsmouth đồng ý mức giá 1,5 triệu euro (tương đương 900.000 bảng), nhưng thông tin được đưa ra lại là 1,5 triệu bảng. Jose Manuel Lopez phải sống dưới sự giám sát an ninh 24/24.

Sau vụ này, đích thân Chủ tịch Portsmouth phải lên tiếng, đồng thời Liên đoàn bóng đá Anh cũng đưa ra yêu cầu các CLB Anh khi mua bán cầu thủ phải thông qua một nguồn trung gian, không được mua bán trực tiếp giữa hai CLB độc lập. Đó là lí do tại sao các cầu thủ Nam Mỹ hầu hết được sở hữu bởi các công ty trung gian, chứ không phải các CLB. Trong số đó nổi tiếng có những tên tuổi lớn hiện nay như tiền đạo Falcao (Monaco), Lucas Moura (PSG), Oscar (Chelsea)… Và khi các cầu thủ thuộc quyền sở hữu của những công ty như vậy, những tổ chức này có liên hệ với thế giới ngầm là điều đương nhiên. Điều ấy cũng lí giải tại sao ở Nam Mỹ có nhiều vụ cầu thủ bị giết nhiều đến thế. Đỉnh điểm là vụ Andres Escobar bị bắn 12 phát đạn, chỉ 10 ngày sau khi ĐT Colombia bị loại khỏi World Cup 1994 bởi bàn phản lưới nhà của anh trong trận gặp Mỹ. Sau mỗi phát đạn, kẻ giết người còn hét lớn: "Goal" (bàn thắng). Đó là một màn thanh toán hận thù từ những băng đảng Nam Mỹ.

Nếu bóng đá Anh bị phong tỏa giống như một kẻ bảo kê đứng bên cạnh cầu thủ, thì ở Đông Âu, Nam Mỹ và ở châu Á, châu Phi, những tổ chức tội phạm đứng phía sau cả những CLB. Thậm chí, cả một bền bóng đá bị khống chế bởi những nhóm mafia, hay nói đúng hơn là từ những ông trùm đầy quyền lực. Sự tương tác giữa tội phạm và bóng đá đã tạo ra một thế giới ngầm có thể tạo ra một phạm vi hoạt động có tầm ảnh hưởng ghê gớm, lũng đoạn không chỉ nền bóng đá mà cả một xã hội. Ở đó, bóng đá chỉ là một lớp phông màn trang trí, là công cụ cho những bóng ma.

Maradona cũng từng bị khống chế?

Trở về thập kỉ 80 của thế kỷ trước, khi Maradona đưa Napoli trở thành đội bóng hùng mạnh nhất Italia, huyền thoại của bóng đá thế giới cũng đã nằm trong tầm ngắm của mafia ở Camorra. Nhưng khác nước Anh, những ông trùm ở đây không biến mình thành kẻ thù của cầu thủ, mà nguy hiểm hơn, chúng biến thành bạn của cầu thủ. Ở đây là Maradona.

Trong các quán bar, hộp đêm ở Naples, Maradona là một khách "xịn", được chào đón nồng nhiệt. Nhưng dần dần, Maradona đã trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm mafia. Chúng "giúp" Maradona chơi bời, rồi biến ông thành tay nghiện lúc nào chẳng hay. Những đồng tiền cứ chảy về phía mafia và Maradona nhanh chóng suy kiệt. Giấc mơ Maradona ở Naples tan vỡ khi chẳng bao lâu sau Napoli cũng vỡ nợ với khoản tiền 70 triệu euro, và buộc xuống hạng. Còn Maradona lánh nạn ở Cuba và hồi phục chức năng với sự hỗ trợ của Chủ tịch Fidel Castro.

L.Trung
.
.
.