Chính Lý - Nơi neo đậu của những mảnh đời bất hạnh

Thứ Bảy, 31/05/2014, 09:31

Xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam từ lâu vẫn được nhắc đến  với cái tên “Làng Si Đa”, “Làng AIDS”. Hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày phát hiện ra ca nhiễm HIV đầu tiên, mọi sự đã thay đổi, không còn cảnh cả làng náo loạn người người lo lắng, mà thay vào đó là một Chính Lý đã biết vươn lên nhờ mô hình câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng” được thành lập. Mỗi mảnh đời nơi đây là một câu chuyện cảm động, họ đã dũng cảm đương đầu với bệnh tật và sự kỳ thị để cùng giúp nhau vươn lên trở thành điểm sáng về tuyên truyền phòng chống AIDS của tỉnh Hà Nam.

Những mảnh đời sau cơn bão AIDS

Chính Lý là xã thuần nông, tuy không thuộc diện xã nghèo nhất của huyện nhưng cứ đến tháng ba ngày tám, thanh niên trong làng lại rủ nhau đi khắp nước kiếm việc làm thêm. Cũng từ đây, cùng những đồng tiền gửi về là những tệ nạn xã hội, trong đó có HIV. Có thời điểm một tháng, trong làng có đến 3, 4 đám ma toàn thanh niên trai tráng, họ ra đi để lại những người vợ trẻ mang trong mình mầm mống căn bệnh chết người cũng như đứa con thơ luôn phải sống trong ám ảnh của sự kì thị. Theo chân chị Nguyễn Trang Nhung, Phó trưởng nhóm đồng đẳng “Vì ngày mai tươi sáng” của xã Chính Lý, chúng tôi đến thăm một số gia đình có H trong xã.

Vừa đi, chị Nhung vừa cho biết: “Hiện tại nhóm có hơn 20 thành viên, trong đó phụ nữ là chủ yếu, các chị bị lây nhiễm qua chồng và người tình. Cứ tưởng phụ trách một nhóm đồng đẳng toàn nữ sẽ dễ dàng nhưng lại khó hơn rất nhiều. Tuy phụ nữ dễ hoà nhập nhưng cũng rất dễ bị tác động bên ngoài, đó cũng là cái khó cho chúng tôi”. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến thăm là nhà của Trần Thị Huệ - người đã đoạt vương miện hoa hậu trong cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng” tổ chức năm 2010, cô được nhiều người biết đến như một tấm gương nghị lực. Trong căn nhà nhỏ vừa là chỗ ở vừa là xưởng may của nhóm, Trần Thị Huệ chậm rãi kể về cuộc đời của mình cho chúng tôi nghe.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Huệ từng là mẫu  người vợ lý tưởng của biết bao chàng trai trong làng. 18 tuổi, Huệ lấy chồng là người cùng làng, cuộc sống của đôi trẻ luôn rộn rã tiếng cười hạnh phúc. Khi cậu con trai đầu lòng ra đời, kinh tế khó khăn, chồng Huệ theo đám bạn trong làng đi vào Nam kiếm việc. Được vài năm khi kinh tế khá lên, họ quyết định sinh cháu thứ hai. Lúc này chồng Huệ đổ bệnh lăn ra ốm. Chạy chữa khắp nơi không ra bệnh, đến khi đám trai làng lần lượt ra đi vì căn bệnh AIDS, lúc này cô mới láng máng hiểu ra mọi chuyện.

Đau xót hơn khi đi xét nghiệm, cả Huệ và đứa con vừa chào đời cũng mang virus chết người này, nhưng vượt lên tất cả, cô chăm sóc chồng chu đáo cho đến ngày anh nhắm mắt xuôi tay. Chồng mất, một mình Huệ lo cho con, cô âm thầm chịu đựng những cái nhìn kỳ thị của người đời. Huệ tham gia câu lạc bộ “ Vì ngày mai tươi sáng”, ngày đi làm, tối về Huệ lại cùng mọi người trong câu lạc bộ tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền phòng chống AIDS. Vượt qua được rào cản tâm lý, cô vươn lên trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Xã Chính Lý.

“Những người nhiễm H như chúng em sợ nhất là cô đơn và sự kỳ thị của mọi người, từng trải qua những cảm giác đó nên em rất hiểu và thông cảm với các bạn cùng cảnh ngộ. Sau khi tham gia cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng” trở về, em được nhận vào làm việc ở Trung tâm Sáng kiến và Phát triển cộng đồng. Được mọi người tin tưởng và yêu thương, cuộc đời em đã bước sang một trang mới. Em cố gắng hết sức vào việc tuyên truyền giúp các bạn tự tin để vươn lên trong cuộc sống”

Chưa khô nước mắt khóc chồng thì một lần nữa Huệ lại khóc con, những tưởng cô sẽ gục ngã trước nỗi đau nhưng dường như càng đau khổ thì người phụ nữ nhỏ bé ấy lại càng kiên cường hơn. Giờ đây cuộc sống của Huệ và con gái đã khá hơn, xưởng may do cô mở bắt đầu có khách, nhiều người tìm đến cửa hàng cô lúc đầu vì tò mò nhưng sau đến vì cảm phục những gì cô và bạn bè đang làm để giúp cộng đồng. Ở cửa hàng cũng may đồ cho các chị em trong câu lạc bộ, cô không lấy tiền của ai cả, bởi Huệ coi đó như một sự tri ân đến với những người đã giúp mình vượt qua dông bão cuộc đời.

Chia tay Huệ, chúng tôi đến thăm nhà của Dương Thị Quế, căn nhà nhỏ khang trang nằm sâu trong ngõ. Lúc chúng tôi đến nơi thì Quế đang băm rau cho lợn. Qua câu chuyện chị kể thì được biết, chị cũng bị nhiễm H qua chồng. Những ngày tháng khi công việc đồng áng xong xuôi, chị một mình vào Nam kiếm việc làm thêm. Nhưng thay vì tích góp lấy chút vốn để nuôi con thì chồng ở nhà  lại đem hết số tiền Quế gửi về ăn chơi sa đoạ để rồi hậu quả là phải “ra đi” khi tuổi xuân vẫn còn xanh, để lại người vợ vô tội và đứa con thơ vắng bóng sự dạy dỗ của người cha. Chồng mất, một mình Quế chèo chống con thuyền gia đình khi mẹ chồng đã già yếu, hai con đang tuổi ăn học.

5 năm trôi qua, giờ đây Huế đã thay chồng trở thành trụ cột của gia đình và là thành viên tích cực của câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng” của xã Chính Lý. Quế tâm sự: “Em may mắn hơn một số bạn không chịu sự kỳ thị của gia đình, bố mẹ em biết chuyện đã động viên em rất nhiều, nhờ thế em mới trụ vững được. Trong số 20 thành viên của nhóm thì đại đa số là bị lây nhiễm từ chồng, cuộc sống của họ rất vất vả vì vừa phải nuôi con, vừa chống chọi với bệnh tật. Nhóm đã có những hành động cụ thể để giúp đỡ, bản thân em thấy việc tham gia nhóm rất bổ ích”.

Xưởng may của người có H

Chị Nhung cho biết nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” xã Chính Lý được hình thành từ cái hiệu may bé nhỏ của Nguyễn Thị Huệ. Để cải thiện cuộc sống của chị em nhiễm H trong xã, Huệ và một số bạn quyết định mở hiệu may. Những ngày đầu mới thành lập, có lúc tưởng phải đóng cửa. Nhưng rồi nhờ những hoạt động tuyên truyền của nhóm, mọi người hiểu ra và dần dần cũng đến may. Giờ đây không những không chịu bất cứ sự kỳ thị nào nữa, mà ngược lại rất đông khách, mặc dù đôi lúc mải đi tuyên truyền, các cô trễ hẹn với khách. Đứng trước hoàn cảnh nhiều bạn trong nhóm có nhu cầu việc làm, trong khi hiệu may của Huệ quá nhỏ, cảm phục nghị lực của những người phụ nữ trong nhóm, Công ty Dệt Thuần Tuý có trụ sợ tại Hưng Yên đã tạo điều kiện cho các chị thành lập xưởng may cung cấp hàng thường xuyên để các chị làm. Có việc làm, cuộc sống của các chị đã khá hơn, chấm dứt cảnh bươn chải khắp nơi kiếm sống.

“Biết tin Công ty Dệt Thuần Tuý đồng ý giao hàng cho chúng tôi gia công, tôi mừng phát khóc chạy khắp nơi thông báo cho mọi người. Nhưng vui thì vui vậy, chứ tôi biết mở xưởng thì phải có tiền, với hoàn cảnh như chúng tôi thì ai dám cho vay. Khi đã có vốn mở xưởng thì lại vấp phải chuyện do chưa có tay nghề, hàng bị trả lại. Tôi phải chạy đi chạy lại rất vất vả, nhưng cứ nhìn thấy mọi người vui sướng khi nhận những đồng tiền do chính tay mình làm ra, mọi mệt mỏi tan biến hết” – chị Nguyễn Trang Nhung nhớ lại. Sau 3 năm thành lập, giờ đây xưởng may do chị Nhung phụ trách đang ngày càng ăn nên làm ra, giúp cho rất nhiều chị em nhiễm H ở Chính Lý có công ăn việc làm. Ngoài việc đem lại vật chất cho chị em trong nhóm, thì đây cũng là  tụ điểm để các thành viên trong nhóm giao lưu, tạo niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh.

Ngoài thời gian làm việc tại xưởng, những thành viên trong nhóm còn chia nhau ra công tác xã hội. 5 năm trở lại đây, Chính Lý đã trở thành xã đi đầu trong công tác xoá mù cho người nhiễm H. Những thành công đó đã mang lại niềm tin cho người có H và nhân dân trong xã như lời của bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Chính Lý trước lúc chúng tôi ra về: “Nhóm đồng đẳng “Vì ngày mai tươi sáng” của xã Chính Lý đã góp phần rất nhiều trong công cuộc phòng chống sự phát triển của HIV tại địa phương. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng  các thành viên trong nhóm đã biết tự lực vươn lên. Chính sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đã góp phần giúp cho Chính Lý 2 năm trở lại đây không có người nhiễm mới, giảm thiểu sự kỳ thị trong cộng đồng”

Vũ Văn
.
.
.