Chồng đi tìm con riêng của vợ bỏ rơi biệt tích 8 năm

Thứ Hai, 31/03/2014, 15:53

Lấy chồng, sắp ở cữ, chị mới can đảm tự thú với anh: Tình yêu sinh viên dại khờ, mù quáng, chị đã trao cái ngàn vàng đời thanh nữ cho gã người yêu cùng học. Khi biết người yêu có thai, gã đã hắt hủi, chạy làng, chị âm thầm bụng mang dạ chửa, và giấu giếm vượt cạn một mình. Trong lúc rối bời, sợ hãi, hoang mang và bồng bột, chị đã bỏ con lại trong nhà hộ sinh.

Tưởng rằng người chồng cũng là giống đàn ông ích kỉ, vũ phu như hàng triệu người đàn ông khác, chị chấp nhận một cuộc bạo hành dữ dội, chấp nhận mọi chuyện tan đàn xẻ nghé, nhưng anh đã im lặng. Một khối im lặng chứa chất sự căng nén chờ đợi bùng nổ khủng khiếp quét sạch mọi thứ xung quanh. Anh im lặng và cùng đau cái nỗi đau của chị, anh ôm chặt lấy chị khi chị òa khóc tức tưởi như đứa trẻ bị nỗi oan ức gánh nặng ngàn cân chất lên đôi vai bé bỏng. Anh dỗ dành chị như người anh cả nựng đứa em gái út, rằng anh sẽ lặn lội đi tìm lại đứa con riêng của chị về cho vợ chồng mình.

Chị tên là Bùi Thị H. và anh tên là Lê Thanh T.. Hiện nay, họ đang sống ấm áp và hạnh phúc trong con ngõ nhỏ ở đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Một người phụ nữ đẹp là người biết sử dụng ngôn ngữ nói lên sự thật, biết dùng giọng nói để diễn đạt chân thành và xúc động cái điều mình muốn bày tỏ. Một người đàn ông thông minh và nhân ái biết chia sẻ,   là người biết dành đôi tai để hiểu các điều trắc ẩn, biết dùng đôi tay để cứu giúp các số phận yếu đuối tuyệt vọng, và biết yêu thương bằng trái tim bỏng cháy. Để nói lên sự thật đắng lòng, lỡ dở, trao cái ngàn vàng trinh trắng cho kẻ không đáng trao, chắc hẳn chị cũng đắn đo, giày vò. Có ai lại phũ phàng đem cái vết chàm đen quá khứ bẽ bàng phơi ra trước mặt chồng?! Vậy mà chị đã làm được cái việc hiếm người phụ nữ, người vợ nào dám làm.

Có thể chị quá thương nhớ đứa con bé bỏng mà mình đã tự tay bỏ rơi? Có thể chị luôn cảm thấy giày vò, ân hận với tội lỗi của mình. Có thể chị tin chồng, và anh đáng để chị tin bởi những phẩm chất vị tha, cao thượng hơn người, mà chị đã nhận ra ở anh chứ không phải một người đàn ông nào khác.

Tôi đồ rằng: cái đêm rụt rè, ngượng ngùng tự thú lỗi lầm trong quá khứ với chồng là cái đêm đau khổ, nhưng cũng là cái đêm may mắn và hạnh phúc. Chị H may mắn, hay là số phận chị đớn đau bẽ bàng được bù đắp một người chồng lí tưởng. Chứ ngoài đời thiếu gì những người phụ nữ bất hạnh khác có hoàn cảnh tương tự như chị, đâu có được áp mái tóc rối bời và giọt nước mắt nóng hổi vào ngực người chồng vị tha, đâu có được người đàn ông lặn lội ngược xuôi đi tìm con riêng của vợ bị chính vợ bỏ rơi. Ngoài đời còn bao nhiêu phụ nữ đã và đang sống trong nỗi khổ bẽ bàng, cộng với nạn bạo hành ích kỉ của những người chồng bê tha, thô lỗ cục cằn, nói gì đến chuyện tha thứ cho vợ đã từng lên giường với thằng đàn ông khác, trước khi lấy mình?!

Đành rằng chị H. vừa đáng thương vừa đáng giận, nhưng cũng vừa đáng phục. Giận vì chị nhẹ dạ, cả tin không biết “chọn mặt gửi vàng” đem thân trinh trắng và tâm hồn tình cảm thanh khiết trao cho kẻ hèn đớn “Sở Khanh”. Rồi trong lúc nhất thời, bồng bột đã… bỏ rơi con ruột của mình. Thương vì chị là đứa con gái non nớt đang chập chững bước vào đời như cây non bị bão tố vùi rập, yếu ớt quá không tự trỗi dậy, đứng lên được. Phục vì chị là người mẹ giàu lòng thương yêu biết hối lỗi.

Thông thường, những người phụ nữ ở hoàn cảnh chị đang có chồng giỏi giang thành đạt, tin yêu thương mến, cuộc sống hạnh phúc, thì lý trí không đủ mạnh mách bảo con tim tự đào lật lỗi lầm quá khứ bày ra ánh sáng mặt trời trước mắt chồng. Phục vì chị H cũng là người phụ nữ nhân ái, vì dù sao thì hơn 8 năm trước chị cũng đã giữ giọt máu của mình và cho nó có cơ hội làm người. “Người ta là hoa đất”, chị đã ươm chín tháng mười ngày để cái hoa ấy nở. Cứ như các ông bố bà mẹ trẻ yếu bóng vía, đớn hèn, sợ hãi hay vô cảm thì đã “sổ” nó ra khỏi bụng mình từ khi nó còn trứng nước.

Chúng ta đang sống giữa thời văn minh công nghiệp, nhiều người có đời sống vật chất sung sướng, nhưng chỉ số hạnh phúc vẫn chỉ là số ít. Tâm trạng bất ổn thường trực và hoài nghi con người vốn là căn bệnh của xã hội hiện đại. Vậy mà, anh đã dệt nên câu chuyện cổ tích thời kĩ thuật số làm sửng sốt biết bao nhiêu người và dân cư mạng nổi sóng dư luận – dư luận ngợi khen và hi vọng vào lòng nhân từ con người. Phải chăng anh có một tình yêu lớn với vợ.

Khi đã có tình yêu lớn thì mọi sự khác đều bé nhỏ, kể cả sự bội phản, nhưng đàn ông có tình yêu lớn chưa đủ với người phụ nữ, mà còn phải có tình nhân ái lớn – tình yêu thương con người nói chung mới giữ được tình yêu, và bảo đảm cho tình yêu bền vững. Trịnh Công Sơn hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, không có một tấm lòng nhân văn thì tính đố kị, ghen ghét nổi lên, lòng vị tha, cao thượng chìm xuống. Câu chuyện của chị H và anh T là câu chuyện tình yêu lớn, là câu chuyện tình người. Thiếu cả hai điều này thì khó thành cao thượng.

Nếu bạn là một người chồng biết chuyện vợ mình đã có con với một gã đàn ông ất ơ nào đó trước khi có con với bạn thì bạn sẽ ứng xử ra sao? Bạn có làm được như anh T. âm thầm đến phòng hộ sinh hỏi chuyện, lục tung đống hồ sơ bệnh án gần 10 năm trước vợ mình đã nằm ở đấy sinh nở, rồi đi truy tìm 3 đứa bé bị bỏ rơi trong tháng ấy, năm ấy? Bạn có làm được như anh T., tìm đến tận trại trẻ mồ côi ở ngoại thành Hà Nội, bắt gặp đứa bé tên Đông được giới thiệu là từ nhà hộ sinh chuyển đến từ 8 năm, rồi cảm thấy rất gần gũi, thương yêu vì nhận ra những nét thân quen của đứa bé giống vợ mình. Là bạn, bạn có lấy mẫu tóc đứa bé và mẫu tóc vợ mình gặp bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm xét nghiệm AND, để rồi tim đập thình thình, mừng phát khóc lên vì kết quả cho biết vợ mình và đứa bé bị bỏ rơi biệt tích hơn 8 năm kia là… mẹ con ruột?

Tôi nghĩ rằng: Đọc câu chuyện của vợ chồng anh, biết được việc làm của anh thì những người đàn ông tốt không thể xấu đi được, còn những người đàn ông đã xấu không thể xấu hơn, thậm chí họ có thể lột xác trở thành người lương thiện.

Tiền bạc có thể mua được đất đai, nhà cửa, có thể tránh được cuộc chiến tranh tương tàn. Nhưng, cả núi vàng cũng không thể đánh đổi được tình nhân ái lớn lao của anh T., nó vô giá và cái vô giá này lại được đem đi ban phát, dâng hiến, kính tặng mà chẳng tính toán nhận lại dù là nửa đồng kẽm. Chị H đang “sở hữu” một người chồng vô giá, mà ít người vợ nào có được. Tôi đồ rằng: Rất nhiều người vợ trong cõi nhân gian đầy bất ổn này vừa thương chị H., nhưng cũng ghen tị với chị, và ước ao mong muốn có được đức lang quân như chồng chị. Thực ra, anh T. là người hạnh phúc nhất. Bởi vì: Người hạnh phúc nhất là người mang hạnh phúc đến cho người khác. Anh lại mang hạnh phúc cho người phụ nữ đã từng đau khổ, thất vọng, sống trong mặc cảm, tự ti, giày vò thì hạnh phúc nhân lên gấp đôi.

Câu chuyện của chị H. lại gợi cho tôi nhớ đến áng chuyện dân gian “Tái ông mất ngựa”. Trong cái rủi có cái may. Chị H. đã bất hạnh khi yêu gã họ “Sở”, nhưng lại may mắn lấy được người chồng tử tế và tốt bụng.  Không có chuyện đời sinh viên tan nát của chị thì chồng chị vẫn tốt, người tốt thì ở hoàn cảnh nào cũng tốt. Nhưng, cái tốt được bộc lộ trong điều kiện thử thách, khó khăn thì cái tốt như viên ngọc bị vùi trong cát mới càng tỏa sáng, tấm lòng cao thượng của chồng chị mới bộc lộ trọn vẹn hoàn hảo để chị nhận chân giá trị cao quý của anh.

Người đàn ông “Sở Khanh” ấy không hiếm ở thế gian này. Bây giờ, anh ta có thể đã vợ đẹp con khôn, có thể đã một bước lên ông lớn trên bục danh vọng và tiền bạc. Nếu anh ta biết có một người đàn ông đi tìm được đứa con anh ta chối bỏ, anh ta có hổ thẹn không? Anh ta có nhớ trước khi “bỏ người chạy lấy của”  đi du học ở Đức, đã thò ra một triệu đồng và lạnh nhạt oán trách người yêu như tội đồ: “Em phải biết làm thế nào để tự tránh thai chứ. Giờ có thai rồi lại vác bụng đến đây là sao. Thôi em tự đi phá thai đi”. Cũng ứng xử với số phận sinh linh đứa bé.

Một đằng thì anh ta chối bỏ máu mủ ruột thịt của mình, bắt người yêu tống khứ “cái của nợ” ấy đi, anh ta đang tâm hắt hủi giọt máu đang hình thành sự sống. Một đằng là anh T. - người đàn ông nhân ái quặn đau và xót thương đứa bé xấu số, quyết chí đi tìm để cho nó có danh có phận, cho nó được sống ấm áp trong vòng tay của mẹ đẻ, dù nó chẳng phải ruột thịt của anh. Thành ngữ dân gian có câu: “Thiên thần và ác quỷ chỉ cách nhau một sợi tóc”, ấy là nói khi cái xấu cái tốt chen nhau, hòa lẫn, đôi khi chẳng nhận ra. Nhưng, ở câu chuyện nhân văn này, thiên thần là thiên thần và ác quỷ là ác quỷ, rất rạch ròi trắng đen, dễ thấy, dễ phân biệt. Anh T. - người đàn ông - người chồng tuyệt vời chẳng xứng là thiên thần sao?

Qua câu chuyện tình người nhân văn này, nhiều người đã lấy lại lòng tin từ con người: Hóa ra, xung quanh ta hãy còn nhiều người tốt, và rất tốt, rất tử tế. Cuộc đời này đáng sống lắm. Nếu gặp thử thách số phận, nếu sẵn tâm thế bi quan thời thế và bi quan nghi ngờ con người thì hãy biết vượt qua. Bởi xung quanh ta người tốt vẫn còn nhiều và rất nhiều

S.N.M.
.
.
.