Có nên vì tiền mà chấp nhận tất cả?

Thứ Tư, 31/12/2014, 12:00
Năm tôi lên 7 tuổi thì mồ côi cha. Mẹ tôi kể rằng bố tôi mất trong một hoàn cảnh rất thương tâm: Đi buôn bè từ mạn ngược về, bị nước lũ cuốn phăng, phải một tuần sau mới tìm thấy xác.

Sau đó hơn một năm, mẹ tôi lấy người đàn ông khác và nhanh chóng đẻ một đứa con trai. Người dượng hắt hủi, ngược đãi tôi đã đành. Rất đáng buồn là mẹ tôi do quá vui thú với cuộc sống mới nên cũng không quan tâm gì đến tôi. Chứng kiến cảnh chồng đánh con mình, mẹ tôi chỉ nói: "Xin lỗi dượng đi. Thôi, anh đừng đánh nó nữa". Mẹ không hề xông vào can, cũng không có biểu hiện buồn phiền khổ tâm gì. Tuy còn bé nhưng tôi tự thấy mình chẳng có tội gì để xin lỗi người đàn ông ích kỷ, vũ phu kia. Tôi hầu như bị bỏ rơi trong căn nhà khá khang trang (do ông dượng làm ăn gì đó kiếm được nhiều tiền).

Học hết THCS, do học yếu, tôi không vào được THPT. Thế là tôi bỏ học luôn và theo bạn bè ra thành phố bán báo. Lúc ấy, tôi 15 tuổi. Dượng và mẹ không nói gì, còn tỏ ra vừa ý khi tôi sống hẳn ngoài thành phố, thỉnh thoảng mới về.  Nhà tôi cách TP Thanh Hoá hơn 20 cây số, đi ôtô chỉ nửa giờ là tới. Mọi lần tôi về, ông bố dượng chẳng nói năng gì, chỉ mẹ tôi hỏi đôi điều. Tôi thấy lần này mẹ tỏ ý buồn, nói là nhớ tôi, nhưng cũng không yêu cầu tôi về ở hẳn nhà. Mẹ có ý cho tiền, nhưng tôi không nhận vì tự thấy bán báo, ngoài trả tiền thuê nhà cũng đủ ăn. Tôi không cầm tiền của mẹ vì nghĩ đó là của dượng, chứ mẹ đi làm gì đâu mà có. Hơn nữa, đưa tiền cho tôi mà mẹ cứ phải mắt trước mắt sau, chỉ sợ ông ấy biết. Tôi thấy mẹ rất tội nghiệp nên không muốn nhận những đồng tiền như thế. Ông ta mà biết thì mẹ tôi sẽ bị rầy rà.

Tôi cũng thấy thương và nhớ mẹ. Những lần tôi ghé về nhà một hai ngày rồi lại đi, nếu lúc ấy không có dượng ở nhà, mẹ đều khóc và muốn tôi cầm tiền. Mẹ nói: "Đây là tiền riêng của mẹ dành dụm được từ trước, con cầm lấy mà ăn uống thêm cho khoẻ". Tôi kiên quyết không cầm và khóc. Mẹ ôm chầm lấy tôi nói: "Con hãy hiểu cho mẹ. Mẹ rất thương con nhưng không biết làm sao khác". Thực lòng, tôi rất thương và dần dần không trách mẹ nữa. Có lúc tôi đã nghĩ hay là trở về nhà, đỡ đần mẹ được nhiều việc. Nhưng cứ nghĩ đến những lần bị người bố dượng tát nảy đom đóm mắt, tôi lại trỗi dậy lòng phẫn uất và thêm quyết tâm dứt áo ra đi. Và rồi tôi đã đi thực sự, không trở về căn nhà đã để lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm buồn.

Ảnh minh họa.

Tôi trở lại thành phố tiếp tục bán báo, chỉ đến Tết mới về nhà. Dường như đã quen với sự vắng mặt của tôi mà chẳng ai nói gì đến việc đã rất lâu tôi không về nhà. Tôi nhận thấy cả mẹ lẫn đứa em trai cùng mẹ khác cha cũng không cần lắm sự có mặt của mình ở nhà. Điều đó càng khiến tôi quyết tâm tự lập, tạo dựng cuộc sống riêng.

Ở thành phố, tôi chứng kiến người chị của một đứa bạn mới lên Hà Nội hơn một năm mà đã sắm được rất nhiều thứ: Xe máy, quần áo, điện thoại di động, đồ trang sức... Toàn thứ xịn, đắt tiền. Tôi hỏi, lúc đầu chị không tiết lộ công việc làm ăn, chỉ nói: "Phải năng động, chịu khó thì sẽ kiếm được tiền thôi". Tôi càng tò mò muốn biết. Cuối cùng, chị đã tiết lộ là phục vụ trong nhà hàng. Chị nói với tôi: "-Không phải ai cũng làm được việc đó. Phải xinh đẹp, lại phải tự nhiên một chút, chứ chưa gì đã xấu hổ như lũ gái quê bọn em thì không làm được". Rồi chị nhìn tôi từ đầu đến chân, nói tiếp: "Về hình thức thì em đạt yêu cầu, nhưng tính tình hơi nhút nhát. Muốn làm được việc này, em phải mạnh dạn hơn nữa". Tôi hứa với chị sẽ cố gắng. Thế là ngay sau đó, tôi theo chị lên Hà Nội, vào làm việc ở một nhà hàng sang trọng trên Hồ Tây. Chị bạn tôi quen người chủ nhà hàng nên đã có lời nhờ, gửi gắm tôi. Lúc đầu, công việc của tôi khá nhàn, chỉ giúp bà chủ trông coi mọi việc và tiếp khách khi họ đến mà không gặp bà. Tôi được mọi người cho biết: Vì là chỗ quen thân của chị bạn như đã nói mà bà không để tôi phải ra làm "tay vịn" cho khách ăn uống như các cô gái khác. Ở đây có chừng gần chục cô ăn ngủ luôn tại nhà hàng, chuyên ngồi với khách, sống bằng tiền "bo" mà không được hưởng lương. Riêng tôi, bà chủ trả 2 triệu đồng/tháng. Bà nói với tôi: "Riêng cháu, vì là chỗ quen biết, lại xinh đẹp nhất ở đây, cô coi như người giúp việc, như họ hàng nên trả lương hằng tháng, không như những đứa khác. Nhưng khi cô cần gì thì cháu phải đáp ứng ngay đấy". Tôi thấy mình được ưu đãi, lại được bà chủ nói năng nhẹ nhàng, đối xử tốt nên "vâng" ngay mà không suy nghĩ gì. Tôi còn nói: "Cháu biết ơn cô nhiều. Bất cứ việc gì cô bảo, cháu cũng sẵn sàng".

Thế rồi một lần, cô gọi tôi vào phòng khách riêng của cô. Khi tôi bước vào, đã có một người đàn ông chờ sẵn ở đó. Ông ta chừng 50 tuổi, ngang tầm tuổi với bà chủ, có dáng người to béo phục phịch. Bà chủ nói: "Đây là người bạn rất thân của gia đình cô, là Việt kiều mới về nước chơi, cần vào Thanh Hoá chừng một tuần. Biết cháu quê ở trong đó, sẽ thông thạo thành phố và các nơi khác nên cô nhờ cháu đưa chú ấy đi, coi như dẫn đường và giúp đỡ mọi thứ chú ấy cần". Ông khách nói: "Tôi cần em đưa đến một số nơi ở thành phố Thanh Hoá, rồi vào Sầm Sơn, tất cả chỉ tối đa là một tuần". Tôi vô cùng ngần ngại, nhưng đã trót hứa là sẵn sàng làm theo bất cứ yêu cầu nào của bà chủ nên đành phải nhận lời. Hình như đọc được sự e ngại, lo sợ của tôi nên ngay sau đó, bà gọi tôi sang phòng riêng nói: "Chú ấy trông thế nhưng mới ngoài 40, cháu nên gọi bằng anh, xưng em. Hiện tại, chú ấy sống ở Mỹ, giàu lắm, lại độc thân nhiều năm rồi. Cháu làm cho chú ấy vui sẽ được trả công rất hậu. Nhà cháu ở quê có làm cả năm cũng không kiếm ra được đâu. Riêng cô cũng sẽ thưởng thêm cháu 5 trăm nghìn cho mấy ngày đi. Còn họ thì cho cháu rất nhiều, tuỳ thuộc vào sự tận tình của cháu và làm cho họ vừa ý. Còn nếu cháu khiến họ phật lòng thì chẳng những không kiếm được đồng nào mà cô sẽ không nhận cháu làm ở đây nữa". Do sợ bị đuổi việc và quả thật là cũng cần một khoản tiền đáng kể, tôi đã nhận lời.

Thế là bắt đầu từ hôm đó, tôi đã không còn là một cô gái. Ngay đêm đầu tiên đến Thanh Hoá, ông Việt kiều có tên Hoàng đã cướp đi tất cả. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết đến một điều mà trước đây mới chỉ nghe nói đến, nhưng lại không phải với người mình yêu. Vừa đau đớn về thể xác lại vừa thấy ê chề, tủi cực về tinh thần, tôi đã bật khóc. Ông Hoàng đã dỗ dành tôi, hứa sẽ mua nhà cho tôi ở Hà Nội và sắm sửa mọi phương tiện khác. Trong suốt một tuần ở thành phố Thanh Hoá và vào Sầm Sơn, tôi thấy ông tiêu tiền như nước. Ông đối xử với tôi rất rộng rãi, luôn nói năng nhẹ nhàng. Ông còn hỏi tôi có muốn về thăm nhà không, ông sẵn sàng đưa về. Nhưng tôi từ chối. Một tuần chung sống với ông như vợ chồng, lần đầu tiên tôi khiếp đảm, hãi hùng. Ông lao vào tôi như một con mãnh thú háu đói. Tôi chỉ còn biết phó mặc thân xác mình để ông ta muốn làm gì thì làm. Nhưng đến những lần sau đó, cảm giác ấy bớt dần. Đêm nào cũng diễn ra vài ba lần, có ngày còn cả buổi trưa. Về sau, tôi thấy quen và thật kỳ lạ, cũng thấy hứng thú. Ông Hoàng nói thẳng với tôi là muốn lấy tôi làm vợ. Thời gian đầu tôi sẽ ở Việt Nam chừng một năm. Ông sẽ đi, về thăm nom tôi. Rồi sau đó sẽ sang hẳn Mỹ sống cùng ông, nếu tôi muốn. Ông cũng nói sẵn sàng về quê xin phép gia đình cho đúng thủ tục, tập quán như mọi người. Tôi quá hoang mang, không biết nên thế nào. Số phận tôi mà lấy ông thì quá may mắn. Nhưng tôi không hiểu gì về ông cả. Tình cảm chưa nảy nở, chỉ thấy là ông đã cho tôi nhiều tiền (trong dịp đi Thanh Hoá chưa tới một tuần, ông đã đưa tôi 500 đô la. Ngoài ra còn mua sắm cho tôi nhiều thứ). Tôi có nên nhận lời lấy ông không? Nếu nhận lời, cuộc sống của tôi liệu sẽ ra sao?

TS Nguyễn Đình San

Thật đáng tiếc và đáng buồn thay cho bạn. Sao bạn lại có thể quá nhẹ dạ để tin một người đàn ông như thế chỉ vì ông ta giàu có, cho bạn nhiều tiền? Một người đàn ông tử tế, đàng hoàng, có tình cảm thực sự với bạn sẽ không như vậy. Ông ta thấy bạn trẻ đẹp mà tận hưởng rồi trả công cho bạn, và cũng có thể muốn biến bạn thành nguồn giải trí, thoả mãn sinh lý mỗi lần ông ta về Việt Nam. Giữa bạn và ông ta không có một điểm gì khả dĩ có thể phát triển tình cảm đẹp. Nhận lời gạ gẫm của ông ta, nếu không bị lừa thì bạn cũng không thể có hạnh phúc với tư cách một người vợ hờ, không chính thức. Không phải là vô cớ mà người ta vẫn khuyên những cô gái trẻ: Hãy luôn cảnh giác với những người đàn ông nhiều tiền.

Nhà báo Thu Hương

Thực ra mà nói, tôi không tin bạn lắm. Bởi vì nếu mọi thứ trơn tru như thế, và một người đã sẵn sàng làm mọi thứ như bạn để lo kiếm tiền thì bạn sẽ chủ động yêu ông ta chứ không cần phải bâng khuâng như vậy đâu. Cái gì cũng có logic của nó mà, bạn chỉ giả vờ đặt tình huống để khỏi day dứt với mọi người thôi. Dẫu thế thì tôi cũng khuyên bạn, nếu thực sự cuộc sống của bạn chỉ cần có tiền thì nên cưới ông ấy đi, vì ít nhất ông ấy cũng đã cho bạn tiền rồi đó. Nếu khéo léo, ông ấy mua nhà cho ở Hà Nội nữa là tốt rồi. Nhưng cứ nghĩ cho kỹ nhé, bởi vì một người đàn ông đến tiệm của tú bà tìm một bạn đường du hí thì liệu có đáng tin cậy không nhỉ? Bạn nên cẩn thận vì những gì quá dễ dàng thường là những thứ không đáng tin.
Lê Thị Hiền
.
.
.