Con mua nhà của mẹ 5 lần vẫn không thoát nợ

Thứ Hai, 09/09/2013, 16:43

Tôi vẫn thường ví cuộc đời mình như một khúc sông buồn. Vì dường như ngoài giông bão và những phẫn nộ cuộc đời trút xuống, tôi không còn lại gì. Khi tuổi thanh xuân qua đi, nhìn lại con đường đen thẫm sau lưng và khoảng trống mông lung trước mặt, tôi thấy đời mình chênh vênh quá. Thà hẳn là con sông, có khi còn biết được mình rồi cũng sẽ về tới biển…

Tôi đã 35 tuổi. Ở tuổi này, hầu hết mọi người đã có chồng và con cái đuề huề. Đám bạn tôi thậm chí đã lên kế hoạch mua nhà ở Singapore để chuẩn bị cho con qua đó học cấp hai. Còn tôi, vẫn một thân một mình, lặn lội giữa thành phố này. Dường như chẳng có gì neo đậu được vào cuộc đời tôi.

Tôi không quá xinh đẹp, nhưng từ năm 18 tuổi, tất cả mọi người đều cho rằng tôi là một cô gái có duyên, dễ thương, mỏng mày hay hạt. Thêm vào đó, từ năm 14 tuổi, tôi đã gần như phải làm trụ cột gia đình, vì phải lo việc học hành cho ba chị em, lại phải thường xuyên vào viện chăm sóc bố ốm. Bố tôi là một nhà giáo, ông đã rất tâm huyết với nghề nghiệp, nhưng tai nạn giao thông rớt xuống đầu ông, khiến mọi dự định dở dang. Lúc ấy ông đang làm hiệu phó một trường trung học. Ông bất đắc chí và cảm giác bất lực, trở nên khó chịu và cáu bẳn với người thân. Rồi khi bình tĩnh lại thì ông ngồi khóc. Chị em tôi thường ngày chăm sóc bố, ngày vết thương nặng tái phát, lại hì hục gọi xe vào bệnh viện cho bố nằm…

Hẳn bạn sẽ thắc mắc, mẹ tôi đâu? Ừ, mẹ tôi đâu trong tất cả những giây phút khắc nghiệt của cuộc sống nhỉ? Mẹ đã làm gì với ba đứa con gái lớn dần mỗi ngày như trái bầu trái bí? Tôi cảm thấy tủi thân và mắc nghẹn trong lòng. Mẹ tôi, từ ngày bố tôi tai nạn nằm một chỗ, mới lộ ra là một người vốn không quen với bất cứ việc gì. Trước đây, tất cả mọi việc trong nhà đều do bố tôi quyết và lo toan hết. Mẹ tôi ngoài việc đến cơ quan ra là về nhà son phấn vui chơi. Mẹ cũng chẳng dậy dỗ chúng tôi tử tế như những bà mẹ khác. Ba chị em tôi sống hoang dại và rồi, dường như những lựa chọn đầu đời chúng tôi đều lầm lẫn cả. Còn mẹ, không những chẳng là chỗ dựa, mà mẹ còn là gánh nặng với tôi. Tôi cảm thấy tủi thân khủng khiếp. Nhiều đêm tôi nằm khóc, dường như tôi sinh ra để trở thành một người đứng mũi chịu sào vậy.

Khi bố tôi nằm một chỗ, mẹ tôi đã bỏ mặc cho chúng tôi chăm sóc bố. Tôi cố gắng vừa chăm sóc bố, vừa lo đi học. Tôi tâm niệm bằng giá nào cũng phải học xong đại học và các em tôi cũng vậy. Tôi dựng một quầy hàng nhỏ ngay trước nhà, ba chị em lo toan để lấy tiền chợ, và tiền thuốc lo cho bố. Còn mẹ thì trở nên bàng quan hơn.

Mẹ có bồ, và mẹ đi bạt ngày. Mẹ nói, đời mẹ bỏ đi rồi, lấy bố tôi là sai lầm thứ nhất, đẻ tới ba con vịt trời là chị em tôi thì là sai lầm thứ hai. Mẹ đã hy sinh hơn 40 năm để sống cho người khác, nên giờ mẹ sẽ sống cho mình. Ngày mẹ nói câu đó, ba chị em tôi đứng chết lặng giữa vỉa hè đầy lá sấu rụng. Có điều gì như một cơn đau âm ỉ, bỗng dậy sóng. Cũng từ bữa đó, tôi bị chứng đau bao tử hoành hành.

Tôi đã học hết đại học và ra trường đi làm được hai năm. Khi ấy, năm 1999, tôi làm việc cho một tập đoàn nước ngoài, với mức lương hơn 1.000 đô la mỗi tháng. Tôi đã trở thành một biểu tượng của sự thành đạt của khóa sinh viên năm đó. Bố tôi cũng rất hãnh diện về con gái. Tôi có đủ sức để lo cho hai đứa em ăn học. Nhưng mẹ tôi vẫn mất tích, thi thoảng đảo về nhà lấy cái nọ bỏ cái kia rồi lại đi tiếp. Mẹ nghe các em tâm sự chuyện khó khăn cuộc sống mà như xem tivi, nghe câu chuyện đâu đó của ai xa xôi lắm vậy. Rồi nói vài câu phong long, rồi bỏ đi tiếp.

Cho đến một ngày, mẹ chạy về, trốn biệt ở nhà và nói nếu ai tìm thì nói đã đi công tác. Nhưng rồi đâu thể giấu mãi được, các chủ nợ đến tìm. Mẹ tìm gặp tôi và khóc. Mẹ nói, vì mải chơi cờ bạc và lô đề, cuối cùng mẹ đã nợ một khoản tiền hơn 200 triệu. Ở thời điểm đó, với tôi đó là một số tiền rất lớn. Nhưng tôi không còn cách nào khác, phải đi vay mượn khắp nơi, nếu không chủ nợ sẽ đến xiết nhà. Cả nhà tôi chỉ còn một cái nhà phố bé tẹo để chui ra chui vào, giờ mẹ tôi cũng đã đập vỡ nó vì thú vui xấu xí của mình…

Trong suốt 10 năm sau đó, tôi đã chuộc căn nhà của mình từ tay chủ nợ không dưới 5 lần, mà lần sau thì nhiều hơn lần trước. Lần nào mẹ tôi cũng có một câu duy nhất, sinh con cái là để cậy nhờ, giúp mẹ đi trả công sinh thành. Tôi nói với mẹ, con trả công sinh thành bằng sự phụng dưỡng bố mẹ, chứ đâu phải cứ đi trả nợ cho mẹ hoài vậy, sức con chịu sao nổi? Đến lần thứ năm, tôi buộc phải nói với bố mẹ, hãy viết giấy bán cái nhà này cho con đi. Con không thể sống như vậy được nữa. Con giữ căn nhà này để mẹ không đi đặt cược nó vào trong lô đề. Bố mẹ cứ ở, nhưng không ai được quyền đụng đến nó…

Mẹ tôi giận tôi, vì cho rằng con gái tính toán với bố mẹ. Nhưng bố tôi đã đồng ý. Ông đã bán nó cho tôi. Và mẹ tôi cũng bỏ đi ngay sau đó, kèm theo một trận chửi con gái vô tiền khoáng hậu. Tôi tưởng mẹ sẽ không bao giờ thèm quay về ngôi nhà này nữa.

Năm tôi 32 tuổi, tôi đã tìm được một người đàn ông để yêu và tính chuyện lâu dài. 32 tuổi, có thể gọi là gái ế, dù tôi không xấu xí. Tôi dẫn về ra mắt bố, anh ấy từ tốn chăm sóc bố tôi và điều đó làm tôi ấm lòng. Anh là con trai một của một gia đình trí thức, đi du học về, kém tôi một tuổi. Có thể nói, anh là niềm mơ ước của nhiều cô gái. Vậy mà không hiểu sao anh lại yêu tôi…

Ngày dạm ngõ tôi, nhà trai mang tráp cau trầu tới. Em gái tôi tìm nửa thành phố mới thấy mẹ đang đánh bài ở trên phố cổ. Mẹ chạy về nhà với tâm trạng rất khó chịu. Mà cũng thật không may cho cả mẹ và tôi, là đúng lúc ấy cũng có chủ nợ đến tìm mẹ. Và một cuộc đòi nợ không thể tin trên đời đã diễn ra. Chủ nợ đã lôi mẹ tôi đi xềnh xệch trên phố. Và cả gia đình người chồng sắp cưới của tôi chết lặng, không nói nên lời…

Tôi dự cảm đời mình sẽ thêm một lần mất mát. Quả thực, một tháng sau, anh nói lời chia tay tôi, vì gia đình anh không chấp nhận một gia cảnh như nhà tôi. Tôi đã không còn sức để giải thích với anh. Bởi vì cũng khó trách anh, khi anh đang gồng gánh một biểu tượng cao đẹp cho cả một đại gia đình trí thức. Thêm vào đó, tôi cũng hiểu rằng, với hoàn cảnh của mình, nếu để làm tròn bổn phận làm dâu trong gia đình anh, thì tôi sẽ không biết vật lộn ra sao với gia đình mình, ai sẽ chăm sóc bố. Hai cô em gái tôi lần lượt đi lấy chồng và chúng đã gần như không giúp được gì cho bố, ngoài sự chăm sóc tinh thần. Tôi đã khóc hết một buổi chiều và rồi đứng dậy.

Từ đó tôi chẳng yêu ai và cũng chẳng có ai để yêu. Tôi vẫn đi làm, vẫn lo cho bố và vẫn chấp nhận thực tế như đã vậy. Mẹ tôi vẫn câm bặt suốt hai năm trời. Tôi tưởng mẹ đã không bao giờ quay lại nữa vì nhục nhã…

Tôi chấp nhận số phận mình, buồn tủi đã quá đủ, cho tuổi 35 và mờ mịt tương lai…

Thế rồi, mẹ tôi trở về, thân tàn ma dại. Mẹ tôi đòi ly hôn với bố tôi, và mẹ đòi chia đôi tài sản, cụ thể là ngôi nhà bố con tôi đang sống. Cái giấy tay bố ký bán cho tôi khi xưa, giờ đâu có giá trị gì. Tôi ôm bố khóc. Tôi không tiếc gì với mẹ, nhưng tôi cảm thấy bao nhiêu cố gắng yêu thương mẹ và yêu thương gia đình của tôi chẳng để làm gì cả. Khi tôi vun vén và hàn gắn được chút lành lặn thì mẹ lại quay về, phá nát…

Tôi muốn chết quách đi cho xong…

Quốc Duy, biên tập viên online:

Đặt trường hợp tôi cũng lâm tình trạng như bạn, quả thật tôi sẽ rất trách gia đình mẹ tôi. Nhưng họ là đấng sinh thành, lương tâm mình không cho phép mình bỏ rơi họ được. Tôi khâm phục bạn vì sự chịu đựng và tinh thần thép. Theo tôi bạn vẫn nên giúp đỡ mẹ, dĩ nhiên là trong mức cho phép. Dĩ nhiên, bạn cũng không nên để mẹ có những việc làm gây huỷ hoại cuộc sống lứa đôi của bạn, bạn cần tin rằng mình vẫn còn tương lai.

Một bên là trách nhiệm của con cái, một bên là hạnh phúc riêng tư, biết là khó mà dung hoà được hai thứ, nhưng biết làm sao được khi mình là con của họ đẻ ra, mình có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng lại họ. Bạn nên cố gắng tìm mọi cách hạn chế tật bài bạc của mẹ bằng mọi cách có thể, thậm chí có thể nhờ đến pháp luật nếu sự việc đi quá xa.

Tuyết Dung, sinh viên Đại học Mở TP HCM: 

Em không biết vì sao chị có thể chịu đựng được mọi thứ như vậy. Nó quá ngưỡng của một cô gái. Em rất khâm phục và nếu là em, chắc em buông xuôi quá. Nhưng chị bình tĩnh suy nghĩ lại nhé, tại sao chị để mẹ làm sai hết lần này đến lần khác vậy?

Với một người phạm lỗi, dù là mẹ, cũng cần quyết liệt để mẹ không tái phạm nữa. Chị đã chuộc ngôi nhà của bố mẹ tới 5 lần. Cái giấy viết tay đó cũng là một bằng chứng để chị giữ lại nó, vì đó là căn nhà mồ hôi nước mắt của chị và là nơi dung thân cuối cùng của bố chị. Chứ bây giờ chị đồng ý cho mẹ chia đôi nó, thì bố con chị sẽ đi thuê nhà sống sao? Chị phải lo cho mình và cho bố. Đồng thời cũng đừng nghĩ quẩn mà quên tương lai. Như chị viết trong thư, em thấy chị không chỉ dễ thương mà còn tháo vát nữa. Tương lai vẫn còn mở cửa với chị. Yên tâm đi chị nhé, sông rồi sẽ về với biển, dù có những khúc quanh rất buồn…

Phan Thị Thúy
.
.
.