Hai con đẩy nhau vào tù và nỗi niềm bà mẹ đẻ thuê

Thứ Năm, 05/06/2014, 11:00

Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã tan thành mây khói, bởi một tai hoạ vừa ập đến gia đình tôi: Trong một lần thằng Tiến lái xe trên đường, có hai đứa trẻ con đuổi nhau ở trong ngõ đã đột ngột chạy ra đường. Một đứa lao ngay vào xe thằng Tiến đang điều khiển. Mặc dù lúc ấy nó cho xe chạy chậm nhưng vì đứa trẻ lao ra quá nhanh, nên phanh vẫn không kịp. Vội đưa đến bệnh viện nhưng đứa bé đã tắt thở trên đường. Nguy cơ phải ngồi tù đã rõ.

Những ngày qua, suốt đêm, tôi không thể nào chợp mắt. Tôi chỉ có một mình nó. Lẽ ra nó cũng có đứa em gái nhưng năm lên 4 tuổi, em nó bị bệnh sởi không qua khỏi. Từ đó, do quá nghèo mà tôi không dám đẻ thêm. Chồng tôi làm nghề thợ mộc, luôn đi làm ăn ở xa, nhưng không kiếm đủ ăn.

Ngày trước, tôi làm nghề đi cấy mướn. Hai vợ chồng cố gắng lắm mới nuôi được thằng con trai sống qua ngày. Từ khi già yếu, chúng tôi chỉ ở nhà chăm nuôi đàn lợn, gà và làm vườn. Nguồn trông cậy chủ yếu vào khoản tiền thằng Tiến kiếm được. Nó lái xe chở hàng cho một công ty trên tỉnh. Thương bố mẹ mà năm nay đã trên 30 tuổi nhưng nó vẫn chưa dám lấy vợ vì nghĩ không đủ tiền nuôi vợ con. Nó tằn tiện, có đồng nào ky cóp đưa hết cả cho tôi. Nhưng tôi đã nói với nó là nếu thương bố mẹ thì phải lấy vợ, rồi trời sinh voi ắt sinh cỏ, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Nó chỉ cười và hứa sẽ nghe lời. Nhưng rồi hết ngày này sang tháng khác vẫn chẳng thấy gì.

Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã tan thành mây khói, bởi một tai hoạ vừa ập đến gia đình tôi: Trong một lần thằng Tiến lái xe trên đường, có hai đứa trẻ con đuổi nhau ở trong ngõ đã đột ngột chạy ra đường. Một đứa lao ngay vào xe thằng Tiến đang điều khiển. Mặc dù lúc ấy nó cho xe chạy chậm nhưng vì đứa trẻ lao ra quá nhanh, nên phanh vẫn không kịp. Vội đưa đến bệnh viện nhưng đứa bé đã tắt thở trên đường. Nguy cơ phải ngồi tù đã rõ.

Dẫu không cố ý gây chết người nhưng người ta sẽ khép nó vào tội không quan sát kỹ, vô trách nhiệm. Sau vài năm tù, nó sẽ bị tước bằng lái xe, trở nên thất nghiệp. Tương lai của nó quá mờ mịt, trong khi hai vợ chồng tôi không biết trông cậy vào đâu để sinh sống hàng ngày. Đó là nỗi lo lớn. Nhưng vẫn chưa phải là điều chính khiến tôi mất ăn mất ngủ mặc dù từng giây phút thương nó đang trong trại tạm giam, chờ ngày xét xử. Lý do khiến tôi đau đớn, không thể yên chính là một điều khác. Điều này tôi đã nguyện với người ta là không bao giờ hé lộ với bất cứ ai, chỉ có tôi và họ biết. Và sẽ mãi mãi như thế. Khi tôi cầm tiền của người ta, lời hứa ấy đã được họ tin, và suốt hơn 30 năm qua, tôi đã giữ được trọn vẹn.

Ảnh minh họa.

...Ngày ấy, khi thằng Tiến vừa cai sữa, chồng tôi bỗng đổ bệnh. Con nhỏ, chồng ốm, nhà quá nghèo không biết trông cậy vào đâu, tôi đành gửi con cho mẹ đẻ để đi cấy thuê. Tôi cấy vào loại giỏi nhất làng, lại hiền lành, chịu khó nên được nhiều người mướn. Tuy công sá không cao nhưng nếu chịu khó cũng nuôi được chồng con. Một lần đi cấy thuê ở xã bên cách nhà 10 cây số, tôi được người chủ đối xử tử tế và ngỏ ý muốn lấy làm vợ. Ông ta từng có vợ, nhưng cách đây mấy năm đã chết vì bị băng huyết, chưa kịp sinh cho ông đứa con nào. Từ đó, ông ở một mình, muốn đi bước nữa nhưng chưa gặp được ai ưng ý. Nay ông nói rất muốn tôi làm vợ ông. Nếu điều này xảy ra thì cuộc sống sẽ rất thuận lợi: Ông có nhà cao cửa rộng, ruộng vườn đầy đủ.

Thông cảm với ông nhưng tôi đã có chồng. Ông đành bàn "phương án 2": Thuê tôi đẻ con cho ông. Mức giá tiền công được ấn định cụ thể tuỳ theo đứa trẻ là trai hay gái. Tôi thấy ông ta đưa ra một con số quá lớn, cả đời nằm mơ cũng không thể có. Với số tiền đó, tôi có thể nuôi con trong nhiều năm và chữa bệnh cho chồng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã đồng ý. Chỉ còn cách suy tính thế nào để chồng tôi không thể biết việc này vì nếu biết sẽ không bao giờ chấp nhận, dẫu có là bao nhiêu tiền chăng nữa.

Trước khi thực hiện việc đẻ thuê, tôi về nhà dặn chồng là có nơi ở xa mướn làm đồng cả năm mới về, tiền công rất hậu, khi về sẽ xây được nhà thay cho căn nhà tranh dột nát hiện tại. Đứa con lên 2 tuổi, tôi cũng nhờ bố mẹ nuôi hộ. Hằng tháng sẽ tìm cách gửi tiền về đều đặn. Vì quá nghèo mà cả chồng lẫn bố mẹ tôi đều đồng ý.

Rồi việc đẻ thuê có kết quả. Bàn giao lại đứa con trai cho ông chủ, tôi cầm một khoản tiền lớn đúng như thoả thuận ban đầu để về mà tuôn trào nước mắt. Tôi quặn đau khi nghĩ đứa con mình dứt ruột đẻ ra sẽ mãi mãi là con thiên hạ, không bao giờ mình được gặp lại. Phải cam kết với ông chủ như thế mới nhận được khoản tiền lớn. Việc thoả thuận này được ông chủ viết ra giấy, và tôi phải ký. Ông ta nói sẽ thuê người nuôi nó bằng sữa ngoài. Tuy nhiên, tôi đã đề nghị ở nấn ná thêm ít ngày để cho nó bú.

Đó là một người đàn ông khá lạnh lùng. Ông ta chỉ cần con mà không có bất cứ biểu hiện "tình cảm" gì với tôi ngoài mấy đêm ăn nằm để thụ thai. Đến ngày tôi rời khỏi nhà ông ta, mắt sưng vù vì khóc do thương đứa con phải để lại. Về nhà, tôi phải cố vui để che giấu sự thật. Do kiếm được khoản tiền quá lớn mà cả chồng và bố mẹ tôi chẳng để ý gì. Rồi chúng tôi bắt tay vào làm lại nhà. Cuộc sống từ ngày đó được cải thiện. Tất nhiên, với riêng tôi còn có nỗi buồn vô hạn mà không ai có thể chia sẻ. Nhưng tôi phải chấp nhận vì đã dấn thân.

Do đã ký vào giấy cam kết nên tuy chỉ cách nhà hơn 10 cây số mà tôi không thể gặp lại đứa con. Không hiểu ông chủ đặt tên nó là gì. Rất nhiều lần, tôi nảy ý nghĩ sẽ lén trở lại nơi ông ta ở, đứng từ xa nhìn vào nhà xem nó thế nào. Nhưng rồi lại không dám thực hiện ý định vì sợ ông ta biết, sẽ rầy rà. Có lần, tôi đã đi đựơc nửa đường rồi nghĩ thế nào lại quay về. Phần vì sợ ông ta biết, phần sợ khi nhìn thấy con thì không hiểu sẽ ra sao. Tôi sẽ không làm chủ được bản thân, không thể kiểm soát được mình.

Rồi thì năm tháng cũng trôi đi. Thời gian luôn làm cho mọi thứ trở nên bình thường. Đối phó với cuộc sống hằng ngày, nuôi con ăn học, chồng tôi khỏi bệnh này lại phát sinh bệnh khác đã khiến tôi buộc phải quên quá khứ để tập trung cho cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, tôi vẫn biết được ở nơi cách mình 10 cây số, đứa con tôi đẻ thuê đã trưởng thành. Và thật may mắn, nó đã thoát khỏi cuộc sống ruộng đồng do được cha cho ăn học đầy đủ. Tôi nghe nói nó kiếm được một công việc tại cơ quan gì đó ở huyện, cũng đủ sống. Sau khi nó lấy vợ, sinh được 2 con thì cha nó qua đời. Thế là tôi có cháu nội. Nhưng không bao giờ được nhận chúng... 

***

 Nhiều người mách nước cho tôi là hãy gặp người cha đứa trẻ thương lượng: Đằng nào thì nó cũng đã chết. Hãy biếu anh ta một khoản tiền để họ bãi nại, đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho con tôi. Dùng hết nghị lực và dũng khí, tôi mới có thể gặp anh ta. Khi tôi đề xuất nguyện vọng, anh ta gạt phăng:

- Ai cũng vậy thì làm sao ngăn chặn được tình trạng đi ẩu, vô trách nhiệm?

Tôi năn nỉ gần như van xin, nhưng anh ta vẫn một mực từ chối:

- Bà nói vậy hóa ra là tôi tham tiền. Không! Tiền thì cần thật nhưng còn vong linh con tôi nữa chứ. Làm cha, sao tôi nỡ nhận tiền của bà để nó oán tôi. Hãy cứ để pháp luật phán xét. Mong bà thông cảm, tôi không thể chiều ý bà được.

Tôi thất vọng và sụp đổ hoàn toàn. Lúc ấy, tôi chỉ muốn quỳ trước mặt anh ta mà kêu thật to: "- Con ơi! Sao con nỡ đẩy anh con vào tù? Mẹ cũng đau xót lắm chứ, vì đứa trẻ chết chính là cháu nội của mẹ. Đằng nào thì nó cũng không còn nữa. Mà anh con hiền lành, lại lái xe rất cẩn thận, chạy chậm. Cháu mẹ từ trong ngõ đột ngột chạy ra rất nhanh, làm sao có thể xử lý kịp. Con hãy thương anh con, thương mẹ mà có đơn với toà án...".

Nhưng tôi không thể làm vậy. Người đàn ông trẻ tuổi có đứa con vừa chết cũng chính là con tôi dứt ruột đẻ ra theo hợp đồng đẻ thuê mấy chục năm về trước. Theo cam kết, tôi phải giữ bí mật đến cùng. Hơn 30 năm qua, tôi đã giữ được. Nay tôi không thể vi phạm lời hứa. Nhưng thật trớ trêu, nó đã không chấp nhận lời đề nghị của tôi, bởi trong mắt nó, tôi là người xa lạ, là mẹ của kẻ đã gây nên cái chết cho con nó. Làm sao có thể khoan nhượng!

Tâm trạng tôi rối bời: Vừa có phần tự hào vì nó không tham tiền mà chỉ thương tiếc đứa con, vừa lại thương thằng con lái xe sẽ không thoát khỏi tù tội. Rồi thương đứa cháu nội sớm bạc mệnh. Tôi nảy ý nghĩ hay là đến phút hiểm nghèo này cứ nói hết sự thật - điều bí mật đã giấu kín mấy chục năm nay? Chắc chắn đứa con đẻ thuê của tôi sẽ không thể nhẫn tâm để mẹ và anh mình chịu đau khổ. Theo các anh, chị, tôi có nên nói ra? Và nếu nói, liệu nó có tin?

TS Nguyễn Đình San:

Đến nước ấy thì bà nên nói rõ tất cả sự thật cho anh ta biết, nhưng đề nghị anh ta không tiết lộ cho người khác. Làm vậy vì còn chồng con bà và rất nhiều người trong họ hàng; họ không dễ hiểu vấn đề đúng sự thật. Khả năng anh ta không tin điều bà nói cũng có thể xảy ra. Khi ấy thì đành bất lực, chứ biết làm sao? Nhưng lương tâm bà sẽ thanh thản. Song, sự thật luôn vẫn là sự thật. Rồi sẽ đến lúc anh ta rõ tất cả. Khi ấy, chắc chắn anh ta sẽ hối hận vì đã không tin mẹ, để mẹ và anh trai mình phải khổ. Chúc bà thành công trong việc thuyết phục anh ta.

Nhà báo Thu Hương:

Chào bác, có lẽ bác nên sòng phẳng với quá khứ của mình, nói rõ với người con do mình đẻ ra về câu chuyện đó. Điều đó có thể rất khó tin, nhất là câu chuyện "đẻ thuê" cách đây mấy chục năm là điều rất hi hữu. Nhưng khó tin cũng không phải không tin được, anh ấy sẽ bắt bác đưa ra những bằng chứng về huyết thống, điều đó khoa học đã làm được từ lâu rồi. Ai cũng xót xa trước tình máu mủ, nếu là người có lương tri. Tôi nghĩ từ đây bác sẽ tìm được mối gỡ cho sự khó xử của mình…

Lê Thị Vượng
.
.
.