Hành trình về với cuộc đời

Thứ Hai, 25/01/2016, 13:54
Người xưa có câu "nhân chi sơ, tính bản thiện", nghĩa là con người khi mới sinh ra đều lương thiện. Nhưng do nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh, dần dần, không ít người đã lầm đường lạc lối, gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Thay vì đối mặt với tội lỗi, nhiều người đã bỏ trốn để né tránh sự trừng phạt của pháp luật. Để rồi sau một hành trình dài loanh quanh mỏi mệt, họ mới nhận ra rằng "lưới trời thưa mà khó thoát", muốn bước qua bóng tối, làm lại cuộc đời, họ chỉ có duy nhất một con đường…

Phạm nhân kì lạ

Chúng tôi đến Trại giam Ngọc Lý, khi không khí Tết bắt đầu râm ran lan ra khắp mọi nơi, dù vậy cái lạnh cuối mùa vẫn đủ khiến mọi người phải xuýt xoa, run rẩy. Vậy mà giữa thời tiết lạnh giá ấy, Trần Văn Chung, SN 1976, HKTT tại xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn vẫn hăng say lao động. Khi được hỏi vì sao không e ngại thời tiết khắc nghiệt như các phạm nhân khác thì Chung cười hiền:

- Hồi còn ở Nha Trang, tôi nhớ cái lạnh này lắm, được trở về quê hương là tôi hạnh phúc lắm rồi!

Ngạc nhiên về câu trả lời của người phạm nhân kì lạ, chúng tôi đã xin phép các quản giáo ở đây được trò chuyện thêm với Chung để tìm hiểu. Ban đầu Chung còn ngần ngại, nhưng rồi bên ấm trà ấm áp giữa giờ nghỉ trưa, Chung đã đồng ý chia sẻ bài học đắt giá của cuộc đời mình. Bài học của một tên cướp từng gây chấn động vùng biên, bài học của một kẻ từng loanh quanh trốn nã suốt mười mấy năm trời.

Lao động giúp các phạm nhân tĩnh tâm, chuộc lại lỗi lầm.

Khoảng hai chục năm về trước, nhắc đến Lạng Sơn, người ta thường nghĩ ngay đến một tỉnh vùng biên vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh. Quan hệ hai nước Việt - Trung tuy đã được bình thường hóa, buôn bán mở ra nhưng còn thô sơ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả, cộng thêm vũ khí trôi nổi chưa được kiểm soát nên đã dẫn đến nạn cướp bóc hoành hành. Có vụ chúng đạp cửa xông vào nhà, dùng súng AK khống chế nạn nhân rồi thản nhiên xách túi tiền đi. Có vụ chúng giết người, cướp của ngay trong đêm Giao thừa hay trả thù tàn bạo cả một gia đình vì dám đi báo án… 

Tệ nạn này đã thực sự reo rắc nỗi kinh hoàng cho quần chúng trên địa bàn. Nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, Công an Lạng Sơn, trong đó đi đầu là lực lượng Cảnh sát hình sự đã dốc toàn lực, tổ chức nhiều chiến dịch đấu tranh truy quét. Những cái tên sừng sỏ như Vy Mạnh Cường, Bạch Văn Chanh… dần bị xóa sổ, việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân luôn được ưu tiên hàng đầu. Đến năm 1996, tệ nạn này đã bước vào giai đoạn cuối, nhưng các trận chiến giữa lực lượng Công an với bọn tội phạm vẫn vô cùng cam go, quyết liệt. Trong đó có chuyên án triệt phá nhóm cướp của Trần Văn Chung và đồng bọn.

Một thời lầm lỡ

Khoảng 6 giờ sáng, ngày 7-9-1996, anh Chu Văn Hồng, SN 1959, trú tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình điều khiển xe ôtô Daewoo, biển kiểm soát 12H-3427, chở theo 6 người khách và một phụ xe đi từ thị trấn Lộc Bình vào Chi Ma. Khi đến dốc Bản Khoai thì bất ngờ có 3 tiếng nổ lớn vang lên.

Phạm nhân Trần Văn Chung trong giờ lao động.

Cả xe chưa kịp định thần thì ba kẻ mặc quần áo bộ đội trùm đầu che mặt từ trong bụi rậm nhảy ra. Một tên cầm súng AK bắn 3 phát súng chỉ thiên để chặn đầu, khống chế lái xe, quát lớn:

- Có tài sản gì mang hết ra đây! Đứa nào chống cự, tao bắn chết.

Trong khi các hành khách đang hoảng hốt thì hai tên còn lại cầm dao nhọn cũng ập đến đe dọa và cướp đi toàn bộ tài sản của hành khách, gồm: 2 máy tính, 1 đồng hồ SK, 18.000 CNY (Nhân dân tệ), 4,5 triệu đồng và một số tài sản khác, tổng trị giá ước tính khoảng 30 triệu đồng, một số tiền rất lớn tại thời điểm đó. Sau khi chiếm được tài sản, chúng còn nổ thêm 3 phát súng đe dọa ai dám báo Công an thì giết sạch, rồi mới cho các nạn nhân đi.

Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng thì ngày 14-12-1996, anh Bùi Tiến Tư, SN 1979, chở theo 2 người khách trên xe Mink đi từ Chi Ma về Lộc Bình cũng bất ngờ bị hai kẻ mặc quần áo bộ đội trùm kín mặt dùng súng AK chặn xe cướp tài sản. Lợi dụng lúc bọn cướp sơ hở, các nạn nhân đã liều mình phóng xe bỏ chạy, chúng nổ 3 phát súng bắn theo nhưng may mắn là các nạn nhân đều an toàn.

Hai vụ cướp diễn ra táo tợn, lại vào thởi điểm giáp Tết nên đã gây chấn động cả vùng biên, khiến nhân dân trên địa bàn vô cùng hoang mang, lo lắng. Nhằm trấn an dư luận, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, lực lượng Công an Lạng Sơn đã lập tức vào cuộc, tổ chức đấu tranh truy quét. Ban đầu, do băng cướp của Trần Văn Chung giấu mặt, lại hoạt động có tổ chức, có vũ khí và manh động, nơi xảy ra vụ việc lại là vùng biên, thời điểm gây án rời rạc nên việc truy tìm, xác minh, sàng lọc đối tượng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản lĩnh của những người lính hình sự đã dày dạn gió sương và tinh thần quyết tâm, không khoan nhượng tội phạm, chân dung của bọn cướp đã dần dần bị đưa ra ánh sáng.

Học văn hóa trong trại giam.

Từ kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai của nhân chứng, ban chuyên án đã nhận định vụ việc trên do cùng một nhóm đối tượng gây ra. Đặc biệt, các đối tượng này có khả năng là người bản địa, chưa từng có tiền án, tiền sự nên khó xác minh, sàng lọc. Lập tức hướng điều tra được thay đổi và chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã được xác định là Vi Văn Lợi, SN 1971, Nguyễn Đức Tám, SN 1972, cùng trú tại thôn Khòn Quắc, xã Đồng Bục, Nông Văn Thìn, SN 1964, trú tại thôn Bản Khiếng, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình và Trần Văn Chung. Trong đó Nông Văn Thìn là kẻ cầm đầu. Một kế hoạch tấn công, bắt giữ bọn cướp nguy hiểm lập tức được tính toán, triển khai tỉ mỉ.

Đêm 22-1-1997, lúc này đã là giáp Tết, thời tiết mưa rét cuối mùa của vùng núi Đông Bắc càng thêm cắt da cắt thịt. Trong khi người dân đều đã yên giấc trong chăn ấm đệm êm thì các chiến sỹ Cảnh sát vẫn phải cắn răng dầm mình mai phục trong mưa lạnh. Khi mọi phương án tấn công đã được tính toán kỹ càng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và chính các đối tượng, các anh mới đồng loạt ập vào bắt sống Thìn, Tám và Lợi. Thu giữ tại hiện trường 1 khẩu súng Ak cắt báng, 1 hộp tiếp đạn, 26 viên đạn, 1 dao thái phở, 3 bộ quần áo bộ đội. Chỉ có Trần Văn Chung ngay sau khi xảy ra vụ cướp đã bỏ trốn vào Nam là hoàn toàn biệt tích. Nhớ lại những ngày tháng ấy, chính Chung cũng không hiểu sao mình lại hành động như vậy.

Đường về đích thực

Ngày đó, để trốn tránh lực lượng chức năng, Chung đã bỏ trốn vào Nam và nghĩ ra nhiều thủ đoạn để trốn tránh pháp luật. Hắn đổi tên thành Trần Văn Long, liên tục thay đổi chỗ ở, thậm chí là lấy vợ, sinh con… Tất cả để tạo nên một vỏ bọc hoàn hảo nhằm che giấu quá khứ tội lỗi của mình. Nhưng tiếc là mọi thứ không dễ dàng như hắn tưởng.

Sống một cuộc đời giả thì không thể có giấy tờ, lai lịch, chỉ cần thấy bóng của đại diện chính quyền là Chung nơm nớp sợ. Công việc thì bấp bênh, lúc làm thuê trên thuyền chài, khi thì ai sai gì làm nấy. Nhiều lúc Chung cũng muốn tìm công việc đàng hoàng, ổn định, nhưng cơ hội nào cho kẻ đã chối bỏ bản thân? Ngay cả với người vợ đã sinh cho mình hai đứa con, nhưng vì không thể đăng kí kết hôn nên trước pháp luật họ vẫn chỉ là những người xa lạ. Có lẽ vì thế mà cả hai thường xuyên mâu thuẫn, gia đình chẳng mấy khi được êm ấm, hạnh phúc…

Cuộc sống khó khăn cùng cực đó càng khiến Chung hối tiếc và nhớ nhà, nhớ quê vô cùng. Là con út trong gia đình nên từ nhỏ Chung luôn được bố mẹ và các anh chị yêu thương, cưng chiều. Lựa chọn trốn chạy đồng nghĩa với việc phải chối bỏ bản thân, gia đình, quê quán. Chối bỏ bố mẹ già ngày càng còng lưng tóc bạc, chối bỏ 4 người anh trai và chị gái vẫn luôn nhường nhịn, đau đáu lo lắng cho mình. 

Chung càng day dứt hơn khi biết vào năm 2011, Nông Văn Thìn, kẻ cầm đầu băng cướp sau 14 năm thụ án cũng đã trở về với cộng đồng. Trần Văn Tám và Vi Văn Lợi cũng đã ra tù từ lâu. Cùng một băng nhóm, cùng một tội lỗi, vậy mà giờ họ đều đã trở lại làm công dân lương thiện. Còn Chung vẫn là một tên cướp, vẫn mắc nợ pháp luật và cộng đồng. Chạy trốn là để chối bỏ tội lỗi, làm lại cuộc đời, nhưng đến lúc này Chung mới nhận mình chẳng có được gì hơn là hối hận và bế tắc. May mắn thay, lối thoát đã đến với Chung từ những người mà anh ta không ngờ đến nhất.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Triệu Văn Điện, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã, Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết: ''Trần Văn Chung sau khi bỏ trốn đã thay tên, đổi họ và chạy vào Nam nên việc truy tìm hắn như mò kim đáy bể. Song với quyết tâm không để lọt tội phạm và kinh nghiệm đấu tranh được rèn luyện nhiều năm, chúng tôi đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh xác định được Trần Văn Chung đang lẩn trốn tại xã Phước Lộc, thôn Phước Đồng, TP Nha trang, tỉnh Khánh Hóa''.

Sau khi xác định được tung tích của Trần Văn Chung và xét thấy hoàn cảnh, tâm lý của đối tượng, các anh đã đến nhà thuyết phục bố mẹ và anh chị của Chung, đồng thời trực tiếp liên lạc để vận động đối tượng ra đầu thú. Ngoài lí lẽ đanh thép của những người đại diện pháp luật, lực lượng Công an còn gợi nhắc cho Chung về đạo lý làm người, về sự khoan hồng của pháp luật. Thậm chí, các anh đã bằng lòng cho Chung một thời gian để chuyển trường xin học cho hai con, thu xếp ổn thỏa chuyện gia đình rồi mới ra nhận tội. Trước tấm lòng và cơ hội mở ra từ những người đại diện cho công lý và pháp luật, ngày 29-5-2014, Chung đã ngoan ngoãn tra tay vào còng.

Xét tính chất, mức độ hành vi và sự thành tâm hối lỗi của Trần Văn Chung, ngày 21-11-2013, Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã tuyên phạt anh ta mức án 7 năm tù. Từ đó đến nay, Chung luôn nỗ lực lao động, cải tạo, là một trong những phạm nhân chấp hành tốt các quy định của Trại giam. Và trên khuôn mặt của tên cướp từng gây chấn động vùng biên đó cũng không còn những vết hằn lo âu, khắc khổ, mà là sự bình yên, thanh thản đến lạ kỳ. Sau 16 năm ròng loanh quanh mỏi mệt, cuối cùng Chung đã tìm được con đường có thể thực sự giúp mình đi qua bóng tối, làm lại cuộc đời.

Lời kết

Câu chuyện của chúng tôi và Trần Văn Chung khép lại cũng là lúc một cơn mưa rào ập đến. Cơn mưa ngắn ngủi, hiếm hoi dự báo cho giây phút mùa xuân đang thực sự đến gần. Nhưng tôi tin rằng, dù mưa hay nắng, dù ấm áp hay giá lạnh thì những phạm nhân ở đây vẫn sẽ thành tâm hướng thiện, tích cực lao động, cải tạo. Bởi cũng như Trần Văn Chung, họ đều hiểu được rằng, đó là cách duy nhất để mình có được sự tha thứ của cộng đồng, là con đường duy nhất để trở về với bản chất thiện lương, trở về với cuộc sống tự do, gia đình và xã hội.

Chu Thanh Phong
.
.
.