Khi người mẹ bất lương trở về

Thứ Sáu, 13/06/2014, 14:30

Hai bà cháu tôi tuy nghèo nhưng sống êm đềm. Thằng Thịnh là cháu nội tôi, năm nay đã 18 tuổi. Nó giống cha nó, học đuối nên cố lắm mới chỉ hết được lớp 9, không thể học tiếp. Tôi sinh được đứa con trai duy nhất, đặt tên là Cường. Năm nó 1 tuổi, sau trận ốm tưởng chết, trở nên ngớ ngẩn. Vẫn lớn bình thường về thể xác nhưng về trí tuệ thì phát triển chậm hơn.

Lên 3 tuổi mới nói được vài tiếng liá nhí. Ai hỏi chỉ biết gật và lắc đầu. Các bạn nó ở làng 3 tuổi đi học mẫu giáo, 6 tuổi bắt đầu học lớp 1, nhưng Cường không được nhận vào lớp vì không bình thường. Mãi đến năm 8 tuổi do có người bác ruột kèm cặp dạy dỗ thêm nên mới vào được lớp 1. Nhưng cố gắng lắm cũng chỉ học được hết lớp 5- tức là hết cấp 1, rồi không lên được lớp 6, phải bỏ học ở nhà. Năm Cường lên 3 tuổi, chán cảnh con bị đần độn, tôi cũng buồn phiền sinh ốm, người gầy rộc như xác ve, chồng tôi đã suốt ngày uống rượu giải sầu thành nghiện nặng. Người lúc nào cũng lảo đảo chếnh choáng. Rồi một lần trong cơn say đã ngã xuống cống chết. Từ đó, tôi một mình nuôi con. Đến năm Cường 16 tuổi, tôi cho đi học nghề thợ xây, làm không công cho một tốp thợ nề trong làng. Được họ nuôi ăn đã là may, cũng đỡ cho tôi nhiều.

Sau mấy năm làm thợ phụ, tay nghề của Cường bắt đầu khá hơn, được trả tiền công đàng hoàng. Tuy không tinh khôn như người khác nhưng nó khoẻ mạnh, chẳng bao giờ ốm đau, lại chịu khó làm ăn. Ai có việc gì gọi, cũng nhận lời, kiếm được đồng nào đưa hết cho tôi. Hàng xóm ai cũng khen nó ngoan, hiếu thảo. Tôi nghe mà mát mặt, cảm thấy được an ủi, vơi đi nhiều nỗi buồn phiền.

Năm Cường 28 tuổi, tôi đã 49. Bạn bè bằng tuổi nó ở quê đều đã có vợ con, chỉ những đứa đỗ đạt, công tác ngoài tỉnh hoặc trên Hà Nội mới chưa có vợ. Tôi thấy sốt ruột và rất mong có cháu nội. Nhưng ngữ nó thì rất khó có thể lấy vợ vì sẽ chẳng có đứa con gái nào chịu lấy một kẻ ngớ ngẩn như nó. Biết con mình sẽ ế vợ, thấy nếu cứ thế này, con tôi sẽ chẳng thể có người nối dõi nên đã nghĩ bằng mọi cách phải cho nó có đứa con dẫu có thể không có vợ. Trong làng tôi khi ấy có một cô gái tên Thà, đã ngoài 30 nhưng cũng chưa có ai ngó ngàng do quá xấu xí. Cô ta có nước da đen, người trùng trục như cái vại, chân đi chữ bát, tóc đỏ quạch như râu ngô, cặp môi thì vừa dày vừa thâm như miếng thịt trâu, nói ngọng líu ngọng lô.

Ở quê tôi, con gái tuổi ấy mà không có chồng con thì cứ yên tâm sống độc thân cả đời, chẳng ai dám "tìm hiểu" dẫu họ có kém cỏi đến đâu. Thực ra cô Thà này cũng đã từng ăn nằm với một người đàn ông làm nghề đánh rậm, goá vợ. Nhưng không hiểu sao đến khi có thai, hắn ta chuồn thẳng, bỏ rơi Thà. Nhưng đến tháng thứ 3 thì cô ta bị sảy. Chuyện này ai cũng biết. Tôi đã gặp cô ta đặt thẳng vấn đề muốn cô làm con dâu tôi. Cứ tưởng phải khó khăn thuyết phục, không ngờ Thà nhận lời ngay. Thế là chỉ một tháng sau, Thà và con trai tôi nên vợ chồng, có đăng ký kết hôn và cưới đàng hoàng.

Gia đình tôi có thêm Thà. Thằng Cường vẫn làm thợ nề. Thỉnh thoảng nó phải xa nhà, đi tận tỉnh khác mỗi khi có việc được người cai thầu gọi. Có khi đi liền cả tháng. Hàng ngày chỉ có tôi và con dâu ở nhà. Nó vẫn đi mò cua bắt ốc đem ra chợ bán như truớc đây. Cuộc sống cũng ổn. Chỉ thương Thà luôn phải xa chồng. Nhưng tôi thấy nó chẳng buồn phiền gì, ăn rất khoẻ, bữa nào cũng được 4-5 bát cơm đầy. Đặt mình là "kéo gỗ" ngay, ngủ liền mạch đến sáng.

Một hôm vào lúc xẩm tối, tôi đang ở trong nhà thì thấy phía bể nước vọng ra tiếng đứa con dâu quát chửi ai đó:

- Tổ sư đồ khốn nạn! mày lại nhìn trộm mẹ mày à!

Không biết ai đó nói gì, Thà nói tiếp:

- Mày về tụt quần vợ mày ra mà nhìn chứ. Mẹ mày có chồng hẳn hoi mà mày còn định giở trò khốn nạn!

Ảnh minh họa.

Tôi chạy ra xem thì thấy một gã đàn ông lủi ra cổng rất nhanh, không nhìn rõ mặt. Chẳng biết hắn là ai. Tôi trở lên nhà, định chờ nó tắm xong sẽ hỏi chuyện. Nó vừa rũ, hong tóc, vừa kể lại sự thể với vẻ còn giận dữ lắm. Đứa con dâu lâu nay tôi vẫn nghĩ là hiền hóa ra cũng đáo để. Nhưng cũng cần thiết vì nó đã tự ý thức được mình là gái đã có chồng.

Một lần khác vừa đi chợ bán ốc về, nó có vẻ giận dữ lắm, rồi kể chuyện với tôi:

- Hôm nay con điên hết cả người. U có biết không, một thằng già phải gần bằng tuổi u rồi còn dám tán tỉnh, rủ rê con. Nó bảo đi theo nó chỉ cần ra thị trấn vào nhà nghỉ với nó một buổi, nó sẽ cho tiền bằng bắt cua ốc cả tuần.

- Thôi con. Có thể người ta không biết con đã lấy chồng, chấp làm gì. Đàn ông họ như chiếc gậy của người mù, cứ chọc bừa, muốn vào đâu thì vào, được thì vớ bở, không cũng chẳng mất gì. Tốt nhất là mình tránh xa hoặc lờ đi. Giữa đường giữa chợ con đừng to tiếng, chỉ gây cho thiên hạ chú ý, chẳng hay ho gì.

Tôi bỗng để ý nhìn kỹ con dâu, thấy nó quả là khá hơn trước nhiều. Da trắng hồng chứ không đen như trước, người bỗng xẹp đi, gọn gàng hơn, phải nhẹ bớt tới 5,7 cân. Bây giờ không thể nói nó xấu xí, nhất là sau khi nó sinh con trai. Tôi đặt tên là Thịnh, vì bố nó là Cường. Tôi muốn sau này nó được như cái tên, chứ không thua thiệt như bố nó. Biết tin vợ đẻ con trai, thằng Cường vui lắm. Nó bỏ việc hẳn một tuần để ở nhà phụ giúp tôi chăm lo vợ. Bố mẹ đều không đẹp đẽ gì, vậy mà thật may, thằng Thịnh không đến nỗi nào. Tuy vậy, có những đêm mất ngủ, tôi vẫn canh cánh trong lòng một điều: Liệu đứa cháu tôi có di truyền cha nó về trí tuệ bị thiểu năng? Tôi cầu trời khấn Phật, thường xuyên đi chùa lễ bái để mong sao cháu tôi không như cha nó. Tôi chỉ cần nó như mọi đứa trẻ phát triển bình thường mà chẳng dám mong giỏi giang đặc biệt hơn người.

Sau khi sinh con, Thà càng nhuận sắc hơn trước. Ai lâu không gặp sẽ khó có thể nhận ra cô gái đen đủi xấu xí trước đây lại óng ả như vậy. Tôi không để cho con dâu làm bất cứ việc gì, ép nó phải tẩm bổ để có nhiều sữa cho con bú. Da nó giờ đây trắng hồng, người gọn gàng, chứ không xổ bụng, xồ xề như nhiều sản phụ khác. Tính tình nó trở nên điềm đạm, nhu mì hơn trước.

Thằng cu Thịnh lớn nhanh như thổi. Nhưng về trí tuệ, nó lại giống cha ngày trước, luôn phát triển chậm hơn mức bình thường. Đang buồn vì điều này thì bỗng dưng nó bị sốt tới 40 độ, lên cơn co giật, phải đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu. Suốt đêm ngày quấy khóc, không chịu ăn uống gì. Mẹ nó và tôi cả đêm không ngủ, thay nhau dỗ nhưng nó vẫn khóc ngặt nghẹo. Rồi một lần, khi Thịnh đã đỡ, tôi bế cháu về nhà thì không thấy Thà đâu. Tìm mãi, hỏi hàng xóm cũng không ai biết. Họ nói vừa buổi sáng còn thấy nó ở nhà. Đến tối, qua đêm rồi mấy ngày tiếp theo, càng ngóng càng không thấy tăm hơi nó đâu. Linh tính báo cho tôi biết nó đã bỏ đi vì quá mỏi mệt. lại chán đứa con bị thiểu năng. Tôi vừa buồn vừa giận đứa con dâu bất lương. Nó có thể bỏ chồng nhưng nỡ bỏ đứa con còn rất bé dại thì xưa nay quả là hiếm thấy. Đến loài vật còn biết thương con, huống hồ con người. Nó đúng là không bằng loài vật. Thằng Cường có ý đi tìm vợ nhưng tôi gạt đi, nói với nó rằng khi người mẹ đã cố tình dứt bỏ con thì chẳng nên tìm làm gì.

Cuộc đời tôi thật vô cùng cơ cực, hết rủi ro này lại đến tai họa khác. Trước việc vợ bỏ đi, uất hận và tủi thân, Cường đã tự tử bằng cách uống rượu say rồi lên cầu nhảy xuống giữa sông. Tôi đến nhận rồi khâm liệm chôn cất tại bãi tha ma của làng. Thế là từ đó, tôi phải nuôi đứa cháu nội. Sau ngần ấy năm, giờ đây nó đã 18 tuổi. Tuy không được học hành tấn tới nhưng bù lại thằng Thịnh rất chịu khó làm ăn và biết thương, rất hiếu thảo với bà. Nó được nhận vào làm ở trạm cơ khí của xã. Kiếm được đồng nào đưa hết cho bà. Nó không cho tôi làm bất cứ việc gì, kể cả đi chợ, nấu cơm vì cho rằng tôi đã già yếu phải nghỉ ngơi.

Hai bà cháu tôi đang sống bình yên thì bỗng gần đây người con dâu thất đức ngày xưa tìm về, gặp tôi, ngỏ ý muốn đón thằng Thịnh. Nó có lời xin tôi tha thứ và thanh minh về việc bỏ đi 15 năm trước. Nó nói đang sống ở trên Hà Nội buôn bán, có điều kiện lo cho con. Hiện vẫn ở một mình nên rất cô đơn. Nó năn nỉ xin tôi chấp nhận. Tôi thấy thằng Thịnh không hề có ý muốn theo mẹ lên Thủ đô, mà muốn ở với tôi. Nhưng Thà nhờ tôi khuyên nó hãy đừng xa lánh mẹ. Tôi thật sự khó xử vì không thể thiếu đứa cháu. Nhưng trước tình cảm và sự ăn năn của con dâu, tôi cũng mủi lòng, không thể cho qua. Theo các anh chị, tôi nên thế nào?

TS Nguyễn Đình San

Có lẽ bà nên chiều theo ý đứa cháu nội. Đó là làm theo tình. Còn về lý thì người mẹ bất lương kia đã bỏ rơi đứa con 15 năm nay khi nó mới 3 tuổi. Bà là người nuôi dưỡng nó trưởng thành, không ai có quyền giành giật nó khỏi bà. Nếu có ra toà, pháp luật sẽ bảo vệ bà. Tuy nhiên, bà có thể gợi ý cô Thà: Nếu thực sự hối hận và thương con, hãy trở về quê sống với nó, hoặc đón cả 2 bà cháu lên Hà Nội, với điều kiện bà sẵn sàng chấp nhận.

Trần Dương Thịnh, TP HCM

Chào bà, thực sự đây cũng là điều khó xử, như tất cả những tình huống éo le khác của đời sống. Dẫu vậy, nói một cách công bằng, thì cháu bà cũng cần có mẹ và như bà nói thì Thịnh có phát triển không như người khác, điều đó sẽ là một vấn đề. Bởi vì bà sẽ không thể nuôi cháu mãi được, bà đã già rồi. Bà nên nói chuyện với con dâu về điều đó. Sẽ rất lý tưởng nếu con dâu bà đồng ý quay về sống chung với hai bà cháu, nhưng điều này e rằng hơi khó. Và cũng rất khó để bà có thể ra thành phố sống với đứa con dâu đã bỏ đi quá lâu. Bà hãy phân tích mọi nhẽ cho Thịnh và để cậu ấy quyết định. Dù gì đi nữa, thì Thịnh cũng đã đến tuổi trưởng thành. Mong mọi chuyện êm xuôi.

Phạm Thị Chắt
.
.
.