Nàng dâu "bắn súng không nên, phải đền đạn"

Thứ Năm, 04/09/2014, 19:30

Cùng là phụ nữ, lại cùng chung nỗi đau khổ goá chồng quá sớm nên chúng tôi càng thương nhau chẳng khác gì mẹ con ruột. Năm tháng trôi đi, rồi cũng nguôi ngoai dần chuyện xót đau của hai người đàn bà bất hạnh. Nhưng bù lại, mẹ con tôi đã sống hết mình vì nhau trong sự êm đềm, thanh bình và sự quý trọng cảm thông, đùm bọc của bà con lối xóm...

Sau khi sinh con được một năm thì chồng tôi mất. Từ bấy đến nay, đã 4 năm, hai mẹ con tôi sống với mẹ chồng. Bà lấy chồng từ năm 17 tuổi, một năm sau thì sinh Thái- chồng tôi. Khi Thái mới lẫm chẫm biết đi, chồng bà chết đột ngột bởi tai nạn giao thông. Bà ở vậy nuôi con từ đó- khi mới 19 tuổi. Người thiếu phụ còn rất trẻ, là gái một con có vẻ đẹp rực rỡ, tuy cực kỳ đau khổ trước cái chết của chồng nhưng vẫn nổi trội so với nhiều cô gái trẻ chưa chồng cùng làng nên được rất nhiều đàn ông để ý. Không ít trai tân học hành đỗ đạt, lại con nhà quyền thế "xin chết" nhưng mẹ chồng tôi vẫn dửng dưng. Bà thanh thản nuôi Thái trưởng thành, vào đại học rồi ra trường, được làm việc ở một cơ quan trên tỉnh. Anh vừa đậu bằng thạc sĩ và được đề bạt làm trưởng phòng thì qua đời. Cái chết của anh cũng quá đột ngột giống như cha ngày trước. Tôi bị ốm ròng rã một tháng trời. Một mình mẹ tôi phải vượt qua nỗi đau mất đứa con trai duy nhất để chăm sóc con dâu những ngày tôi nằm bẹp trên giường, lại còn phải lo cho đứa cháu nội mới lên 1 tuổi.

Cùng là phụ nữ, lại cùng chung nỗi đau khổ goá chồng quá sớm nên chúng tôi càng thương nhau chẳng khác gì mẹ con ruột. Năm tháng trôi đi, rồi cũng nguôi ngoai dần chuyện xót đau của hai người đàn bà bất hạnh. Nhưng bù lại, mẹ con tôi đã sống hết mình vì nhau trong sự êm đềm, thanh bình và sự quý trọng cảm thông, đùm bọc của bà con lối xóm.

Càng thương, tôi càng cảm phục mẹ chồng. Tôi cũng thấy vui mỗi khi có người không hiểu rõ gia cảnh tưởng chúng tôi là hai chị em. Bà đã ở tuổi 46 nhưng trông còn rất trẻ. Có người chỉ đoán chưa tới 40; còn tôi 27, cũng được nhiều người đoán trẻ hơn. Dân làng cứ bàn tán: "Nhà có 2 người đàn bà goá mà trông còn tươi trẻ, ngon lành hơn cả những người có chồng bên cạnh". Mỗi lần như thế, mẹ tôi lại chạnh lòng. Bà có vẻ buồn chứ không vui sướng như người ta tưởng. Một lần, mẹ nói với tôi: "- Con còn trẻ, phía trước còn dài. Thằng cu Dũng cũng đã học mẫu giáo. Gặp ai yêu thương, thấy phù hợp, con cứ tái giá. Mẹ đã coi con là con gái từ lâu. Nay mẹ phải có trách nhiệm lo tương lai cho con. Hãy cứ để thằng Dũng ở với mẹ cho tiện mọi bề. Mẹ sẽ coi dượng của nó như là con rể. Con yên tâm, không phải suy nghĩ gì".

Tôi thấy mẹ nói nghiêm túc và thực lòng. Giọng nói dịu nhẹ của bà toát lên một tình thương bao la, sâu thẳm dành cho tôi. Không kìm được nước mắt, tôi gục đầu vào vai bà, khóc nức nở như thuở ấu thơ vẫn khóc với mẹ đẻ. Phải một lúc sau, tôi mới nói được: "Chính con lại muốn nói với mẹ điều đó vì mẹ vẫn còn trẻ đẹp, vẫn đang có nhiều người tử tế sẵn lòng yêu thương. Mẹ xứng đáng được hưởng hạnh phúc vì đã hy sinh cho chúng con quá nhiều rồi. Còn con, chỉ cần có mẹ và cháu. Cu Dũng không thể xa con mẹ ạ...".

Mẹ chồng tôi cũng khóc như một cô bé hồn nhiên.

Ảnh minh họa.

Thời gian lại trôi đi. Bỗng một ngày kia... Đó là buổi chiều mùng 2 Tết. Trong số rất nhiều người đến chơi chúc Tết, có một người đàn ông được mẹ tôi quý mến hơn hẳn mọi người. Bà không có thói quen mời ai ăn cơm, dẫu có thân vì cho rằng ngày Tết mà mời ăn uống thì sẽ làm phiền họ, vì nể mà bị mất thời gian trước sự nhiệt tình của mình. Nhưng người này thì bà cố níu giữ ở lại, và ông ta đã nhận lời. Qua lời giới thiệu của mẹ chồng, tôi được biết ông tên Phú, ít hơn mẹ 2 tuổi, ngày trước là bạn rất thân của bố chồng tôi. Khi ông còn sống, hai ngươì có sự gắn bó hơn cả anh em ruột. Nhưng ông Phú không may mắn trong hạnh phúc gia đình: Lấy phải người vợ tuy xinh đẹp nhưng không chung thuỷ. Vừa cưới nhau được mấy tháng, chưa kịp có con, chị ta đã sẵn sàng phụ bạc chồng để chạy theo một gã Việt kiều giàu có rồi sang Mỹ sống cùng y. Từ đó đến nay, ông Phú không lấy ai. Ông là người giỏi giang thành đạt trong sự nghiệp, là phó giám đốc một cơ quan lớn ở Hà Nội, có uy tín trong giới chuyên môn, được mọi người vị nể. Không hiểu sao, mặc dù được rất nhiều cô gái trẻ đẹp để ý, nhưng ông vẫn cứ sống độc thân. Mẹ chồng tôi nói là sau cú phản bội trắng trợn của người vợ, ông trở nên mất lòng tin ở phụ nữ. Nếu không phải là bạn của mẹ, tôi chỉ gọi ông Phú bằng anh vì trông ông cũng trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Trong bữa ăn, tôi để ý thấy mẹ không giấu được tình cảm đặc biệt đối với ông. Bà cho biết ngày tôi và Thái cưới nhau, ông Phú đang ở nước ngoài; và đây là lần đầu tiên ông biết mặt con dâu của bạn mình. Bữa cơm đó thật vui, kéo dài đến hơn một giờ. Tôi nghe mẹ và ông Phú nhắc lại rất nhiều kỷ niệm và hiểu rằng họ đã có một tình bạn đẹp, trong sáng, thiêng liêng giữa 3 người.

Sau đó, thỉnh thoảng tôi thấy ông Phú xuất hiện. Tháng nào ông cũng có vài lần về tỉnh công tác, lại tranh thủ rẽ vào nhà thăm mẹ con tôi, có khi chỉ ở chơi được nửa giờ. Và mùa hè vừa qua, ông đã đưa cả nhà tôi đi tắm biển Sầm Sơn. Thằng con trai tôi rất quý ông, suốt ngày "ông, cháu". Nhưng tôi để ý thấy ông có vẻ ngượng với cách xưng hô của nó. Tôi rất thông cảm: Một người đàn ông còn trẻ, chẳng khác gì thanh niên, chưa có con mà lại có đứa trẻ lên 5 gọi mình là "ông". Tôi nói với mẹ tôi và ông Phú: "Theo ngôi thứ, cháu Dũng phải gọi là ông. Nhưng vì ông còn trẻ, nên xin ông và bà cho phép cháu gọi là "bác". Mẹ tôi nghiêm mặt: "Không được, đâu phải ra đó". Tôi phải xin lỗi mẹ và tự thấy mình vô ý, không nhớ đó là bạn của bà, vì biết đâu... Nhưng tôi lại thấy rõ ông Phú rất thích lời đề nghị của tôi. Song, có lẽ để chiều ý mẹ tôi, ông vẫn nói: "Không sao. Cứ để cháu nó tự nhiên, xưng hô thế nào cũng được. Trong gia đình phải là "ông", còn ngoài xã hội thì "bác" hợp hơn".

Sau lần nghỉ mát đó, tôi đã hết lời ca ngợi ông Phú trước mặt mẹ tôi- và cũng là những ý nghĩ thật của mình. Thâm tâm tôi rất muốn mẹ và ông Phú gắn bó phần đời còn lại, vì thấy thời nay, một nguời đàn ông có quá nhiều ưu điểm như ông không dễ có. Tôi thực lòng mong mẹ tôi có hạnh phúc để trẻ đẹp hơn, kéo dài tuổi thọ. Và đây sẽ là cơ hội ngàn năm. Tôi mạnh dạn nói chuyện này với mẹ. Bà chỉ đỏ mặt, tủm tỉm cười, không nói gì. Nhưng tôi hiểu là trong lòng bà mong muốn. Có lẽ mẹ e ngại chăng? Vậy nên tôi đã nói: "Mẹ ơi, con vô cùng hạnh phúc khi mẹ và bác ấy gắn bó." Mẹ tôi nói: "Cảm ơn con, nhưng còn ý bác ấy nữa chứ."

Những lần ông Phú ở Hà Nội gọi điện thoại về mà mẹ tôi vắng, tôi tranh thủ "vun vào" để hai người nhanh chóng thành công. Song, tôi để ý thấy ông có vẻ lảng chuyện mà chỉ hay hỏi thăm tôi. Tôi cho rằng có lẽ ông kín đáo, không muốn và không cần tôi phải "xúc tác". Từ đó, tôi đã tế nhị không đả động đến chuyện này, vì tin rằng sớm muộn giữa ông và mẹ tôi cũng sẽ nên duyên.

Mẹ chồng tôi có một người cháu sống ở Sài Gòn, mời bà vào chơi một tháng. Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ xa mẹ lâu như vậy nên rất nhớ. Con trai tôi cũng suốt ngày nhắc và mong bà nội ra. Thời gian này, ông Phú rất năng đến nhà tôi. Ông bảo tháng này, tuần nào ông cũng phải về tỉnh công tác. Tôi rất cảm động khi ông nói vì bà vắng nhà, ông tranh thủ rẽ vào thăm hai mẹ con tôi xem có cần gì thì giúp. Tôi cũng thông báo việc này qua điện thoại cho mẹ tôi biết. Bà cũng cảm kích lắm.

Nhưng, trớ trêu thay... Dần dần, tôi nhận ra ông Phú rất có tình cảm, rất muốn gắn bó, nhưng lại là với tôi chứ không phải với mẹ chồng tôi. Xâu chuỗi tất cả những biểu hiện trong mọi lần đến nhà, rồi cuộc đi biển - dẫu có rất kín đáo - tôi vẫn nhận rõ điều đó. Trời đã cho giới nữ chúng tôi khả năng nhạy cảm, "giác quan thứ 6" để nhận ra những tình cảm đặc biệt của nam giới dành cho mình. Kể ra nếu ông Phú không liên quan gì đến bố mẹ chồng tôi, nhất là bà đang hướng đến ông, thì tôi hoàn toàn chấp nhận tình cảm này vì ông đúng là mẫu đàn ông tôi ngưỡng mộ. Nhưng sự thể lại như đã nói. Tôi biết xử sự thế nào khi mẹ chồng tôi trở ra? Rồi thì sớm muộn bà cũng sẽ biết. Ông Phú lại là người không biết dừng lại khi trong lòng muốn điều gì. Tôi biết rõ là ông rất có tình cảm với tôi, sẵn sàng coi con trai tôi như con đẻ của ông. Tôi rất tin mọi điều ở ông. Nhưng tôi vô cùng lo sợ khi tình cảm, danh dự của mẹ chồng tôi bị tổn thương. Tôi biết làm sao đây?

TS. Nguyễn Đình San:

Nếu thực sự ông Phú có tình cảm nghiêm túc, chân thành với bạn và bạn cũng như vậy( tình yêu song phương), thì bạn cần nói rõ nỗi lo ngại của mình cho ông ấy thấu tỏ. Tin rằng một người đàn ông như ông Phú sẽ tìm được cách ứng xử ổn thoả nhất để "vẹn cả đôi đường". Hãy tin ở ông ấy và tin vào tấm lòng nhân hậu của mẹ chồng bạn.

Nhà báo Hải Ngọc:

Theo tôi, chị nên cân nhắc thật kỹ, bởi vì mẹ chồng nàng dâu vốn là mối quan hệ vô cùng nhạy cảm. Thêm vào đó mẹ chồng chị cũng đã rất vất vả và cô đơn, chị quyết xây dựng hạnh phúc với ông Phú chắc chắn mẹ chị sẽ không cản. Nhưng tuổi già, sẽ là nỗi buồn len lén vào lòng. Tôi sợ mẹ chị sẽ rất khổ tâm và cảm thấy như một người thất bại. Nếu tôi là chị, tôi sẽ không yêu người đàn ông này. Tôi nghĩ, sẽ còn nhiều đàn ông tử tế để chúng ta tiếp tục lựa chọn. Đừng đặt mình vào những cảnh huống ngang trái khi chúng ta có thể thay đổi. Mong chị sáng suốt.

Quỳnh Liên
.
.
.