Người anh rể... hụt và quá khứ đòi nợ

Thứ Ba, 15/07/2014, 13:35

Cái chết tức tưởi của chị tôi khiến cả họ hàng và cơ quan của chị phải phẫn nộ về gã Sở Khanh đó. Nhưng chẳng thể làm gì được anh ta. Thế là từ đó, Khanh mất mặt. Lặn một hơi cho đến buổi sáng gần đây tình cờ tôi mới gặp lại.

Đang lúi húi lau chùi bàn ghế trong phòng làm việc vào đầu giờ buổi sáng thì giám đốc gọi lên phòng ông có việc. Vừa bước vào, tôi sững sờ khi nhận ra người đàn ông lạ mặt trong phòng sếp. Anh ta đi cùng một phụ nữ còn trẻ, chỉ hơn tôi dăm tuổi. Giám đốc giới thiệu:        

- Đây là tiến sĩ Tuấn Khanh ở viện... sẽ đến cộng tác với cơ quan ta thời gian tới. Cô có trách nhiệm giúp đỡ khi anh ấy yêu cầu..

Nhìn người phụ nữ còn trẻ, ông cười rồi nói tiếp:

- Còn đây là chị Loan, kiến trúc sư trẻ. Có thể gọi là bà xã của anh được rồi đấy nhỉ?

Thế là tôi đã hiểu. Hoá ra đến giờ phút này, sau 17 năm, anh ta vẫn chẳng khác gì trước đây. Người có tên Loan này theo giới thiệu của thủ trưởng chỉ là tình nhân, nhưng chắc gì cuối cùng họ đã nên vợ chồng, bởi... Qua thái độ của Tuấn Khanh, tôi biết anh ta không nhận ra tôi. Còn tôi thì kể cả vài chục năm nữa gặp lại cũng nhận được, không một chút ngờ ngợ. Phải, Khanh làm sao có thể nhận ra tôi vì ngày ấy, tôi mới là một cô bé lên 10 tuổi, nhưng đã biết được nhiều điều hơn những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Đột ngột gặp anh ta ở đây, quá khứ hiện về như một cuốn phim sinh động.

...Cách đây 17 năm, chị gái tôi tên Thanh, khi ấy 20 tuổi, một hôm dẫn về nhà một người đàn ông hơn chị phải tới 15 tuổi, giới thiệu là Tuấn Khanh làm việc ở một bộ. Anh ta ăn mặc chải chuốt, nói là từng học ở Đức về, đang làm công tác nghiên cứu ở bộ nọ. Lần đầu tiên đến nhà, lại trước mặt cả gia đình tôi nhưng anh ta không một chút e dè, mà nói nhiều, có phần khoe khoang nên đã không để lại cho bố mẹ tôi ấn tượng tốt. Tôi khi ấy chỉ biết nghe mọi người nói với chị Thanh: "-Anh chàng này có vẻ bẻm mép, ở tuổi ấy rồi mà nói là chưa vợ thì con phải xem xét kỹ. Bố mẹ có cảm giác anh ta đã từng lấy vợ, có thể ly hôn". Tôi lại nghe chị Thanh nói: "-Con thấy anh ấy sống một mình ở ngay cơ quan mà. Anh ấy quê ở Quảng Bình, ra Hà Nội học từ cấp 3 rồi đi nước ngoài học đại học nên nói giọng pha Bắc nhiều". Sau đó, tôi đi chơi, không nghe bố mẹ, các anh, chị nói gì về anh ta nữa.

Những lần sau, tôi để ý thấy anh ta đến gặp chị Thanh vào ban ngày, lúc bố mẹ và anh của tôi đi vắng. (Tôi có 3 chị em, chị Thanh là con cả). Riêng chị Thanh lúc ấy là sinh viên, chỉ đến trường một buổi. Lần nào đến, Khanh cũng mua nhiều quà cho tôi, toàn những thứ tôi thích: Búp bê, gấu bông, kẹo sô-cô-la, các loại hoa... Lúc đầu, tôi không có cảm tình, nhưng về sau, thấy anh ta cũng vui vẻ, lại rất chiều mình nên tôi dần thấy thích. Một số buổi, anh Khanh và chị Thanh cho tôi đi chơi cùng. Tôi để ý thấy hai người rất xoắn xuýt với nhau. Lúc này chị Thanh đang học năm thứ 3, chỉ còn một năm nữa là ra trường. Anh Khanh rất hay lui tới và luôn biếu bố mẹ tôi quà, rủ anh trai tôi đi uống bia. Đến gần Tết, trước khi về quê, anh đến tặng gia đình rất nhiều thứ: hoa quả, rượu Tây, bánh kẹo toàn loại đắt tiền. Lại còn mua một cành đào rất to, thuê chở từ Nhật Tân đến. Tôi thấy bố mẹ có vẻ quý anh hơn trước.

Ra Giêng, Khanh từ quê lên đã lại đến thăm gia đình, tặng cặp bánh chưng mang từ quê ra, nói là do mẹ anh gói. Rồi tôi thấy bố mẹ nhắc chị Thanh nói anh Khanh mời bố mẹ ở quê có dịp ra Hà Nội thì đến nhà chơi để xúc tiến những bước cần thiết cho hôn nhân sau này. Bố mẹ tôi đều là nhà giáo nghèo, chỉ cần con rể có học, có đạo đức, còn thì không nặng về chuyện giàu nghèo, quê quán ở đâu, miễn con gái ưng thuận. Các cụ chỉ khuyên mà không áp đặt. Nhưng chị Thanh nói với bố mẹ là để đến khi chị học xong đại học, có công việc ổn định, khi ấy anh Khanh sẽ mời mẹ ra thăm bố mẹ. (Anh ấy nói là mồ côi bố từ nhỏ). Vì rất xa xôi nên bố mẹ tôi cũng thông cảm, chấp nhận.

Năm cuối cùng qua đi với chị tôi rất nhanh. Ra trường chừng hai tháng thì chị tôi có được việc làm ở một cơ quan nhà nước đúng với chuyên ngành đào tạo. Lẽ ra chị phải rất vui nhưng tôi thấy sau khi đi làm được một thời gian ngắn, Thanh có vẻ uể oải, mệt mỏi, người gầy, xanh hơn trước. Bố mẹ tôi gặng hỏi, chị thú nhận là đã có thai với anh Khanh. Kìm nén nỗi tức giận, bố mẹ nói với chị là sự thể đã như vậy, cần bàn ngay với anh Khanh chuyện cưới hỏi để xúc tiến gấp. Cũng may chị Thanh không còn là sinh viên mà đã đi làm. Lẽ ra, nếu không có sự việc này thì một năm sau mới cưới theo dự định. Sau đó, chị báo cáo lại với bố mẹ tôi là đã bàn kỹ với anh Khanh. Anh thống nhất với chị là tháng sau sẽ tranh thủ xin phép về quê nói mẹ ra gặp bố mẹ tôi để tính cuyện cưới xin cho hai người.

Việc chưa kịp diễn ra thì một buổi tối, tôi đi học thêm vừa về đến nhà, thấy mẹ tôi khóc thảm thiết, nói với tôi trong nước mắt: "-Con ơi, chị con bị tai nạn đang cấp cứu trong bệnh viện rồi". Tôi nói mẹ bình tĩnh rồi tức tốc cùng mẹ vào ngay viện. Khi ấy, đã có bố và anh trai tôi ở trong đó với chị. Vào tới nơi, tôi thấy chị nằm ly bì, bất động, đang phải tiếp nước, toàn thân quấn băng trắng. Bác sĩ cho biết sức khỏe chị rất nguy kịch, khả năng sống là rất mong manh vì bị băng huyết. Nhìn thấy chị, mẹ tôi lại oà lên khóc và quỵ xuống cạnh giường bệnh khiến các nhân viên trong bệnh viện phải dìu ra ngoài hành lang. Mấy tiếng sau thì chị tôi qua đời.

Đám tang chị tôi rất đông, có tất cả các bạn của chị trong lớp đại học, bạn cũ, người cùng cơ quan.Tôi thấy anh Khanh mặt lầm lũi, luôn cúi gằm, không nhìn vào ai. Tôi nghĩ là anh sẽ thương tiếc chị lắm vì người vợ tương lai rất xinh đẹp của anh chỉ mấy tháng nữa sẽ sinh cho anh đứa con. Mãi sau đó tôi mới hiểu thái độ ấy của Khanh được cắt nghĩa bằng một lý do hoàn toàn khác. Chị tôi bị tai nạn giao thông do quá sốc nên tay lái loạng choạng đã tự đâm vào ôtô trên đường. Lái xe không phanh kịp nên đã cán phải chị. Còn nguyên nhân dẫn đến cú sốc chính từ Tuấn Khanh gây ra. Trước hôm xảy ra tai nạn, chị Thanh nhận lệnh cơ quan phải đi công tác ở Huế. Nhưng việc xong sớm, chị trở ra trước so với kế hoạch. Ngay ngày hôm sau là chủ nhật, chị hối hả đến nhà anh Khanh thì gặp một người phụ nữ cùng một đứa trẻ nhỏ đang ở đó. Nhìn họ, nhất là đứa trẻ rất giống cha, linh tính mách bảo chị đó chính là vợ con của Khanh. Anh ta lúng túng không biết giới thiệu thế nào. Quá choáng váng, chị lao ngay ra cửa, mở khoá xe ra về. Vừa đi được một quãng, đến đoạn đường rẽ trái, do phân tâm, chị đã rẽ đột ngột, không quan sát nên bị một ôtô đâm phải. Vậy là suốt thời gian yêu Tuấn Khanh, chị tôi không hề biết anh ta đã có vợ con ở quê. Anh ta lừa khéo đến mức chị đã đặt hết niềm tin, hoàn toàn dồn hết tình cảm và chuẩn bị cho ngày cưới không xa.

Cái chết tức tưởi của chị tôi khiến cả họ hàng và cơ quan của chị phải phẫn nộ về gã Sở Khanh đó. Nhưng chẳng thể làm gì được anh ta. Thế là từ đó, Khanh mất mặt. Lặn một hơi cho đến buổi sáng gần đây tình cờ tôi mới gặp lại.

Vậy là ít nhất trong đời, Tuấn Khanh đã lừa hai người phụ nữ là vợ anh ta và chị tôi, dẫn đến cái chết tội nghiệp của chị. Nay lại là người đàn bà trẻ có tên Loan kia. Chị ta tuy hơn tuổi tôi nhưng trông vẫn còn nhiều nét mơ mộng, trong sáng của một cô sinh viên. Liệu chị ta có biết rõ nhân thân Tuấn Khanh? Liệu chị ta có đang bị lừa như chị gái tôi mười mấy năm về trước? Khanh có thể đã bỏ vợ và như vậy việc anh ta quan hệ với chị Loan là hợp pháp. Nhưng lấy gì đảm bảo chị ta lại không là một nạn nhân nối tiếp của Khanh? Tôi trỗi dậy nhu cầu muốn gặp riêng Loan để nói rõ sự thật về gã đàn ông đang là chồng chưa cưới để may ra có thể cứu chị ra khỏi sự lừa bịp tinh quái của gã Sở Khanh. Làm việc đó, tôi vừa muốn trả thù cho chị tôi, vừa muốn giúp người đàn bà vô tội kia mà tôi rất có thiện cảm. Theo các anh chị, tôi có nên làm vậy?

TS Nguyễn Đình San:

Nên lắm. Nhưng trước khi nói chuyện với người phụ nữ trẻ đó, bạn cần rào trước đón sau và có lời xin lỗi chị ta, vì biết đâu Loan đã biết rõ lý lịch "bất hảo"của Khanh và cho qua, vẫn chấp nhận yêu, do hiện tại anh ta đã là một con người khác trước, hết mình yêu và hy sinh cho chị ta.

Nhà báo Hữu Phú:

Thực ra, việc nói hay không hoàn toàn là quan điểm cá nhân, chị có quyền nói nếu chị thực sự muốn tốt cho người phụ nữ kia, còn nếu như chị im lặng cũng không ai có quyền trách chị. Vấn đề đó hoàn toàn không còn liên quan đến chị. Những vấn đề tình cảm của con người rất khó nói, vì nó thay đổi theo thời gian và nó hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm sống. Hãy làm điều gì chị cho là đúng nhất và cảm thấy thoải mái nhất. Chúc chị vui!

Hoàng Thu Cúc
.
.
.