"Người điên" bị xích hơn 10 năm giữa rừng dừa

Thứ Tư, 25/12/2013, 10:00

Hơn 10 năm bị xiềng xích, giờ thì cổ chân ông đã hằn rõ khoanh sẹo vòng tròn, trắng hếu, nó đã chai cứng chẳng thể tứa máu được nữa. Dưới chân, những móng vuốt dài ngoằng, nhọn hoắt như móng chân của một loài thú hoang. Ông ngồi thu mình vào góc tường, đôi mắt trợn trắng hoảng sợ khi nhìn thấy người lạ. Giữa rừng dừa xanh ngút ngàn, bên cạnh mương nước đặc sệt xú uế, tanh nồng, là căn chòi hoang nhốt người đàn ông mang tên thật đẹp Lê Văn Mới Anh (50 tuổi), huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Thước phim câm của máu và nước mắt

Miền Tây mùa nước lên, nước mấp mé chân người, đường đi nhão nhoẹt, chúng tôi men theo con lươn ngoằn nghoèo, bé xíu hun hút gập ghềnh như cái xương cá khổng lồ, tìm đến căn chòi giam "người điên"Lê Văn Mới Anh tại ấp 3 (xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Không gian thơ mộng của một vùng cù lao trù phú trái cây đang độ xuân về, không khỏa lấp được cảm giác tê tái của tôi khi tiếp cận "người điên trong chuồng".

Chốn náu thần của "người điên" Mới Anh ở cái ấp nhỏ này ai cũng biết. Từ hơn 10 năm về trước cho đến hôm nay, câu chuyện của Lê Văn Mới Anh vẫn là tiếng thở dài đau đáu của hầu hết bà con chòm xóm. Ngày cũng như đêm, những tiếng kêu xé cổ vẫn âm ỉ vọng ra từ căn chòi giam cầm người đàn ông bị "ma nhập". Có lẽ đó là phương án cuối cùng khi tất cả đã bất lực trước sự điên cuồng không có thuốc chữa của ông Mới Anh.

Từ thông tin của người cháu Lê Văn Một (sinh năm 1986), cuộc đời Lê Văn Mới Anh được dựng lên như một thước phim câm chứa đầy nước mắt và khổ hạnh.  Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Mới Anh xung phong đi bộ đội, đóng quân ở biên giới Tây Nam. Hoàn thành xong nghĩa vụ, Mới Anh quay trở về quê hương làm kinh tế, bắt đầu cuộc sống mới. Mới Anh cưới được cô gái trẻ đẹp ở xã bên về làm vợ. Cuộc sống vợ chồng mới cưới khó khăn nhưng hạnh phúc, vợ chồng ông lần lượt đón nhận hai "thiên thần" đủ nếp đủ tẻ.

Năm 2001, tai họa ập xuống gia đình bé nhỏ của ông, đứa con gái đầu lòng mắc bệnh hiểm nghèo trong một thời gian dài và đã qua đời khi chưa đủ tuổi lớn. Nỗi đau dai dẳng kéo dài, sự hụt hẫng nuối tiếc và cả những bất lực kinh tế khiến vợ chồng Mới Anh suy sụp nghiêm trọng. Mới Anh bắt đầu có những biểu hiện lạ. Nửa đêm ông vác cuốc, cầm xẻng chạy thục mạng ra gò đất nổi ngoài ruộng đào bới xung quanh những ngôi mộ như cố tìm một thứ gì đó. Gặp hàng xóm hỏi chuyện, ông trợn mắt lên bạnh mồm ra chửi te tua. Từ một người chồng, người cha hiền lành, ít nói, chăm chỉ làm ăn trước kia, nay đã vài lần Mới Anh cầm dao đuổi vợ chạy khắp xóm.  Ai ra can đều bị ông dọa chém chết. Mỗi lần ông lên cơn "điên" như thế phải hai ba thanh niên khỏe mạnh ào vào đè ông ra trói lại mới yên.

Quần áo, chân tay Mới Anh bùn đất bám vào đen kịt ngày này qua tháng nọ.

Bỗng nhiên điên loạn khác thường, tâm trí bất ổn, gia đình đã đưa Mới Anh đi điều trị từ bệnh viện tỉnh lên tới các bệnh viện lớn trên Sài Gòn. Bác sĩ kết luận ông Anh bị hội chứng tâm thần hoang tưởng. Ông Anh nằm điều trị 6 tháng tại bệnh viện Bến Tre thì có dấu hiệu hồi phục lại. Tại đây, ông không còn nói năng lảm nhảm, không phùng mang trợn má hành hung người khác. Bác sĩ cho xuất viện về nhà, nhưng chỉ được thời gian ngắn, bệnh tình ông Anh tái phát và nghiêm trọng hơn trước. Ban ngày, ông đi lang thang khắp nơi, miệng lẩm bẩm không ngừng. Ban đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, ông rống lên như thú rừng. Ông đập phá hết đồ đạc trong nhà, tất cả nát tanh bành sau mỗi trận "lên cơn" của ông. Ông thường chạy ra phía nghĩa địa ngồi khóc một mình như ma quỷ khiến hàng xóm hoảng sợ phải chốt chặt cửa, không ai dám ra ngoài.

Tin ông Mới Anh bị ma nhập lan nhanh khắp làng trên xóm dưới, người ta lánh mặt ông, coi thường ông và sợ ông như sợ một con thú hoang. Nguyên nhân bị ma nhập của ông Anh được dựng lên trong khoảng thời gian ông đi bộ đội. Rằng ngày đó, một cô gái Miên đã phải lòng ông và cô ta đã bỏ "bùa yêu" để níu giữ tình cảm. Ma lực của thứ "bùa yêu" vô cùng linh ứng, chịu thì yêu suốt đời còn không sẽ bị lời nguyền trừng phạt hết kiếp và còn liên lụy đến gia tộc. Người đó sẽ bị điên, con cái phải chết, gia đình ly tán. Tin theo lời đồn và nghiệm thấy giống trường hợp của ông Anh nên gia đình đã quyết định mời thầy cúng về giải bùa cho ông. Nhưng tốn biết bao nhiêu tiền cúng vái mà bệnh ông Anh vẫn không thuyên giảm.

Ông Anh càng trở nên dữ tợn, đi ngoài đường trông thấy đứa trẻ con nào là ông rượt đuổi cho chúng khóc ngất, chạy bạt mạng đi trốn. Chẳng may bị ông tóm được, sẽ cầm chân treo ngược lên trời, nhe răng trợn mắt dọa nạt, chỉ khi nào có người tới giải cứu đứa bé mới được tha. Nỗi lo sợ lên tới đỉnh điểm, vợ ông ôm đứa con nhỏ  bỏ về nhà ngoại ở biệt. Và từ đó, người ta không thấy bóng dáng bà quay lại thăm chồng dù chỉ một lần.

Con chết, vợ bỏ đi biệt tích, ông Anh lang thang đầu đường xó chợ như con ma chơi đói rách. Ông là nỗi kinh hoàng của cả người lớn lẫn trẻ con ở cái ấp nhỏ này. Ông Anh được người em ruột Mới Em cưu mang, sống lất lây trong nhà chẳng nói chẳng cười với ai. "Khi người nhà lên kế hoạch đưa bác đi bệnh viện, thì ngay lập tức bác la ó, đùng đùng nổi giận. Nên chẳng ai dám tới gần bác ấy nữa, ai cũng sợ bác cầm dao chém hay bóp cổ chết". Anh Một buồn bã kể.

"Người điên" Mới Anh ngồi thu mình ở một góc khi thấy người lạ.

Bệnh tình ông Anh không thể chữa chạy được nữa, không ai biết ông ấy sẽ còn gây tai họa gì nhưng trước mắt nếu cứ để ông đi lang thang thế này sẽ gây hoang mang và lo sợ cho tất cả bà con. Gia đình người em quyết định dựng căn chòi lá phía rừng dừa nhốt ông Anh trong đó. Chòi bằng lá, phên bằng lá, ông Anh đã nhiều lần phá tường ra ngoài gây chuyện. Được bà con góp sức, căn chòi được kiên cố bằng gạnh để ông Anh không còn phá tường tẩu thoát nữa.

"Người điên" giữa rừng dừa

Căn chòi chưa tới 10m2 được xây ốp kín bưng bằng gạch ngột ngạt, tù túng. Phía trên, tôn lớp nóng chảy mỡ trong người. Nền xi măng hoen ghỉ, nhuốm màu vàng nhạt của xú uế, của tất cả các loại "chất thải" trong khoảng thời gian 10 năm. Mùi khai chủ đạo sộc thẳng vào mũi tôi khi cánh cửa chính duy nhất được mở ra. "Người điên" Mới Anh mở tròn mắt nhìn người lạ, miệng ông ta lẩm bẩm tiếng gì đó mà chẳng ai hiểu nổi. Ông ngồi thu mình trên tấm phản đổ bằng xi măng, xung quanh nham nhở vết ố vàng và những bãi "chất thải" đen kịt không được rửa sạch.

Ông Anh vận chiếc áo dài tay cũ mốc, rách mục vài chỗ, ông ngồi trong tư thế khom lưng, gù cổ, bàn tay bàn chân của ông móng vuốt sắc nhọn, bụi đất bám chặt đen xì. Dường như quyền làm người của ông đã bị chiếc xiềng xích kia quấn chặt, trông ông khổ hạnh và lụy tàn như một thân cây khô bị hút kiệt nước, chỉ chờ cơn gió khẽ lay là đổ.

Trước đây, người duy nhất tiếp xúc và nói chuyện được với "người điên" chính là mẹ ruột của ông. Nhưng từ ngày mẹ mất, ông không nghe bất cứ ai, không cho ai đến gần mình. Cho đến khi người em ruột ruột Lê Văn Mới Em xuất hiện, ông Anh mới đồng ý. Nhưng ông Em đi làm tận Long An, cứ một tháng mới về vệ sinh cho anh một lần. Ngoài ra không có bất cứ ai đụng được vào người ông Anh, hễ đến gần là ông la hét, trợn mắt nhào vào bóp cổ. Thậm chí đồ đạc như ly uống nước, bát ăn cơm, chậu, bô dùng cho ông đi vệ sinh cũng bị ông đập vỡ nát hết. Căn chòi nhốt ông trở nên hôi hám, dơ bẩn khiến ai đến gần cũng phải bịt mũi bịt miệng. Anh Lê Văn Một, người cháu ruột duy nhất nhận trách nhiệm canh giữ và đưa đồ ăn thức uống hằng ngày vào nơi giam giữ ông chú "điên" hơn 10 năm qua cũng héo hon theo người bác.

Không gian dơ bẩn, ẩm thấp tạo thời cơ cho ruồi nhặng, loăng quăng, muỗi gián trú ngụ. Anh Một đưa màn vào mắc cho bác ngủ cũng bị ông xé rách toác. Chỉ còn bình nước bên cạnh chỗ ngủ, có lẽ ông  nhận thức được nó quan trọng nhất với sự sống của mình nên không đụng đến. Những người hàng xóm sống quanh "phòng biệt giam" của ông Anh hằng đêm vẫn bị đánh thức bởi tiếng gầm rú thất thần, rồi tiếng hét xé toạc màn đêm tĩnh mịch. Nhưng tất cả đã quen, không ai oán than hay trách móc, bởi họ cảm thông và thấy tủi phận cho ông nhiều hơn.

"Cơm mang vào cho ông phải để ở góc nhà, chờ khi cánh cửa khóa chặt phía ngoài, ông tự động lom khom mò tới bốc ăn. Ông ăn bằng tay, chẳng nhai nghiền gì hết, cứ và tới tấp rồi nuốt chửng".  Anh Một kể.

Ai đó tới lấy quần áo bẩn của ông mang đi, ông nhảy dựng lên la hét ầm ĩ chạy theo cướp lại. Nhưng cũng chỉ chạy được vài bước, chiếc dây xích kéo giật ông lại, có khi ngã chỏng chơ ra nền nhà. Ngoài những bữa cơm rau cháo đứa cháu hằng ngày mang vào, thì ông còn sở thích kỳ quặc là ăn chanh. Anh Một cho biết, chanh chính là món ông bác "điên" nghiện từ ngày ở trong phòng "biệt giam". Cạnh cái cửa sổ bằng song sắt ngay mé phản ngủ, anh Một đã trồng một cây chanh xum xuê trái. Nhưng chanh chưa kịp lớn thì ông Anh đã choàng tay ra vặt ăn sạch. Hoàn cảnh ông Mới Anh như thế, đề nghị UBND xã liên hệ với một trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn có thể giúp đỡ, nuôi dưỡng người cựu chiến binh này tạm sống bình yên được không?

Ông Phan Văn Phết - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông
- Giồng Trôm - Bến Tre:

"Trường hợp ông Lê Văn Mới Anh chúng tôi rất lo lắng, chính quyền địa phương cũng thường xuyên cử cán bộ xuống  hỏi thăm tình hình của ông Anh. Trong thời gian qua, chúng tôi đã vận động từ thiện được một công ty trên TP HCM hỗ trợ gia đình chăm sóc ông Anh số tiền 200 ngàn đồng/tháng. Ban thương binh - xã hội cùng hỗ trợ cho ông Anh 270 ngàn/tháng".

Hoa - Nga - Cương
.
.
.