Người hành khất đặc biệt và quá khứ đòi nợ

Thứ Hai, 27/10/2014, 17:00

Người đàn ông chống nạng, đội nón mê, tay cầm chiếc mũ vải rộng vành nhàu nát để đựng tiền. Ông ta lê từng bước một cách nặng nề với thân hình quắt queo gầy xọp. Mặt mũi ông ta đen nhẻm, hốc hác, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi nhìn mọi người một cách vô hồn. Giọng nói thều thào, thoi thóp như của người sắp chết. Có lẽ ông ta bị đói nên quá mệt.

Người ăn mày xuất hiện ở trước cửa đúng lúc gia đình tôi đang ăn cơm. Chồng tôi cau mày, xua như đuổi gà.

- Đã bảo đi, không có gì cả!

Tôi thấy không đành, bèn rút cho ông ta một tờ 10.000 đồng; rồi đơm một tô cơm, cho thêm đậu phụ và rau với chiếc thìa đưa cho ông ta. Vừa nhận, ông ta vừa run run bàn tay gầy guộc chỉ còn da bọc xương, rồi ngồi bệt xuống thềm nhà tôi một cách khó khăn để xúc cơm. Tôi đưa chiếc ghế nhựa nhỏ ra cho ông ta ngồi thì chồng tôi nói: "Em chỉ rắc rối, cứ mặc kệ nó. Vừa cho tiền lại vừa cho ăn là quá đủ rồi". Tôi nghe anh nói mà không tin ở lỗ tai mình. Sao anh lại có thể gọi người hành khất đáng tuổi bố mình là "nó"? Và sao có thể vô cảm thế được? Con người đam mê, rất lãng mạn những buổi đầu đến với tôi bây giờ trở nên nhẫn tâm với đồng loại như vậy sao? Hình như nghe được câu nói của chồng tôi, ông già đứng lên, lê gót đi một quãng xa, cách cửa nhà tôi phải tới vài chục mét mới tiếp tục ngồi xuống ăn. Trước khi rời khỏi, ông ta trút cơm vào một túi nilon rồi trả lại bát và thìa, không quên một lần nữa chắp tay và nói lời cảm ơn.

Ở vào cái khoảnh khắc cầm lấy bát cơm, người hành khất già đã nhìn tôi với vẻ hàm ơn. Tôi có dịp nhìn rõ ông ta hơn, có cảm giác ông ta quen quen. Nhưng đó chỉ là cảm giác. Khi ngồi vào bàn tiếp tục ăn cơm, tôi chẳng theo đuổi ý nghĩ ấy bởi phải nghe những lời ca cẩm của chồng về việc tôi "chu đáo" với kẻ ăn mày.

Chồng tôi ăn nhoáng nhoàng rồi buông đũa. Hai đứa con tôi cũng đã no, lên phòng xem ti-vi. Còn lại một mình tôi, vừa tiếp tục ăn, vừa suy nghĩ mung lung. Tự nhiên, một cảm giác sụp đổ, thất vọng xâm chiếm tâm hồn tôi vì không ngờ anh có thể đối xử với người ăn mày như vậy. Tôi đa cảm và dễ xúc động. Chồng tôi ngày trước dịu dàng và lãng mạn là thế, vậy mà nay nỡ nhìn người khốn khó như vậy sao? Tôi thực sự buồn. Những ngày sau đó, tôi đã nhìn chồng bằng đôi mắt khác. Có lẽ anh quá mải mê với công việc mà đã không để thấy điều đó ở tôi.

Sau lần người ăn mày già xin ăn ở nhà tôi, ông ta còn đi qua một vài lần nữa. Đến một lần kia, khi thấy trong nhà chỉ mỗi mình tôi, ông ta mới nhìn vào và có ý chìa chiếc mũ vải ra chờ đợi. Tôi lại cho ông ta tiền và nói: "Ông có ăn cơm không?" Không ngờ ông ta trả lời: "Thôi, đội ơn bà. Bà cho tôi thế này là quý lắm rồi, bà thương hơn, ông nhà sẽ không đồng ý". Tôi nói luôn: "Ông cứ yên tâm, nhà tôi đi công tác, không ở nhà". Lần ấy chồng tôi đi Sài Gòn một tuần. Tôi tò mò muốn biết rõ về người hành khất nên mời ông ta vào nhà nói chuyện. Lúc đầu ngần ngại, nhưng sau thấy tôi niềm nở, thực lòng, ông ta đã vào.

Ảnh minh họa.

- Nhà ông ở tận đâu? Ông không có con cháu nào sao?

- Thưa bà, tôi ở T. Tôi cũng có con, nhưng hoàn cảnh đặc biệt lắm.

- Ông cứ gọi tôi là cô, hay chị, vì tôi mới ngoài 40, kém tuổi ông nhiều, gọi vậy e không tiện.

- Không dám. Tôi gọi thế đã quen. Những người còn trẻ hơn bà, tôi cũng gọi vậy. Mong bà thông cảm.

Nói chuyện thêm, khi tôi ngờ ngợ nhận ra kẻ hành khất tội nghiệp trước mặt mình là ai thì bỗng ông ta đứng dậy cầm chiếc nạng cáo biệt khá đột ngột, rồi đi thẳng, không ngoái  đầu lại như là chạy trốn khỏi nơi mình sẽ gặp rủi ro. Cử chỉ ấy khiến tôi hiểu ra mọi chuyện. Và tôi rất đỗi bàng hoàng, gần như bị sốc khi nhận ra ông già ăn mày là ai. Phải rồi, người đàn ông tội nghiệp đó là Thành, gần 30 năm trôi qua tôi không có dịp gặp lại, không biết ở đâu. Nhưng sao lại già đến như thế này, vì nhẩm tính lại, năm nay ông chỉ ngoài 60 tuổi. Vậy mà như một ông lão 80, lọm khọm.

Tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện xảy ra mấy chục năm về trước...

...Ngày ấy, tôi lên Hà Nội dự thi đại học. Sau khi thi xong, tôi lên ôtô về quê. Ngồi cạnh tôi trên xe là một người đàn ông chừng 30 tuổi. Tôi bị say, luôn nôn oẹ. Anh ta đã quan tâm và kiếm túi nilon cho tôi. Sự săn sóc của anh dành cho tôi như một người anh trai, tỉ mỉ và nhường nhịn. Tôi rất cảm kích, nhất là thấy anh nghiêm túc không hề có ý gì, giống như những anh chàng luôn liếc nhìn tôi nhấm nháy muốn làm quen, đã buông lời tán tỉnh suốt thời gian chờ xe chạy. Qua nói chuyện, tôi biết anh tên Thành, đang phụ trách một trạm bơm ở quê nhà - một huyện trong Tỉnh T. Mặc dù anh chỉ là công nhân nhưng tiếp xúc tôi thấy anh lịch sự và khá hiểu biết. Khi ấy tôi gọi anh là chú. Câu chuyện giữa chúng tôi rất vui, kéo dài suốt thời gian ngồi trên xe ôtô, từ Hà Nội cho tới lúc tôi xuống Ninh Bình (Còn Thành đi tiếp vào Tỉnh Tá).

- Cháu thi vào trường nào?

- Cháu thi vào Đại học Sư phạm, ngành văn. Còn chú, học ở đâu ra?

- Không, chú chỉ là công nhân phụ trách trạm bơm ở quê.

- Sao trước đây chú không thi vào trường nào?

- Chú đi bộ đội, giải ngũ về quê. Nhà chú nghèo, không thể có điều kiện học nhiều. Chú chỉ học hết lớp 10.

Chúng tôi nói chuyện rất hợp, rất vui. Chẳng mấy lúc xe đã đến Ninh Bình, tôi phải xuống. Do có nhiều hành lý mà chú Thành đã phải chuyển giúp tôi từ trên xe xuống. Có nhiều thứ cồng kềnh không thể đưa qua cửa sổ ôtô nên chú phải lên xuống nhiều lần. Người lái xe bóp còi inh ỏi giục giã vì chỉ có mình tôi làm  mất thời gian nhất. Rồi anh ta đã cho xe chạy, không quan sát Thành vẫn đang ở dưới sát thành xe nên đã cán phải anh khiến chân phải gẫy nát. Mọi người hô hoán. Tất cả hành khách trên xe lao xuống, vực Thành dậy để đưa đi cấp cứu. Máu từ anh đổ ra lênh láng, ướt đầm một bãi đất. Anh nhăn nhó, đau đớn lắm, cứ nghiến răng chịu đựng. Người ta đã đưa anh vào Bệnh viện Ninh Bình. Tất nhiên là tôi phải tìm cách gửi hành lý rồi theo anh vào bệnh viện, đơn giản vì tôi nghĩ anh bị tai nạn rủi ro là do giúp tôi. Nếu không anh đã không bị nát vụn chân thế kia. Tôi ở trong bệnh viện từ trưa đến tối thì có người nhà anh đến, tôi mới yên tâm trở về nhà. Sau đó, cả tôi và bố mẹ tôi đã vào thăm Thành để tạ ơn. Tôi được biết do chân anh bị nát vụn nên buộc phải cưa. Anh nằm viện chừng 2 tháng thì được ra với chiếc chân cụt phải chống nạng. Sau đó Thành về quê. Tôi thi đỗ, lên Hà Nội học. Sau 4 năm ra trường, tôi may mắn kiếm được việc làm ở Thủ đô, rồi lấy chồng, sinh con, có cuộc sống bình yên như bao người khác. Sau khi Thành ra viện, tôi không có dịp gặp lại. Tuy nhiên, tôi luôn day dứt mỗi khi nhớ lại kỷ niệm cái lần đi chuyến xe ôtô đó. Vì tôi mà một người đàn ông xa lạ trở nên tàn phế. Suốt những năm sinh viên, tôi trỗi dậy ý định tìm kiếm Thành để tạ ơn, để làm mọi điều tốt đẹp cho anh với hy vọng chuộc lại phần nào sự thiệt thòi quá lớn của anh do tôi gây ra. Nhưng rồi ý định đã không thực hiện được.

Học hành và bao việc khác bận bịu đã cuốn tôi theo dòng chảy thời gian để rồi dần dần cũng không thể nghĩ nhiều đến sự việc lần đó nữa. Rồi bẵng đi chừng ấy năm, bây giờ tôi mới gặp lại Thành, tiều tuỵ và thảm hại như thế này đây. Nhưng sao anh có thể đến nông nỗi này? Đúng là anh rồi! Tôi nhận ra giọng nói đó, khuôn mặt và đôi mắt đó. Hình như anh cũng linh cảm thấy người đàn bà trước mặt mình là cô học trò năm xưa, đã nói chuyện với mình thật vui và hợp, đã có quá nhiều hành lý khiến anh phải giúp chuyển xuống, mới bị nạn. Anh nhận ra tôi thì quá giỏi, bởi 25 năm trước tôi 18 tuổi, nay tôi đã 43, có 2 con. Còn đâu cô gái trắng trẻo xinh tươi, tóc buông thả sau lưng như ngày xưa mà thay vì là một người đàn bà đã bắt đầu có nhiều vết nám sạm đen trên má, và tóc đã rụng quá nhiều, buộc phải cắt ngắn, chỉ còn đến vai. Anh nhận ra tôi, có nghĩa là suốt chừng ấy năm, hình ảnh tôi không phai nhạt trong anh? Vậy thời gian dài đằng đẵng ấy anh sống thế nào, diễn biến ra sao mà lại có thể trở thành kẻ hành khất như hiện nay? Chắc chắn cuộc đời anh phải có những biến cố rất đặc biệt. Tôi muốn khám phá điều bí mật này. Suốt 25 năm qua, tôi đã day dứt, nay lại càng day dứt hơn. Chỉ từ một sự cố chẳng đâu vào đâu liên quan đến tôi mà số phận một con người trở nên quá hẩm hiu rủi ro, thế này sao?

Thưa các anh chị! Tôi giày vò và cảm thấy cuộc sống bất ổn trước sự xuất hiện của một ông già ăn mày chính là ân nhân của mình. Tôi có nên gặp lại nói chuyện và tìm cách giúp đỡ Thành để phần nào lấy lại chút thanh thản của lương tâm? Tôi có nên kể chuyện này cho chồng tôi biết? Xin các anh chị cho một lời khuyên đích đáng.

TS Nguyễn Đình San

Gặp để hỏi ngọn ngành và giúp đỡ người hành khất thì rất nên, càng hậu càng tốt. Nhưng hãy làm thầm lặng, chớ để các con và ông xã biết điều "bí mật" ấy làm gì, chỉ thêm rắc rối, phiền hà.

Diễn viên Hoàng Việt

Tôi cho rằng chị cần phải công bằng hơn với người đàn ông ân nhân đó. Hãy nói với chồng về anh ấy, và cho anh ấy hiểu chị cần phải báo đáp ân nhân của mình. Nó không liên quan gì đến chuyện tình cảm trai gái để tránh hiểu lầm. Tuy nhiên, để tiếp cận người đàn ông đó trong trường hợp này là không dễ, vì thế, chị cần phải có một kế hoạch thật chín chắn và hợp lý.

Đỗ Thị Thúy Lan
.
.
.