Số phận các cô dâu Việt tại Hàn Quốc

Thứ Năm, 26/06/2014, 16:58

Mỗi năm có hàng nghìn cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc theo mai mối. Hầu hết trong số đó đến từ các vùng quê nghèo và không được quyền lựa chọn hay có tình yêu để dẫn đến hôn nhân. Không có kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ, thậm chí có những người không biết mặt người chồng sắp cưới của mình và phó mặc tương lai vào cho số phận. Việc kết hôn những tưởng là một trong những việc trọng đại nhất cuộc đời lúc ấy đã trở thành tấm vé sổ xố mà người ta chẳng biết trước được kết quả sẽ thế nào.

Giải thưởng dành cho người con dâu hiếu thảo

Năm 2008, Đinh Thị Tường là người con dâu Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng “Người con hiếu thảo” của một tổ chức xã hội. Đây là giải thưởng vinh danh những người con có hiếu, chăm sóc bố mẹ chu đáo tại Hàn Quốc. Nhắc đến giải thưởng này, cô cười và nói: “Thực sự trong thâm tâm tôi luôn có một điều ước, đó là mẹ chồng tôi được khỏe mạnh và sống thật lâu với con cháu”. Đinh Thị Tường đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống để có được nụ cười tươi tắn ấy.

Những ngày cuối năm 2005, Đinh Thị Tường đi sang xứ sở Kim Chi làm dâu khi bước vào tuổi 20. Cuộc gặp gỡ và lễ cưới vội vàng ở Việt Nam không đủ để cô gái trẻ ấy hiểu hết được hoàn cảnh người chồng lúc đó đã 43 tuổi của mình. Bước chân đến Hàn Quốc, dù không mong đợi gì quá to lớn, nhưng Tường vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Hoàn cảnh của anh Oh Hyon Mo, chồng cô, lúc ấy cũng không có gì khá giả hơn căn nhà ở quê hương cô. Điều làm cô “sốc” hơn nữa đó là lúc ấy cô mới phát hiện ra chồng mình là người khuyết tật trí não cấp độ 2. Cô không biết sẽ sống những ngày tới ra sao với người chồng bệnh tật và mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi. Ngôn ngữ không thông, cuộc sống phải dè sẻn, nhưng người con dâu đến từ vùng đất xa xôi ấy trở thành trụ cột của gia đình. Những ngày đầu, Đinh Thị Tường không ngại cực khổ, chỉ có nỗi nhớ nhà, quê hương, người thân là những khó khăn lúc bấy giờ của cô gái trẻ.

Ấy thế nhưng thời gian trôi qua, cô dần cảm nhận được tình cảm tốt đẹp của chồng và mẹ chồng đối với mình. Không những thế, những thành viên trong gia đình, giờ đây là tổ ấm mới của cô tại Hàn Quốc, còn trân trọng và biết ơn người con gái Việt Nam chăm chỉ, chịu thương chịu khó, từ sáng đến tối không có lúc nào nghỉ ngơi chăm sóc gia đình. Chồng cô trước đây làm tại một xưởng gạch để kiếm tiền sinh hoạt nhưng vì sức khỏe không tốt nên đã nghỉ ở nhà.

Cuộc sống của cô còn bận rộn hơn khi 2 năm sau, Đinh Thị Tường mang bầu và sinh ra một cô công chúa nhỏ. Dù bận rộn nhưng chính cô con gái năm nay đã được 4 tuổi càng làm ấm áp và là nguồn động viên tinh thần cho cô trong cuộc sống. Mẹ chồng cô khi nhắc đến con dâu, mắt bà luôn sáng ngời và không hết lời khen ngợi xen lẫn tự hào. Có thể khi bước chân đến đây, cô chỉ là một cô gái nhỏ bé và lạ lẫm, nhưng giờ đây, Đinh Thị Tường đã trở thành một người vợ, người mẹ, người con dâu hiếu thảo, sống trong tình yêu thương ấm áp ngập tràn của mọi thành viên trong gia đình dù cuộc sống vẫn luôn khó khăn như thế.

Góa phụ tuổi 26 giữa đất khách quê người

Một tai nạn diễn ra vào tháng 9 năm 2009 đã cướp đi người chồng thân yêu của Nguyễn Thị Tuyên, lúc ấy trên tay cô còn bế cô con gái vừa tròn 6 tháng tuổi và trong bụng cô còn đang ấp bào thai mới được gần 2 tháng. Không ai khỏi xót xa trước cảnh người vợ Việt Nam mặc áo tang trắng đẫm nước mắt trong nhà tang lễ của Bệnh viện Cheon Nam hôm ấy.

Nguyễn Thị Tuyên cưới người chồng hơn mình 14 tuổi Kim Jin Ki vào năm 2007. Lúc đó, cô vừa tròn 24 tuổi. Đám cưới diễn ra tại Việt Nam vào tháng 4 năm 2007 và được tổ chức tại nhà trai bên Hàn Quốc vào tháng 5 năm 2008. So với các cô dâu khác, Tuyên có may mắn vì chồng rất yêu thương và quan tâm đến gia đình mình tại Việt Nam. Chồng cô, anh Kim Jin Ki là một người rất chăm chỉ, chịu khó. Trước đây, gia đình anh chỉ có hai mẹ con sống với nhau nên cuộc sống không đầy đủ như các gia đình khác. Tốt nghiệp cấp III, anh lên Seoul vừa kiếm sống, vừa học nghề một thời gian rồi quay lại quê hương làm ở một xưởng mộc. Sau đó, cách đây 7 năm, anh xin vào làm tại Công ty Golden Rain với công việc của một người lái xe tải 11 tấn.

Vì thiếu thốn tình cảm người cha ngay còn nhỏ nên anh Kim Jin Ki rất hiểu giá trị của tình cảm gia đình. Nhất là khi anh cưới được Tuyên, có một gia đình mới của riêng mình, anh luôn chăm lo và yêu thương vợ con hết mực. Mỗi tháng anh kiếm được 2 triệu won, một mức lương không cao, nhưng cũng không quá thấp, đủ để gia đình chi tiêu và anh không bao giờ quên gửi về cho bố mẹ của Tuyên tại Việt Nam để giúp đỡ thêm cho bố mẹ vợ trong cuộc sống. Tuyên cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn với gia đình ấm áp của mình. Mỗi sáng chồng chuẩn bị đi làm, cô luôn dậy sớm nấu những bữa cơm thật ngon, và không quên chuẩn bị cho chồng những bữa ăn nhẹ mang theo bên mình.

Cuộc sống tưởng như không cần gì hơn thế nữa đối với cô gái trẻ ấy, nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp đi người chồng của cô đúng lúc hai vợ chồng cô vừa biết tin cô đã mang bầu đứa con thứ 2. Tin vui chưa được tận hưởng hết thì tin dữ đã ập đến. Như một định mệnh, gia đình cô lại mất đi bóng dáng người chồng, người cha một lần nữa.

Số phận làm dâu 1 tuần ngắn ngủi

Tháng 7 vừa qua, hung tin cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc bị chồng giết hại tại Hàn Quốc đã lan khắp Việt Nam và làm dư luận rất lo lắng cho số phận các cô dâu lấy chồng xa xứ. Thạch Thị Hồng Ngọc mới 20 tuổi và sang nhà chồng tại Hàn Quốc hơn 1 tuần lễ thì xảy ra sự việc đau lòng.

Cũng như các cô gái trẻ xung quanh mình, Thạch Thị Hồng Ngọc muốn lấy chồng Hàn Quốc để kiếm tìm hạnh phúc và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt, gia đình cô có thể nói là một gia đình không hiếm ở miền Tây với 3 cô con gái trong nhà đều ra đi lấy chồng ngoại quốc. Hai chị em cô đều lấy chồng Đài Loan, chỉ mình Hồng Ngọc lấy chồng Hàn Quốc, có tên Jang Do Hyu, hơn cô tới 27 tuổi. Thạch Thị Hồng Ngọc không ngại chuyện tuổi tác quá chênh lệch vì cô cho rằng, người chồng càng lớn tuổi hơn sẽ càng có khả năng chăm sóc vợ tốt hơn.

Ngày mới sang nhà chồng, Thạch Thị Hồng Ngọc rất vui vẻ gọi điện về thông báo tình hình cho gia đình mình yên tâm. Nhưng sau đó, cuộc sống của cô và chồng xảy ra cãi cọ. Vốn tiếng Hàn bập bẹ của cô học được tại Việt Nam không đủ để trao đổi với chồng mình nên mâu thuẫn càng như có dầu đổ thêm vào lửa. Cuối cùng, trong cơn nóng giận, người chồng đã đánh đập và lấy dao đâm Thạch Thị Hồng Ngọc.

Có lẽ đến những giây phút cuối đời mình, Hồng Ngọc cũng chưa biết được người đã chọn mình làm vợ ấy đang mắc căn bệnh trầm cảm. Vì đến khi sự việc xảy ra, mẹ chồng cô mới khai báo tại cơ quan điều tra rằng, con trai bà mặc bệnh trầm cảm từ cách đây 7 năm - một trong những nguyên nhân là do không lấy được vợ. Và sau khi sang Việt Nam lấy vợ, con trai bà đã ngừng dùng thuốc chữa bệnh. Liệu có phải người chồng ấy nghĩ rằng, cuộc hôn nhân dù không bắt nguồn từ tình yêu ấy có thể là liều thuốc cho căn bệnh của mình được chăng?

Tự vẫn vì không muốn quay trở về Việt Nam

Cũng vẫn là một sự việc đau lòng khác trước cái chết của cô gái trẻ Trần Thị Lan năm 2008 sau khi sang Hàn Quốc được 1 tháng. Cô đã gieo mình từ tầng 14 của chung cư tại thành phố Kyong San, nơi cô ở với chồng và mẹ chồng của mình. Nguyên nhân của sự việc chính là sự bất đồng, cãi vã giữa hai vợ chồng mới cưới chưa được bao lâu.

Trần Thị Lan được một người đàn ông thuộc vào nhóm những người trẻ trong số những người tìm sang Việt Nam, mặc dù lúc đó đã 36 tuổi, tên là Ha Jang Soo, chọn làm vợ vào những ngày đầu năm 2008. Cô sang Hàn Quốc ngay sau đó và sống với chồng cùng mẹ chồng dưới một mái nhà. Khi sang nhà chồng, Trần Thị Lan không giao tiếp được bằng tiếng Hàn với mọi người trong gia đình. Mẹ chồng cô tỏ ra không bằng lòng với người con dâu đến từ Việt Nam ấy. Cô luôn bị mẹ chồng than phiền về những công việc nhà và căng thẳng đòi ra ở riêng. Đứng trước tình thế ấy, chồng cô đã chọn mẹ mình và nhờ người phiên dịch nói với cô rằng anh đề nghị ly hôn. Trần Thị Lan đồng ý và hai người ra tòa nộp đơn ly dị vỏn vẹn sau 1 tuần kể từ khi Trần Thị Lan đến Hàn Quốc.

Trước cơ quan điều tra, chồng Trần Thị Lan đã khai rằng: Sau khi nộp đơn ly dị, Trần Thị Lan đã nói rằng, cô quen nhiều người đang sống tại Hàn Quốc nên cô có thể ở gần chỗ họ và xin việc tại một nhà máy. Cô không muốn quay về Việt Nam, mặc dù chồng cô đã mua vé máy bay và nhất quyết bắt cô phải quay về. Trần Thị Lan không thể làm gì khác được dù trì hoãn ngày về thêm 3 tuần và đã tự tử. Nhưng đó chỉ là lời khai của chồng cô, mặc dù trước đó vài ngày, mẹ cô ở Việt Nam có nhận được cú điện thoại của cô. Trần Thị Lan khóc và nói rằng rất nhớ mẹ, nhớ nhà, mong được về với mẹ.

Sự mâu thuẫn đó khiến người ta đặt ra một dấu hỏi và cần thêm một sự điều tra kỹ càng. Nhưng từ ngày ấy không có chứng cứ gì thêm và sự việc cũng lắng xuống theo thời gian như rất nhiều vụ việc tương tự đang gia tăng tại Hàn Quốc.

Trích bức thư kêu cứu của một cô dâu Việt và giấc mộng đổi đời của nhiều cô gái trẻ

Trung tâm nhân quyền phụ nữ nhập cư đã nhận được một bức thư như sau: “Tôi tên là Lê Thị Lùng, 31 tuổi. Năm 2004, tôi lấy chồng Hàn Quốc qua môi giới. Khi đó, họ bảo chồng tôi làm lái xe buýt tại Hàn Quốc và thu nhập ổn định, nhưng khi tôi sang Hàn Quốc thì mới biết chồng tôi chỉ ở nhà trồng rau. Tôi ở cùng nhà chồng gồm mẹ chồng, chị gái chồng, và em gái chồng. Tôi phải chăm lo hết việc nhà, kiêm cả việc chăm sóc em chồng vốn bị bệnh thần kinh. Khi tôi sinh con, mọi người trong gia đình càng xa lánh và đánh đập tôi. Tôi không biết phải kêu cứu ai.

Có một lần tôi bị thương phải vào bệnh viện, nhưng khi cảnh sát hỏi tôi có đơn kiện ly hôn không thì tôi trả lời không vì nhà chồng tôi dọa sẽ giữ con tôi lại. Sau đó, mẹ chồng tôi luôn dọa đuổi tôi về Việt Nam một mình và không cho gặp con. Mẹ chồng tôi từng bảo nhà bà phải bỏ tiền “mua” tôi về nên tôi phải làm việc cho họ. Tôi mong Trung tâm giúp đỡ tôi được ly hôn và có quyền nuôi đứa con nhỏ của mình vì tôi không thể để con sống ở ngôi nhà như vậy, nhất là khi có em chồng tôi bị thần kinh, không ý thức được hành động của mình, hay đánh đập người khác…”. Trung tâm cho biết, đây là một hoàn cảnh tiêu biểu cho rất nhiều cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc. Có những cô dâu may mắn tìm được hạnh phúc của mình, nhưng cũng không ít những cô dâu dù vì lý do gì cũng rất bất mãn, thất vọng, thậm chí hoang mang trước cuộc đời mới của mình tại nơi đây.

Như trò sổ xố, trăm người chơi mới có một người trúng, các cô dâu Việt Nam dù xuất phát từ nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau, vẫn đang mang hi vọng cố kiếm tìm thứ mang tên Hạnh phúc nơi quê người

Mai Hương
.
.
.