Tôi có nên đẩy bố vợ về hưu sớm?

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:41

Hà có đầy đủ thế mạnh của một cô gái trưởng thành: xinh đẹp, tốt nghiệp đại học loại giỏi nên dễ dàng được làm việc ở một cơ quan vừa ý với mức thu nhập cao so với các bạn cùng khoá học. Cô có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Duy chỉ có một nhược điểm là rất dễ giận dỗi và hay ghen.

Tôi làm thủ trưởng cơ quan. Hà thì đang học thêm một trường đại học thứ hai hệ tại chức. Cứ mỗi lần giận dỗi, cô lại im lặng, không gọi điện thoại, không nhắn tin, không gặp khiến tôi rất buồn và thấy căng thẳng, nhưng tự an ủi là có lẽ vì quá yêu mà Hà như vậy. Ngoại trừ tính dở này, cô luôn chăm sóc tôi rất chu đáo khiến tôi không có cảm giác mình đang sống độc thân. Tôi cũng tự biết mình: Tuy thành đạt, ở tuổi 45 làm giám đốc một cơ quan có vài trăm người, là tiến sĩ có uy tín trong một lĩnh vực, nhưng so với Hà, tôi vừa hơn nhiều tuổi, vừa đã từng có vợ.

Năm 25 tuổi, tôi lấy vợ, sinh được một đứa con gái. 5 năm sau, vợ tôi bị ung thư qua đời. Đến nay, con gái tôi đã sang nước ngoài học đại học, lại thấy ở Hà có nhiều phẩm chất tốt đẹp, tôi đã yên tâm quyết định gắn bó. Tuy nhiên, do tự thấy có những điểm bất lợi như đã nói mà tôi bàn với Hà cố gắng giữ kín mối quan hệ, chưa cho gia đình cô biết vội vì chắc chắn sẽ không được ủng hộ, để thời cơ chín muồi, sắp đến ngày cưới mới báo cáo với bố mẹ. Khi ấy - vài năm sau, lúc con gái tôi đã trưởng thành, gia đình cô dễ đồng ý hơn. Bởi vậy mà mối tình của chúng tôi đã không có ai biết, ngoài vài người bạn thân thiết nhất.

Đang phải vượt qua nhiều áp lực trong công tác quản lý thì một việc mới phát sinh khiến tôi đau đầu, không biết nên giải quyết thế nào.

- Thưa anh, đây là danh sách dôi ra do tôi và phó phòng cùng bàn bạc dự tính.

Người trưởng phòng tổ chức đưa cho tôi một bản danh sách chừng hơn 20 người. Nhìn lướt qua, tôi thấy có tên ông Yên. Một thoáng gợn trong suy nghĩ về con người này, nhưng tôi vẫn cố giữ vẻ bình thản, nói với anh ta:

- Các anh đã cân nhắc, xem xét, rà soát kỹ chưa?

- Dạ, thưa anh, chúng tôi đã làm vậy.

- Thôi được rồi. Nhưng tôi đề nghị thế này: Cứ tuân thủ đúng theo hướng dẫn của trên, các anh hãy liệt kê tất cả những người ở diện giảm biên chế. Tôi xin nhắc lại: Không có chuyên môn, sức khoẻ yếu, đủ năm đóng bảo hiểm và không có khả năng hoàn thành công việc... Chúng ta sẽ xem xét kỹ từng trường hợp trong một hội đồng.

- Thưa anh, Hội đồng gồm những thành phần nào ạ?

-  Toàn bộ ban giám đốc, bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn, bí thư thanh niên và anh là trưởng phòng tổ chức.

Ảnh minh họa.

Trước mắt tôi, cái tên Yên trong bản danh sách khiến tôi vô cùng khó xử. Đã 57 tuổi, chỉ còn 3 năm nữa đến tuổi về hưu nhưng ông yếu và trông già hơn tuổi. Nhưng điều quan trọng là ông không có bằng cấp, khả năng  chuyên môn gì. Cách đây 3 năm, ông có một cử chỉ ít nhiều chiếm được cảm tình của anh em trong cơ quan: Chủ động xin từ chức trưởng phòng hành chính tổng hợp để người phó trẻ hơn lên thay. Từ đó, công việc trôi chảy hơn hẳn trước. Ông xuống làm cán bộ dưới quyền người mới rất vui vẻ, sống đàng hoàng. Tuy nhiên, ai cùng thấy là ông chỉ đến cơ quan lĩnh lương mà không có khả năng hoàn thành những công việc cần thiết.

- Vấn đề không phải là chúng ta ấn định trước sẽ giảm bao nhiêu người mà tất cả những ai cần giảm, hợp lý hợp tình thì ta giảm.

Tôi đã nói như vậy tại buổi họp hội đồng xét duyệt giảm biên chế của cơ quan. Nhìn chung, các trường hợp được nhất trí nhanh. Chỉ có vài ba nhân sự không dễ thống nhất, trong đó có ông Yên. Số người đồng ý và không đồng ý gần như ngang nhau. Trước khi kết thúc cuộc họp, tôi nói: Riêng trường hợp đồng chí Yên, sẽ xin thêm ý kiến của tập thể chi bộ. Mọi người ủng hộ.

Khi cuộc họp chi bộ chưa kịp diễn ra thì ông Yên đã chủ động gặp tôi tại phòng làm việc:

- Tôi biết anh và mọi người khó xử trường hợp của tôi. Tôi biết số người muốn tôi về nghỉ chiếm tới một nửa. Để khỏi mất thời gian, phiền hà mọi người, tôi đề nghị anh cứ để tôi về hưu trước tuổi. Tôi đã thừa số năm công tác và nếu về sớm còn được lĩnh một khoản tiền.

- Xin bác cứ từ từ để chúng tôi tính, vì đây là vấn đề chế độ, chứ không phải chuyện cá nhân ai, càng không phải để cho tiện. Ai cũng biết bác xin về không phải vì được một cục tiền mà vì ý thức trách nhiệm với chủ trương chung của Nhà nước. Nhưng sự có mặt của bác ở cơ quan cũng có những cái lợi cho tập thể, giống như những cầu thủ tuy đã hết phong độ nhưng ra sân vẫn là điểm tựa tinh thần cho đồng đội.

- Cảm ơn anh đã nghĩ về tôi như vậy. Nhưng tôi khác họ vì chưa bao giờ là "ngôi sao", cả đời chỉ lấy cần cù bù thông minh. Nay thì đã quá lỗi thời. Tôi tự thấy mình thừa từ lâu rồi, nấn ná thêm cũng chỉ 3 năm nữa mà lại trở nên vô duyên.

Tôi đang định nói thì ông nhấn mạnh thêm khiến tôi rất suy nghĩ:

- Vâng. Tôi sợ nhất là sự vô duyên. Đó là khi mình không biết rõ được người ta trong lòng không muốn chấp nhận mình nhưng vì nể mà không nỡ nói thẳng ra. Vậy nên mình phải tự biết mà chủ động rút lui, vừa tiện cho người ta, vừa thể hiện mình là người tự trọng.

Nói xong, ông cáo biệt. Ông đi rồi, tôi suy nghĩ mãi về mấy câu cuối cùng ông vừa nói. Vậy là thế nào? Liệu có phải ông đã biết mọi chuyện. Vâng, ông chính là cha đẻ của Hà - bố vợ tương lai của tôi. Phải chăng ông đã biết rõ mối quan hệ của chúng tôi, nhưng vì tôi chưa chính thức có lời, lại là thủ trưởng mà ông không thể nói gì hơn, chỉ có thể ngầm gửi đến tôi lời cảnh báo như thế? Có vẻ như ông muốn bóng gió nói: "Anh liệu mà chủ động rút lui khỏi mối quan hệ với con gái tôi. Không bao giờ tôi chấp nhận người con rể vừa hơn con gái tôi tới trên 20 tuổi, lại vừa có con riêng. Đừng để tôi phải nói thẳng. Con gái tôi có đến nỗi nào mà phải chịu lấy anh. Trên đời này đâu phải chỉ mình anh mới thành đạt. Xinh đẹp, giỏi giang, lại nết na như nó lấy đâu chẳng được chồng danh giá...".

Nhưng liệu tôi có quá lo lắng mà suy diễn sai? Nhỡ ông chỉ vô tư nói chuyện giảm biên chế thì sao? Nghĩ kỹ tôi thấy mối quan hệ tình yêu đang đựơc giữ kín. Hà đã thống nhất với tôi là phải hai năm nữa mới cho gia đình biết mọi chuyện. Cô vốn là người sâu sắc và rất kín đáo, chín chắn. Vào gặp tôi để đề đạt ý kiến, ông tỏ ra bình thản, đúng mực, không có vẻ gì là hậm hực, bất mãn. Nhưng cũng không vui và đẩy vấn đề lên mức nghiêm trọng không cần thiết. Vâng. Ai có thể vui được khi bị nằm trong diện giảm biên chế với bất cứ lý do nào? Người giàu lòng tự trọng như ông chắc chắn cần danh dự hơn tiền bạc. Còn ba năm nữa mới về hưu, cầm một cục tiền rời khỏi cơ quan sớm, mang tiếng mình là người thừa, trong khi kinh tế không thiếu thốn, hẳn là ông sẽ mang theo nỗi buồn đi suốt chuỗi ngày tàn còn lại của cuộc đời. Với một người bình thường, tôi còn không muốn đem điều đó đến cho họ, huống hồ với ông là bố vợ sắp tới của tôi.

Hai ngày sau lần diễn ra cuộc gặp giữa ông Yên và tôi như đã nói, trong lần gặp gỡ, Hà tỏ ra rất buồn. Tôi gặng hỏi mãi thì cô cho biết bố về nhà có nói chuyện cơ quan. Cô có ý trách tôi là thủ trưởng quyết việc gì chẳng được, sao nỡ để bố buồn. Tôi kể lại đầu đuôi sự việc và cho cô biết việc của bố vẫn chưa ngã ngũ, còn đưa ra chi bộ xem xét thêm. Hà hỏi ý tôi thế nào khiến tôi không thể trì hoãn trả lời. Trong khoảnh khắc, tôi buộc phải nói dối lòng mình: "Đó là dự kiến của phòng tổ chức. Ý anh là giữ cụ ở lại đến tuổi mới về".

Tôi đã nói không đúng ý nghĩ. Thực lòng tôi muốn việc nào đi việc nấy. Nếu để ông Yên ở lại ắt sẽ có nhiều người khác suy bì là họ kém tuổi ông, khoẻ hơn ông sao phải bị giảm biên chế? Tôi vốn có bản tính ngay thẳng, không muốn việc công, quyền lợi cơ quan bị ảnh hưởng bởi bất cứ chuyện riêng tư nào. Nhưng mối tình của tôi và Hà lại đang phát triển tốt đẹp, cũng không thể bị đổ vỡ bởi bất cứ điều gì. Một bên là trách nhiệm của người quản lý với sự nghiêm minh công bằng; một bên là tình riêng, quyền lợi cá nhân gắn với hạnh phúc chính đáng. Làm sao cuộc hôn nhân của tôi có thể ổn thỏa khi tôi nỡ đẩy bố vợ tương lai phải về hưu sớm? Nhưng nếu tôi dùng quyền để quyết định cho ông ở lại khi toàn thể chi bộ thống nhất cho ông về nghỉ thì liệu có còn uy tín làm việc, nhất là sau đó họ biết rõ mối quan hệ gia đình? Là người quản lý, từng giải quyết nhiều việc rắc rối, vậy mà giờ đây, tôi đã không thể tìm cách tốt nhất trong xử lý việc này. Rất mong là những người ngoài cuộc, khách quan, các anh chị hãy cho tôi một lời khuyên.

TS Nguyễn Đình San

Chào anh! Tôi nghĩ rằng, chỉ có ở những cơ quan nhà nước quá cũ kỹ, chuyện về hưu hay giảm biên chế mới là một gánh nặng thực sự. Tôi cho rằng, anh nên sòng phẳng giữa chuyện tình yêu và công việc. Giữ một người đã không có khả năng hoàn thành công việc chỉ vì là bố vợ tương lai là anh không suy nghĩ đến công việc chung. Nên nhớ, anh đang thừa hành công việc của nhà nước, chứ không phải là một doanh nghiệp tư nhân do anh bỏ vốn đầu tư. Nếu anh áy náy, nghĩa là anh đã muốn nhà nước thất thoát một khoản tiền và thời gian không nhỏ trong 3 năm, điều đó sẽ ảnh hưởng chung đến toàn đơn vị. Anh nên cho ông Yên nghỉ hưu sớm. Và anh hoàn toàn có thể phụ chị Hà chăm sóc và lo lắng cho ông ấy, có thể kiếm một công việc nào đó nhẹ nhàng để ông ấy làm. Tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn.

Sinh viên Dương Thành Tín

Anh hãy tâm sự rất chân tình, cởi mở, nói nỗi khó xử của mình với người bí thư và các đảng viên trong chi bộ. Đến lúc này không cần thiết phải giữ kín chuyện riêng tư nữa. Một giám đốc có uy tín, được mọi người trong cơ quan quý trọng như anh, chắc chắn chi bộ sẽ chủ động đưa ra ý kiến giữ ông Yên ở lại. Như vậy, sẽ không mang tiếng anh dùng quyền để quyết. Trong sự việc này, phần tình sẽ chiếm hơn 50%, nhưng chấp nhận được. Như vậy là vẹn cả đôi đường.

Đặng Vũ Long
.
.
.