Tôi có nên nhường bạn gái cho người khác?

Thứ Tư, 01/10/2014, 10:30

- Xin ông hãy buông tha cô ấy. Ông đã trên 60 rồi. Cô ấy kém ông những 20 tuổi, lại trẻ đẹp hơn tuổi nhiều. Sự thực cô ấy nể ông mà không nỡ từ chối thẳng thừng. Tôi đang là bạn nam thân thiết của cô ấy. Vì tôn trọng ông mà tôi có lời yêu cầu lịch sự. Mong ông lưu tâm.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận được cú điện thoại của một người xa lạ với những lời lẽ "căng thẳng". Giọng nói của một người đàn ông chắc chắn trẻ hơn tôi rất nhiều. Tôi có cảm giác đó không hẳn là một kẻ vô học, cũng không đến nỗi là dân dao búa tuy giọng điệu có ít nhiều răn đe. Rõ ràng là anh ta muốn chiếm đoạt người đàn bà mà tôi đang "để ý".

- Nhưng anh là ai? Và người đàn bà anh nhắc tới là ai, có liên quan gì đến tôi? Và sao anh lại có quyền can thiệp vào chuyện riêng của người khác?

- Tôi là ai ông không cần biết. Chỉ biết tôi đề nghị ông như vậy. Còn có thực hiện hay không thì tùy ông. Nhưng ông cần nhớ rằng: Người gọi điện cho ông không dỗi hơi, hẳn là làm việc gì phải có mục đích.

Kẻ ở đầu dây bên kia nhấn mạnh trước khi buông máy:

- Mọi chuyện sẽ rất đơn giản nếu ông không còn quan hệ với cô ấy. Một người từng trải như ông chắc biết làm thế nào sẽ có lợi nhất.

Không cần tôi nói tiếp, kẻ đó đặt máy. Một tiếng "cạch" vang lên. Tôi hiểu là y tỏ sự cương quyết, dứt khoát.

Cú điện thoại trên vào lúc 23 giờ, khi tôi đã lên giường, đang thiu thiu đi vào giấc ngủ. Sau đó, tôi trằn trọc suốt đêm, không sao chợp mắt, bởi rất nhiều ý nghĩ cứ quay cuồng trong đầu: "Sao lại có thể như vậy? Gã kia là ai? Sao Nga lại có quan hệ với y? Chẳng lẽ cùng một lúc, cô có thể vừa yêu mình, lại vừa yêu người khác? Và vì sao gã biết được số điện thoại của mình?...".

Ảnh minh họa.

Tôi góa vợ từ lâu, lúc đứa con gái mới được 5 tuổi. Khi ấy, tôi mới 32, nhưng đã ở vậy nuôi con, không lấy ai, chỉ vì không gặp được người nào khiến tôi cảm thấy có thể thay thế được mẹ cháu. Phần lớn những cô gái đến với tôi chỉ quan tâm riêng tôi mà không có tình thương dành cho cháu. Tôi không thể yên tâm hưởng hạnh phúc khi biết rõ con mình sẽ khổ. Mãi tới gần đây, khi con tôi đã yên bề gia thất, tôi mới quyết định sẽ gắn bó với Nga. Cô góa chồng cách đây 10 năm, cũng có một con gái nhưng lấy chồng người Mỹ và đã sang sống hẳn bên đó. Tôi biết rõ Nga có nhiều đàn ông theo đuổi, trong số đó có cả người chưa từng có vợ, bởi cô có nhan sắc nổi trội, đã ở tuổi 46, nhưng ai cũng đoán cô chưa tới 40. Cô là giáo viên một trường trung học cơ sở, còn tôi trước khi về hưu là hiệu trưởng một trường phổ thông trung học. Cùng là nhà giáo, lại cùng dạy văn và có hoàn cảnh giống nhau nên chúng tôi nhanh chóng cảm thông, nảy sinh tình yêu. Nga nói rất thích gắn bó với người nhiều tuổi, miễn còn sức khỏe. Cô không giấu giếm bộc lộ: Rất sợ yêu đàn ông còn trẻ vì họ khó dừng lại, chỉ thích một thời gian rồi lại tìm đến những cô gái trẻ đẹp khác mà cô thì lại tự cho rằng mình đã "quá đát". Trong ý nghĩ của tôi, Nga là một phụ nữ hoàn hảo, đàng hoàng, được cả người lẫn nết nên cú điện thoại của người đàn ông xa lạ khiến tôi rất khó hiểu. Tôi quyết định ngay sáng hôm sau phải gặp Nga để rõ ngọn ngành, kẻo không thể yên lòng làm bất cứ việc gì. Nga đã cho tôi biết: Đó là một người đàn ông kém cô 2 tuổi, chưa từng lập gia đình, là giám đốc một công ty tư nhân chuyên kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ. Anh ta là bạn nhảy của cô ở vũ trường (chả là Nga vẫn thường xuyên nhảy ở câu lạc bộ K - một sàn nhảy bình dân dành cho những người yêu thích khiêu vũ và thể thao. Nơi đây nghiêm túc, lịch sự, thường những người không còn trẻ mới đến). Nga rất thích nhảy, vừa thư giãn, nghe nhạc, lại vừa vận động cơ thể như hoạt động thể thao. Tôi cũng có mấy ông bạn thân vẫn nhảy ở đây. Tôi hoàn toàn yên tâm và ủng hộ, khuyến khích Nga tham gia hoạt động bổ ích này. Nga cho biết rất cần người nhảy giỏi nhảy cùng. Và cô rất thích nhảy với anh ta. Đơn giản chỉ có vậy, chứ không có gì khác. Lúc đầu Nga thấy anh ta không có biểu hiện gì, gọi "chị", xưng "tôi", trong quá trình nhảy chỉ chăm chú di chuyển những bước đi để giúp Nga nhảy đẹp vì cô chưa thuần thục một số vũ điệu. Gần đây thấy anh ta khang khác, cô đã nhạy cảm né tránh. Và có một lần anh ta đã tỏ tình không chút vòng vo, dè dặt. Cô trả lời không thể vì đã có chồng. Anh ta còn "đặt vấn đề" khá lộ liễu và trắng trợn: "Nhiều người kể với tôi về ông bạn của Nga. Ông ta tuy có chức, nhưng đã về hưu, lại hơn Nga nhiều tuổi, đã già, không thể hợp. Sẽ bất hạnh cho cả 2 người. Nếu Nga nhận lời, đám cưới sẽ được tổ chức ngay trong mùa thu này. Tôi sẽ lo được cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc cho Nga. Nếu mệt mỏi, Nga có thể nghỉ dạy học, tha hồ cùng tôi đi khắp nơi. Tôi thì đi làm việc, Nga thì du lịch... "Và Nga cho tôi biết là đã khước từ dứt khoát. Sau lần ấy, cô không đến nhảy ở đó mà tìm đến một sàn khác. Còn chuyện vì sao anh ta biết được số điện thoại của tôi thì cô không rõ. Cô suy đoán có thể do quá yêu cô mà anh ta tìm cách điều tra, dò hỏi qua nhiều nguồn, tìm được. Tôi tin điều Nga nói vì từ khi quan hệ với Nga, cô luôn chiếm được niềm tin của tôi ở tất cả mọi chuyện.

Sau đó ít ngày, vào một sáng chủ nhật, điện thoại của tôi lại đổ chuông. Tôi nhận ra giọng người đàn ông lần trước:

- Xin lỗi! Tôi lại làm phiền ông. Ông cho phép tôi đến gặp ông trực tiếp để thưa chuyện. Hy vọng chúng ta là hai người đàn ông nói chuyện lịch sự. Sẽ có lợi cho cả hai. Mong ông chiếu cố chấp nhận.

Nghe giọng điệu anh ta có vẻ tử tế, nhưng trước khi đồng ý tiếp, tôi vẫn hỏi ý kiến Nga. Cô cho biết anh ta là người lương thiện, không có gì đáng ngại, cứ tiếp xem anh ta nói gì. Nhưng không ở nhà mà hẹn ở quán nước nào đó. Tôi thực hiện đúng lời Nga dặn.

Khi gặp, anh ta tỏ ra khá thẳng thắn và tự tin. Điều khiến tôi không thể không suy nghĩ là anh ta chính là học sinh đã từng học ở trường tôi dạy trước đây, tuy không học trực tiếp, khi tôi chưa làm hiệu trưởng.

- Nhìn thấy thầy, tôi nhận ra ngay. Tôi thấy khó xử vì biết việc mình làm là không phải với thầy nhưng vẫn cần thực hiện ý định: Xin thày "nhường" Nga cho tôi, vì tôi biết rõ cô ấy chỉ vì biết ơn thầy mà cả nể, nhận lời thầy chứ một người phụ nữ còn trẻ như vậy sao có thể hợp với thầy về lâu dài? Thày chủ động buông cô ấy, hẳn là cô ấy sẽ đến với tôi. Xin vô cùng đội ơn thầy.

Và anh ta trao cho tôi một mẩu thư ngắn của Nga viết cho anh ta. Tôi nhận ra nét chữ quen thuộc của cô: ... Anh là người rất tốt, nhiệt tình với Nga, nhưng Nga chỉ coi anh là một người bạn quý và biết ơn, mà không thể nhận lời, vì anh đến quá muộn, khi Nga đã có bến đậu. Giá mà lời ngỏ của anh đến trước đây 3 năm...".

Đúng là tôi có làm một việc khiến Nga biết ơn. Đó là luôn giúp cô trong công tác. Có những bài văn, tôi đã gợi ý cô cách khai thác ý tứ để giảng cho học sinh. Đọc những dòng chữ kia, tôi hiểu Nga không phải không có cảm tình với anh ta. Nhưng cô từ chối lời tỏ tình của anh ta chỉ vì đã trót hứa với tôi - người đến trước. Anh ta tuy không trực tiếp học tôi, nhưng dẫu sao cũng là thế hệ học trò. Chẳng lẽ thầy lại tranh giành với trò một người phụ nữ? Tôi có nên chấp nhận lời đề nghị của anh ta khi trong tôi bỗng có chút "tự ái" với Nga. Tôi không thích Nga chấp nhận sống với tôi vì lòng biết ơn mà phải từ tình yêu tự nhiên, nồng nhiệt. Không lẽ tôi không có điều gì khiến cô rung động một cách tự nhiên sao? Khi trực tiếp nói chuyện với anh ta, tôi không có ác cảm. Tuy anh ta có phần hơi thiếu sự khiêm nhường, lại xưng "tôi", nhưng rõ ràng là thẳng thắn, biết tôn trọng tôi và có cách trao đổi rất "hiện đại". Tôi có ý định "nhường". Các anh, chị thấy có nên? 

(Một người nguyên là nhà giáo, đã nghỉ hưu ở quận Tây Hồ, Hà Nội, đề nghị không nêu tên)

TS Nguyễn Đình San

Sao bác lại có ý nghĩ lạ lùng vậy? Vấn đề còn ở cô Nga nữa chứ. Anh ta quá tự tin mà nói vậy. Có thể Nga cũng "nể" mà viết cho anh ta như thế thì sao? Một người phụ nữ đã ở tuổi đó, lại là nhà giáo, chắc không đến nỗi bồng bột, nhẹ dạ khi quyết đinh hạnh phúc của mình. Vậy bác cứ yên tâm sống đúng sự thôi thúc của trái tim. Khi Nga đã kiên định đến với bác, chắc người đàn ông kia cũng sẽ rút lui thôi.

Phóng viên ảnh Zun Phan

Chào bác. Cả bác và vị giám đốc trẻ tuổi kia đều yêu cảm giác của mình hơn yêu người phụ nữ tên Nga mà bác đang nói tới. Tại sao lại có thể "nhường" nhau được, nhất là trong tình yêu. Cô Nga là một người độc lập, có tình cảm rõ ràng và cô ấy mới là người có quyền lựa chọn bác hay vị giám đốc. Bác nghĩ rằng "nhường" thì bác sẽ cao thượng chăng? Tôi nghĩ, bác hãy sống thành thật với bản thân, không nên để những chiếc áo giáo điều làm mất đi những gì là thiêng liêng nhất trong tình cảm của mình.

B.N.
.
.
.