Vợ sống không trọn vẹn, có nên bỏ đi lấy người khác?

Thứ Ba, 06/01/2015, 09:00
Suốt mấy chục năm qua, tôi đã cố gắng quên cay đắng và chấp nhận vun vén cuộc sống cùng cô ta. Nếu không phải là tôi, gia đình này đã không thể tồn tại đến ngày hôm nay mà giải tán từ lâu. Tuy nhiên, mỗi khi nghĩ lại quá khứ, tôi vẫn ít nhiều nhói lên nỗi đau mặc dù điều đó không khiến tôi có bất cứ hành xử gì ảnh hưởng đến cô ta.

Ngày ấy, năm 1972, tôi 19 tuổi, Tời 18. Chúng tôi là bạn học từ nhỏ, nhà cách nhau không đến một cây số. Khi học lên cấp 3, tình yêu đã nảy sinh và nhanh chóng phát triển. Hết lớp 10, tôi vào bộ đội. Trước ngày vào Nam chiến đấu, hai bên gia đình đã tổ chức lễ cưới cho chúng tôi. Thực lòng, tôi không muốn việc này diễn ra bởi chiến tranh không biết thế nào, ngộ nhỡ có chuyện gì thì lỡ dở cả đời Tời. Nhưng cô ấy tha thiết nên cuối cùng tôi đã tiến hành đám cưới. Dẫu sao, tôi cũng cảm ơn Tời đã khiến tôi ấm lòng trước lúc lên đường đi xa.

Sau ngày giải phóng miền Nam, bao người con khác có dịp về quê hương nhưng tôi thì không vì tiếp tục nhiệm vụ ở Campuchia. Mọi liên hệ của tôi với vợ thưa dần. Chúng tôi chưa kịp có con, nên tôi linh cảm sợi dây kết nối vợ chồng có phần lỏng lẻo. Cảm giác này trước ngày 30/4/1975 không hề có. Khi ấy, tôi đau đáu hướng về người vợ trẻ ở quê nhà với tràn ngập hy vọng một ngày không xa sẽ đoàn tụ trong hoà bình. Giờ đây, tôi dự cảm thấy điều ngoài ý muốn đã xảy ra. Quả đúng như vậy, đến năm 1980, tôi trở về quê hương thì Tời đã không đủ kiên trì đợi tôi, mà đã có quan hệ với người đàn ông khác, sinh được đứa con gái. Khi về đến đầu làng, tôi đã biết tin. Ai cũng trấn an tôi và khuyên cần bình tĩnh, độ lượng, tha thứ cho Tời:

- Chú đi đằng đẵng gần chục năm chẳng có tin gì về. Con gái người ta có thì, cần tha thứ. Chẳng lẽ để người ta chết già?

- Bao nhiêu người thuỷ chung chờ đợi thì sao? Thiếu gì người nghe tin chồng chết mà vẫn không muốn tin, vẫn đợi đến cùng với hy vọng không phải là sự thật.

- Thực ra thời gian đầu, cô ấy cũng ngoan lắm, chỉ biết làm ăn, lo toan nhà chồng.

Đó là những lời người làng nói với tôi. Tuy nhiên, vì đã có linh cảm từ trước nên tôi không bị quá sốc mà chỉ ngậm ngùi cho số phận mình. Lúc đầu, tôi định bỏ hẳn, để Tời yên thân, không khó xử. Nhưng ai cũng khuyên không nên xử sự như thế, cứ về đàng hoàng. Tôi đã nghe theo họ.

Tôi không trách cứ và dằn vặt gì Tời, chỉ chuyện trò chiếu lệ. Cô khóc như mưa và hết lời xin lỗi tôi. Bố mẹ tôi đều đã già, khuyên tôi tha thứ. Các cụ nói ngoài việc ấy ra, cô thể hiện một là nàng dâu hiếu thảo, chừng ấy năm luôn tận tuỵ chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo, nhất là những lúc đau yếu, không gì có thể chê trách. Mẹ tôi nói riêng với tôi: "Vẫn biết thế là không giữ trọn được đạo vợ chồng. Nhưng con cũng cần thương nó. Nhà này những năm qua không có nó thì bố mẹ nhiều phen nguy khốn".

Và mẹ tôi đã coi đứa con của Tời như cháu ruột của mình. Cụ cho biết người cha đứa bé mới bỏ đi, do sợ dư luận lên án và tôi sắp trở về. Tời thực sự khổ tâm, nuôi con mà không có cha đứa bé bên cạnh. Cô cũng đã quỳ lạy, tạ tội trước bố mẹ tôi khi trót có mang với người đàn ông kia và có ý muốn huỷ cái thai đang to dần. Chính bố mẹ tôi đã can ngăn, an ủi và coi đứa trẻ kia như con của tôi. Tôi thầm cảm phục cha mẹ tôi già nhưng thoáng và nhân hậu. Không lẽ nào tôi còn trẻ, là anh bộ đội Cụ Hồ, có lý tưởng lại không bằng các cụ để có thể ruồng rẫy người vợ đau khổ. Nghĩ vậy nên tôi quên dần nỗi buồn để tiếp tục cuộc sống bình thường nhiều năm qua.

Ảnh minh họa.

Như hối hận với những gì mình đã gây nên, Tời đã sống vượt quá khả năng của mình. Cô lao vào làm việc để kiếm thêm tiền, tận tuỵ với gia đình, chăm sóc phục vụ tôi khiến nhiều lúc chính tôi cũng thấy ngượng. Do luôn cho rằng đứa bé không phải là con tôi mà Tời không dám "đầu tư" nhiều cho nó đến nỗi tôi phải chủ động quan tâm. Một lần, tôi nghe mẹ tôi nói với Tời: "Cả nhà cư xử với con và thương cháu như thế nào, con đã biết rõ. Con không được nghĩ ngợi gì. Hãy dồn hết khả năng lo toan cho nó nên người".

Tôi thấy mắt Tời đỏ hoe. Từ đó, cô có phần tự nhiên hơn mỗi khi chăm sóc đứa con. Nếu không có chuyện phức tạp đó, ai cũng thấy Tời là một người vợ rất tốt với chồng, một nàng dâu quý hiếm, khó có người thứ hai so được.

Tôi cố gắng không bao giờ nghĩ đến chuyện đó và cũng cố gắng nhớ lại những kỷ niệm thời cùng đi học, yêu nhau trước khi tôi nhập ngũ. Những giây phút như thế, cảm giác êm đềm xâm chiếm tâm hồn tôi. Nhưng từ ngày tôi về chung sống với Tời nhiều năm, vợ tôi vẫn không mang thai. Đến bệnh viện khám, người ta bảo "máy móc" của chúng tôi bình thường, không thể có chuyện vô sinh. Có thể chưa đậu thai. Một bà chị họ của tôi cũng là bác sĩ ở Hà Nội cho biết: Nguyên nhân ở phía Tời. Cô ấy khoẻ mạnh, khả năng sinh nở tốt nhưng vì luôn mặc cảm tội lỗi với chồng mà những lần gặp gỡ đã không có hưng phấn cao nên trứng không thể rụng. Chị phân tích về phía tôi cũng như vậy, không phải lần nào cũng đạt mức cần thiết nên xác suất hoà hợp đã rất hạn chế. Muốn khắc phục chỉ còn cách là giải quyết tâm lý, sao cho thanh thản, không gợn mắc gì, dẫu chỉ một chút xíu.

Tôi nói chuyện với Tời về lời căn dặn của bà chị họ để chúng tôi cùng cố gắng. Song, thời gian tiếp sau đó hằng năm vẫn không có kết quả. Mơ ước có một đứa con cháy bỏng trong tôi. Tời cảm nhận được điều đó. Đã nhiều đêm, cô thức trắng không ngủ, nước mắt ướt đầm gối. Và cô đã nói với tôi: "Em vô cùng biết ơn anh đã tha tội để thương yêu che chở em, vẫn cho em được làm vợ. Nhưng em đã không có con được với anh. Em tự thấy lần thứ hai có tội. Em thành tâm muốn anh có hạnh phúc, được làm cha…". Và cô ngỏ ý muốn để tôi đi lấy vợ khác. Mục đích cao nhất của cô là cần cho tôi có đứa con đẻ, còn thì ly hôn hoặc lấy vợ lẽ thế nào cũng được, tuỳ  ý tôi. Tôi thấy thương và cảm kích tấm lòng biết hy sinh vì tôi của Tời. Tôi chỉ biết an ủi cô là chưa phút nào tôi nghĩ tới điều đó, luôn coi con cô như con tôi đẻ ra. Và sự thật thì ai cũng thấy rõ như vậy. Về điểm này tôi không ân hận gì. Càng sống, tôi càng cảm thấy thương đứa bé, không thể bỏ mặc để nó thiếu cha. Nhưng thú thực, tôi vẫn không thể nguôi khát vọng muốn có con. Mặc dù cố giấu đi mong muốn cháy bỏng này nhưng Tời vẫn nhận biết.

Do tôi khăng khăng gạt đi ý muốn ly hôn của Tời nên cuộc sống sau đó cũng êm ả. Cô không dám nhắc lại điều này. Nhưng… thưa các anh chị, cuộc sống có những điều thật bất ngờ mà ta không thể biết trước. Cứ tưởng tôi sẽ sống mãi như thế trong nỗi buồn không có con đẻ nhưng lại có niềm vui bởi mình đã cao thượng mà che chở cho một người vợ tội nghiệp thì gần đây tôi quen biết Hạnh một cô gái đã 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Cô là giáo viên tiểu học ở một huyện khác trong tỉnh. Cô được cả người lẫn nết nhưng trong quá khứ bị phản bội tình yêu nên sau đó đã có mặc cảm về đàn ông. Gặp tôi, không hiểu sao, cô đã xua đi được điều đó mà nhanh chóng có niềm tin. Chúng tôi quen biết nhau, quan hệ anh em phải tới cả năm mới nảy sinh tình yêu. Tất nhiên, tôi tế nhị giữ kín chuyện này, không muốn cho ai biết. Gần đây, Hạnh tỏ ý buồn vì thấy tôi không nói gì đến tương lai, mặc dù ngay từ đầu tôi tâm sự hết gia cảnh, không giấu bất cứ điều gì, kể cả việc vợ tôi muốn giải phóng cho tôi. Hạnh luôn nhắc đi nhắc lại một điều: "Em chỉ có thể quan hệ nếu thực sự anh bất hạnh đúng như hoàn cảnh anh kể. Còn nếu chỉ để cho vui, cho anh bớt nỗi buồn thì em không thể. Em là nhà giáo, cần sống đàng hoàng. Thà em chịu đau khổ để mất anh, chứ không thể duy trì quan hệ tay ba, xâm phạm hạnh phúc của bất cứ ai khác". Cô còn cho biết thêm là sẽ chủ động gặp vợ tôi. Nếu đúng sự thật, đúng là Tời sẵn sàng tạo điều kiện để tôi có hạnh phúc thì sẽ chung sống hợp pháp với tôi. Chỉ cần đó không phải ý của Tời, cô sẽ rút lui khỏi quan hệ.

Ngẫm kỹ, tôi thấy nể trọng Hạnh. Quả là cô đã rất có trách nhiệm trong tình yêu. Là người trong cuộc, tôi hiểu rõ thâm tâm Tời sẽ không ngăn cản, sẵn sàng để tôi đến với người khác. Nhưng tôi vẫn thấy ái ngại. Lương tâm tôi thấy ít nhiều cắn rứt nếu ly hôn Tời. Nhưng ở bên Hạnh, tôi thực sự hạnh phúc. Và điều quan trọng là tôi cần có con, mà sống với Tời thì chắc chắn sẽ không thể. Tôi nên xử sự thế nào trước hoàn cảnh rắc rối này?

TS Nguyễn Đình San

Rõ là anh đang hướng đến Hạnh và rất muốn gắn bó phần đời còn lại với cô ấy. Có thể được lắm nếu cuộc chia tay vợ của anh đàng hoàng, đúng pháp luật. Cũng không đến nỗi phải quá day dứt vì dẫu sao anh cũng có những năm tháng dài sống độ lượng, bao dung, tha thứ cho Tời. Dẫu có sống với Hạnh, hãy tiếp tục lui tới quan tâm, làm cha đỡ đầu cho đứa con Tời. Điều này cần công khai, bàn bạc với Hạnh. Tin rằng một phụ nữ hiểu biết, nhân hậu như cô ấy sẽ dễ cảm thông, đồng tình với anh.

Nhà báo Nguyễn Hà

Chào anh, nói thẳng ra là anh đang giải thích mọi việc theo cách mình mong muốn, để vừa có được người phụ nữ trẻ trung mà anh đang hướng đến nhưng cũng không cảm thấy có lỗi với người phụ nữ chịu ơn anh và sẵn sàng chấp nhận mọi thứ. Anh có quyền nói rằng anh cũng phải được hạnh phúc. Nhưng anh đừng nên tỏ ra cao thượng và thấu đáo như vậy. Đời người đàn bà, đã xế chiều, một quá khứ đầy thương tổn và tự ti vì lỗi lầm, giờ còn gì để bấu víu? Tất nhiên chị ấy không có quyền đòi hỏi. Nhưng cái nghĩa của con người ta là lúc không còn gì vẫn tựa vào nhau, chứ đâu phải cãi lý để thấy mình không sai.

Mong anh sống may mắn trong lựa chọn của mình!

Hoàng Văn Lâm
.
.
.