1.001 kiểu từ chức của Bộ trưởng Tài chính

Thứ Bảy, 11/04/2015, 07:00
Sau hơn nửa tháng (15/3) nộp đơn lên Thủ tướng Romania Victor Ponta, cựu Bộ trưởng Tài chính Darius Valcov đã bị các công tố viên thẩm vấn (2/4) xung quanh vụ nhận hối lộ 2 triệu euro trong giai đoạn 2010-2013, khi đang giữ chức Thị trưởng thành phố Slatina, để hậu thuẫn một công ty tư nhân nhận các hợp đồng công. 

Cũng trong ngày 2/4, Thủ tướng Victor Ponta đã bổ nhiệm ông Eugen Teodorovici, cựu Bộ trưởng phụ trách các quỹ châu Âu làm tân Bộ trưởng Tài chính.

Được biết, ông Darius Valcov bị thẩm vấn về nguồn gốc của gần 100 bức tranh quý. Trong số gần 100 bức tranh kể trên (tìm thấy tại Bucharest và Olt County), có 3 bức của danh họa Pablo Picasso và các danh họa khác như Renoir và Andy Warhol.

Theo các công tố viên, cựu Bộ trưởng Tài chính Darius Valcov trở thành nhà sưu tập nghệ thuật nhằm che giấu nguồn gốc số tiền tham nhũng. Hiện ông Darius Valcov đang bị quản thúc tại gia trong vòng 30 ngày, kể từ hôm 1/4, vì bị cáo buộc có liên quan đến tham nhũng. Vậy là sau 2 năm "quyết đấu", cuối cùng các nhà điều tra đã kéo được ông Darius Valcov "xuống nước" và cựu Bộ trưởng Tài chính là quan chức cao cấp nhất Romania phải từ chức vì cáo buộc tham nhũng.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Romania Darius Valcov (trái) và cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou (phải).

Cục Chống tham nhũng Romania (DNA) đã quyết định điều tra sau khi phát hiện cựu Bộ trưởng Tài chính Darius Valcov giấu 90.000 euro và 1,3 triệu lei (gần 300.000 euro) tiền hối lộ, 3kg vàng và tranh quý trong két sắt của một người bạn năm 2011. Hơn 1 năm trước (6/2/2014), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Romania Daniel Chitoiu đã tuyên bố từ chức, nhưng vẫn khẳng định, việc đưa ra quyết định này không liên quan đến chuyện vợ ông, bà Laura Chitoiu đang bị cơ quan chống tham nhũng Romania điều tra về cáo buộc lợi dụng chức vụ trong thời gian làm việc tại cơ quan giám sát tài chính.

Mặc dù bị cáo buộc giả mạo giấy tờ, có liên quan tới vụ bê bối "danh sách Lagarde" cách đây 4 năm, nhưng cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou chỉ bị một tòa án đặc biệt ở thủ đô Athens tuyên án 1 năm tù giam hôm 24/3, và không bị buộc tội cố tình làm mất lòng tin. Trước khi bản án được tuyên, giới chuyên môn và các công tố viên cho rằng, với tội danh giả mạo giấy tờ, ông George Papaconstantinou có thể phải chịu mức án 5 năm tù, thậm chí chung thân.

Công tố viên Xeni Dimitriou đã đề nghị mức án cao, nhưng tòa lại chấp nhận lời biện hộ của luật sư rằng: Cựu Bộ trưởng Tài chính có tiền sử trong sạch. Ông George Papaconstantinou bị cáo buộc đã bỏ tên 3 người thân của mình ra khỏi danh sách 2.000 công dân Hy Lạp có tài khoản tiền gửi tại chi nhánh của Ngân hàng HSBC ở Thụy Sĩ và bị điều tra trốn thuế. Ngoài ông George Papaconstantinou, cơ quan chức năng Hy Lạp còn điều tra cựu Bộ trưởng Tài chính Gikas Hardouvelis (7/3) khi ông này bị cáo buộc không thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo giới truyền thông, khoản tiền gửi trong ngân hàng của ông Gikas Hardouvelis năm 2011 không phù hợp với thu nhập mà cựu Bộ trưởng Tài chính công bố trong năm đó. Năm 2012, ông Gikas Hardouvelis bị tình nghi gửi tiền vào các ngân hàng ở nước ngoài mà không công bố trong kê khai tài sản của mình. Và cuộc điều tra được Bộ trưởng chống tham nhũng Panagiotis Nikoludis tiến hành từ ngày 20/1/2015.

Gần 2 năm trước (15/7/2013), Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar, người từng được ví là kiến trúc sư của các biện pháp cải cách "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Lisbon, đã đệ đơn từ chức.

Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva đã chấp nhận đơn từ chức của ông Vitor Gaspar. Ông Vitor Gaspar phải ra đi sau khi bị chỉ trích gay gắt từ một số đảng phái trong liên minh cầm quyền về chính sách kinh tế khắc khổ. Đa số người dân Bồ Đào Nha đều đổ lỗi cho chính sách tăng thuế và cắt giảm lương, từ thỏa thuận của Lisbon và các chủ nợ quốc tế năm 2011, là nguyên nhân khiến cuộc sống của họ khốn đốn.

Tại cuộc họp báo sáng 5/3/2013, Bộ trưởng Tài chính Bỉ Steven Vanackere, thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Flemish đã thông báo quyết định từ chức sau khi chính phủ nước này phải đối mặt với các cuộc đàm phán về việc tăng cường biện pháp thắt lưng buộc bụng. Ông Steven Vanackere từ chức sau tranh cãi về việc ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Belfius trả lãi suất ưu đãi cho một công đoàn có liên quan đến Đảng dân chủ Cơ đốc giáo Flemish của Bộ trưởng Tài chính.

Trong tuyên bố hôm 3/9/2010, Thủ tướng Australia Julia Jillard thông báo, Bộ trưởng Tài chính Lindsay Tanner đã từ chức. Phó Thủ tướng Wayne Swan tạm thời kiêm nhiệm chức vụ của ông Lindsay Tanner cho đến khi có kết quả chính thức về cuộc bầu cử Quốc hội hôm 21/8/2010. Giới truyền thông cho biết, ông Lindsay Tanner đã thông báo kế hoạch từ giã chính trường trước khi cuộc bầu cử diễn ra để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. 

Tuệ Sỹ
.
.
.