1001 kiểu chống trộm của người thuê trọ

Thứ Năm, 02/07/2020, 13:10
Không để "mất bò mới lo làm chuồng", muôn kiểu trống trộm đã ra đời tại các dãy trọ.

Đối với công nhân, sinh viên và người lao động, xe máy, điện thoại thậm chí là chiếc nồi cơm điện là tài sản có giá trị quý của họ trong công cuộc mưu sinh tại các thành phố lớn. Không để "mất bò mới lo làm chuồng", muôn kiểu trống trộm đã ra đời tại các dãy trọ.

1.Nhà trọ của bà Lê Thị Ái Tâm nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM) vài năm trước thường xuyên xảy ra những vụ trộm cắp vặt, khi thì mất xe máy, khi lại bị kẻ trộm cạy cửa vào phòng "dọn sạch" đồ trong lúc chủ nhà đi vắng. 

Mang tiếng nhà trọ không an toàn khiến người thuê trọ bất an, nhiều phòng trọ để trống không có ai thuê, buộc bà Ái Tâm phải cải tiến chất lượng phòng trọ. 

Sau khi tính toán, cân nhắc nhiều mặt, bà Tâm quyết định lắp đặt 2 camera an ninh tại điểm đầu và điểm cuối của dãy trọ, đảm bảo chúng hoạt động phủ kín không gian, có khả năng chiếu rọi đến tất cả các phòng trọ. Chi phí lắp camera chỉ tốn hơn 3 triệu, nằm trong khả năng cân đối tài chính của bà Tâm.

Từ ngày có "mắt thần", người thuê trọ của bà Tâm rất yên tâm, vui mừng. Các phòng trọ trước đây thường xuyên bỏ trống thì nay đã chật hết. Việc lắp camera an ninh trong các dãy trọ công nhân, sinh viên, người lao động không những ngăn chặn được các vụ trộm cắp bên ngoài, mà còn có tác dụng rất hiệu quả với chính những người đang thuê trọ. 

Ý thức tự bảo vệ tài sản trong công nhân, sinh viên, người lao động đang được hiện thực hóa bằng việc tự bỏ tiền ra lắp camera.

Bà Tâm cho biết, cách đây khoảng 3 tháng, có một người đàn ông bịt khẩu trang kín bưng lẻn vào dãy trọ. Hắn tiến đến rất nhanh chiếc xe máy dựng tại phòng trọ nằm ở cuối dãy, qua một vài thao tác, hắn đã bẻ được khóa và quay đầu xe lao ra đường. 

Tuy nhiên, chỉ được mấy bước chân, hắn ngước thấy camera đang chĩa thẳng vào mặt nên sững lại. Hắn bối rối ngó trước, sau rồi vội vàng dựng lại chiếc xe sau đó nhanh chân tẩu thoát.

Sự việc khác xảy ra trong chính dãy trọ. Hôm đó, chị Lê Thị Lan (25 tuổi, quê Bình Phước) có việc gia đình nên phải về quê gấp. Nắm được lịch vắng nhà của chị Lan, Hoàng Văn Thành (31 tuổi) ở phòng trọ số 5 cùng dãy nảy sinh ý định xấu. 

Vào khoảng 10 giờ đêm, Thành nhẹ nhàng bước đến phòng trọ của chị Lan, dùng đạo cụ mở khóa cửa phòng. Sau khoảng 15 phút, Thành đi ra trên tay ôm một bọc gì đó. 

Như thường lệ, sáng hôm sau, bà Tâm mở điện thoại xem camera và phát hiện việc động trời. Bà tới gặp trực tiếp Thành, đưa cho anh ta xem đoạn clip ghi lại toàn bộ sự việc. Thành run lẩy bẩy, van xin mong bà Tâm tha thứ.

Thành vốn là thợ sửa chữa điện lạnh của công ty điện máy, nếu sự việc bị vỡ lở, Thành sẽ khó mà giữ được uy tín. Bà Tâm đồng ý xử lý nội bộ, bà yêu cầu Thành phải trả lại những thứ đã lấy trộm của chị Lan rồi im lặng và xem như chưa từng có việc gì xảy ra. 

Thành quá xấu hổ muốn chuyển phòng trọ nhưng bà Tâm khuyên nên ở lại, cứ xem đây là bài học xương máu và tuyệt đối không bao giờ lặp lại sự việc tương tự nữa.

Từ ngày đó, Thành xem bà Tâm như ân nhân của mình. Thành thay đổi hẳn cách sống, anh ta vui vẻ, hòa đồng, luôn giúp đỡ mọi người trong dãy trọ.

Phòng trọ công nhân, người lao động tự mua camera lắp đặt.

2.Sống ở thành phố, đóng chặt cửa khi rời khỏi nhà vẫn chưa có gì đảm bảo an toàn, "đạo chích" rất ma mãnh, có nhiều mánh khóe, kỹ thuật trộm cắp. Nhóm bạn Thanh Loan, Mỹ Vân, Cẩm Giang là sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng nhau thuê một ngôi nhà nguyên căn trên đường Lê Văn Lương (phường Tân Hưng, quận 7). Sau 3 năm ở, ngôi nhà đã 2 lần bị kẻ trộm "viếng thăm". Lần đầu tiên vào dịp giáp Tết năm 2020, cả ba đều về quê ăn Tết. Khi trở vào thì thấy nhà tan hoang, các vật dụng bị đảo lộn. Vì không lấy được thứ gì quý giá nên kẻ trộm đã cuỗm cả cặp loa nghe nhạc cùng chiếc nồi cơm điện. Theo nhận định của Thanh Loan, kẻ trộm có thể là người quen biết rõ các cô về quê nên mới thoải mái cạy cửa vào nhà lục lọi đồ dùng. Sau khi lấy xong đồ, hắn còn dùng một chiếc khóa khác đóng cửa lại đàng hoàng.

Lần mới đây là vào buổi đêm, kẻ trộm đột nhập vào chỗ để xe máy dưới tầng trệt. Đề phòng cao độ nên dù ở trong nhà, 3 chiếc xe tay ga vẫn được khóa bánh bằng dây xích to như dây trói voi. 

"Đạo chích" loay hoay mãi chưa phá được khóa thì vô tình để phát ra tiếng động rất lớn. Cẩm Giang giật mình tỉnh giấc, thấy sự việc khả nghi nhưng không dám xuống cầu thang xem xét. 

Cô gọi 2 người bạn dậy rồi cùng nhau la hét, khua khoắng trên phòng khiến kẻ trộm hoảng sợ bỏ của chạy lấy người. Hiện trường chúng để lại vẫn còn một chiếc kìm cộng lực còn dính đầy dầu mỡ và cửa cổng bị phá bung ra.

Camera ghi lại được cảnh ẩu đả tại khu trọ.

Ngay hôm sau, 3 cô gái bàn nhau phải đi mua Camera gắn trong nhà rồi kết nối trực tiếp với 3 điện thoại. Có camera, đi ra ngoài yên tâm hơn. Mặt khác, nếu chẳng may có kẻ trộm đột nhập, thì camera ghi lại toàn bộ hành động của chúng và sẽ được chuyển đến công an xử lý nhanh nhất. 

Cẩm Giang chia sẻ: "Chúng em là sinh viên không có nhiều tiền, vừa học vừa đi làm thêm để sống. Nhưng để đảm bảo an toàn thì vẫn cần thiết phải sắm một chiếc "mắt thần". Ngoài camera, chúng em còn mua ổ khóa trống trộm điện tử thông minh, chỉ cần đụng vào xe là nó kêu trong điện thoại, dù ở đâu vẫn có thể biết được".

Đối với công nhân, sinh viên và người lao động, xe máy, điện thoại thậm chí chiếc nồi cơm điện là tài sản có giá trị nhất của họ trong công cuộc mưu sinh tại các thành phố lớn. 

Không để "mất bỏ mới lo làm chuồng", tập thể công nhân tại dãy trọ ở xã Tân Tạo (Bình Chánh) đã tự bàn với nhau góp tiền mua camera an ninh. Cả dãy có 9 phòng trọ, mỗi phòng góp 500 ngàn đồng trang bị chiếc camera "xịn" kết nối qua điện thoại với tất cả các phòng. Khi họ đi làm hoặc về quê vẫn có thể mở điện thoại lên xem tình hình khu trọ của mình. 

Anh Trần Văn Tiến (36 tuổi, Đồng Tháp) cho biết: "Phòng trọ chúng tôi giá rẻ bằng nửa các phòng trọ khác vì nó đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, lại nằm hẻo lánh nên khi chúng tôi đề xuất lắp camera thì chủ nhà không đồng ý. 

Chúng tôi sống ở đây vì muốn tiết kiệm chi phí hàng tháng không may bị trộm ghé thăm lấy mất thứ gì có giá trị thì chẳng đáng chút nào. Tôi là người đứng ra kêu gọi anh em trong khu trọ về việc lắp camera, thật bất ngờ là mọi người đều nhiệt tình ủng hộ".

Tác dụng của việc lắp camera đã cho hiệu quả rất rõ. Cách đây hơn một tuần, cả dãy trọ đều đi làm, không có ai ở phòng. Biết được việc này, một bà mua ve chai đã ngang nhiên đi vào theo hướng bên hông (lối này không có cửa). 

Sau khi lượm lặt vài thứ, bà ta ngó trước ngó sau rồi thó luôn chiếc xe đẩy trẻ em của vợ chồng anh Hoàng, chị Tám. Chiếc xe chủ nhân mới mua được vài ngày, có giá 1,2 triệu đồng. Một phần chủ quan khu trọ có camera, phần khác do đi làm vội nên anh chị quên không mang xe vào nhà.

Buổi tối trở về xem Camera, anh Hoàng lập tức chạy qua khu trọ của bà mua ve chai đòi lại xe. Bà ta bị camera vạch mặt đã vô cùng xấu hổ, ngụy biện rằng, tưởng xe không dùng bỏ đi nên mới lượm về bán ve chai.

Một tên trộm lẻn vào dãy trọ bị "mắt thần" phát hiện.

3.Hiện nay, ngoài TP HCM ở nhiều địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai mô hình nhà trọ có gắn camera an ninh đang trở thành phong trào và hoạt động rất hiệu quả. 

Thông qua đó, nhiều đối tượng trộm cướp tài sản, gây rối, đánh nhau đã bị camera ghi lại, giúp lực lượng công an điều tra, nhanh chóng làm sáng tỏ các vụ việc, góp phần vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. 

Thượng tá Huỳnh Văn Sáng, Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Bình Dương nhận định: "Mô hình camera an ninh là một trong những mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm, bảo vệ ANTT ở nhiều địa phương. 

Từ việc vận hành đến hiệu quả của nó mang lại đã gắn liền với thực tiễn đời sống người dân. Với những mô hình hay, hiệu quả thì trong thời gian tới đây cần tiếp tục được nhân rộng, giúp lan tỏa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới".   

Bà Lê Kim Chung, Tổ trưởng Bảo vệ dân phố 70 (khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng, việc mỗi người dân, mỗi nhà trọ tự trang bị camera để bảo vệ tài sản cho chính mình đã thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao đối với cộng đồng và xã hội. Một khi "mắt thần" có ở khắp nơi thì tội phạm dù tinh quái đến mấy cũng khó mà thoát nổi.

Ngọc Thiện
.
.
.