1001 kiểu từ chức của Bộ trưởng Nội vụ

Chủ Nhật, 31/05/2015, 16:00
Mặc dù nhậm chức chưa được nửa năm, nhưng ngày 26/5, Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Hugo Moldiz đã phải tuyên bố từ chức sau khi doanh nhân Peru Martin Belaunde, người đang bị quản thúc trốn thoát. 

Doanh nhân Martin Belaunde, từng là bạn thân của Tổng thống Peru Ollanta Humala, bị chính quyền Lima kết tội tham nhũng nên đã chạy sang Bolivia từ tháng 12/2014 xin tị nạn chính trị, nhưng bất thành. Ông Hugo Moldiz đã điền tên mình vào danh sách những Bộ trưởng Nội vụ phải từ chức trong thời gian qua.

Theo hãng Reuters, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Nội vụ (26/5) và ông Hugo Moldiz (nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ từ tháng 1/2015) trở thành người thứ 3 trong nội các phải ra đi kể từ đầu năm đến nay. Bởi trước đó, Bộ trưởng Văn hóa Pablo Groux và Bộ trưởng Quốc phòng Jorge Ledesma đã bị Tổng thống Evo Morales bãi nhiễm.

Từ trái sang: Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Hugo Moldiz, Bộ trưởng Nội vụ Jordan Hussein Majali và Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Miguel Macedo.

Thượng nghị sỹ Carlos Romero, người từng giữ ghế Bộ trưởng Nội vụ trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Evo Morales lại được đề cử thay thế ông Hugo Moldiz đảm trách cương vị này. Ông Hugo Moldiz đã đệ đơn từ chức ngay sau thông báo của Chánh văn phòng Nội các Bolivia Juan Ramon Quintana (25/5) về vụ đào tẩu của doanh nhân Martin Belaunde - đây là sự việc tồi tệ, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đất nước, đồng thời khẳng định nhiều người sẽ bị cách chức vì vấn đề này.

Trước đó (17/5), Chính phủ Jordan thông báo, Bộ trưởng Nội vụ Hussein Majali đã từ chức sau những chỉ trích liên quan tới chiến dịch trấn áp mạnh tay của cảnh sát ở thành phố Maan, miền Nam nước này. Trong thông báo, Thủ tướng Abdullah Nsur nói rõ, Quốc vương Abdullah II đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Hussein Majali. Bởi các cơ quan an ninh đã không phối hợp được với nhau trong các vấn đề liên quan đến an ninh ở các thành phố, cũng như không giải quyết được các vấn đề này đúng mức yêu cầu. Quốc vương Abdullah II cũng đã chấp thuận kiến nghị của Thủ tướng Abdullah Nsur cho nghỉ hưu sớm đối với người đứng đầu lực lượng cảnh sát Tawfik al-Tawabla và người đứng đầu lực lượng hiến binh Ahmed al-Swelmin.

Hơn 6 tháng trước (16/11/2014), Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Miguel Macedo đã từ chức sau khi một số quan chức cấp cao của nước này bị bắt trong vụ điều tra tham nhũng liên quan tới kế hoạch cấp "thị thực vàng" cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Miguel Macedo ra đi sau khi cảnh sát bắt giữ (13/11/2014) 11 đối tượng, trong đó có người đứng đầu lực lượng cảnh sát biên phòng Manuel Jarmela Palos, quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Maria Antonia Anes và Viện trưởng Viện đăng ký và công chứng Antonio Figueiredo.

Theo giới truyền thông, năm 2012, chính phủ Bồ Đào Nha triển khai chương trình "thị thực vàng" nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nước này đang lún sâu vào khủng hoảng nợ công. Theo đó, những nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản trị giá 500.000 euro trở lên và giữ tài sản này trong ít nhất 5 năm sẽ được cấp quyền cư trú ở Bồ Đào Nha và được miễn thị thực trong khu vực Schengen của Liên minh châu Âu. Và kể từ khi có hiệu lực, chương trình này đã thu hút hơn 1 tỷ euro đổ vào Bồ Đào Nha và chính phủ nước này cũng đã cấp 1.649 "thị thực vàng" cho các nhà đầu tư, chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Gần 1,5 năm trước (23/12/2013), Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guler đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan sau vụ bê bối tham nhũng khiến con trai ông bị bắt. Khi đó, con trai ông Muammer Guler cùng con trai Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Môi trường nằm trong số 24 người bị bắt vì bị cáo buộc hối lộ. Và sau vụ bắt giữ, hàng chục quan chức cảnh sát cấp cao, trong đó có cảnh sát trưởng Istanbul đã bị cách chức.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Libya Mohammed Khalifa al-Sheikh đã từ chức (18/8/2013) do bất đồng với Thủ tướng liên quan tới trách nhiệm của người đứng đầu nội các. Trong đơn từ chức gửi lên Nội các và Quốc hội Libya, ông Mohammed Khalifa al-Sheikh (mới nhậm chức tháng 5/2013) đã phản đối sự can thiệp của chính phủ và quốc hội vào công việc của Bộ trưởng Nội vụ sau khi được bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm Ashour Shuail.

Trước đó (26/8/2012), Bộ trưởng Nội vụ Fawzi Abdelali đã ra đi sau khi liên tiếp hứng chịu những chỉ trích vì thiếu năng lực ứng phó trước làn sóng tấn công bạo lực ở quốc gia Bắc Phi này. Theo kênh truyền hình al-Jazeera, ông Fawzi Abdelali đã từ chức vì không chịu được sức ép.

Mạnh Phong
.
.
.