11-9-2001: Ngày hàng không thế giới thay đổi

Thứ Sáu, 06/11/2020, 15:41
Vụ khủng bố 11-9-2001 có lẽ là thảm hoạ tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Và cũng giống như những thảm họa trước đó, nó làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành vận tải này.


Tăng cường lực lượng an ninh

Có một điều mà ít hành khách nhận ra là, trong hầu hết các chuyến bay quốc tế sẽ có ít nhất một viên cảnh sát mặt thường phục. Danh hiệu của họ khác nhau theo từng nước, nhưng nói chung, họ là lực lượng cảnh sát hàng không được giao nhiệm vụ hộ tống máy bay. Trong trường hợp không tặc xuất hiện, những sỹ quan cảnh sát hàng không sẽ là người đầu tiên phản ứng, tìm cách áp chế đối tượng và kiểm soát tình hình trước khi có chuyện gì không may xảy ra tại độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển.

Xác của một trong những chiếc máy bay bị không tặc bắt cóc trong vụ 11-9.

Khái niệm về việc bố trí cảnh sát mặc thường phục trên các chuyến bay xuất hiện lần đầu tiên vào thập niên 1960 của thế kỷ trước tại nước Mỹ. Tuy vậy, do số lượng các vụ khủng bố trên máy bay giảm trong thập niên 1980-1990 cho nên đã khiến các lực lượng cảnh sát hàng không của nhiều quốc gia bị thu gọn bộ máy và cắt giảm ngân sách.

Phải đến sau vụ 11-9-2001 thì họ mới nhận lại được sự quan tâm đúng tầm từ chính quyền. Các sỹ quan cảnh sát hàng không hiện đại được trang bị những kỹ năng vô cùng phức tạp, từ thương lượng với đối tượng bắt cóc cho tới việc một mình sẵn sàng nhận nhiệm vụ điều khiển máy bay. Họ còn nhận được những trang thiết bị hiện đại nhất, cùng với quyền được ra lệnh cho tổ bay.

Nhờ vào tất cả các lợi thế mà họ nhận được đã giúp lực lượng cảnh sát hàng không các nước ngăn chặn thành công nhiều vụ không tặc manh động.

Không chỉ có cảnh sát hàng không mà một lực lượng thi hành pháp luật khác là hải quan cũng được hiện đại hoá hậu 11-9. Ước tính trung bình lực lượng hải quan được bố trí tại các sân bay trên thế giới đã tăng 1,5 đến 2 lần trong vòng gần 20 năm qua, chưa kể một nguồn "nhân lực" khác quan trọng không kém: Những chú chó. Bất cứ cảng hàng không quốc tế nào hiện nay cũng có một đội chó nghiệp vụ của riêng mình để truy tìm bom đạn và các loại chất nổ khác được không tặc cất giấu.

Đây không phải là một công việc dễ dàng, và thực tế đã chứng minh, trong nhiều trường hợp các chú chó cũng gặp sai lầm tai hại. Một cuộc kiểm tra vào năm 2016 cho biết 10 đội chó nghiệp vụ tại 10 cảng hàng không quốc tế tại Mỹ đã thất bại đến 52 lần trong việc phát hiện ra hợp chất gây nổ được cất giấu trong hành lý hay trên người nhân viên thử nhiệm.

Vì lý do nói trên mà lực lượng hải quan nhiều nước còn đưa vào một loạt các loại thiết bị mới, trong đó nổi bật nhất là máy quét X-Quang. Trước đây hầu hết các nhân viên hải quan thường chỉ được huấn luyện để dò tìm ma tuý, hàng lậu, v.v…

Số lượng các nhân viên hải quan tại sân bay đã tăng vọt trên toàn thế giới.

Phải đến sau 11-9 thì các cơ quan chức trách mới mở rộng chương trình huấn luyện nhân viên hải quan sang khoản dò tìm bom và các loại thuốc nổ. Tuy vậy, cho dù họ đã được huấn luyện bởi các chuyên gia dò tìm bom mìn từ quân đội, các nhân viên hải quan vẫn là con người, vẫn gây ra sai lầm, vậy nên họ mới cần đến máy quét X-Quang. Ban đầu có nhiều hành khách phản đối sự xuất hiện của máy X-Quang vì có gì trên người và trong tư trang của họ đều sẽ bị phơi bày ra trước nhân viên hải quan. Phải mất một thời gian dài để các hành khách có thể làm quen với việc tạm mất đi sự riêng tư của mình vì an toàn của cả chuyến bay.

Hiểu rõ hành khách hơn cả bản thân họ

Kể cả khi đối tượng khủng bố bị cấm lên máy bay, ấy thế nhưng chúng vẫn có thể gây ra một thảm kịch tại sân bay đông người. Vụ tấn công khủng bố tại Sân bay quốc tế Domodedovo, Nga là minh chứng rõ nhất cho việc này. Chỉ một tên khủng bố với quả bom tự chế cũng đã giết chết 37 người và làm bị thương tới 173 người. Cách tốt nhất để ngăn chặn tấn công khủng bố xảy ra là cách ly đối tượng khủng bố ngay từ trong "trứng nước".

Chính phủ nhiều nước đã thực hiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khủng bố, tội phạm và những đối tượng khác ngay tại sân bay. Trước đây, nhân viên hải quan chỉ cần chụp ảnh chính diện bất cứ hành khách nào để máy tính tìm xem liệu người đó có phải là đối tượng nguy hiểm không. Ngày nay, họ thậm chí không cần chụp ảnh nữa. Hệ thống máy chủ và camera theo dõi tại sân bay sẽ tự động thực hiện cả quá trình này theo kiểu khép kín.

Tại một số quốc gia, việc lập hồ sơ và theo dõi khủng bố còn tiến thêm một bước xa hơn nữa. Vụ khủng bố 11-9-2001 thực ra là cả một quá trình dài gồm nhiều bước chuẩn bị. Những tên khủng bố đã dành hơn một năm trời để chuẩn bị cho cuộc tấn công: Từ việc học lái máy bay, mua phân bón để làm bom tự chế, tìm kiếm hộ chiếu giả,…

Nếu như lúc đó có bất kỳ cơ quan chức trách nào ở Mỹ nhận ra những hành vi đáng nghi này, có lẽ vụ khủng bố kinh hoàng đã được ngăn chặn từ đầu. Cũng từ đó tại Mỹ và các nước phương Tây khác, giới chức sân bay mới bắt đầu xây dựng các mối liên kết với những cơ quan công quyền trong việc trao đổi thông tin. Họ cố gắng để làm sao ngay từ khi hành khách đặt vé, hãng hàng không và bên an ninh sân bay đã có đủ thông tin từ các bên thứ ba để lập một hồ sơ nhân thân về hành khách nhằm xét xem có nên cho họ lên máy bay hay không.

Sau nhiều năm liên tiếp công nghệ quan sát và thu thập thông tin phát triển, các bên chịu trách nhiệm về an ninh hàng không đang đứng trước bài toán: Làm thế nào để có thể xử lý hết lượng thông tin đang càng ngày tăng lên?!

Câu trả lời có nhiều triển vọng nhất hiện nay là trí tuệ nhân tạo. Khác với con người, một trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện theo dõi phân tích 24/24h nhằm phát hiện ra đối tượng khủng bố. Hiện doanh nghiệp đang dẫn đầu lĩnh vực này là Palantir, một công ty do cựu sáng lập viên của Tập đoàn thanh toán PayPal Peter Thiel làm chủ. Hai sân bay lớn tại Mỹ là Kennedy và LAX đều đang sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo quan sát, phân tích và nhận xét hành khách.

Những trở ngại trong tương lai

Tuy đã tiến những bước dài trong việc đảm bảo an ninh, ngành hàng không quốc tế không thể ngừng lại việc đổi mới để tự bảo vệ mình. Các đối tượng khủng bố trên thế giới càng ngày khôn ngoan, sáng tạo, và có nhiều nguồn lực hơn. Thực tế cho thấy, các đối tượng không tặc ngày nay còn có khả năng tìm ra cách chế tạo một loại thuốc nổ có thể đánh lừa cả chó nghiệp vụ lẫn những thiết bị soi chiếu hiện đại. Một khi những kẻ không tặc đã làm được việc đó, thì liệu còn có mối nguy hiểm khủng bố nào khác còn đang trực chờ trong bóng tối?!

Một buổi diễn tập của lực lượng cảnh sát hàng không Anh Quốc.

Mặt khác, việc đảm bảo an ninh hàng không cũng không được lấn vào các quyền tự do cơ bản của công dân. Một người có thể chịu mất đi một chút riêng tư khi bị khám người hay đi qua máy quét X-Quang mỗi khi đến sân bay, song  người đó khó mà chịu đựng được khi biết sân bay và hãng hàng không lưu giữ cả một bộ hồ sơ nhân thân về mình khi không có sự cho phép trước đó.

Đấy là chưa kể khả năng các đối tượng có ý đồ xấu tìm cách đánh cắp và thu lời bất chính từ nguồn dữ liệu khổng lồ này. Đã đến lúc các bên chịu trách nhiệm về an ninh hàng không ngồi lại với giới chuyên gia công nghệ thông tin, luật sư, và thậm chí là cả với những hành khách của mình nữa để thiết lập nên một giới hạn hợp lý cho những biện pháp đảm bảo an toàn đang và sẽ được thực hiện trong thời gian trước mắt cũng như tương lai.

Hội Vũ (tổng hợp)
.
.
.