11 chiến đấu cơ quân sự nhanh nhất - Kỳ 2

Thứ Năm, 01/02/2018, 10:12
Kể từ khi 2 anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay có động cơ đầu tiên vào năm 1903, hàng không thế giới đã “bay” được một chặng đường dài. Hơn một thế kỷ trôi qua, các kỹ sư đã chế tạo được những chiếc máy bay “không tưởng” với anh em nhà Wright, khi có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.


7. Bell X-2 "Starbuster"

Bell X-2 là máy bay nghiên cứu động cơ phản lực được phát triển bởi Bell Aircraft Corporation, Không quân Mỹ và Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không (tiền thân của NASA) vào năm 1945. Bell X-2 được chế tạo nhằm để nghiên cứu các vấn đề khí động học với chuyến bay siêu âm trong khoảng Mach 2 đến Mach 3.

Bell X-2 "Starbuster".

Chiếc X-2 có biệt danh "Starbuster", đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào tháng 11-1955. Tháng 9-1956, Đại úy Milburn Apt đã lái chiếc X-2 đạt Mach 3.2 (3.370 km/h), ở độ cao 19.800 m.

Ngay sau khi đạt được tốc độ này, Apt đã cố gắng bẻ lái máy bay trong khi nó vẫn còn ở tốc độ trên Mach 3 và đã trượt khỏi tầm kiểm soát. Mọi nỗ lực kiểm soát của Apt sau đó đã không thành công. Vụ tai nạn bi thảm đã kết thúc chương trình X-2, sau tổng cộng 20 chuyến thử nghiệm.

8. MiG-25 Foxbat

MiG-25 Foxbat của Mikoyan-Gurevich được thiết kế nhằm để đánh chặn máy bay địch với tốc độ siêu âm và thu thập dữ liệu trinh sát. Đây là một trong những chiếc máy bay quân sự nhanh nhất được đưa vào hoạt động. MiG-25 bay lần đầu tiên vào năm 1964, và lần đầu tiên được sử dụng bởi Không quân Liên Xô năm 1970.

MiG-25 Foxbat.

MiG-25 có tốc độ tối đa đáng kinh ngạc là Mach 3.2 (3.524 km/h). Hiện nay nó vẫn còn đang hoạt động trong Không quân Nga, nhưng cũng được sử dụng bởi một số quốc gia khác, bao gồm Không lực Algeria và Không quân Syria.

9. Lockheed YF-12

Lockheed YF-12 là máy bay nguyên mẫu được phát triển bởi Tổng công ty Lockheed vào cuối những năm 1950 và đầu 1960. Máy bay 2 người được chế tạo để đánh chặn máy bay địch với tốc độ Mach 3.

Những chuyến bay thử nghiệm YF-12 đã được thực hiện trên Khu vực 51, nằm ở vùng xa xôi phía nam Nevada. Nhiều chuyến bay YF-12 đã được sử dụng để che giấu danh tính của chiếc máy bay trinh sát Lockheed A-12, đã được thử nghiệm đồng thời bởi CIA.

Lockheed YF-12.

YF-12 bay lần đầu tiên vào năm 1963, và đạt vận tốc tối đa Mach 3.2  (3.330 km/h) ở độ cao 24.400 m. Không quân Mỹ cuối cùng đã hủy chương trình, nhưng YF-12 đã thực hiện một số chuyến bay nghiên cứu cho Không quân và NASA cho đến năm 1978.

10. SR-71 Blackbird

SR-71 Blackbird là máy bay do thám do Advanced Cold War của Lockheed phát triển vào những năm 1960. Chương trình được biết đến như một "dự án màu đen", tức được xếp loại bí mật cao. Máy bay 2 động cơ, 2 chỗ ngồi có khả năng vượt qua các mối đe dọa tiềm tàng trong các nhiệm vụ trinh sát, bao gồm việc tăng tốc và bay tránh tên lửa đất đối không nếu bị phát hiện.

SR-71 Blackbird.

Chiếc Blackbird SR-71 có thể tăng tốc Mach 3.3 (3.540 km/h) ở độ cao 24.400 m.

SR-71 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12-1964 và đã được Không lực Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1964 đến 1998. Hiệu suất và thành tựu của Blackbird khiến nó trở thành một trong những thắng lợi lớn nhất trong công nghệ hàng không trong Chiến tranh Lạnh.

11. X-15

X-15 có động cơ tên lửa là một phần của một đội máy bay thử nghiệm, máy bay-X, được cả NASA và Không quân Mỹ cùng vận hành. Những năm 1960, X-15 thiết lập một số kỷ lục về tốc độ và độ cao, chạm rìa không gian (độ cao hơn 100 km) trong 2 lần riêng biệt vào năm 1963.

X-15.

Hiện tại, X-15 vẫn giữ kỷ lục thế giới về tốc độ nhanh nhất mà chiếc máy bay có người lái đạt được: Mach 6.72, gấp 6.72 lần tốc độ âm thanh, hay 7.274 km/h.

X-15 “nghỉ hưu” vào năm 1970, nhưng chương trình lại có nhiều phi công đáng chú ý của NASA và Air Force, bao gồm: Neil Armstrong, người sau này trở thành người đầu tiên bước chân lên mặt trăng.

Điều thú vị, trong chương trình X-15 lừng danh, 13 chuyến bay của 8 phi công khác nhau đã vượt quá độ cao 80 km, đáp ứng tiêu chuẩn của Không quân Mỹ về một chuyến bay vũ trụ. Điều này giúp các phi công thử nghiệm của Không quân đã được trao giải Cánh bay của Không lực, và các phi công dân sự đã được trao giải Cánh bay của NASA.

Hồng Định
.
.
.