Vụ máy bay MH370 mất tích:

11 nghi can khủng bố bị bắt giữ và thẩm vấn

Thứ Tư, 14/05/2014, 10:50

Gần 2 tháng trôi qua kể từ khi chuyến bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mang theo 239 hành khách mất tích vẫn còn là điều bí ẩn. Mặc dù được cho là rơi xuống Ấn Độ Dương nhưng nhiều nhà điều tra vẫn khẳng định rằng, vụ mất tích của MH370 có liên quan đến khủng bố.

11 nghi can khủng bố có liên hệ với Al Qaeda bị bắt giữ

Thông tin được đăng tải trên tờ Daily Mail (Anh) cuối tuần trước cho biết, 11 nghi can khủng bố có liên hệ với Al Qaeda đã bị bắt giữ vì tình nghi liên quan đến vụ mất tích của MH370. Đây là thành viên của một nhóm khủng bố mới với kế hoạch đánh bom ở các nước Hồi giáo. Các nghi phạm bị bắt giữ tại thủ đô Kuala Lumpur và bang Kedah tuổi từ 22 - 55, bao gồm sinh viên, công nhân, góa phụ trẻ và chuyên gia kinh doanh.

Cuộc thẩm vấn do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo Anh (MI6) tiến hành, tập trung xoay quanh sự mất tích của chuyến bay MH370. Trong cuộc phỏng vấn, một số kẻ tình nghi đã thừa nhận kế hoạch các chiến dịch khủng bố kéo dài tại Malaysia nhưng từ chối có liên quan đến sự mất tích của chiếc máy bay.

Trong phiên tòa xét xử Sulaiman Abu Ghaith, con rể Osama bin Laden, Saajid Badat, một người Anh gốc Hồi giáo ở Gloucester cho biết, quá trình đào tạo tại một trại huấn luyện khủng bố ở Afghanistan, ông đã được chỉ thị đánh bom giày nhằm vào người Malaysia. "Tôi đưa một chiếc bom giày cho người Malaysia. Tôi nghĩ rằng nó đã lọt được vào buồng lái", Badat nói. Badat cũng cho tòa án ở New York biết, âm mưu đánh bom Malaysia được kẻ chủ mưu vụ 11.9 là Khalid Sheikh Mohammed thực hiện. Những tin tức mới nhất này càng làm dấy lên đồn đoán rằng, hành khách trên chiếc MH370 có thể đang bị một tổ chức khủng bố bắt giữ.

Người thân vẫn tiếp tục cầu nguyện cho những hành khách xấu số.

Thông tin mới nhất thì phát ngôn viên của Hãng Malaysia Airlines cho biết sẽ đóng cửa các trung tâm hỗ trợ các gia đình của 239 hành khách và phi hành đoàn tại Bắc Kinh và Kuala Lumpur. Lực lượng cứu hộ tìm kiếm trên không đã phải tạm dừng để tập trung vào việc tìm kiếm máy bay trong khu vực Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển phía tây của Australia.

Những nghi vấn từ 2,3 tấn hàng hóa

Một sĩ quan thuộc cơ quan chống khủng bố của Malaysia cho biết, vụ bắt giữ đã khẳng định rằng, giả thuyết về âm mưu khủng bố liên quan đến sự biến mất của máy bay không bị loại trừ. "Khả năng chiếc máy bay đã buộc phải chuyển hướng. Các nhà điều tra quốc tế yêu cầu báo cáo tổng thể về nhóm khủng bố mới này", sỹ quan chống khủng bố nhận định.

Nghi vấn mới được đặt ra sau khi Hãng hàng không Malaysia Airlines từ chối tiết lộ chi tiết 2,3 tấn hàng hóa trên chuyến bay mất tích. Theo các chuyên gia thì chiếc máy bay chở 4,566 tấn măng cụt và một lô hàng pin nằm trong khối hàng hóa riêng biệt. Theo khai báo thì lô hàng pin nặng 200kg nhưng lô hàng riêng biệt có trọng lượng tổng cộng 2,453 tấn. Câu hỏi được đặt ra là, sau khi trừ đi 200 kg pin thì 2.253 tấn trong lô hàng riêng biệt chứa đựng gì?. Một nhân viên giấu tên của công ty vận chuyển pin nói với tờ báo Star của Malaysia rằng, ông không thể tiết lộ những gì trong 2.253 tấn hàng còn lại được.  "Tôi không thể tiết lộ nhiều hơn vì cuộc điều tra đang diễn ra. Chúng tôi đã nói với các cố vấn pháp lý về vấn đề này", người đàn ông nói. Người đàn ông thậm chí không nêu tên công ty sản xuất pin và nhấn mạnh rằng, "đây là một bí mật chưa thể tiết lộ vào lúc này".

Khi được hỏi về lô hàng hóa "bí ẩn" chưa được tiết lộ, đại diện Hãng hàng không Malaysia nói rằng, phần còn lại của lô hàng là "phụ kiện của radio và bộ sạc". Trước đó, một thông tin từ Hãng hàng không cũng cho biết, một phần hàng hóa được khai báo là "phụ kiện radio", mặc dù thông tin này không được đề cập đến trong cuộc họp báo vào thứ năm tuần trước. Trong cuộc họp báo tại Kuala Lumpur diễn ra vào ngày 24/4, người đứng đầu Hãng hàng không Malaysia, ông Ahmad Yahya nói rằng, hàng hóa là pin có trọng lượng tổng cộng 200kg.

Theo nhiều chuyên gia thì pin phải được xử lý cẩn thận bởi đây là mặt hàng dễ cháy. "Thủ tục đặc biệt phải được tuân thủ trong trường hợp pin bị hư hỏng, bao gồm cả việc kiểm tra và đóng gói lại nếu cần thiết", một chuyên gia nói. Trước đó đã có đồn đoán rằng, một đám cháy liên quan đến pin có thể là nguyên nhân gây ra rủi ro cho  chiếc máy bay.

Theo The Star, cuộc điều tra về hàng hóa không xác định trong chuyến bay một lần nữa đặt ra nghi vấn về 20 hành khách trên máy bay. Họ là nhân viên của Freescale Semiconductor, một công ty công nghệ ở Texas chuyên sản xuất chất bán dẫn, trong đó có phát triển các thành phần của vũ khí công nghệ cao. Freescale Semiconductor có nhà máy ở Kuala Lumpur và Thiên Tân (Trung Quốc). Một vài comment trên trang web tin tức Beforeitsnews từng nhận định rằng, MH370 "chở" vũ khí chiến tranh điện tử công nghệ cao

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.