2 đời Chủ tịch Hạ viện có chung một kết cục

Thứ Tư, 12/08/2015, 12:00
Tuyên bố chiều 2/8 của Thủ tướng Australia Tony Abbott đồng nghĩa với việc, Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop có kết cục giống cựu Chủ tịch Hạ viện Peter Slipper gần 3 năm trước (9/10/2012) - từ chức.

Mặc dù bê bối của bà Bronwyn Bishop khác với ông Peter Slipper - trong khi bà Chủ tịch bị cáo buộc lạm dụng công quỹ, sử dụng phương tiện di chuyển đắt tiền không cần thiết cho những chuyến công tác, ông Chủ tịch bị một nhân viên cũ tố giác gửi tin nhắn quấy rối và bị cảnh sát điều tra tội lạm dụng công quỹ. Cả 2 người đều phải ra đi.

Từ bê bối của bà Bronwyn Bishop

Ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Tony Abbott, bà Bronwyn Bishop cho biết, đã thông báo tới Toàn quyền Peter Cosgrove và đề nghị được từ chức ngay lập tức. Mặc dù Thủ tướng Tony Abbott đã nhắc tới những đóng góp của bà Bronwyn Bishop với Quốc hội và người dân Australia, nhưng điều đó cũng không cứu được Chủ tịch Hạ viện phải ra đi.

Bà Bronwyn Bishop

Theo giới truyền thông, Quốc hội Australia đang trong kỳ nghỉ Đông, phải tới ngày 10/8 mới họp trở lại và khi đó chủ đề của Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop sẽ được tái đề cập. Theo báo cáo hôm 20/7 của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2014, chi phí cho những chuyến công tác của Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop đã lên tới 800.000 AUD (khoảng 560.000 USD), chưa bao gồm 2 chuyến đi trong nước sử dụng trực thăng để gây quỹ cho đảng Tự do.

Phe đối lập cáo buộc, bà Bronwyn Bishop đã dùng trực thăng với chi phí hơn 5.000 AUD để di chuyển giữa 2 thành phố chỉ cách nhau 80km. Trong số tiền 800.000 AUD, gần 50% là các khoản chi công tác nước ngoài.

Theo giới truyền thông, Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop đã chi 90.000 AUD cho chuyến công tác tới châu Âu, riêng việc sử dụng xe Limousine đã tốn 1.000 AUD mỗi ngày.

Công đảng không những chỉ trích liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Tony Abbott, mà còn kêu gọi bà Bronwyn Bishop phải từ chức; đồng thời cho rằng, với sự quản lý lỏng lẻo, sẽ còn nhiều quan chức trong liên minh cầm quyền lạm dụng tiền đóng thuế của người dân. Thủ tướng Tony Abbott vừa yêu cầu cơ quan chức năng phải rà soát lại các hệ thống bị coi là còn thiếu hiệu quả, cũng như xem xét lại toàn bộ chi tiêu của các nghị sỹ để người dân có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, tiền thuế của họ không bị lạm dụng.

Mặc dù đã hoàn lại số tiền lạm chi cùng khoản tiền phạt 25% và công khai xin lỗi, nhưng ông Bill Shorten, thủ lĩnh Công Đảng đối lập vẫn cho rằng, động thái của bà Bronwyn Bishop "quá muộn và không thể hiện sự ăn năn", đồng thời kêu gọi Thủ tướng Tony Abbott công khai kết quả cuộc điều tra của Bộ Tài chính về việc này. Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop từng từ chối xin lỗi, bác bỏ việc từ chức và khẳng định, chi phí cho các chuyến đi kể trên là "hoàn toàn trong giới hạn cho phép" bởi bằng chi phí cho những chuyến đi tương tự của các quan chức khác.

Tới vấn nạn tình dục của ông Peter Slipper

Ngày 9/10/2012, Chủ tịch Hạ viện Peter Slipper tuyên bố từ chức, sau khi bị James Ashby, nhân viên cũ tố giác gửi tin nhắn quấy rối tình dục và cảnh sát đang điều tra tội lạm dụng công quỹ. Ban đầu, ông Peter Slipper từng bác bỏ những cáo buộc kể trên, nhưng sau đã xin lỗi về các tin nhắn, đồng thời cho rằng, chúng thuộc về đời sống cá nhân và phần lớn những tin đã gửi khi chưa làm Chủ tịch Hạ viện.

Thủ tướng Tony Abbott khi đó là lãnh đạo phe đối lập đã kêu gọi cách chức Chủ tịch Hạ viện vì cho rằng, ông Peter Slipper là người "không thích hợp" để làm việc tại Hạ viện. Việc từ chức khi đó của ông Peter Slipper là một đòn đánh mạnh vào uy tín của nữ Thủ tướng bởi bà Jullia Gillard đã đề cử ông vào ghế Chủ tịch Hạ viện sau khi người này rời bỏ đảng Tự do của ông Tony Abbott.

Ông Peter Slipper còn bị cáo buộc chi 75.000 AUD cho các chuyến đi công tác. Người đóng thuế Australia còn phải chi 1.700 USD cho chuyến đi của ông Peter Slipper từ Queensland tới Sydney để Chủ tịch Hạ viện xem trận đấu cricket của đội Test và ăn bữa trưa với đội này.

Ông Peter Slipper.

Theo tờ Daily Telegraph, ông Peter Slipper đã ve vãn, tiếp cận trợ lý James Ashby, là người đồng tính, dù anh này không muốn nên đã bị kiện. Trong đơn kiện, James Ashby cho biết, kể từ khi làm cho ông Peter Slipper (tháng 12/2011), anh thường nhận được những tin nhắn "kỳ cục" từ Chủ tịch Hạ viện. Có lần ông Peter Slipper kêu đau cổ và yêu cầu James Ashby massage cho mình và trong quá trình này, Chủ tịch Hạ viện đã rên lên giống như người ta đang quan hệ tình dục.

Ngoài ra, ông Peter Slipper còn yêu cầu James Ashby mỗi lần tắm tại nhà riêng của mình ở Canberra phải mở cửa phòng tắm. Và thường hỏi anh thuộc nhóm "twink" (đồng tính) hay "bear" (quan hệ cả với nam và nữ). Do đó, James Ashby đã đề nghị ông Peter Slipper phải bồi thường tổn thất tinh thần.

Trọng Hậu
.
.
.