2 vụ bê bối thịt bẩn "khủng"

Thứ Bảy, 25/03/2017, 21:26
Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil đang có những diễn biến mới sau khi Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Chile và Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu thịt từ nước này.

Chỉ mấy ngày sau thông báo của cảnh sát Brazil (17-3), nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những quyết định cứng rắn, bất chấp việc Tổng thống Brazil Michel Temer tuyên bố, chỉ có 21 trong tổng số hơn 4.800 cơ sở sản xuất thịt của nước này có liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn.

Từ kinh hoàng ở Brazil

Vì là quốc gia sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất thế giới - xuất khẩu thịt chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt của thế giới và được xuất khẩu tới 150 nước và vùng lãnh thổ, nên vụ bê bối thịt bẩn ở Brazil đang khiến dư luận quan ngại.

Ngày 19-3, Tổng thống Michel Temer đã gặp các nhà ngoại giao nước ngoài để trấn an về vụ bê bối thịt bẩn. Và cho rằng, hệ thống kiểm dịch của Brazil được đánh giá đạt tiêu chuẩn nhất thế giới.

Tổng thống Michel Temer (trái) và Đại sứ Angola tại Brazil Nelson Manuel Cosme thưởng thức món thịt nướng.

Trước đó, ông Michel Temer đã họp khẩn với các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi, Bộ trưởng Ngoại thương Marcos Pereira cùng đại diện các trung tâm giết mổ và sản xuất thịt. Văn phòng Nội các Brazil cho biết, Bộ Nông nghiệp có hệ thống giám sát và kiểm định chặt chẽ xuất xứ và chất lượng nguồn thịt được bán ra.

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp, đây chỉ là vụ việc riêng lẻ, không đại diện cho ngành sản xuất thịt của nước này. Chính phủ Brazil cũng khẳng định, sẵn sàng mở cửa nếu các nước nhập khẩu muốn tiến hành kiểm định. Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi cũng đã gặp đại sứ các nước để trấn an họ và cố gắng ngăn chặn khả năng bị trừng phạt.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thịt bò Brazil (ABPA) Francisco Turra cảnh báo, vụ bê bối thịt bẩn đang khiến toàn bộ ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil rơi vào cảnh khốn đốn, thậm chí phá hủy thương hiệu vốn có trên thế giới. Xuất khẩu thịt là ngành mang lại 12 tỷ USD/năm của Brazil.

Quyết định dừng nhập khẩu mọi sản phẩm thịt từ Brazil của Trung Quốc (20-3), quốc gia chiếm gần 1/3 tổng giá trị xuất khẩu 13,9 tỉ USD của ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil trong năm 2016, và hơn 80% trong tổng số 107.400 tấn thịt gà Hàn Quốc nhập khẩu năm 2016 từ quốc gia này, được coi là đòn giáng mạnh và hậu quả nhãn tiền của vụ bê bối thịt bẩn.

Đại sứ EU tại Brazil Joao Cravinho yêu cầu Chính phủ Brazil cung cấp các bằng chứng và thông tin toàn diện liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn. Theo giới truyền thông, cuộc điều tra được cho là bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của Brazil đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài khu vực.

Bởi JBS SA (nhà sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới) và BRF SA (nhà xuất khẩu thịt gia cầm lớn nhất thế giới) là 2 công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil đã hối lộ nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn.

Giá cổ phiếu của BRF SA và JBS SA trong ngày 20-3 đã mất 10 điểm % sau thông tin về vụ bê bối thịt bẩn. BRF SA nổi tiếng với các sản phẩm thịt mang thương hiệu Sadia và Perdigao. Còn JBS SA nổi tiếng với các thương hiệu như Big Frango, Seara Alimentos và Swift.

Để đưa ra thông báo hôm 17-3, cảnh sát Brazil đã mất 2 năm điều tra và người ta phát hiện thấy, trong các sản phẩm thịt chế biến của các công ty "trong tầm ngắm" có chứa khuẩn salmonella, một loại khuẩn biến thức ăn thành độc hại đối với con người.

Cảnh sát phát hiện một đường dây nhận hối lộ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm không đạt chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ. Đại diện cảnh sát thông báo các cơ sở sản xuất đã sử dụng những chất có nguy cơ gây ung thư để làm sản phẩm có màu đẹp và mùi thơm. Theo tuyên bố của cảnh sát, vụ bê bối thịt bẩn được tiến hành trong Chiến dịch Weak Flesh.

Trong ngày 17-3, cảnh sát đã điều hơn 1.000 người đột kích vào 194 địa điểm nghi vấn tại 6 bang, sau khi có bằng chứng của ít nhất 40 vụ việc. Được biết, 3 nhà máy đóng gói thịt đã phải đóng cửa, 21 nhà máy bị điều tra bởi nhiều sản phẩm thịt và xúc xích của họ bị cáo buộc có những thành phần không đảm bảo vệ sinh. Một trong những thủ đoạn được các công ty "trong tầm ngắm" từng sử dụng để làm mất mùi hôi của thịt chính là axít không được phép dùng trong thực phẩm.

Cùng ngày 17-3, cơ quan tư pháp đã ra lệnh bắt giam gần 30 người, 33 nhân viên Bộ Nông nghiệp bị tình nghi có dính líu tới đường dây nhận hối lộ đã bị đình chỉ công việc. Nhưng các công ty "trong tầm ngắm" đều phủ nhận cáo buộc của cảnh sát. Còn giới quản lý tuyên bố, chưa phát hiện trường hợp nào tử vong hay bị bệnh có liên quan tới cuộc điều tra thịt bẩn.

Tới rúng động ở Trung Quốc

Vụ thịt đông lạnh với thời gian bảo quản hơn 40 năm ở Trung Quốc từng gây rúng động dư luận gần 2 năm trước. Vụ việc được đăng tải sau khi hải quan Trung Quốc thu giữ (tháng 6-2015) số thịt bẩn trị giá tới 3 tỉ nhân dân tệ (khoảng 483 triệu USD), trong đó có những loại đã thối rữa và để đông lạnh hơn 40 năm.

Cảnh sát Brazil áp giải các nghi phạm bị bắt trong vụ thịt bẩn.

Khi đó tờ China Daily từng dẫn lời ông Trương Đào, quan chức hải quan tỉnh Hồ Nam tới kiểm tra rằng "thịt bốc mùi kinh khủng, tôi gần như nôn mửa khi mở cửa ra".

Theo thông báo của ông Trương Ba, Phó Cục trưởng Cục Chống buôn lậu, số thịt bị thu giữ hầu hết đều quá hạn dùng, không an toàn với người sử dụng. Nếu ăn có thể mắc các bệnh nguy hiểm đe dọa tới tính mạng như cúm gia cầm, lở mồm long móng.

Theo cảnh báo của ông Lương Gia Thanh, Phó giáo sư sinh học ứng dụng và công nghệ hóa học tại Đại học Bách khoa Hongkong, số thịt kể trên có thể được ướp một lượng lớn hóa chất có nguy cơ gây ung thư, hoặc chứa những vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Và những chất bảo quản không mùi, không vị nên khó phát hiện và có thể gây ung thư nếu dùng với một lượng lớn.

Ông Trương Ba còn cho rằng, để tiết kiệm chi phí, bọn buôn lậu vận chuyển thịt đông lạnh bằng xe tải thông thường, không phải xe đông lạnh chuyên dụng. Đó là một trong những vụ buôn lậu thịt lớn nhất từ trước đến nay ở tỉnh Hồ Nam.

Và bọn buôn lậu định phân phối số thịt kể trên tới tỉnh Quảng Đông, Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh trước khi vào nhà hàng, siêu thị hoặc bán trên mạng. Tại thời điểm kể trên, cơ quan chức năng Trung Quốc đã bắt 20 người, phá 21 băng nhóm tội phạm, tịch thu hơn 100.000 tấn thịt, trong đó có cánh gà, thịt bò và thịt lợn.

Theo giới truyền thông, số thịt kể trên được buôn lậu vào Trung Quốc qua ngả Hongkong và đến từ Brazil và Ấn Độ. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, Trung tâm An toàn Thực phẩm Hongkong (CFS) cho biết, chính quyền đặc khu ít khi kiểm tra các lô hàng thực phẩm xuất khẩu hoặc tái xuất.

Được biết, cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành truy quét tại 14 tỉnh thành, sau khi hải quan tỉnh Hồ Nam thu giữ 800 tấn thịt bẩn hôm 1-6-2015, bắt 20 thành viên của 2 băng nhóm chuyên buôn lậu thịt đông lạnh. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, trong năm 2014, 295.000 tấn thịt bò, 562.000 tấn thịt lợn và 440.000 tấn thịt gà đông lạnh được nhập khẩu vào nước này.

Hơn 1 tháng trước (13-2), Tổng cục Giám sát và Quản lý thực phẩm & dược phẩm quốc gia (CFDA) thông báo, nhiều kế hoạch mang tầm quốc gia liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm & dược phẩm trong giai đoạn "Quy hoạch 5 năm lần thứ 13" (2016-2020) được ban hành.

Theo đó, Trung Quốc tiếp tục siết chặt những quy định và sửa đổi các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm & dược phẩm. Nhưng các kế hoạch kể trên muốn giành kết quả cần hoàn thiện hệ thống kiểm soát toàn bộ quy trình và toàn bộ dây chuyền sản xuất thực phẩm & dược phẩm, đặc biệt là các quy định liên quan tới công tác kiểm soát nguồn gốc và ngăn chặn nguy cơ.

Ngoài ra còn phải cải thiện cơ cấu phối hợp liên ngành trong công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm & dược phẩm để có thể ngăn chặn tốt hơn các vụ vi phạm.

Theo thống kê của CFDA, trong giai đoạn 2013-2015, Trung Quốc đã xử lý 1,1 triệu trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tương lai, người vi phạm sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc, chẳng hạn như hành vi làm giả thực phẩm sẽ bị khởi tố hình sự.

Được biết, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngành chức năng trong 5 năm tới phải sửa đổi ít nhất 300 tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và khoảng 3.050 tiêu chuẩn về an toàn dược phẩm.

Gần 3 năm trước (20-7-2014), nhà chức trách Thượng Hải đã đóng cửa nhà máy OSI sau khi phát hiện công nhân ở đây trộn thịt hết hạn vào thịt tươi để chế biến các sản phẩm đồ ăn nhanh. Ngoài ra, OSI còn bị cáo buộc vi phạm hàng loạt vấn đề liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm, như nhặt thịt rơi dưới sàn nhà đưa vào dây chuyền chế biến.

Sau đó hãng ăn nhanh McDonald cũng xác nhận, thịt của OSI đã được dùng trong các nhà hàng của họ ở Nhật Bản. Và khoảng 500 cửa hàng McDonald ở Nhật Bản phải tạm ngừng bán McNugget trong khi chờ lấy nguồn hàng mới.

Tập đoàn Nhật Bản Asahi Holdings từng (8-1-2015) thu hồi khoảng 120.000 gói sản phẩm thịt trộn khoai tây cho trẻ em sau khi người tiêu dùng phát hiện một gói sản phẩm có chứa một con dế.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã yêu cầu thu hồi sản phẩm thịt gà của hãng Barber Foods (Ba Lan), sau khi nhận khiếu nại từ một số người tiêu dùng ở Minnesota và Wisconsin - bị ngộ độc sau khi ăn thịt gà của Barber Foods. Những sản phẩm bị thu hồi được sản xuất từ ngày 17-2 đến 20-5-2015.

Mì ăn liền Maggi của Tập đoàn Nestle ở Ấn Độ đã bị rút khỏi thị trường nước này (tháng 6-2015), sau khi bị cáo buộc về lượng chì dư thừa trong sản phẩm. Có ít nhất 6 bang ở Ấn Độ cấm mì Maggi sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy hàm lượng chì cao trong sản phẩm.

Trịnh Huyền My
.
.
.