22 năm một vỏ bọc hoàn hảo

Thứ Hai, 15/08/2016, 14:00
Hai mươi hai năm bỏ trốn, Trịnh Tố Tường (SN 1972, HKTT tại xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội cố ý gây thương tích (gây hậu quả chết người) đã tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo.


Dưới tên giả là Phạm Văn Tưởng (SN 1969, quê ở Hải Phòng), Tường ung dung sống cùng vợ và các con ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Nhưng lưới trời lồng lộng, kẻ gây án đã bị Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ và dẫn giải về trụ sở an toàn vào ngày 25-7.

Trở lại thời điểm hơn 22 năm về trước, ngày 25-1-1994, Tường khi đó còn là chàng thanh niên choai choai như thường lệ cùng nhóm bạn gồm Trịnh Xuân Bình (SN 1971, trú tại Thanh Cường, Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng cũ) và Đặng Văn Tuấn (cũng trú tại địa chỉ trên) rủ nhau đi chơi. 

Khi đi qua cầu thôn Thuần Mỹ, xã Vĩnh Lập, Nam Thanh, Hải Hưng cũ), Tường và Bình đạp xe vượt lên trước hai anh Điệp và Hà đang dắt xe đạp đi cùng chiều. Tuấn đi phía sau, tay lái loạng choạng bị đâm vào hàng rào ở gần đó... Chỉ vì lý do nhỏ nhặt đó, đối tượng này đã gây sự, cãi nhau với anh Hà và Điệp. 

Ỷ thế đông người, Tuấn sau đó đã gọi cho Tường và Bình quay lại. Chưa hiểu "đầu cua, tai nheo" thế nào, Bình liền túm cổ áo anh Hà đe dọa. Trong lúc vật lộn, anh Hà ngã xuống mương nước còn anh Điệp cũng bị đánh chảy máu mũi. Bị đánh đau, anh Hà chạy vào nhà anh Hồng; còn anh Điệp chạy vào nhà anh Ninh còn Tuấn chạy ngược lại quán của anh Khai, là những người trong xã. 

Anh Hà lấy chiếc gáo nước bằng tôn đuổi đánh Tường và Bình. Bình chống trả quyết liệt bằng tất cả những thứ anh ta có trong tay. Đối tượng dùng dép còn Tường dùng áo bò đánh lại anh Hà và Điệp. 

Về phần Tuấn, anh ta lấy chiếc kéo để ở một quán sửa xe ở gần đó, đâm vào bả vai anh Điệp. Sau khi gây án, Bình bị bắt còn Tường và Tuấn bỏ trốn khỏi địa phương. Đối tượng Bình bị tuyên phạt 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Đối tượng Trịnh Tố Tường.

Hai mươi hai năm Tường bỏ trốn, nhiều lớp cán bộ làm công tác truy nã của Công an tỉnh Hải Dương đã bỏ công sức tìm kiếm nhưng không thu được thông tin gì về đối tượng này. Nhiều cán bộ trinh sát khi đó đã phải thốt lên "cứ như là hắn đã bốc hơi". Câu trả lời ấy đã được các trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Hải Dương có câu trả lời chính xác sau 22 năm. 

Sau khi gây án, Tường bỏ trốn vào tỉnh Đắk Nông. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật cùng nỗi sợ hãi đã đẩy Tường vào một sai lầm nghiêm trọng. Trong vụ án này, Tường không phải là đối tượng chính. Và dù hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng song anh ta cũng chỉ là đồng phạm... 

Vì sợ hãi, Tường đã rơi vào cái bẫy của những kẻ đào vàng rồi bị giam giữ ở đó trong 10 năm. Đây là lý do vì sao những năm đầu, các thế hệ làm công tác truy nã của Công an tỉnh Hải Hưng và sau này là Công an tỉnh Hải Dương không phát hiện được tung tích của anh ta. 

Cuộc sống của  Tường trong những năm tháng ấy chẳng khác gì địa ngục trần gian. Tường và các đối tượng có cùng cảnh ngộ bị chủ bưởng vàng bắt làm việc quần quật; bị bỏ đói rồi đánh đập không thương tiếc... 

Sống trong sự quản chế của các đối tượng, Tường chỉ muốn đến cơ quan Công an đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật nhưng rơi vào bế tắc. Khoảng cuối năm thứ 10, trong một đêm mưa gió bão bùng, đối tượng trốn thoát ra bên ngoài.

Sau một thời gian lang thang, Tường chọn xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng làm nơi trú chân. Tâm sự với cán bộ Phòng PC52 Công an tỉnh Hải Dương trong quá trình dẫn giải từ các tỉnh miền Nam ra Bắc vào những ngày tháng 7-2016, Tường tâm sự: 

Khi bị nhốt trong bãi vàng, tôi chỉ muốn đến cơ quan Công an đầu thú. Nhưng khi trở lại với cuộc sống bên ngoài, tôi lại nghĩ, mười năm qua Công an không phát hiện ra mình nên lại tiếp tục lẩn trốn... Những ngày tháng lang thang trong các bưởng vàng dù ít hay nhiều, anh ta cũng bị nhiễm các thói hư tật xấu và hiểu được mánh khóe của giới giang hồ. 

Để tránh bị phát hiện, Tường làm tên giả là Phạm Văn Tưởng, thay đổi năm sinh, quê quán, từ năm 1972 thành năm 1969; đổi quê từ Hải Dương thành Hải Phòng. Trong qúa trình sinh sống tại đây, Tường dưới tên là Tưởng đã nên duyên vợ chồng với một người phụ nữ quê Thanh Hóa rồi có với nhau hai mặt con. 

Năm 2010 Tường đã bị bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản; bị tuyên phạt 24 tháng tù giam. Trong vụ việc này, Tường có thể qua mắt các lực lượng chức năng là do đối tượng thường nói rằng bỏ nhà đi từ nhỏ và không biết gì về gia đình, khiến việc xác minh về lý lịch đối với lực lượng chức năng là cực kỳ khó khăn. 

Hai năm phiêu bạt ở đó, đối tượng Tường ra trại, kẻ trốn lệnh truy nã đặc biệt về hành vi cố ý gây thương tích chắc mẩm rằng, quá khứ đen tối của anh ta sẽ mãi mãi bị trôn vùi cùng với thời gian. Bởi thế, Tường giấu nhẹm nhân thân của mình, ngay cả người vợ đầu gối tay kề cũng không biết Tưởng có tên thật là Tường, đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm của Công an tỉnh Hải Dương.

Những ngày đầu tháng 7 -2016, thực hiện kế hoạch của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương tổ chức xác minh các đối tượng trốn truy nã đang lẩn trốn tại các tỉnh phía Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, Phòng PC52 đã cử một tổ công tác lên đường. Tường là một trong 8 đối tượng nằm trong danh sách truy bắt đợt này. 

Qua công tác quản lý nghiệp vụ, Phòng PC52 dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Long Vân, Trưởng phòng PC52 có thông tin đối tượng đang trốn tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. 

Tài liệu thu thập được xác định, tại khu vực này có một người đàn ông, có nhiều thông tin trùng khớp với Tường. Người này đã kết hôn với một người phụ nữ ở Thanh Hóa; anh ta bị thọt một chân... Ngày 13-7, tổ công tác của PC52 có mặt tại địa bàn. 

Với sự phối hợp của Công an địa phương, họ phát hiện đối tượng Phạm Văn Tưởng có nhiều thông tin trùng khớp với Tường. Thượng tá Vũ Khắc Linh, Phó trưởng Phòng PC52 Công an tỉnh Hải Dương, người trực tiếp chỉ đạo quá trình bắt giữ cho biết: Hai mươi hai năm bỏ trốn, thời gian và tuổi tác đã có sự thay đổi nhiều. Trong khi đó, anh em lại không có được tấm ảnh căn cước của đối tượng trốn truy nã. Để xác minh, làm rõ tung tích đối tượng là một  thách thức với các trinh sát.

Với sự phối hợp của chính quyền địa phương, họ đã mời người đàn ông tên Tưởng đến trụ sở Công an xã làm việc, yêu cầu viết bản tường trình về việc đối tượng đang chuẩn bị làm thủ tục xóa án tích về tội trộm cắp tài sản. 

Lực lượng trinh sát đã khéo léo yêu cầu người đàn ông tên Tưởng viết rõ nhân thân, gia đình và mối quan hệ anh em, họ hàng nhưng đối tượng rất cảnh giác. Người đàn ông tên Tưởng khai rằng anh ta ở xã Đẳng Cương, huyện An Hải, TP Hải Phòng. 

Ngay khi có thông tin này, cán bộ đơn vị đã liên hệ Công an huyện An Hải (Hải Phòng). Kết quả xác minh xác định không có địa danh nào tên là Đẳng Cương như lời đối tượng Tưởng nói. Bằng linh cảm nghề nghiệp, tổ công tác của Phòng PC52 đã nhận thấy những điểm không bình thường. Nếu nói dối thì sẽ bộc lộ những sơ hở... 

Lực lượng trinh sát âm thầm nắm bắt tâm lý của người đàn ông khai tên là Tưởng; đồng thời tiếp tục xác minh tại xã Đặng Cương nhưng không có ai mang tên như lời khai của người đàn ông mang tên Tưởng. 

Trong quá trình ấy, các trinh sát vẫn giữ bí mật, không để đối tượng biết rõ được ý đồ của cơ quan điều tra. Họ tiếp tục yêu cầu người đàn ông này khai rõ tên, tuổi, địa chỉ, họ hàng và những người thân trong gia đình. Lúc này, Tưởng bộc lộ rõ thái độ lúng túng. Anh ta khai báo không thành khẩn, lúc thì khai không nhớ cha mẹ là ai. Có khi trả lời sai tên các anh, em trong gia đình... 

Chọn đúng thời điểm tâm lý đối tượng yếu nhất, một trinh sát đã nói rõ: anh là Trịnh Tố Tường, đối tượng có lệnh truy nã về hành vi cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng. Khuôn mặt của gã đàn ông từ từ chuyển sang trắng bợt, Tường run rẩy không cầm nổi chiếc bút, mồ hôi rịn ra. Tường lắp bắp: Vì sao các anh lại phát hiện ra tôi.

Hắn bất ngờ vì sao Công an tỉnh Hải Dương lại biết được điều đó. Với thái độ cương quyết, vừa mềm rẻo, anh em trinh sát khóa tay đối tượng ngay tại ghế. Cùng với việc lấy lời khai đã trấn an đối tượng về tinh thần. 

Đến lúc này, Tưởng đã thừa nhận anh ta là Trịnh Tố Tường, rồi khai tên thật của bố, mẹ và những người thân trong gia đình (không có chứng minh nhân dân). Ngày 25-7, Tường đã bị Công an tỉnh Hải Dương dẫn giải về trụ sở đơn vị, kết thúc 22 năm lẩn trốn.

Xuân Mai
.
.
.