22 năm trốn truy nã và ngày trở về trong tuổi già

Thứ Sáu, 03/04/2015, 08:00
Năm 1980 bị bắt vì tội giết người. Năm 1988 bị bắt về tội trộm cắp. Năm 1993 bị truy nã về tội trốn khỏi nơi giam giữ. Trong thời gian trốn nã vẫn ra tay trộm cắp… Đó là lý lịch trích ngang của Lê Văn Sơn (SN 1962, tổ Đồng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My), đối tượng truy nã vừa bị Công an Quảng Nam bắt ngày 6/3/2015.

Tiền án nhiều hơn… tiền mặt

Đã 35 năm trôi qua nhưng vụ án Lê Văn Sơn giết cha dượng vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân tổ Đồng Bộ. Khoảng 18 giờ ngày 10/9/1980, cha dượng Sơn là N.Đ.L (SN 1932) uống rượu say rồi qua nhà Sơn chửi mắng om sòm. Lúc này Sơn đóng kín cửa và ngồi một mình trong nhà. 

Sau một hồi la lối, ông L về nhà lấy một cái rựa sang nhà Sơn. Miệng vừa chửi, tay ông vừa vung rựa vào cánh cửa bằng phên tre. Khi cánh cửa bị phá, dù hai chân đứng ở phía ngoài nhưng tay cầm rựa của ông L vẫn cố vung lên vung xuống về phía bên trong. 

Nhưng ông ta chỉ vung được vài cái thì cánh tay bị một vết chém khiến ông ngã chúi xuống đất. Ông L chưa kịp tỉnh rượu và nhận biết được nỗi đau trên da thịt thì chiếc rựa trên tay Sơn vung lên một cách uất ức. Chỉ vài phút sau ông L tử vong.

Lê Văn Sơn bây giờ.


Sau khi sát hại cha dượng, Lê Văn Sơn cầm nguyên cái rựa còn dính máu đến Công an Trà My (nay là Bắc Trà My) tự thú. Sơn nói với một cán bộ điều tra Công an huyện: “Tôi vừa cầm cây rựa này chém chết cha tôi rồi”. Anh cán bộ bán tín bán nghi hỏi: “Chém ở đâu?”. Sơn trả lời rành rọt: “Ở nhà tôi”. Ngay sau đó, Công an huyện Trà My triển khai lực lượng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và bắt tạm giam Sơn.

Hành vi giết người của Sơn là điều không thể tha thứ, tuy nhiên cái chết của nạn nhân là cũng một phần do chính ông ta gây nên. Sơn mất cha từ bé, là cha dượng nhưng ông ta không hề yêu thương, bù đắp tình cảm mà Sơn không may thiếu thốn. Ngược lại, hằng ngày ông ta uống rượu say về đánh đập bà H.T.N (mẹ Sơn) và chửi mắng Sơn thậm tệ. 

Mẹ tái giá khi Sơn mới được ba tuổi, cũng từ đó Sơn sống với dì, thiếu hẳn bàn tay chăm sóc của mẹ. Khi được 17 tuổi, Sơn xin đất bên nhà mẹ và cất một ngôi nhà nhỏ để mẹ con được gần nhau. Nào hay, chẳng ngày nào Sơn được yên bởi người cha dượng độc ác. Mâu thuẫn tích tụ ngày một nhiều và cho đến ngày định mệnh hôm ấy, Sơn trút hận thù để kết thúc cuộc đời của người đàn ông mà Sơn gọi là cha dượng.

Vì hành vi giết chết ông L, Sơn bị kết án 13 năm tù. Năm 1986, khi chấp hành án được 6 năm thì Sơn trốn trại. Vốn trình độ lớp 5, lại không có nghề nghiệp và không có ai nương tựa nên Sơn trở thành kẻ lang thang, sống nay đây mai đó. Túng bấn, Sơn đổ liều trộm cắp tại Tiên Phước rồi trốn lên Trà My sinh sống. Ngày 28/4/1988, Sơn bị Công an Trà My bắt theo lệnh truy nã. Ngày 22/11/1988, TAND tỉnh QN-ĐN (cũ) kết án Sơn 5 năm tù về tội trộm cắp và tội trốn khỏi nơi giam giữ.

Lần thứ hai vào trại, Sơn không vượt ngục nữa mà tích cực cải tạo tốt. Tháng 2/1993, Sơn được mãn cải tạo tha về địa phương. Lúc này, mẹ Sơn đã mất, Sơn càng hụt hẫng và không có ai để làm chỗ dựa tinh thần. Sơn lại bắt đầu cuộc sống làm thuê làm mướn. Dù có nhiều tiền án, tiền sự nhưng thấy hoàn cảnh éo le của Sơn nên nhiều người thương và tận tình giúp đỡ. Thế nhưng, Sơn không lấy đó làm điểm tựa để phấn đấu trong cuộc sống mà lại quay về con đường trộm cắp.

18h chiều 17/11/1993, khi đang ở chung nhà với anh K.T.Q (tổ Đồng Bộ), Sơn đến tủ quần áo để lấy đồ thay. Khi mở tủ ra thấy một túi xách màu vàng nhưng không đóng dây kéo, Sơn tò mò nhìn vào và thấy một xấp tiền. Không chần chừ, Sơn liền thò tay lấy xấp tiền đó bỏ vào túi quần rồi mang ra chuồng heo sau nhà giấu ở mái tranh để chờ thời cơ thuận lợi lấy.

Sau khi thay quần áo và đi chơi quanh xóm, đến khuya cùng ngày Sơn trở về. Khi về đi ngang qua nhà anh N.Đ.T (tổ Đồng Bộ), thấy cửa nhà anh T khép hờ, Sơn bước vào. Vừa mở cửa ra, thấy một máy cassette để trên bàn, trong nhà lại không có người, Sơn liền ẵm chiếc máy cassette đi ra. Sợ người khác phát hiện, Sơn mang máy cassette ra bờ suối cách đó 200m giấu để chờ cơ hội thuận lợi là đến lấy.

Sáng 18/11/1993, cả anh Q và anh T đều làm đơn báo Công an và cả hai đều nghi ngờ Sơn là thủ phạm. Khi Công an mời làm việc, Sơn một hai bảo mình không hề biết máy cassette cũng như tiền và thề thốt mình “trong sạch”. Thế nhưng, 4 giờ sáng  19/11/1993, khi mọi người đang còn nằm ngủ thì Sơn lẻn ra bờ suối lấy máy cassette rồi đón xe xuống ngã ba Nam Ngãi (Tam Kỳ) bán được 86.000 đồng. 

Riêng về xấp tiền giấu ở mái tranh chuồng heo, khi lên núi làm rẫy, Sơn nhờ một người bạn tên Ng ghé về nhà anh Q lấy giúp. Sơn bảo, đó là số tiền Sơn dành dụm được và đừng nói cho ai biết kẻo lần sau người khác theo dõi việc Sơn cất tiền sẽ chiếm đoạt. Ngày 22/11/1993, anh Ng đến nhà anh Q và thực hiện những việc Sơn nhờ. Ngày 25/11/1993, khi chưa kịp gặp anh Ng để “lấy tiền của mình” thì Sơn bị Công an bắt.

Trong thời gian tạm giam tại nhà tạm giữ của Công an huyện Trà My để điều tra thì Sơn lại tiếp tục giở trò vượt ngục. Đó là vào đêm ngày 4, rạng sáng 5/12/1993, lợi dụng đêm tối, Sơn cùng 2 bị can nhốt cùng phòng bẻ cây sắt ở cửa thông gió rồi cạy chốt khóa cửa thoát ra ngoài hành lang. Sơn cùng đồng bọn tiếp tục phá bung lưới B40 của nhà tạm giữ rồi chui ra ngoài. Ngày 28/12/1993, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã phát lệnh truy nã toàn quốc số 02/LTN đối với Sơn về tội trốn khỏi nơi giam giữ.

Trốn nã vẫn… trộm

Sau khi vượt ngục, Sơn quay về quê ngoại Tiên Phước và ngủ tại đây một đêm. Biết ở lâu ngày thế nào cũng bị bắt nên sáng sớm hôm sau Sơn đón xe vào Nam. Lúc này, vì không có một đồng bạc nào trong người nên Sơn liều ra đứng giữa đường xin xe khách Bắc-Nam cho Sơn đi nhờ. Sau vài lần xin, cuối cùng Sơn cũng được một tài xế chở vào miền Nam.

Nơi Sơn đặt chân đến đầu tiên là xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Để có tiền sinh sống, Sơn làm bất cứ nghề gì người ta thuê mướn. Công việc Sơn làm nhiều nhất trong thời gian này là kéo gỗ lậu cho lâm tặc, một công việc trong rừng sâu, luôn đề phòng lực lượng chức năng và người lạ nên được Sơn vận dụng luôn để trốn truy nã.

Lê Văn Sơn 35 năm về trước.

 Năm 1995, Sơn và bà L.T.L (SN 1956) gá nghĩa vợ chồng. Năm 1996, họ sinh được một cô con gái. Sau một thời gian sống ở Sông Ray, họ chuyển về Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu). Rồi chẳng bao lâu sau đó, hai người chia tay, mỗi người mỗi ngả.

Dù đang là đối tượng truy nã nhưng năm 1997, Sơn lại tiếp tục gây án. Vì không có phương tiện để đi làm nên Sơn lấy cắp xe đạp của một người dân. Vụ việc được Công an huyện Xuyên Mộc phát hiện và bắt giữ Sơn. Khi cán bộ điều tra hỏi Sơn tên gì, Sơn khai tên là Nguyễn Hữu Sơn, quê ở Đà Nẵng. Sau đó Sơn bị kết án 6 tháng tù giam.

Quay về nẻo thiện

Chúng tôi có mặt tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Quảng Nam khi các trinh sát vừa di lý Sơn từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về. Không như chúng tôi tưởng, Sơn nhỏ thó và già hơn tuổi rất nhiều. Sơn biện hộ hành động trộm cắp của mình là do cuộc sống quá túng thiếu. Sơn còn tâm sự, suốt 22 năm qua Sơn luôn sống trong lo âu, dằn vặt nhưng không đủ can đảm ra tự thú bởi sợ đối mặt với án tù. Và điều Sơn không ngờ là vẫn bị Công an phát hiện sau một thời gian dài biệt tăm biệt tích.

Đó là đối với Sơn, còn đối với các trinh sát truy nã thì việc phát hiện ra Sơn hay các đối tượng truy nã khác là điều hiển nhiên, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Một trinh sát trực tiếp tầm nã Sơn kể, 16 giờ ngày 6/3/2015, khi Sơn đang tưới cây cho một chủ rẫy tiêu thì các anh đến. Nghe các anh gọi tên, Sơn biết là mình đã bị bắt. Không hề kháng cự, Sơn ngoan ngoãn theo chân các trinh sát về Quảng Nam.

Trước khi về nhà tạm giữ Công an huyện Bắc Trà My, Sơn nói trong tiếc nuối, nếu 22 năm trước Sơn chấp hành án tốt thì ngày nay Sơn đã tránh phải cảnh tuổi già đứng sau song sắt…

Lê Văn Sơn bây giờ

Lê Văn Sơn 35 năm về trước

Lê Văn Sơn bây giờ

Lê Văn Sơn 35 năm về trước

Phương Nam
.
.
.