35 năm vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II: Xuất hiện tình tiết mới?

Thứ Hai, 23/05/2016, 10:36
35 năm trước, Mehmet Ali Agca từng sử dụng hộ chiếu giả để tới Italia (qua ngả Milano), và tới ngày 27-12-2014, mặc dù bị cấm nhập cảnh và nhiều lần bị từ chối cấp visa, nhưng sát thủ vẫn đến đặt hoa trên mộ Giáo hoàng John Paul II (qua đường Áo bằng ôtô), và bị cảnh sát Italia trục xuất ngày 29-12-2014. Và trong 35 năm qua, nhiều thông tin khác nhau đã được đưa ra xung quanh vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II.


Lời khai bất nhất của sát thủ

Ngày 13-5-1981, Giáo hoàng John Paul II bị bắn trọng thương trên Quảng trường Thánh Peter ở Roma, Italia và sát thủ người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca đã bị bắt giữ ngay sau khi gây án. Khẩu súng lục 9 li hiệu Browning của Mehmet Ali Agca đã khai hỏa (bắn liên tiếp 4 phát: 2 phát trúng Giáo hoàng John Paul II và 2 phát trúng 2 du khách đến từ Mỹ và Jamaica) khi đồng hồ nhích gần đến con số 10, khi Giáo hoàng John Paul II đưa tay và cúi xuống chúc phúc cho các con chiên đứng sát thành xe bên phải. 

Theo lời khai của Mehmet Ali Agca (ngay sau khi bị bắt), hắn từng lên kế hoạch ám sát Nhà vua Anh, nhưng vì nước này chỉ có Nữ hoàng, nên đã quay sang Giáo hoàng John Paul II. Ngoài ra, Mehmet Ali Agca còn khai có quan hệ với Palestine, cho dù Tổ chức Giải phóng Palestine đã phủ nhận mọi sự liên quan. 

Và tại phiên tòa xét xử ngày 20-7-1981, Mehmet Ali Agca tuyên bố, Italia không có quyền truy tố hắn vì vụ việc diễn ra ở Vatican và dọa tuyệt thực nếu không được chuyển đến xử tại một tòa án Vatican. Nhưng ngày 22-7-1981, Mehmet Ali Agca đã bị tuyên án chung thân. Giới truyền thông từng cho rằng, phiên xét xử Mehmet Ali Agca diễn ra bất thường và nhanh chóng là nỗ lực nhằm che đậy những bằng chứng về một âm mưu (ám sát Giáo hoàng John Paul II).

Mehmet Ali Agca là thành viên của tổ chức Grey Wolves (Sói xám), theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Corriere Dalla Sera gần 20 năm trước (9-10-1996), Mehmet Ali Agca từng thú nhận, các nhân viên mật vụ Italia muốn đưa “đường dây Bulgaria” vào vụ ám sát, cho dù hắn hạ thủ chỉ một mình. Sau đó (31-3-2005), Mehmet Ali Acga lại tuyên bố, chính các quan chức Vatican đã giúp hắn lên kế hoạch ám sát. 

"Nếu không có sự giúp đỡ của linh mục và hồng y giáo chủ trong Vatican, tôi không thể thực hiện kế hoạch này", Mehmet Ali Agca nói. Ngay lập tức, tuyên bố này đã bị Vatican bác bỏ. "Tôi nghĩ đó là một câu rác rưởi bởi Mehmet Ali Agca luôn là kẻ xảo trá và không bao giờ nói lên sự thật", Hồng y giáo chủ Roberto Tucci tuyên bố.

Giáo hoàng John Paul II - Mehmet Ali Agca.

Mehmet Ali Agca từng khiến thế giới chấn động khi tuyên bố (trong cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Italia và tiếng Anh với tựa đề “Tôi được hứa hẹn lên thiên đường: Cuộc đời tôi và sự thật đằng sau vụ tấn công Giáo hoàng”), cố giáo chủ Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini, đã sai hắn ám sát Giáo hoàng John Paul II. 

Mehmet Ali Agca tuyên bố, hắn được truyền đạo ở Tehran sau khi đào tẩu khỏi một nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ vì sát hại nhà báo Abdi Ipekci, biên tập viên của tờ Milliyet hồi tháng 2-1979. Và trong một cuộc gặp vào ban đêm với cố giáo chủ Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini, Mehmet Ali Agca đã nhận nhiệm vụ giết Giáo hoàng John Paul II. 

“Anh phải giết Giáo hoàng John Paul II nhân danh thánh Allah. Anh phải tiêu diệt kẻ phát ngôn cho quỷ dữ trên trái đất”, Mehmet Ali Agca dẫn lời cố giáo chủ Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini vào trong cuốn sách. Nhưng Vatican đã lập tức bác bỏ những lập luận trong cuốn sách của Mehmet Ali Agca, kể cả việc nói về các liên hệ của hắn ở Iran khi gặp Giáo hoàng John Paul II trong nhà tù hồi tháng 12-1983. 

Người phát ngôn Vatican Federico Lombardi bác bỏ những thông tin Mehmet Ali Agca đưa ra và coi đó là “những lời dối trá mới”. Người phát ngôn Vatican Federico Lombardi còn cho biết, ông đã trao đổi với thư ký của Giáo hoàng John Paul II là ông Stanislaw Dziwisz, người từng có mặt trong phòng giam khi Mehmet Ali Agca gặp Giáo hoàng John Paul II. “Ông ấy hoàn toàn bác bỏ việc 2 người có trao đổi về những người ra lệnh tiến hành vụ tấn công hay về cố giáo chủ Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini, cũng như việc Giáo hoàng đề nghị ông ta cải đạo sang Thiên Chúa giáo”.

Những nhận định khác nhau

Giới truyền thông từng đưa tin, người cứu mạng Giáo hoàng John Paul II là một nữ tu - khi những phát đạn đầu tiên vang lên, bà đã chộp lấy tay sát thủ ghìm xuống đất và đám đông đã lao tới tước vũ khí của hắn. Và hệ thống loa phát thanh trên Quảng trường Thánh Peter liên tục phát đi bản thông báo tình huống bằng 4 thứ tiếng Italia, Anh, Pháp và Trung Quốc. 

Và vì Giáo hoàng John Paul II sinh ra ở Ba Lan, lại công khai ủng hộ phong trào dân chủ tại đây, nên chuyến thăm Ba Lan năm 1979 của ông đã khiến Moskva quan ngại và “thuyết âm mưu” được dàn dựng theo suy nghĩ này. Quá trình điều tra và xét xử “Vụ án bài tôn giáo lớn nhất thế kỷ XX” từng là đề tài nổi cộm của giới truyền thông phương Tây khi đó.

Trước dịp kỷ niệm 30 năm vụ ám sát, tại một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Repubblica (năm 2011), Mehmet Ali Agca từng khẳng định, lý do của vụ ám sát đơn giản hơn nhiều người ta vẫn nghĩ. Tuyên bố này dẫn đến việc bác bỏ các quan điểm từng cho rằng, có sự can thiệp của cơ quan tình báo Bulgaria và KGB trong vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II. 

Và hướng theo giả thuyết cho rằng, tổ chức khủng bố Sói xám muốn trả thù cho các tướng lĩnh quân đội từng bị lợi dụng trong cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1980, sau đó họ bị truy sát tới tận Áo, Đức và Pháp. Theo Hãng Reuters, vẫn chưa rõ ai là chủ mưu vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II. Và cho đến nay, âm mưu sát hại Giáo hoàng John Paul II vẫn là một trong những bí mật lớn nhất của thế kỷ XX.

30 năm sau vụ ám sát (1981-2011), 2 nhà báo Marco Ansaldo và Yasemin Taskin xuất bản cuốn “Kill The Pope: The Truth about the Assassination Attempt on John Paul II” (Giết Giáo hoàng: Sự thật về vụ ám sát John Paul II), và đưa ra luận cứ trái ngược với nhận định của Mỹ trước đó. 

“Ngoại trưởng Mỹ Alexander Haig khi đó muốn tạo ra chứng cứ để chống lại các nước theo chủ nghĩa cộng sản khi Chiến tranh lạnh đang ở thời kỳ đỉnh cao. Trong khi đó, CIA biết rõ việc tổ chức “Những con Sói xám” có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức tội phạm Bulgaria và Mehmet Ali Agca đã đến Bulgaria nhiều lần. Nên CIA đã khéo léo khai thác mối quan hệ này để đổ tội cho chính quyền Bulgaria”, tác giả cuốn sách cho biết. 

Cựu Giám đốc CIA William Casey từng tin rằng, Moskva đứng sau vụ sát hại Giáo hoàng John Paul II và còn chỉ ra cái gọi là “những vấn đề có liên quan đến một số người Bulgaria”. Nhưng nhận định này đã bị chính Giáo hoàng John Paul II bác bỏ - tôi luôn tin rằng, ngay từ đầu, những người Bulgaria hoàn toàn vô tội, họ không việc gì phải làm điều đó.

Quan điểm của Giáo hoàng John Paul II

Sau khi bị bắn và được đưa tới bệnh viện, Giáo hoàng John Paul II đã nói với thư ký riêng, Đức cha Stanislaw Dziwisz: tôi tha thứ cho kẻ ám sát mình. Giáo hoàng John Paul II không những tha thứ cho Mehmet Ali Agca, mà còn tới gặp hắn hồi tháng 12-1983 trong nhà tù ở Rome. Ngoài việc tha thứ, Giáo hoàng John Paul II còn cầu khẩn nhà cầm quyền Italia ân xá cho Mehmet Ali Agca và giữ liên lạc với gia đình của sát thủ nhiều năm sau đó (đã thăm mẹ Mehmet Ali Agca năm 1987). 

Và sau 19 năm thụ án, đầu tháng 6-2000, Mehmet Ali Agca được Tổng thống Italia Carlo Azeglio Ciampi ký lệnh ân xá, sau đó bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau đó Mehmet Ali Agca vẫn phải ngồi 10 năm tù ở Thổ Nhĩ Kỳ vì đã trực tiếp tham gia vụ ám sát nhà báo Abdi Ipekci. Tới tháng 1-2010, Mehmet Ali Agca mới được tự do hoàn toàn.

Giới truyền thông từng đưa tin, sau khi trúng đạn, Giáo hoàng John Paul II lập tức quỵ xuống vì đau đớn, còn sát thủ bị cảnh sát bắt ngay tại hiện trường, nhưng tòng phạm đứng cách đó không xa đã chạy thoát. Trong cuốn sách cuối cùng của mình được xuất bản ít lâu trước khi qua đời, Giáo hoàng John Paul II tái đề cập đến vụ ám sát - mọi người đều nói Mehmet Ali Agca là sát thủ chuyên nghiệp, nhưng đó không phải là chủ kiến của hắn. 

Một kẻ nào đó đã đặt hàng vụ mưu sát này! Và trước khi Giáo hoàng John Paul II qua đời, Chính phủ Italia đã quyết định khôi phục lại quá trình điều tra vụ mưu sát bởi họ coi đây là kết quả của một âm mưu, không phải hành động của một cá nhân. 5 năm trước (1-5-2011) Giáo hoàng John Paul II đã được phong thánh, sau khi qua đời ngày 2-4-2005. Khi hay tin Giáo hoàng John Paul II qua đời, Mehmet Ali Agca đề nghị cho phép đến dự tang lễ, nhưng bị từ chối.

Mehmet Ali Agca là người Hồi giáo cực đoan, từng được cho đã gặp những điệp viên của Bulgaria là Sergei Antonov, Zhelio Vassilev, Todor Aivazov và Bekir Celenk ở Roma để bàn về vụ ám sát ông Lech Waesa, lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan. 

Nhưng tới phút cuối, kế hoạch kể trên bị loại sau khi Mehmet Ali Agca nhận 1,25 triệu USD để ám sát Giáo hoàng John Paul II. 

Trong khi đó, tờ Le Monde từng khẳng định, thủ lĩnh “Sói xám” Abdullah Catli đã khai nhận trước tòa rằng, hắn nhận thực hiện vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II với giá 3 triệu mác Đức, và ông Alparslan Turke, nhà sáng lập “Sói xám” cũng khẳng định điều này.

Anh Phương
.
.
.