4 lần bị tạm dừng chức vụ của Tổng thống Moldova

Thứ Năm, 11/10/2018, 08:10
Tổng thống Igor Dodon lại vừa bị Tòa án Hiến pháp ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ sau khi ông từ chối bổ nhiệm một số thành viên chính phủ theo tờ trình của Thủ tướng Pavel Filip.

Đây là lần thứ 4, Tổng thống Igor Dodon bị Tòa án Hiến pháp ra quyết định như vậy. Và mọi chuyện đều xuất phát từ bất đồng giữa Tổng thống Igor Dodon và Thủ tướng Pavel Filip. Giới truyền thông cho biết, theo đề nghị của các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ, ngày 24-9, Tòa án Hiến pháp đã họp và quyết định của họ đã mở đường cho Chủ tịch Quốc hội Andrian Kandu trở thành quyền Tổng thống và ký sắc lệnh bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế, An sinh Xã hội và Gia đình, Bộ trưởng Nông nghiệp, Phát triển khu vực, Bảo vệ môi trường. 

Được biết, ông Igor Dodon từng từ chối bổ nhiệm 2 bộ trưởng kể trên theo tờ trình của Thủ tướng Pavel Filip hồi tháng 9 với lý do 1 người không có trình độ y học, và người còn lại có nhiều nghi ngờ chưa được làm rõ. 

Theo luật pháp Moldova, Tổng thống có quyền từ chối phê chuẩn các ứng cử viên do Thủ tướng đệ trình, nhưng chỉ 1 lần duy nhất. Tới lần đệ trình thứ hai, Tổng thống có nghĩa vụ phê chuẩn quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng. Và nếu Tổng thống từ chối thì quyền hạn của ông sẽ được chuyển cho Chủ tịch Quốc hội để người này ký sắc lệnh thay Tổng thống.

Tổng thống Igor Dodon.

Nhiều người nói rằng, Tổng thống Igor Dodon không ký phê chuẩn quyết định bổ nhiệm đối với Bộ trưởng Y tế, An sinh Xã hội và Gia đình, Bộ trưởng Nông nghiệp, Phát triển khu vực, Bảo vệ môi trường không phải trước đó mới phải nhập viện vì tai nạn giao thông hôm 9-9. 

Được biết, ông Igor Dodon đã phải nhập viện sau khi chiếc xe chở tổng thống va chạm với chiếc xe tải của nhà máy chế biến thịt trên tuyến đường Straseni-Calarasi, phía Tây Bắc thủ đô Chisinau. 

10 tháng trước (2-1), Tòa án Hiến pháp từng đình chỉ tạm thời quyền lực của ông Igor Dodon vì nhiều lần từ chối bổ nhiệm 5 bộ trưởng và 2 thứ trưởng, theo tờ trình của ông Pavel Filip. 

Sau khi Tòa án Hiến pháp ra quyết định kể trên, Tổng thống Igor Dodon đã coi đây là hành động vi phạm nghiêm trọng thủ tục pháp lý, thậm chí vi phạm dân chủ. Và theo giải thích của ông Igor Dodon, sở dĩ không ký quyết định bổ nhiệm vì các ứng cử viên không đủ khả năng, thậm chí có người bị cáo buộc có liên quan tới tham nhũng.

Hơn 1 năm trước (7-9-2017), ông Igor Dodon đã ký quyết định dừng hiệu lực về việc cử binh sỹ Moldova tham dự cuộc tập trận quân sự của NATO có tên gọi "Rapid Trident-2017" diễn ra tại Ukraine. 

Và động thái này càng làm sâu sắc thêm bất đồng giữa ông Igor Dodon với ông Pavel Filip. Bởi ông Pavel Filip là người ký quyết định cử binh sỹ tham dự cuộc tập trận này. Mặc dù ông Igor Dodon đã dùng quyền Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang để bãi bỏ quyết định của ông Pavel Filip, nhưng đại diện Chính phủ vẫn tuyên bố, binh sỹ Moldova sẽ tham dự cuộc tập trận này. 

Ông Igor Dodon coi việc bất tuân mệnh lệnh của Tổng thống là hành động tiếm quyền của Thủ tướng. Trước đó, ông Pavel Filip còn yêu cầu Liên hợp quốc rút quân đội nước ngoài ra khỏi Moldova, nhưng không xin ý kiến ông Igor Dodon.

Thủ tướng Pavel Filip.

Dư luận cho rằng, quyết định bổ nhiệm Phó Chủ tịch "Đảng Nhân dân châu Âu" Yevgeny Sturza làm Bộ trưởng Quốc phòng, bất chấp việc này không được Tổng thống phê chuẩn gần 1 năm trước là đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa ông Igor Dodon với Thủ tướng Pavel Filip. 

Khi đó (25-10-2017), Chủ tịch Quốc hội Andrian Kandu tuyên bố, buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Bộ trưởng Quốc phòng Yevgeny Sturza đã diễn ra tại Dinh Tổng thống và việc này được tổ chức theo thủ tục đặc biệt. Bởi bất chấp việc Tổng thống Igor Dodon đã 2 lần từ chối, nhưng ông Yevgeny Sturza vẫn trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. 

Ông Igor Dodon coi việc bổ nhiệm kể trên là bất hợp pháp. Trước đó (hạ tuần tháng 8-2017), ông Pavel Filip còn mời Washington xây căn cứ huấn luyện quân sự của Mỹ ở làng Bulboaca của Moldova, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Igor Dodon, Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang. 

Gần 10 tháng trước (5-1), Tổng thống Igor Dodon từng coi việc sửa Luật Truyền hình và phát thanh, trong đó có điều khoản cấm phát trên chương trình quốc gia tin thời sự và thông tin phân tích của Nga là sự vi phạm trắng trợn quyền tự do của công dân. Việc này diễn ra khi Tòa án Hiến pháp phán quyết, Chủ tịch Quốc hội hoặc Thủ tướng có thể tạm thời thực hiện quyền Tổng thống trong việc thông qua luật cấm phát sóng các chương trình. Theo ông Igor Dodon, số người gốc Nga và người nói tiếng Nga chiếm tỷ lệ cao ở Moldova, nên người dân nước này muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga.
Khắc Tuấn
.
.
.