40 năm đảo chính tại Argentina: Liệu có bàn tay của Mỹ?

Thứ Hai, 04/04/2016, 22:08
Vì chuyến công du tới Buenos Aires (23 và 24-3) của Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra đúng thời điểm Argentina kỷ niệm 40 năm xảy ra cuộc đảo chính quân sự cuối cùng tại nước này (24-3-1976 - 24-3-2016) nên bức thư kiến nghị của ông Adolfo Perez Esquivel, người nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1980 càng được dư luận quan tâm.


Bởi trong bức thư gửi hôm 3-3, ông Adolfo Perez Esquivel nhấn mạnh, nếu Tổng thống Barack Obama không nhân dịp này thừa nhận, Mỹ có dính líu tới các cuộc đảo chính quân sự từng xảy ra ở khu vực này cả trong quá khứ cũng như hiện tại, thì đa số người dân Argentina sẽ coi chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng là một hành động "khiêu khích". Tổng thống Argentina Mauricio Macri vừa ủng hộ yêu cầu của nhóm "Bà và Mẹ quảng trường tháng 5": Mỹ phải giải mã tư liệu thời kỳ độc tài ở nước này (1976-1983).

Cuộc đảo chính 40 năm trước

Dư luận cho rằng, quan hệ Mỹ-Argentina tuy được cải thiện sau khi Tổng thống Mauricio Macri lên cầm quyền hồi tháng 12-2015, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người dân nước này quên cuộc đảo chính quân sự cách đây 40 năm. Ngày 24-3-1976, quân đội đã tiến hành đảo chính, lật đổ Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron (nữ Tổng thống đầu tiên ở Mỹ Latinh), sau khi bà lên thay chồng (là Tổng thống Juan Domingo Peron) khi ông qua đời ngày 1-7-1974. 

 Ông Juan Domingo Peron - Bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron.

Sau cuộc đảo chính, Đại tướng Jorge Rafael Videla lên nắm quyền (từ ngày 29-3-1976 đến 29-3-1981). Và cuộc đời bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron đã thay đổi sau biến cố này. Bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron là vợ thứ 3 của ông Juan Domingo Peron. 

Khi đương nhiệm, bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron từng thành lập biệt đội tử thần với bí danh "Liên minh chống cộng Triple A" và cái chết của nhiều nhà hoạt động cánh tả đối lập thời kỳ đó (bị chết hoặc mất tích) đều có liên quan tới đơn vị bí mật này. Nên sau khi bị lật đổ và bị giam 5 năm sau đó, bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron đã tới sống lưu vong tại Tây Ban Nha kể từ năm 1981 đến khi bị bắt hôm 21-1-2007.

Theo giới truyền thông, ngay sau khi bị bắt hôm 21-1-2007, nữ cựu Tổng thống Argentina đã được phóng thích để chờ dẫn độ về nước và trong thời gian còn sống tại Tây Ban Nha, bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron phải trình diện với cảnh sát sở tại 15 ngày/lần. Khi đó, bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron đã thông qua luật sư để chống lại việc dẫn độ về Argentina bởi cựu Tổng thống có 2 quốc tịch Argentina và Tây Ban Nha. 

Được biết, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron tại tư dinh ở thị trấn Villanueva de la Canada và việc này được tiến hành theo yêu cầu của toà án Argentina. Bởi theo cáo buộc của cơ quan chức năng Argentina, trong thời gian tại vị gần 2 năm, nữ cựu Tổng thống đã đẩy đất nước rơi vào "chế độ độc tài đẫm máu". 

Khi đó, Thẩm phán Argentina Raul Acosta muốn thẩm vấn bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron về 3 sắc lệnh hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố quốc gia, cùng sự mất tích khó hiểu của nhà chính trị đối lập Hector Aldo Fagetti Gallego trong thời gian tại vị. 

Cũng tại thời điểm kể trên, Tổng thống Argentina Nestor Kirchner đã gọi lệnh truy nã quốc tế đối với bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron là biểu hiện mang tính công bằng của pháp luật - không ai được phép đứng trên luật pháp.

Theo giới sử gia, trong lịch sử hơn 200 năm (từ ngày 31-1-1814 đến nay), Argentina có khoảng 90 Tổng thống, trong đó vợ chồng ông Juan Domingo Peron và bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron là một trong những Tổng thống quan trọng nhất - không những có nhiều cống hiến nhất, mà còn có nhiều chuyện ly kỳ nhất. 

Ít người biết rằng, nữ cựu Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron từng là ca sỹ chuyên hát tại hộp đêm, nhưng sau khi lên xe hoa với Tổng thống lưu vong Juan Domingo Peron năm 1961, cuộc đời bà đã đổi thay. Bởi sau 12 năm làm vợ Tổng thống lưu vong (1961-1973), cuối cùng bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron cũng được đền đáp xứng đáng - trở thành Đệ nhất phu nhân, rồi Phó Tổng thống và Tổng thống Argentina.

Theo giới truyền thông, nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 3 của ông Juan Domingo Peron đã diễn ra không mấy thuận lợi. Bởi trong khoảng 8,5 tháng cầm quyền (từ ngày 12-10-1973 đến 1-7-1974), nhiều thay đổi, cải cách, chủ trương của Tổng thống Juan Domingo Peron luôn gặp trắc trở bởi sự tranh đấu của cả phái cực tả và cực hữu. 

Sau khi Tổng thống Juan Domingo Peron chết (ngày 1-7-1974), Phó Tổng thống, rồi Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron nhanh chóng cai quản đất nước. Giới truyền thông cho biết, do được bổ nhiệm làm Tổng thống tạm quyền từ trước (29-6-1974 - 1-7-1974), nên việc chính thức (1-7-1974 - 13-9-1975) và tái đắc cử lần thứ ba vào chiếc ghế Tổng thống của bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron đã diễn ra không mấy khó khăn (16-10-1975). 

Nhiều người cho rằng, có lẽ nhìn thấy rõ những trắc trở trong thời kỳ cầm quyền của chồng nên bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron đã quyết định thành lập "Liên minh chống cộng Triple A". Nhưng Đại tướng Jorge Rafael Videla là người đặt dấu chấm hết đối với nữ Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron.

Vai trò của nữ Tổng thống đầu tiên ở Mỹ Latinh

Điều đáng nói là trong khi Tổng thống Juan Domingo Peron được nhiều người dân tôn thờ và gọi là anh hùng dân tộc - được hậu táng lần thứ 3 vào một ngày cuối năm 2006, nhưng bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron lại vướng vào vòng lao lý. 

Tuy bị lật đổ, vướng vào vòng lao lý, bị nhiều người dân Argentina lên án, nhưng nữ cựu Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron lại là người duy nhất thực hiện được nguyện ước của cố Tổng thống Juan Domingo Peron - đưa di hài bà Eva Duarte de Peron, người vợ thứ hai của chồng (năm 1976), được người dân Argentina gọi là "Thánh nhân" và "Quốc mẫu" về chôn riêng trong một khu mộ ở thủ đô Buenos Aires. 

Bà Eva Duarte de Peron từng là nguyên mẫu của nhiều cuốn tiểu thuyết, được đưa lên phim, và cuộc tình của bà với cố Tổng thống Juan Domingo Peron hiện vẫn được coi là một trong những chuyện tình đẹp nhất thế giới.

Thi hài bà Eva Duarte de Peron trải qua quá trình chỉnh sửa năm 1974.

Năm 1951, khoảng 2 triệu phụ nữ Argentina lần đầu tiên trong đời được cầm lá phiếu đi bầu cử và trong số họ đã có 6 người trở thành Thượng nghị sỹ, 24 người được bầu là Hạ nghị sỹ. Khi đó, mọi người đề cử bà Eva Duarte de Peron tham gia tranh cử với tư cách Phó Tổng thống, nhưng quân đội phản đối nên phương án này phải huỷ bỏ. 

Trước đó (năm 1948), bà Eva Duarte de Peron xây dựng Quỹ Eva-Peron và nhờ quỹ này hơn 1.000 ngôi trường và làng trẻ em đã ra đời. Do đó, sau khi chết (ngày 26-7-1952), đám tang của bà Eva Duarte de Peron đông tới mức có 8 người chết và hơn 2.000 người bị thương. Và thi hài của bà Eva Duarte de Peron không được yên nghỉ. 

Ban đầu thi hài bà Eva Duarte de Peron được quàn tại Bộ Lao động để mọi người tới cúng lễ và 1 chuyên gia bảo quản xác ướp được cử đặc trách công việc này. Hơn 3 năm sau cái chết của bà Eva Duarte de Peron, ngày 21-9-1955, Tổng thống Juan Domingo Peron bị phái quân sự tiến hành đảo chính, buộc ông phải sống lưu vong tại Paraguay và Tây Ban Nha. 

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Jose Domingo Molina (chỉ nắm quyền 2 ngày: từ 21 đến 23-9-1955), Tổng thống Eduardo Lonardi (từ 23-9-1955 đến 13-11-1955) và Tổng thống Pedro Eugenio Aramburu (từ ngày 13-11-1955 đến 4-1958) đã lần lượt bí mật sai người đem thi hài bà Eva Duarte de Peron đi giấu tại nhiều nơi vì họ sợ ông Juan Domingo Peron sẽ quay trở lại chính trường bằng xác ướp của vợ! 

Ban đầu thi hài bà Eva Duarte de Peron được cất tại trụ sở Cục Tình báo Quân đội, nhưng sau nhiều lần di chuyển, cuối cùng người ta quyết định an táng tại nơi đất khách quê người. Và để không ai tìm được nơi chôn cất bà Eva Duarte de Peron, người ta đã học theo cách của Tào Tháo - làm nhiều ngôi mộ giả cả trong và ngoài Argentina. 

Mãi tới khi Tổng thống Alejandro Agustin Lanusse (26-3-1971 - 5-1973) lên nắm quyền, mọi người mới biết mộ chí của bà Eva Duarte de Peron ở thành phố Milan, Italia. Khi đó, Tổng thống Alejandro Agustin Lanusse đưa thi hài bà Eva Duarte de Peron tới Madrid, Tây Ban Nha trao tận tay ông Juan Domingo Peron bởi khi đó cựu Tổng thống đang cư trú chính trị tại đây.

Và sau 6 năm sống lưu vong (1955-1961), ông Juan Domingo Peron lên xe hoa lần thứ 3 với bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron, ca sỹ chuyên hát tại hộp đêm. Và sau khi có được xác ướp của vợ, ông Juan Domingo Peron lập tức trở về Argentina và đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 11-3-1973. 

Nhưng sau khi nhậm chức, Tổng thống Juan Domingo Peron lại không hề đưa di hài bà Eva Duarte de Peron về Argentina chôn cất. Thậm chí đến khi chết, Tổng thống Juan Domingo Peron cũng không làm được điều này và người thực hiện lại là bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron. 

Ban đầu người ta chôn bà Eva Duarte de Peron cùng một quan tài với ông Juan Domingo Peron. Nhưng sau đó, bà Eva Duarte de Peron lại được chôn riêng trong một khu mộ ở thủ đô Buenos Aires (năm 1976). Người dân Buenos Aires nói riêng và Argentina nói chung không ai không biết khu lăng mộ Reckolaita bởi nơi đây không những từng là công viên cổ kính nhất thủ đô, mà còn là nơi chôn cất Đệ nhất phu nhân Eva Duarte de Peron và 23 Phó Tổng thống. 

Về phần mình, cố Tổng thống Juan Domingo Peron phải mai táng tới 3 lần kể từ khi qua đời ngày 1-7-1974. Bởi sau khi chết, ông Juan Domingo Peron được chôn tại Cementerio de la Chacarita ở Buenos Aires, nhưng 13 năm sau (1974-1987), ngôi mộ của cố Tổng thống đã bị ai đó bí mật khai quật và lấy đi đôi tay. Và 10 năm trước (một ngày cuối năm 2006), ông Juan Domingo Peron lại được an táng (lần thứ 3). 

Tuy cơ quan chức năng Argentina đã mở nhiều cuộc điều tra, nhưng cho đến nay chẳng ai biết thủ phạm đã làm việc này và với mục đích gì.

Tuệ Sỹ-Trọng Hậu
.
.
.