48 tỷ USD để dàn xếp bê bối thuốc giảm đau

Thứ Hai, 28/10/2019, 17:13
Ngày 22-10, 4 công ty dược phẩm lớn của Mỹ đã nối lại đàm phán để cố gắng đạt được một thỏa thuận trị giá 48 tỷ USD nhằm dàn xếp các vụ kiện opioid chống lại họ.

Trước đó, các công ty này cũng đã nhất trí trả 260 triệu USD cho 2 hạt của bang Ohio (Mỹ) để tránh bị đưa ra xét xử tại toà án liên bang do trách nhiệm trong vấn nạn nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid.

Cuộc họp của 4 công ty dược gồm AmerisourceBergen Corp, Cardinal Health Inc và McKesson Corp và Teva Pharmaceutical Industries Ltd được tổ chức tại Cleveland. Luật sư Paul Hanly đại diện cho các nạn nhân cho hay, cuộc đàm phán nhằm giải quyết rộng hơn hàng ngàn vụ kiện opioid do các tiểu bang và chính quyền địa phương đưa ra, theo Paul Hanly, một luật sư của các thị trấn và quận. 

Teva Pharmaceutical Industries Ltd có trụ sở ở Israel cho biết họ đã trả 20 triệu USD tiền mặt trong 2 năm và sẽ cung cấp số thuốc Suboxone trị giá 25 triệu USD để giúp các bệnh nhân nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid trong 3 năm. Thoả thuận này sẽ tạo tiền đề cho việc giải quyết các đơn kiện của khoảng 2.700 cộng đồng có người nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid.

Thống kê cho thấy, từ năm 1997 đến năm 2017, khoảng 400.000 ca tử vong ở Mỹ có liên quan đến opioid. Ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do sử dụng quá liều thuốc có gốc từ thuốc phiện. 

Luật sư Paul Hanly cho hay, các thân chủ của ông hồi tuần trước đã từ chối khoản thanh toán trị giá 18 tỷ USD được đề xuất bởi ba nhà phân phối vì các khoản thanh toán này được thực hiện quá lâu (trong vòng 18 năm). 

Vì thế, với sự trợ giúp của Tổng chưởng lý Bắc Carolina Josh Stein, các nạn nhân muốn có một thỏa thuận về nguyên tắc khác với các nhà phân phối bao gồm 22 tỷ USD tiền mặt và 26 tỷ USD tiền thuốc điều trị. Trước đó, hồi tháng 5, hãng dược phẩm Insys đã chấp nhận chi 225 triệu USD để dàn xếp vụ bê bối.

Đáng chú ý là trong khi các "ông lớn" trong ngành dược ở Mỹ đang cố gắng giải quyết ổn thoả vụ nhóm thuốc giảm đau opioid thì tờ Seattle Times lại đưa tin rằng, trong 9 ngày đầu tháng 10, có thêm 6 trường hợp tử vong do dùng thuốc giảm đau quá liều có liên quan đến thuốc Fentanyl có chứa opioid tại hạt King, bang Washington, Mỹ, nâng tổng số ca tử vong vì nguyên nhân này từ tháng 6 đến nay là gần 150 trường hợp. Trong số 6 trường hợp kể trên, có 2 ca là học sinh trung học. 

Hãng CNN dẫn một nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho hay, năm 2017, Mỹ đã phải chi 115 tỷ USD để điều trị cho những người nghiện opioid và chăm sóc số trẻ em có cha mẹ bị mất sức lao động hoặc tử vong vì opioid. 

Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký một dự luật nhằm mục đích ngăn chặn đại dịch opioid vốn khiến quốc gia này tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD để khắc phục hậu quả về sức khỏe cho những người nghiện opioid suốt gần 20 năm qua.

Tình trạng lạm dụng và quá liều thuốc giảm đau đã bùng phát ở Mỹ từ 20 năm trước. ảnh: AP

Theo Viện lạm dụng thuốc Mỹ, tình trạng lạm dụng và quá liều thuốc giảm đau đã bùng phát ở Mỹ từ 20 năm trước. Huyền thoại nhạc Pop', Prince Rogers Nelson và rocker, Tom Perry là hai trong số những nạn nhân này. 

Đáng chú ý là số đơn thuốc giảm đau bình quân/dân số ở Mỹ cao hơn rất nhiều nước khác trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), là nguyên nhân người ở tuổi lao động tham gia lao động ở Mỹ thấp hơn nhiều các nước trong OECD. 

Thống kê của OECD, nghiện thuốc giảm đau là nguyên nhân từ năm 1999 đến 2005 khiến nam giới Mỹ tuổi 25 - 54 mất 20% lực lượng lao động và nữ ở độ tuổi này mất 25%. Cũng theo Viện lạm dụng thuốc Mỹ, thuốc giảm đau có chứa opioid được cho là nguy hiểm gấp 50 lần so với heroin.

Hiện Mỹ đang nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau này. Trong 3 năm qua, những người nghiện thuốc giảm đau buộc phải chuyển sang dùng heroin và thuốc giảm đau chứa ma túy có tác động mạnh do nhà chức trách siết chặt việc bán thuốc giảm đau theo đơn. 

Ngoài động thái của chính quyền liên bang, 30/50 bang ở Mỹ đã kiện các công ty dược Purdue Pharma, Insys Therapeutics, Teva Pharmaceuticals USA (công ty mẹ ở Israel), Johnson & Johnson, Cephalon, Endo, Allergan, Watson và các công ty con: Janssen Pharmaceuticals, McKesson, Cardinal Health, Amerisource Bergen... 

Các công ty này bị cáo buộc tiến hành những chiến dịch quảng bá sản phẩm gian dối: thổi phồng những công dụng đặc trị, hạ thấp tác dụng phụ và nguy cơ gây nghiện của thuốc giảm đau. Hồi tháng 5, tòa án bang Oklahomam đã mở phiên xét xử đầu tiên liên quan đến bê bối thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid. Bên bị đơn là công ty dược phẩm Janssen Pharmaceuticals thuộc Tập đoàn Johnson & Johnson. 

Bộ trưởng Tư pháp bang Oklahoma Mike Hunter khi đó đã công bố bản cáo trạng cáo buộc Johnson & Johnson do lòng tham đã bắt tay vào "một chiến dịch tẩy não giả dối trị giá hàng triệu USD" để bán các loại thuốc giảm đau nhóm opioid và quảng cáo chúng như một liều thuốc "thần thánh".

Chi Anh (tổng hợp)
.
.
.