50 năm tù dành cho tội ác chiến tranh của cựu Tổng thống Liberia

Thứ Bảy, 28/07/2012, 11:29
Ngày 30/5 vừa qua, cựu Tổng thống Liberia đã bị kết án 50 năm tù vì những tội ác liên quan đến chiến tranh. Không những không nhận tội mà ông còn lên tiếng tố cáo tòa án rằng không có đủ bằng chứng để kết tội ông. Cán cân công lý luôn sáng suốt để bảo vệ những người vô tội và trừng phạt những tội ác.

Charles McArthur Ghankay Taylor sinh ngày 28/1/1948. Ông là Tổng thống thứ 22 của Liberia nhiệm kỳ từ ngày 2/8/1997 cho đến khi ông từ chức vào ngày 11/8/2003.

Sinh ra tại Arthington, hạt Montserrado, Liberia, một thị trấn gần Monrovia, cha mẹ ông là Nelson và Bernice Taylor. Sau này ông lấy tên 'Ghankay', sở dĩ ông lấy cái tên này bởi ông mong muốn nhận được tình cảm cũng như sự ủng hộ của những người dân bản xứ. Mẹ ông là một thành viên của nhóm dân tộc Gola. Theo rất nhiều tài liệu để lại thì cha đẻ của ông là người mang hai dòng máu Mỹ và Liberia. Chính vì vậy mà sau khi học hết trung học, ông đã được cha mẹ gửi sang Mỹ để theo học đại học. Tại Mỹ ông đã thực hiện ước mơ trở thành một doanh nhân nổi tiếng nên ông đã quyết định học khoa kinh tế của trường đại học Bentley College ở Waltham, Massachusetts từ 1972 đến 1977.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, Taylor đã quay trở lại quê hương Liberia để làm việc trong chính phủ. Thời gian làm việc tại đây, bằng những mánh khóe mà ông đã học hỏi được, Taylor đã khiến những người đồng nghiệp cũng như cấp trên cực kỳ tin tưởng. Quá tự tin vào trí thông minh cũng như tài năng “biến hóa” của mình nên Taylor đã lạm dụng lòng tin và tham ô công quỹ của nhà nước một số tiền khá lớn. Chính vì vậy mà ông đã bị khai trừ khỏi chính phủ vì tội danh tham ô.

Rời khỏi Liberia, ông đã tìm đến Libya để quyết định tham gia vào quân đội. Nơi đây ông đã được đào tạo thành một chiến binh du kích và ông đã cùng một nhóm người quay trở lại Liberia. Taylor đã cầm đầu nhóm người này thành lập một đội quân kháng chiến ủng hộ Libya. Mục đích nung nấu trong con người Taylor đó là ông muốn tìm mọi cách lật đổ chế độ Doe. Cũng từ đây, Taylor đã làm nổi lên cuộc nội chiến Liberia lần đầu tiên.

Với tài trí cũng như có một lực lượng ủng hộ tương đối mạnh nên chỉ trong một thời gian ngắn, Doe đã bị hành quyết. Ngay sau khi chế độ của Doe bị lật đổ, nhiều người đã đứng về phe của Taylor và tôn sùng ông là một người hùng. Chẳng mấy chốc, Taylor đã giành được quyền kiểm soát gần toàn bộ đất nước và tên tuổi của ông trở thành một trong những lãnh chúa nổi bật nhất châu Phi. Những chính sách, những chế độ vô cùng tàn độc đã được ông đưa ra nhưng không ai dám phản đối mà một lòng một dạ tuân theo, tôn thờ ông như một vị anh hùng có sức mạnh phi thường. Nhờ có vũ lực nên Taylor đã ép buộc được dân chúng bầu ông làm tổng thống. Thời gian này, ông là một tổng thống độc tài và tàn ác bậc nhất trên thế giới.

Suốt thời kỳ làm tổng thống, Taylor đã liên tục khiêu chiến, nhiều cuộc nội chiến đã xảy ra và những tội ác về chiến tranh của Taylor đã khiến thế giới phẫn nộ. Khi cuộc nội chiến Sierra Leone xảy ra, Taylor đã bị cáo buộc là kẻ chủ mưu gây ra những tội ác chống lại chế độ loài người. Không thể đứng nhìn một kẻ độc tài ra sức oanh tạc, trong nước đã có những nhóm người đứng lên để phản đối chế độ của ông. Các cuộc nội chiến liên tục xảy ra kèm theo những thiệt hại nặng nề về người và của. Đất nước không thể phát triển, những người dân không được một ngày bình yên.

Năm 2003, ông đã mất quyền kiểm soát nhiều vùng nông thôn và chính thức bị Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone truy tố. Năm đó, ông từ chức do kết quả của áp lực quốc tế tăng dần và lưu vong ở Nigeria. Trong năm 2006, Tổng thống vừa được bầu Ellen Johnson Sirleaf chính thức yêu cầu dẫn độ ông. Khi đến Monrovia, ông đã được chuyển giao cho phái đoàn Liên hiệp quốc tại Liberia và ngay lập tức được đưa đến Sierra Leone. Ông hiện đang bị giam trong đơn vị trại giam Liên hiệp quốc, nơi ông được đưa ra xét xử trước Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone cho vai trò của ông trong cuộc nội chiến.

Ngày 3/5/2012, Taylor đã có mặt tại tòa án để nhận bản án xét xử tội ác tham gia chiến tranh. Tại phiên tòa được Liên hiệp quốc hậu thuẫn, Taylor phải tự đứng ra bào chữa tội ác của mình. Với những chứng cứ đã quá rõ ràng thì không hiểu ông sẽ bào chữa tội lỗi của mình theo hình thức nào. Thời còn đi học đại học bên Mỹ, ngoài việc theo đuổi ngành kinh tế, Taylor đã học và đọc rất nhiều tài liệu về luật quốc tế nên những người tham gia phiên tòa xét xử đã rất choáng khi ông đưa ra những lý lẽ rất sắc bén để bảo vệ cho mình.

Đứng trước tòa, ông thực sự bình thản và tự tin cho rằng, tòa án La Haye không có hình ảnh đầy đủ và thích đáng để có thể kết tội ông có liên quan đến những tội ác chiến tranh. Tòa án đã đưa ra phán quyết rằng ông Taylor đã phạm phải 11 tội danh liên quan đến tội ác chống lại loài người trong đó có khủng bố, sát nhân và hãm hiếp. Không tỏ bất cứ một thái độ nào, ông Taylor đã yêu cầu tòa án đưa ra những bằng chứng bằng hình ảnh chứng minh những tội danh mà tòa tuyên. Không chỉ có vậy, ông còn tố cáo bên công tố mua chuộc nhân chứng để công khai chống lại ông và tố cáo tòa án là đồng phạm với phương Tây tìm cách chống lại ông và những người châu Phi da đen khác giống như ông.

Các luật sư của ông Taylor đã tìm mọi cách để bác bỏ đề nghị của bên công tố đòi tuyên phạt thân chủ của họ 80 năm tù giam tại một nhà tù của Anh. Luật sư của ông Taylor nói rằng án phạt đó là quá hà khắc và quy trách quá mức các vụ diệt chủng trong cuộc chiến tranh ở Sierra Leone lên ông Taylor. Không phải ông Taylor là chủ mưu trong những cuộc chiến tranh này mà do sự hỗn loạn của một đất nước không có người lãnh đạo giỏi.

Những người cố gắng ghép tội cho ông Taylor chỉ với mục đích trả thù cá nhân, đổ mọi trách nhiệm cho ông Taylor là một việc làm phi pháp. Ngày tuyên án được tòa án ấn định vào đúng ngày 30/5/2012.

Sau một thời gian điều tra cũng như thu thập những chứng cứ liên quan đến việc ông Taylor chính là người cung cấp vũ khí và là người trực tiếp chỉ đạo các cuộc nội chiến. Bên cạnh đó ông còn thẳng tay giết hại nhiều người, hãm hiếp rất nhiều phụ nữ vô tội. Ông Taylor đã bị tuyên án 50 năm tù giam với 11 tội danh liên quan đến việc tiếp tay cho chiến tranh. Cả bên bị lẫn bên công tố đều dự trù sẽ chống bản án của tòa án quốc tế ở La Haye. Theo dự kiến, ông Taylor sẽ thụ án tù tại một nhà tù ở Anh quốc.

Mặc một bộ đồ màu xanh đậm và thắt cà-vạt màu vàng, nhà cựu lãnh đạo Liberia Charles Taylor âu sầu lắng nghe bản án được chánh án Richard Lussick tuyên đọc. Ông Lussick nói: “Ông Taylor, vì những lý do vừa kể, tòa đồng thanh tuyên phạt ông một án tù 50 năm cho tất cả các tội danh mà ông đã bị xét là can phạm”.

Tháng trước, Tòa án Ðặc biệt về Sierra Leone đã xét thấy ông Taylor phạm 11 tội danh hỗ trợ và hậu thuẫn cho phiến quân giết hại, cưỡng hiếp và làm què cụt hàng ngàn người trong cuộc nội chiến ở Sierra Leone. Ông là nhà lãnh đạo Phi châu đầu tiên bị kết tội bởi một tòa án quốc tế và là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị kết tội như thế kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Bản án tù mà ông Taylor nhận chưa đi đến mức 80 năm như ban công tố đã yêu cầu mà chỉ dừng ở mức 50 năm, nhưng tòa cũng bác bỏ một số yếu tố biện hộ mà luật sư của bị cáo lập luận rằng có thể làm nhẹ bản án của đương sự, nêu ra địa vị đặc biệt của ông là một cựu nguyên thủ quốc gia. Ông Lussick nói tiếp: "Tòa muốn làm rõ mức độ nghiêm trọng những gì mà ông Taylor đã làm. Qua phiên tòa này, ban hội thẩm mong muốn sẽ lấy lại được sự tín nhiệm của dân chúng mà đã bị ông Taylor đánh mất trong suốt thời gian qua.

Phản ứng trước bản án, chính phủ Sierra Leone nói rằng công lý đã được thi hành phần nào. Nhà nghiên cứu về Sierra Leone cho tổ chức Ân xá Quốc tế, bà Lisa Sherman-Nikolaus, cũng bày tỏ sự hài lòng. Bà Sherman-Nikolaus cho rằng điều quan trọng hơn cần ghi nhớ tại phiên tòa này là tuy ông Taylor đã phải lãnh bản án tù 50 năm, đối với nhiều người sống sót  trong cuộc chiến tranh ở Sierra Leone và Liberia, công lý vẫn chưa được hoàn tất. Ða số những người này vẫn còn đang phải chật vật để chống đỡ với cuộc sống trong suốt một thời gian dài.

Các nhận định mà thẩm phán Lussick đưa ra trong khi tuyên án cũng phản ánh cảm tưởng đó. Ông Lussick nói: “Ðối với những người sống sót sau các tội ác này, tác động dài hạn lên cuộc sống của họ thật là tai hại. Những người bị cụt tay nay phải sống nhờ sự bố thí bởi vì họ không làm việc được. Các thiếu nữ phải gánh chịu thành kiến của công chúng và sẽ không bao giờ phục hồi được sau những chấn động vì bị cưỡng hiếp hay lao động tình dục mà họ phải chịu đựng”. Thẩm phán Lussick liệt các tội ác ở Sierra Leone vào loại khủng khiếp nhất trong lịch sử

Phương Trinh – Hoài Thu
.
.
.