700 ngày điều tra tiến sỹ “rởm” lừa gần 3.000 tỷ đồng

Chủ Nhật, 10/06/2018, 10:44
Với cái mác tiến sỹ học ở trời Tây, Phạm Thanh Hải đã mở các lớp học làm giàu để lừa đảo hàng ngàn người và với số tiền huy động là đặc biệt lớn, hơn 2.700 tỷ đồng.


Phải mất rất nhiều thời gian, công sức cán bộ chiến sỹ (CBCS) Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an Hà Nội mới đưa vụ việc ra ánh sáng. Hải cũng đã phải trả giá cho hành vi lừa đảo của hắn bằng bản án chung thân.

Cách đây chừng 3-4 năm, hàng ngàn người dân ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành “phát cuồng” với dự án làm giàu của Phạm Thanh Hải (SN 1966, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội). Không ai biết rằng, đó là một cái bẫy tinh vi được giăng ra, chỉ để khiến cho những kẻ tham lam bị mờ mắt.

Phạm Thanh Hải trước vành móng ngựa.

Theo một điều tra viên Phòng CSKT Công an Hà Nội, Hải đã mang một thứ “bánh vẽ” cùng sự lấp lửng về những quỹ đầu tư khủng từ nước ngoài. Màn kịch này được hắn tổ chức có lớp lang, khiến cho biết bao người dính bẫy. 

Từ khi nhận được đơn trình báo của các bị hại Cơ quan Công an phải mất đến hơn 2 năm ròng, thu thập phân tích hàng ngàn tài liệu mới bóc trần được hành vi của Hải. Và, vụ việc chưa dừng lại ở đó mà để có đủ căn cứ truy tố đối tượng ra tòa, Cơ quan điều tra đã phải thực hiện 3 lần điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát cùng cấp mới ra bản cáo trạng truy tố Hải.

Theo đó năm 2007, Phạm Thanh Hải thành lập Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế (Công ty IDT) trụ sở chính tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Hải (52 tuổi) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Công ty IDT đăng ký kinh doanh các hoạt động: dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý, sản xuất, bán buôn và bán lẻ thực phẩm, dịch vụ tổ chức hội thảo, hội nghị.... Công ty hoạt động kinh doanh trên mạng Internet nhưng không hiệu quả.

Đến năm 2008, đột nhiên Hải rầm rộ tổ chức các hoạt động hội thảo, quảng cáo hình ảnh công ty, đưa ra các thông tin về công ty và các dự án mang lại lợi nhuận cao...

Hải tự giới thiệu là tiến sỹ, diễn giả, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Trường ĐH Tổng hợp Belarus (Liên Xô cũ), có bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh, với vốn kiến thức tài chính, kiến thức làm giàu phong phú, kiến thức về khoa học làm giàu, là "người anh cả" của dự án học làm giàu. Trong các buổi diễn thuyết, "tiến sỹ" dạy làm giàu khẳng định việc làm giàu có thể học được và mọi người đều có thể thành công.

Phạm Thanh Hải đang thuyết trình "học làm giàu" tại các buổi hội thảo để dẫn dụ nhà đầu tư nộp tiền.

Trong các thông tin mà Phạm Thanh Hải đưa ra, có thông tin Công ty IDT đang triển khai dự án trồng cây Macca có giá trị kinh tế cao, 1ha Maccadamia mang tới thu nhập 2.000 - 3.000 USD. Do đó, triển vọng làm giàu từ cây Macca "tỷ đô" là khả thi với mục tiêu phát triển dự án Maccadamia có doanh thu trong chu kỳ kinh doanh 20 năm là 2.595 tỷ đồng (?!)... Nhằm tăng tính thuyết phục với các nhà đầu tư, tháng 6-2014, Công ty IDT đã cho ra thị trường các sản phẩm nhân Macca dán nhãn cao cấp.

Phạm Thanh Hải khi đó còn cho biết, do hạt Macca thu hoạch trong nước không đáng kể nên các sản phẩm của IDT đều được chế biến chủ yếu từ hạt Macca nhập khẩu của Úc. Do vậy, ngoài việc phát triển các sản phẩm chế biến từ nhân Macca, IDT cũng đang triển khai dự án trồng gần 4.000 ha giống cây này tại Điện Biên.

Tuy vậy trên thực tế, dự án "Macca tỷ đô" chỉ là bánh vẽ. Dự án 4.000 ha Macca mà Phạm Thanh Hải huy động vốn để trồng không nhìn thấy kết quả. Không những thế, tháng 4-2015, Bộ NN&PTNT cũng đã khẳng định, chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch cây Macca, quy trình nhân giống, chăm sóc và công nghệ chế biến Macca cũng chưa được hoàn thiện.

Phạm Thanh Hải đang thuyết trình "học làm giàu" tại các buổi hội thảo để dẫn dụ nhà đầu tư nộp tiền.

Mặc dù huy động vốn để phục vụ mục đích cá nhân, nhưng Hải yêu cầu một số nhân viên kế toán Công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền giúp Hải tại trụ sở công ty.  Hải đưa ra các bản Hợp đồng góp vốn đầu tư, Hợp đồng ủy thác đầu tư... với nội dung bên A là nhà đầu tư, bên B là cá nhân Phạm Thanh Hải, sau đó tự ý sử dụng con dấu Công ty IDT xác nhận vào các bản hợp đồng này, lập phiếu thu, chi và nộp tiền tại trụ sở công ty, gây lầm tưởng khiến nhà đầu tư tin tưởng rằng họ đang góp vốn cho Công ty IDT. Tiền nhận của nhà đầu tư, Hải chỉ đạo không nhập vào hệ thống sổ sách kế toán của Công ty IDT mà để Hải sử dụng vào mục đích cá nhân.

Để thu hút được nhiều người góp vốn, Hải đưa ra các hợp đồng có lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm) với nhiều loại hợp đồng theo thời hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 18 tháng... Không chỉ đưa ra lãi suất cao để nhà đầu tư thấy "hiệu quả" làm giàu nhanh, Phạm Thanh Hải còn chỉ đạo cắt lãi ngay cho nhà đầu tư khi nộp tiền và chi từ 2-10% tiền thưởng "kết nối, môi giới" cho những người giới thiệu hợp đồng mới.

Với thủ đoạn trên, chỉ từ tháng 10-2004 đến 10-2005, Hải đã huy động được trên 2.700 tỷ đồng từ nhà đầu tư. Và Hải sử dụng số tiền này chủ yếu để cho vay cá nhân (22,9 tỷ đồng), thanh toán cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi các cuộc hội thảo, tham quan du lịch, quảng bá dự án..., và chỉ sử dụng một phần nhỏ (114 tỷ đồng) để góp vốn vào một số công ty, dự án. Tuy nhiên, đây chỉ là những công ty mới thành lập hoặc đang trong quá trình đầu tư nên chưa có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất ít; có công ty còn  hoạt động không hiệu quả, thua lỗ hoặc không có khả năng sinh lợi nhuận cao như Hải hứa hẹn với nhà đầu tư.

Do không quản lý việc thu, chi tiền cho các nhà đầu tư theo sổ sách kế toán, không nắm được số tiền đã huy động được nên khi số người góp vốn cho Hải ngày một tăng, việc chi trả tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Hải tiếp tục dùng tiền của người sau trả cho người trước để không bị các nhà đầu tư phát hiện.

Sau này Phạm Thanh Hải khai nhận, do việc huy động vốn là việc của cá nhân nên Hải không theo dõi, quản lý việc thu - chi tiền theo hệ thống sổ sách kế toán của Công ty IDT mà chỉ quan tâm đến số tiền còn phải thanh toán cho các nhà đầu tư đúng hạn, tính toán cân đối để tiếp tục huy động. Việc sử dụng tiền của nhà đầu tư thế nào, Hải không công khai cho họ biết.

Ngoài ra, cơ quan Công an đã xác minh thông tin Phạm Thanh Hải được cấp bằng tiến sỹ lại Belarus là không có căn cứ.

Với các tài liệu thu thập được, cuối năm 2017, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội xác định có 496 cá nhân trình báo và đề nghị xử lý theo pháp luật về việc bị Phạm Thanh Hải chiếm đoạt trên 455 tỷ đồng (theo phiếu thu). Về dân sự, căn cứ theo nội dung hợp đồng mà Phạm Thanh Hải ký kết với nhà đầu tư thì tổng số tiền các cá nhân đề nghị được bồi thường là trên 577 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT đề nghị Viện KSND TP Hà Nội truy tố Phạm Thanh Hải về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4 điều 139 Bộ luật Hình sự.

Ngày 21-5-2018, sau 6 ngày xét xử HĐXX sơ thẩm khẳng định, cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi của Hải là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội vì đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tinh vi để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của hàng trăm người.

TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải với mức án tù chung thân,.

Yên Chi
.
.
.