Afghanistan: Đã nghèo lại oằn mình vì tham nhũng

Thứ Sáu, 22/11/2019, 13:53
Tháng 9, Mỹ tuyên bố sẽ cắt giảm 160 triệu USD viện trợ, cáo buộc Afghanistan đã không chống tham nhũng, chỉ 1 tuần trước khi cuộc bầu cử Tổng thống của nước này bắt đầu. Rất hiếm khi Washington rút tiền tài trợ trực tiếp cho Kabul, nơi phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ.


Nước Mỹ thất vọng

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ Mỹ phản đối những người lợi dụng vị thế quyền lực và ảnh hưởng của họ để tước đoạt những lợi ích viện trợ quốc tế và một tương lai thịnh vượng hơn của người dân Afghanistan.

Mỹ sẽ tạm ngừng hợp tác với cơ quan Afghanistan phụ trách việc giám sát tham nhũng và rút lại 100 triệu USD nước này đã cam kết dành cho một dự án năng lượng lớn. Thay vào đó, Mỹ sẽ trực tiếp tài trợ cho dự án này. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ rút lại 60 triệu USD hỗ trợ cho cơ quan đấu thầu quốc gia.

Dư luận Mỹ cho rằng, đã đến lúc các chi tiêu viện trợ phải được kiểm soát chặt và minh bạch; đồng thời người Mỹ không muốn tiếp tục phung phí tiền của cho cuộc chiến ở Afghanistan nữa. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Afghanistan Mohammad Ishaq Faqiryar bị cựu Tổng thống Hamid Karzai cách chức vì quyết điều tra các vụ tham nhũng của giới chức cao cấp trong chính phủ.

Lý do Faqiryar bị mất chức là vì đã "trái ý" Tổng thống H. Karzai khi tiếp tục điều tra giới chức cấp cao tham nhũng. Trong "danh sách đen" có cả chức danh bộ trưởng, hàm đại sứ và tỉnh trưởng. Sau khi tin tức từ Mỹ vọng đến Kabul, Văn phòng Tổng thống Afghanistan khẳng định Tổng thống H. Karzai không hề gây trở ngại cho bất kỳ cuộc điều tra nào.

Tham nhũng khiến nhiều trẻ em Afghanistan phải đi học trong điều kiện thiếu thốn nghiêm trọng.

Trước đó, tờ Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal (WSJ) cũng đưa tin về các khoản tiền viện trợ của Mỹ đã bị chuyển ra khỏi Afghanistan và suốt 3 năm qua, mỗi năm có khoảng hơn 1 tỷ USD bị tuồn khỏi Afghanistan. Các nhà điều tra Mỹ nghi ngờ phần lớn số tiền đã bị rút ruột từ các khoản viện trợ tái thiết mà Mỹ và các đồng minh dành cho Afghanistan để giúp nước này khôi phục đất nước sau cuộc chiến năm 2001…

Nạn gia đình trị và "quan chức ma"

AFP dẫn báo cáo đầu tiên của Liên hợp quốc (UN) về tình hình tham nhũng được công bố mới đây. Theo đó, tham nhũng vẫn là một trở ngại nghiêm trọng tới nền hòa bình tại Afghanistan. Theo báo cáo, UN hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Afghanistan, nhưng thực tế, chống tham nhũng vẫn còn là một thách thức với quốc gia này.

Báo cáo có tiêu đề "Cuộc chiến chống lại tham nhũng của Afghanistan: Một trận chiến khác", đã trích dẫn các bước chống tham nhũng tích cực của Chính phủ Afghanistan, trong đó bao gồm việc thành lập Trung tâm Tư pháp Chống tham nhũng (ACJC).

Nhưng cuộc chiến "sẽ không giành được thắng lợi chỉ trong một sớm một chiều", báo cáo nhấn mạnh. Cũng theo UN, "tham nhũng đã ảnh hưởng tới tất cả các mặt của đời sống ở Afghanistan. Nó phá hủy lòng tin của công chúng và sự tự tin trong các thể chế của Chính phủ. Nó cản trở những nỗ lực của đất nước để có thể trở thành một nước tự chủ".

Tiến trình đi tới hòa bình "đã bị ngăn chặn bởi thói gia đình trị, sự thiên vị chính trị và những ảnh hưởng bên ngoài khác vào các quyết định tuyển dụng", báo cáo tiếp tục.

Trong thập niên vừa qua, tham nhũng thâm nhập vào hầu hết các cơ quan Nhà nước, phá hủy hàng trăm tỷ USD viện trợ từ nước ngoài, ăn mòn hầu hết số kho bạc Nhà nước ít ỏi và gia tăng sự mất an ninh khi những người Afghans đổi hướng về phía Taliban. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Tổng thống Ashraf Ghani, một cựu quan chức Ngân hàng Thế giới từng được đào tạo ở Mỹ đã thông qua một lập trường cứng rắn trong chống tham nhũng.

Ông đã thành lập Trung tâm ACJC nhằm tăng cường năng lực của hệ thống pháp luật để giải quyết các trường hợp bộ trưởng, thẩm phán và các thống đốc tham nhũng - những người hầu như thoát khỏi sự truy tố.

Trung tâm này đã kết án một số quan chức quân sự và Chính phủ Afghanistan ở bậc trung. Từ đó, nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía UN. Tuy nhiên, UN vẫn nhấn mạnh và kêu gọi Chính phủ nước này phải tăng cường hợp tác để từng bước thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng.

"Xét ở nhiều khía cạnh, thách thức lớn nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng của Afghanistan không phải là sự cần thiết phải tiến hành các cuộc cải cách bổ sung mà là cần thiết phải thực hiện một cách có hiệu quả hơn những cải cách đã thực hiện".

Báo cáo không mở rộng đề cập đến các lực lượng an ninh, đã bị phá hủy bởi thói gia đình trị, sự thiên vị và những người lính "ma", những người chỉ tồn tại trên giấy và được trả lương. Nhưng lãnh đạo sứ quán UN tại Afghanistan, Tadamichi Yamamoto, nhấn mạnh trong báo cáo được công bố với báo chí rằng, đây là một lĩnh vực quan trọng và sẽ được giám sát chặt chẽ bởi cộng đồng quốc tế với hy vọng sẽ được xúc tiến.

Luật pháp Afghanistan yêu cầu những người có chức quyền công khai tài sản và nguồn vốn của họ cũng như của những người thân, tuy nhiên, quy định còn lỏng lẻo và có nhiều lỗ hổng. "Các hình thức về tài sản không đầy đủ, dữ liệu được công bố không nhất quán và không được xác minh, thậm chí đôi khi mâu thuẫn. Có thể nói đó là một hệ thống vô dụng chỉ nhằm đối phó với các nhà tài trợ quốc tế" - ông Sayed Ikram Afzali, Giám đốc tổ chức chống tham nhũng mang tên Theo dõi liêm khiết Afghanistan nói.

Nguyễn Minh
.
.
.