Afghanistan:

Nội chiến, đói kém khiến nhiều gia đình phải bán con, một số bị ép cầm súng

Thứ Tư, 16/10/2019, 08:41
Afghanistan đã phải trải qua cuộc chiến tranh kéo dài 17 năm với hàng loạt hậu quả nặng nề đối với trẻ em. Thống kê cho thấy 927 trẻ em đã bị giết hại vào năm 2018, con số lớn nhất từng được ghi nhận, theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) công bố mới đây.


Các nhân viên viện trợ cho biết họ phải chứng kiến ngày càng nhiều trẻ em Afghanistan trở thành trẻ mồ côi, bị buôn bán, bị hiếp dâm hoặc buộc phải ra đường kiếm sống.  Adele Khodr, đại diện cho Qũy Nhi đồng LHQ (UNICEF), ở Afghanistan, cho rằng "hy vọng từng tồn tại ở quốc gia này giờ đã không còn nữa". 

Aschiana, tổ chức từ thiện dạy học miễn phí cho trẻ em ăn xin và bán hàng trên đường phố Kabul, cho biết, nhóm trẻ em thuộc diện cần hỗ trợ có nguy cơ tăng mạnh trong những năm gần đây khi tổ chức Hồi giáo Taliban chiếm được nhiều vùng lãnh thổ trên cả nước.

Bị gạt sang một bên

Chiến tranh buộc gia đình anh Mohammad Khan, dân làng từ tỉnh Sar-e-pul, phía bắc Afghanistan, phải chuyển đến tỉnh Balkh vào năm 2018, họ nhanh chóng rơi vào cảnh túng quẫn hơn. Vợ anh Khan bị bệnh nặng, còn anh không thể tìm được việc làm và phải vật lộn để nuôi 7 đứa con. Vì vậy, vào tháng 1-2019, Khan đã bán đứa con mới chỉ 40 ngày tuổi cho một người hàng xóm. "Tôi đã bán con cho anh ta với giá 70.000 đồng Afghani (920 USD) để những đứa con còn lại của tôi không chết đói", anh nói với Reuters.

Kỹ sư Mohammad Yousef, Giám đốc tổ chức Aschiana, cho biết đã không thể giúp đỡ nhiều trẻ em hơn do nguồn kinh phí tài trợ giảm. "Trẻ em không thuộc nhóm chính trị nào, vì lý do này, chúng bị gạt sang một bên ở Afghanistan. Trẻ em không có sức mạnh", ông nói.  

Cậu bé Zabiullah Mujahed, 12 tuổi, tham gia lớp học vẽ tại Aschiana và hy vọng trở thành họa sĩ. Ban ngày, cậu tranh thủ thời gian đi đánh giày trên  đường phố Kabul để kiếm khoảng 100 đồng Afghani mỗi ngày. Số tiền này rất quan trọng để nuôi sống bản thân, mẹ và sáu anh chị em của Mujahed. Cha cậu bé bị giết trong vụ tấn công liều chết do Taliban thực hiện bốn năm trước. 

"Cháu rất lo lắng về việc khi nào mới có hòa bình và tương lai của cháu sẽ ra sao. Nếu cháu không làm việc, mẹ và các anh chị em cháu sẽ phải chịu đói", cậu bé nói với Reuters.

Nhiều trẻ Afghanistan bị đói rét hoành hành.

Chiếm 1/3 tổng số thương vong

Theo báo cáo khái quát về diễn biến an ninh và chính trị ở Afghanistan giai đoạn 2015-2018 được (LHQ vừa công bố, tình hình an ninh xấu đi trên toàn Afghanistan trong giai đoạn này đã dẫn tới 14.000 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em ở nước này. 

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết gần 12.600 trẻ em được xác minh đã bị thiệt mạng hoặc bị thương trong giai đoạn 2015-2018, chiếm gần 1/3 trong tổng số thương vong ở dân thường. Con số thương vong ở trẻ trong giai đoạn này đã tăng 82% so với giai đoạn 4 năm trước đó (2011-2014) do giao tranh trên bộ, bom mìn còn sót lại và các vụ không kích.   

Tổng thư ký cho biết ông đặc biệt lo ngại về số trẻ em bị thương vong do các cuộc không kích của Chính phủ Afghanistan và các lực lượng ủng hộ, thực hiện. Cụ thể, số thương vong ở trẻ em Afghanistan trong các vụ không kích đã tăng mạnh kể từ năm 2015 trái ngược với xu hướng giảm 4 năm trước đó, với 1.049 trẻ em bị thương vong, trong đó có 464 em thiệt mạng, chiếm 40% tổng số thương vong ở dân thường do các cuộc không kích gây ra. 

Ông Guterress cho biết các nhóm vũ trang chịu trách nhiệm gây ra 43% thương vong ở trẻ em (3.450 trẻ thiệt mạng và 9.149 trẻ bị thương). Taliban là thủ phạm gây ra phần lớn trường hợp thương vong ở trẻ em Afghanistan và con số do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra nhìn chung tăng trong giai đoạn 4 năm này. Các lực lượng của Chính phủ Afghanistan và lực lượng ủng hộ chịu trách nhiệm 30% thương vong ở trẻ em. 

Tổng thư ký LHQ cho biết cơ quan này cũng đã thẩm tra việc tuyển mộ và sử dụng 274 trẻ em của các nhóm vũ trang và lực lượng chính phủ, bạo lực tình dục đối với 13 bé trai và 4 bé gai, 467 vụ tấn công vào trường học và giáo viên. 

Theo ông Guterres, con số trẻ em bị tuyển mộ và sử dụng trong cuộc xung đột ở Afghanistan trên thực tế ước tính cao hơn nhiều, ví dụ, có cáo buộc đưa ra hồi năm 2016 rằng có hơn 3.000 trẻ em chủ yếu bị các nhóm vũ trang tuyển mộ. Tương tự như vậy, số vụ cưỡng bức và các kiểu bạo lực tình dục khác đối với trẻ em được cho là công bố thấp hơn so với con số thực tế bởi các nạn nhân không dám khai báo do lo sợ bị trả thù hoặc trừng phạt...

Ông Guterres nhấn mạnh nhìn chung trong giai đoạn 2015-2018, tình hình an ninh tại Afghanistan đã xấu đi so với 4 năm trước đó, nhất là sau khi các lực lượng quốc tế hồi năm 2014 tiến hành chuyển giao trách nhiệm an ninh cho Lực lượng An ninh và Phòng vệ quốc gia của Afghanistan. 

Ông cũng lên án tình trạng vi phạm nghiêm trọng đến mức báo động đối với trẻ em ở Afghanistan mà tất cả các bên ở nước này thực hiện, cũng như thực tế đau xót là trẻ em tiếp tục là nạn nhân phải "chịu đựng mũi dùi" của cuộc xung đột vũ trang ở nước này. 

Nguyễn Minh
.
.
.