Afghanistan có còn là "quốc gia ma túy" khi Mỹ rút quân?

Thứ Hai, 21/09/2020, 18:56
Afghanistan là quốc gia sản xuất và cung cấp khoảng 90% lượng ma túy trên toàn cầu để "xuất khẩu" sang châu Âu và vào Thổ Nhĩ Kỳ, Canada cùng một số quốc gia châu Á khác. Từ năm 2001 đến nay, sau khi quay lại Afghanistan nhằm diệt trừ khủng bố Taliban, Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và ma túy, Mỹ đã chi khoảng 10 tỷ USD và mất khoảng 2.500 binh sĩ nhằm triệt phá trồng, sản xuất ma túy nhưng kết cục vẫn là màu xám.


Đến nay, theo thỏa thuận giữa các bên, thời gian tới Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan. Như vậy, khi "vòng kim cô" được tháo bỏ liệu có là thời cơ để ngành sản xuất, kinh doanh ma túy bất hợp pháp tạo ra những bước nhảy để tiếp tục thu lợi nhuận kếch xù và giữ vững ngôi vị "quốc gia ma túy"?

Sức hút từ lợi nhuận khổng lồ

Một chuyên gia viện Iris của Pháp ước tính, lợi nhuận do thuốc phiện mang lại cho nền kinh tế Afghanistan khoảng 3,5 tỉ USD/năm; mang lại nguồn lợi gần 70 tỉ USD cho các tập đoàn kiểm soát việc sản xuất và buôn bán ma túy toàn cầu.

Ma túy của Afghanistan đã khiến cho đất nước này luôn trong tình trạng cực kỳ bất ổn. Taliban là chủ thể thúc đẩy sự phát triển của ma túy và kéo theo nhiều hoạt động bất ổn khác ở Afghanistan, trong đó có tệ tham nhũng và đấu đá phe nhóm.

Các lực lượng Mỹ và Afghanistan tiến hành triệt phá trồng cây thuốc phiện.

Theo BBC, hằng năm Taliban thu về ít nhất khoảng 200 triệu USD từ sản xuất, tiêu thụ ma túy bất hợp pháp. Heroin chính là nguyên nhân của nạn tham nhũng tràn lan, làm xói mòn xã hội Afghanistan. Theo luật pháp của quốc gia này, trồng cây thuốc phiện sẽ phải đối mặt với án tử hình. Thế nhưng trên thực tế, cảnh tượng những cánh đồng thuốc phiện nằm ngay bên cạnh quốc lộ không phải là hiếm ở Afghanistan.

Hiện nay Afghanistan có khoảng 350.000ha trồng cây thuốc phiện, nhiều hơn gấp hơn 4 lần so với trước khi quân Mỹ trở lại đất nước này vào năm 2001 (khoảng 74.000ha). Đất nước này có hàng trăm xưởng điều chế ma túy các loại nằm rải rác khắp nước, kể cả ở Kabul và cung cấp khoảng 400 tấn heroin "tinh khiết" mỗi năm. Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan John Sopko cho biết, cây thuốc phiện đem lại 1/3 GDP, tạo gần 600.000 việc làm cho người dân nước này. Theo quân đội Mỹ, 90% lượng heroin trên thế giới được sản xuất từ cây thuốc phiện trồng tại Afghanistan. Heroin của Afghanistan chiếm 95% thị trường châu Âu, 90% thị trường Canada và 1% thị trường Mỹ.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc nhận định, những kẻ buôn bán ma túy có mối quan hệ cộng sinh với quân nổi dậy và các nhóm khủng bố như Taliban và al-Qaeda. Ở Afghanistan, thuốc phiện mua sự bảo vệ và trả tiền cho vũ khí và binh lính. Và ở đất nước này có những ông trùm hết sức nổi tiếng ở các thời kỳ khác nhau.

Tháng 7-2020, báo The New York Times của Mỹ đã chỉ đích danh trùm buôn lậu ma túy người Afghanistan có tên gọi là Rahmatullah Azizi nhưng lại không cho biết chi tiết về con người này. Tờ báo chỉ nêu trùm buôn lậu ma túy Azizi có liên quan đến một dự án xây dựng của lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu. "Tại một trong những ngôi nhà của người này ở Kabul, người ta tìm thấy gần nửa triệu USD tiền mặt".

Vài năm trước, em trai Tổng thống Afghanistan là Hamid Karzai từng bị cáo buộc tham gia buôn ma túy và đã bị Taliban thủ tiêu. Trước đó, lực lượng an ninh Afghanistan đã chặn một chiếc máy kéo chở nhiều khối bê tông và tìm thấy nhiều gói heroin được giấu trong ruột. Tuy nhiên, khi vụ việc được báo cáo lên trên thì Habibullah Jan, phụ trách lực lượng an ninh đã nhận được một cú điện thoại từ Ahmed Wali Karzai, em trai Tổng thống Hamid Karzai, yêu cầu phải thả cho chiếc xe và ma túy được đi tiếp. Hai năm sau, lực lượng chống ma túy của Mỹ và Afghanisan lại chặn tiếp một chiếc xe khác ở gần Kabul và tìm thấy hơn 40kg heroin được giấu trên xe. Các điều tra viên Mỹ báo cáo với cấp trên rằng họ thấy có mối liên hệ giữa lô ma túy này và một vệ sĩ của Wali Karzai. Người vệ sĩ được cho là đã đóng vai trò trung gian trong các thương vụ mờ ám của Wali Karzai.

Theo nhận định của các chuyên gia cao cấp của Mỹ và Nga, ở Afghanistan, các trùm buôn ma túy đã mua chuộc hàng trăm cảnh sát, thẩm phán và những quan chức cấp cao khác. Theo tờ Moscow Times dẫn lời ông Viktor Ivanov, lãnh đạo Cơ quan kiểm soát ma túy và chất gây nghiện của Nga cho hay, ít nhất 40 quan chức cấp cao của Afghanistan, bao gồm cả cấp bộ trưởng, có liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy.

Số người nghiện tăng nhanh

Đi cùng với sản xuất nhiều ma túy là tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng ở Afghanistan luôn chiếm tỷ lệ cao. Các chuyên gia Liên hợp quốc thống kê, Afghanistan có khoảng 3-5 triệu người nghiện ma túy trên khoảng 37 triệu người, trong đó tỷ lệ người nghiện sử dụng methamphetamine có thể lên đến 40%.

Theo các quan chức chống ma túy Afghanistan, các vụ bắt giữ methamphetamine đầu tiên được báo cáo ở tỉnh Helmand, phía Nam nước này vào năm 2008 chỉ là một lượng nhỏ vài gram. Nhưng trong 10 tháng của năm 2019, lực lượng phòng chống ma túy của Afghanistan đã thu giữ 935kg methamphetamine. Đến nay, xu thế chung của con nghiện ở  Afghanistan là không dùng thuốc phiện nữa mà thay vào đó là sử dụng methamphetamine.

Luôn vượt trên ngăn chặn

Sau khi đưa quân vào Afghanistan, Mỹ đã nhận ra thực tế rất nguy hiểm rằng, các nhóm khủng bố tồn tại và phát triển được là do có nguồn tài chính hết sức dồi dào dựa trên trồng và buôn bán ma túy bất hợp pháp. Mỹ quay sang dùng các chiến dịch quân sự để ngăn chặn trồng, sản xuất ma túy. Nhưng những chiến dịch oanh tạc tốn kém và cả những chiến dịch truy quét bằng lục quân dưới mặt đất của Mỹ đều không đem lại kết quả nào. Ma túy ở Afghanistan vẫn tồn tại dai dẳng và có thời điểm còn phát triển mạnh mẽ hơn.

Giữa năm 2008, Washington đưa hơn 40.000 quân Mỹ tới Afghanistan, tăng quân số lực lượng đồng minh lên 70.000 binh sĩ. Mỹ tung ra các nhóm chuyên gia sử dụng viện trợ phát triển để khuyến khích các nỗ lực nhằm ngăn chặn ma túy ở các tỉnh trồng nhiều cây thuốc phiện. Tuy nhiên, đến năm 2009, lực lượng Taliban gia tăng nhanh khiến Tổng thống Barack Obama buộc phải tăng quân lên tới 102.000 người. Ngày 13-2-2010, tại Marja, thị trấn ở Helmand, Mỹ đưa quân truy quét chiến binh Taliban và chiếm lĩnh, triệt phá các cánh đồng trồng thuốc phiện.

Năm 2017, trong chiến dịch "Jagged Knife", Không quân Mỹ đã điều động tiêm kích F-16, tiêm kích tàng hình F-22 Raptor và máy bay ném bom B-52 để không kích vào 10 xưởng điều chế ma túy của Taliban ở Afghanistan. Các chiến đấu cơ của Mỹ đã thực hiện 3 đợt không kích ở quận Kajaki, 4 ở Musa Qala và một ở Sangin, tỉnh Helmand. Nhưng kết quả là triệt phá đến đâu thì một thời gian sau lại mọc lên các cơ sở điều chế heroin.

Tuy nhiên, hành động của Mỹ chỉ như "đá ném ao bèo". Tướng Abdul Khalil Bakhtiar, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Afghanistan phụ trách lực lượng cảnh sát chống ma túy, từng phát biểu trên truyền thông vào cuối năm 2019: Quân nổi dậy đã lợi dụng 2 năm bất ổn gần đây để gia tăng số lượng các cơ sở điều chế ma túy và chuyển gần đến các cánh đồng trồng thuốc phiện hơn. Tướng Bakhtiar ước tính, nước này có khoảng 400-500 lò sản xuất ma túy, chủ yếu ở các vùng do Taliban kiểm soát hoặc giao tranh. Lực lượng chính phủ đã phá hủy hơn 100 cơ sở nhưng ông thừa nhận "chúng có thể xây dựng một cơ sở điều chế như thế chỉ trong một ngày".

Các lực lượng Mỹ và Afghanistan tiến hành triệt phá trồng cây thuốc phiện.

Từ lâu Taliban đã thu lợi nhuận khổng lồ bằng việc đánh thuế và đảm bảo an ninh cho người sản xuất và buôn lậu ma túy. Nhưng càng ngày, đội quân này càng trực tiếp nhúng tay vào mọi giai đoạn của công việc kinh doanh ma túy, thách thức một số tập đoàn buôn lậu ma túy lớn trong khu vực cũng như chính phủ. Một quan chức cấp cao của Afghanistan nói: "Với một chỉ huy Taliban mù chữ ở Helmand kiếm được 1 triệu USD/tháng như hiện nay, liệu ông ta sẽ có được gì nếu thỏa thuận hòa bình?".

Xóa bỏ cây thuốc phiện cũng là thách thức lớn với lực lượng an ninh Afghanistan. Ngay như khu vực Sarobi, chỉ cách Dinh Tổng thống ở Kabul chừng 80km, cơ quan chức năng phải điều người ở nơi khác đến vì lao động địa phương không chịu phá hủy những cánh đồng thuộc phiện. Nhưng đáng sợ nhất là bị Taliban gài bom; mỗi ngày họ phải rà bom khắp khu vực rồi mới dám đưa người đến phá cánh đồng thuốc phiện. Thế nên, việc Mỹ thất bại trong ngăn chặn trồng thuốc phiện và buôn bán heroin ở Afghanistan cũng chẳng có gì lạ.

Mạnh Thắng
.
.
.