Ai Cập và Nga đều bị khủng bố tấn công

Thứ Tư, 03/01/2018, 13:14
Nga và Ai Cập đều có các biện pháp tăng cường an ninh sau các vụ tấn công mà nghi phạm đều có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.


Cảnh sát Ai Cập đã tăng cường nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh xung quanh các nhà thờ trước lễ Giáng sinh Coptic sẽ diễn ra vào ngày 7-1 (theo lịch của Cơ đốc giáo chính thống).

Theo đó, triển khai nhiều nhân viên bên ngoài các địa điểm thờ phượng của Cơ đốc giáo và đặt máy dò kim loại tại một số nhà thờ lớn.

Việc này diễn ra sau khi IS nhận thực hiện vụ tấn công (nhưng không cung cấp bằng chứng) nhằm vào nhà thờ Mari Mina của cộng đồng người Cơ đốc giáo tại quận Helwan, phía Nam Thủ đô Cairo, khiến ít nhất 11 người chết và nhiều người khác bị thương (trong đó có 5 cảnh sát và nhân viên an ninh).Trong số những người chết kể trên có một cảnh sát. 

Hiện trường vụ tấn công tại nhà thờ Ai Cập hôm 29-12-2017.

Theo lời một nhân chứng, sỹ quan cảnh sát đã bị giết khi ông đang đóng cửa nhà thờ để ngăn chặn các tay súng tấn công. Bộ Nội vụ Ai Cập và các quan chức nhà thờ đã xác nhận thông tin này.

Một kẻ khủng bố sau khi bị thương đã bị cảnh sát bắt (một tên bị tiêu diệt tại hiện trường). Cảnh sát đã xác định nhân thân của tên này - hắn từng tiến hành một vài vụ tấn công trước đó. Vụ tấn công hôm 29-12-2017 một lần nữa cho thấy Ai Cập đang phải đối mặt với các mối đe dọa lớn về khủng bố.

Theo thông tin của cảnh sát, 2 tay súng với đai bom đi xe máy vượt qua hàng rào an ninh gần nhà thờ và nổ súng tấn công lực lượng cảnh sát và dân thường. Ngoài tên bị tiêu diệt, tên bị bắt mang theo súng trường tấn công, 150 viên đạn và một quả bom để đặt tại nhà thờ Mari Mina.

Trước khi tấn công nhà thờ Mari Mina, tên này đã xả súng vào một cửa hàng và làm 2 người chết. Theo thống kê, khoảng 10% trong tổng số 93 triệu người dân Ai Cập theo đạo Cơ đốc và các vụ tấn công nhằm vào cộng đồng này được cho là do chi nhánh của IS ở Ai Cập tiến hành.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã chia buồn với các gia đình nạn nhân, đồng thời yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn tại những khu vực nhạy cảm.

Còn người đứng đầu Nhà thờ Coptic, Giáo hoàng Tawadros II đã lãnh đạo việc tổ chức tang lễ cho các nạn nhân. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án vụ tấn công và chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân cùng chính phủ và người dân Ai Cập.

Theo giới truyền thông, ngoài chi nhánh của IS tại bán đảo Sinai, Ai Cập còn phải đối mặt với mối đe dọa đến từ 5-7 nhóm thánh chiến cực đoan. Mặc dù Ai Cập đã tăng cường an ninh, tuần tra và kiểm soát trên cả nước, nhất là bán đảo Sinai, nhưng nhiều vụ tấn công khủng bố vẫn diễn ra.

"Các cơ quan chức năng cần hành động quyết đoán và tiêu diệt ngay tại chỗ nếu các nghi can được vũ trang có hành vi chống cự", người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov dẫn tuyên bố của ông Putin và việc này diễn ra sau khi 14 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố tại Saint Petersburg hôm 27-12-2017.

Theo ông Putin, tất cả các nghi can có vũ trang tại Nga đều có thể bị tiêu diệt ngay tại chỗ, nếu chúng bất tuân mệnh lệnh của lực lượng thực thi pháp luật.

Theo giới truyền thông, chiều 27-12-2017, một quả bom tự chế đã được đặt bên trong tủ đồ tại cửa hàng Perekrestok, số 44 phố Kondratyevskiy Prospekt, quận Kalininsky, phía tây bắc Saint Petersburg. Vụ nổ có sức công phá 200gram TNT khi người dân đang tập trung ăn mừng năm mới.

Trước đó (tháng 4-2017), một vụ đánh bom liều chết xảy ra tại ga tàu điện ở Saint Petersburg đã khiến 16 người chết và hơn 50 người bị thương.

Nghi phạm khủng bố đánh bom tại siêu thị Nga hiện hình trong camera an ninh.

Tổng thống Putin coi đây là vụ đánh bom khủng bố và yêu cầu Cơ quan An ninh FSB, Bộ Nội vụ, Vệ binh quốc gia Nga, Bộ Tình trạng khẩn cấp tập trung lực lượng khẩn trương truy tìm hung thủ. Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Nga đã thành lập Ban chỉ đạo chung để điều tra và xử lý mọi việc liên quan đến vụ nổ này.

Ngày 30-12-2017, cảnh sát đã bắt đối tượng lên kế hoạch và tiến hành vụ đánh bom tại Saint Petersburg hôm 27-12-2017.

Tuy IS đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom, nhưng cơ quan chức năng coi đây chỉ là nỗ lực nhằm gây tiếng vang của tổ chức này sau những thất bại tại Iraq và Syria.

Tổng thống Putin cảnh báo, tình hình an ninh ở Nga sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu hàng nghìn công dân Nga từng chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Syria được phép về nước.

Và ông Putin vừa ký ban hành dự luật tăng cường các hình phạt đối với hoạt động tuyển mộ khủng bố, và việc này diễn ra trong bối cảnh xứ sở bạch dương đang phải đối mặt với những phần tử thánh chiến trở về từ Syria.

Theo đó, tăng hình phạt tối đa đối với hoạt động tuyển mộ và tài trợ khủng bố từ 10 năm tù giam lên chung thân. Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin cũng vừa nhấn mạnh tới vai trò của hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Thiện Lân
.
.
.