Ai có thể đánh cắp một quả bom hạt nhân Mỹ?

Chủ Nhật, 01/12/2019, 11:50
Gần đây, thế giới dồn sự chú ý cho hơn 50 quả bom hạt nhân Mỹ cất giữ tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria làm căng thẳng mối quan hệ với Mỹ, an ninh của những quả bom đã trở thành mối quan tâm.


Một quan chức cấp cao của Mỹ thậm chí lo ngại chúng có thể trở thành những "con tin" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Vậy, câu hỏi đặt ra là những vũ khí chết người này được Mỹ bảo vệ nghiêm ngặt đến mức nào và liệu có khả năng chúng bị đánh cắp hay tuồn ra bên ngoài?

Mối đe dọa bất ngờ

Không ai muốn tin Thổ Nhĩ Kỳ có thể giành quyền kiểm soát bom hạt nhân của Mỹ được lưu giữ tại nước này, và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay đã im lặng về chủ đề này. Nhưng kịch bản ác mộng đó được rất nhiều người nghĩ đến.

Một chiếc A-10 nằm trong nhà chứa máy bay tại Căn cứ Không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ

“Tôi không nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn không phải là không quân hay bất kỳ quân lực nào, sẽ cố gắng chiếm hay đe dọa số vũ khí đó. Tuy nhiên, các biện pháp an ninh ở Incirlik không được thiết kế để ngăn chặn người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khu vực của NATO”, Vipin Narang, một giáo sư trợ giảng Khoa học chính trị của Viện MIT, cho biết.

Một điều góp phần lớn vào sự an toàn của căn cứ hạt nhân là nó được xây dựng bên trong căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu họ đồng lõa hoặc trực tiếp tham gia vào một động thái hung hăng đối với số bom.

Vậy, lực lượng an ninh xung quanh kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở lãnh thổ nước ngoài trông ra sao? Vào năm 2016, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hành Sổ tay bảo mật vũ khí hạt nhân sửa đổi, phản ánh các biện pháp nâng cấp năm 2016 của NATO đối với những nơi giữ vũ khí hạt nhân.

“Một lực lượng an ninh có từ 15 nhân viên trở lên (trừ khi có quy định khác), được trang bị và vũ trang một cách thích hợp”, tài liệu được giải mật có bôi xóa cho biết. Lực lượng phản ứng đó sẽ chuyển sang hành động cụ thể khi các vũ khí hạt nhân bị đe dọa, điều đó có nghĩa là hàng chục lính canh có vũ trang sẽ xuất hiện ở hàng đầu cùng với đội quân an ninh thông thường. Một số trong những người phản ứng này sẽ bao gồm các chuyên gia như chuyên gia xử lý vật liệu nổ và kỹ sư chiến trường có thể đột nhập vào các khu vực kiên cố bị kẻ thù chiếm giữ.

Các cơ sở Incirlik đã được cải tiến an ninh, chẳng hạn lắp đặt hàng rào mới và thiết lập khu vực trống cách ly có bề ngang 30 feet (9,1m), "thiết kế để hỗ trợ phát hiện và quan sát kẻ đột nhập, không cho kẻ xâm nhập có chỗ để ẩn núp, tối đa hóa hiệu quả vũ khí của lực lượng an ninh và để giảm khả năng tấn công bất ngờ". Tập trung vào phòng thủ chống xâm nhập mặt đất là một phần của phức hợp mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng tôi biết chính xác có một vành đai mới xung quanh 21 trong số các hầm chứa bom thực sự", theo Sharon Squassoni, một giáo sư của Đại học George Washington, cựu quan chức Bộ Ngoại giao.


Bản đồ khu Căn cứ Không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có chứa bom hạt nhân Mỹ.

Các khu vực lưu trữ hạt nhân cũng được bảo vệ bởi các hệ thống phát hiện ranh giới, các cảm biến quét khu vực và cảnh báo lực lượng an ninh khi phát hiện bất thường. NATO cũng yêu cầu các hệ thống phát hiện xâm nhập phát hiện truy cập trái phép bên trong khu vực được bảo vệ. Một ví dụ về các hệ thống này có thể được tìm thấy tại các địa điểm phóng ICBM từ xa, nơi các vòm radar nhỏ quét các khu hầm. Các đội an ninh gần đó sẵn sàng phản ứng bất cứ khi nào sóng radar nhận thấy chuyển động.

Một loại phòng thủ cuối cùng được gọi là Facility Denial Subsystems. Những hệ thống này có thể khác nhau ở các hầm. Chúng có thể gây chết người hoặc không chết người, theo tài liệu của NATO. Được sử dụng dựa trên các công nghệ như laser, lò vi sóng, vũ khí hoạt động từ xa, nhiều loại đạn phóng khác nhau hoặc các công nghệ khác sẽ ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa những kẻ xâm nhập trước khi họ xâm nhập trái phép. Lớp bảo vệ cuối cùng là chính các đơn vị Hệ thống Bảo mật và Lưu trữ vũ khí, nơi các quả bom hạt nhân được đặt chìm.

Tuy nhiên, tất cả các lớp bảo vệ chỉ có thể gây khó khăn cho người bên ngoài. "Việc tiếp cận nó là không khó đối với các quân nhân", giáo sư Narang nói. "Nó rất khó đối với một tổ chức khủng bố, một đội biệt kích hoặc bất cứ ai, nhưng một người thuộc quân đội nhà nước có thể làm điều đó".

Không có lối thoát?

Với tất cả những khúc mắc về những quả bom hạt nhân này, nhiều người đặt câu hỏi tại sao không mang chúng ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Phần thuộc về NATO trong căn cứ không quân tại Incirlik được bao quanh bởi một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc di chuyển 50 quả bom đòi hỏi phải tháo dỡ các hệ thống an ninh và chuyển chúng sang đường bay dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, không có máy bay nào của Mỹ ở căn cứ đủ điều kiện để mang những quả bom, vì vậy một chiếc C-130 có khả năng hạt nhân sẽ phải đến để mang chúng.

Điều này hoàn toàn không thể tiến hành một cách lẳng lặng. "Bạn rất, rất phụ thuộc và rất dễ bị tổn thương với Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động này nếu bạn quyết định chuyển chúng ra ngoài", Narang nói. Ngay cả khi người Mỹ đã thành công trong việc lén đưa các vũ khí hạt nhân ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, thì hành động này có thể là một cú tát ngoại giao vào mặt khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị đẩy khỏi NATO.

Một vấn đề khác, nếu tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ xấu đến mức Mỹ cần phải di dời 50 quả bom, thì có thể quá mất an toàn để loại bỏ chúng khỏi cái "kén an ninh" hiện tại của chúng. "Có những rủi ro khi bạn di chuyển mọi thứ", Narang nói. "Tại thời điểm này, chúng thực sự có thể an toàn hơn khi ở trong các hầm. Mỹ giống như đang bị kẹt giữa một tảng đá và một vách cứng. Chúng ta nên chuyển chúng ra từ lâu, nhưng di chuyển chúng bây giờ có lẽ nguy hiểm hơn là giữ yên chúng trong hầm".

Những người khác cho rằng đã đến lúc để đưa chúng ra khỏi khu vực, bất kể quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có khó xử thế nào. "Cho dù vũ khí có ở đó hay không sẽ không làm cho mối quan hệ của hai bên tốt hơn", Squassoni nói. "Việc mang chúng đi có thể làm quan hệ tồi tệ hơn? Tôi tin rằng các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đáng trách hơn trong việc làm xấu đi mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ".

Nhưng dù sao, những vũ khí hạt nhân ở Incirlik vẫn ở trên bàn như những con cờ thương lượng trong một trò chơi địa chính trị nguy hiểm giữa các cường quốc khu vực và toàn cầu.

Bảo Anh
.
.
.