Ai đứng sau các vụ bắt cóc con tin tại Mali?

Chủ Nhật, 25/06/2017, 10:34
Tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ sát hại các con tin, trong đó có những người làm việc cho phái bộ của Liên minh châu Âu (EU) của tổ chức tự xưng "Nhóm hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo" càng khiến cho cuộc chiến chống khủng bố tại Mali thêm phần phức tạp.


Bởi trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội hôm 19-6, "Nhóm hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo" cho biết, các tay súng của chúng đã tiến hành vụ tấn công nhằm vào khu nghỉ dưỡng sang trọng Kangaba Le Campement gần thủ đô Bamako của Mali, khiến ít nhất 5 người chết và nhiều người bị thương.

Theo kết quả điều tra ban đầu, "Nhóm hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo" có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Được biết, "Nhóm hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo" là sự hợp nhất của 3 nhóm thánh chiến hoạt động tại khu vực Sahel (sáp nhập hồi tháng 3 vừa qua) và do thủ lĩnh nhóm thánh chiến Ansar Dine tại Mali Iyad Ag Ghali cầm đầu.

Binh sỹ Mali chống lại khủng bố.

Bộ trưởng An ninh Salif Traore cho biết, 4 kẻ tấn công bị tiêu diệt tại hiện trường, và 5 tay súng bị bắt còn 36 con tin đã được giải cứu. Theo ông Salif Traore, một trong những tên khủng bố đã bỏ trốn sau khi bị thương. Tên này bỏ lại một khẩu súng và các chai thủy tinh có chứa chất gây nổ.

Còn theo người phát ngôn Bộ An ninh Baba Cisse, có ít nhất 2 người đã chết, trong đó có 1 công dân người Gabon gốc Pháp, và 2 người bị thương gồm 1 cảnh sát và 1 dân thường. Và hiện cơ quan chức năng Mali vẫn chưa xác nhận tuyên bố của "Nhóm hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo".

Theo giới truyền thông, chiều 18-6, các tay súng đã tấn công khu nghỉ dưỡng Kangaba Le Campement gần khu vực Dougourakoro, phía Đông Thủ đô Bamako, nơi du khách nước ngoài thường xuyên lui tới vào cuối tuần.

Và khi các tay súng đột nhập vào khu nghỉ dưỡng Kangaba Le Campement, chúng đã hét lớn: ''Thánh Ala vĩ đại''. Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, lực lượng cảnh sát và an ninh Mali, cùng các phương tiện của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và xe bọc thép quân sự của Pháp đã bao vây khu nghỉ dưỡng Kangaba Le Campement.

Trực thăng cũng đã được triển khai xung quanh khu vực kể trên. Cùng ngày 19-6, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini xác nhận, 2 nhân viên EU đã chết trong vụ tấn công kể trên.

Điều đáng nói là vụ tấn công diễn ra sau cảnh báo hồi thượng tuần tháng 6 của Đại sứ quán Mỹ tại Mali - nguy cơ xảy ra tấn công ngày càng tăng nhằm vào các phái bộ ngoại giao phương Tây, các địa điểm tôn giáo, những nơi người phương Tây hay lui tới tại Bamako.

Trước đó (sáng 17-6), các tay súng thánh chiến đã tấn công một căn cứ quân sự tại Bintagoungou, miền Bắc Mali khiến 2 binh sỹ thiệt mạng và nhiều người bị bắt cóc.

Đầu tháng 6, miền Bắc Mali liên tiếp phải hứng chịu các vụ tấn công của các tay súng thánh chiến sau khi có 3 binh sỹ thuộc Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) thiệt mạng trong một vụ tấn công gần căn cứ của lực lượng này tại thị trấn Kidal.

"Nhóm hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo" đã nhận là thủ phạm vụ tấn công này. Mấy ngày trước (16-6), Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Dio đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sớm thông qua nghị quyết ủng hộ việc thành lập lực lượng đặc nhiệm tại khu vực Sahel của châu Phi, nhằm chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tăng cường tiến hành những hoạt động khủng bố và buôn bán ma túy trong khu vực này. Theo hãng BBC, Mali đang phải đối phó với các phần tử cực đoan, trong đó có các tay súng của IS.

Gần 2 năm trước (20-11-2015), Bộ trưởng An ninh Salif Traore từng cho biết, lực lượng an ninh và cảnh sát đang truy lùng ít nhất 3 kẻ tình nghi có liên quan đến vụ bắt cóc con tin tại khách sạn Radisson Blu. Và cuộc khủng hoảng con tin ở khách sạn Radisson Blue tại Thủ đô Bamako tuy đã kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời.

Khi đó, Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita cho biết, trong số 21 người thiệt mạng (gồm 2 tay súng) có ông Geoffrey Dieudonne, thành viên nghị viện ở vùng Wallonia, Bỉ. Ông Ibrahim Boubacar Keita còn nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc phải nâng cao cảnh giác đối với chủ nghĩa khủng bố sau vụ bắt cóc con tin tại khách sạn Radisson Blu.

Vụ tấn công xảy ra sau khi các tay súng tiến vào khách sạn Radisson Blu bằng chiếc xe mang biển số ngoại giao. Và chúng đã bắt khoảng 170 người trong khách sạn làm con tin. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố, nhóm phiến quân al-Murabitoun có liên hệ với Al-Qaeda (nhận trách nhiệm về vụ khủng bố) là nghi can lớn nhất, và tay súng người Algeria Mokhtar Belmokhtar có khả năng đứng sau vụ tấn công khách sạn Radisson Blu, nhưng nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc kể trên vẫn được giới chuyên môn đặt ra.

Anh Phương
.
.
.